Đại Kỷ Nguyên

Cảm âm khúc cổ cầm ‘Hoa đỗ quyên’: Câu chuyện xúc động về tình nghĩa vợ chồng ‘phu thê chi ân’

Ân nghĩa vợ chồng luôn là vẻ đẹp truyền thống trong lối sống của người phương Đông. Có một loài hoa mang theo truyền thuyết về tình cảm cao đẹp ấy, đó chính là hoa Đỗ Quyên. Và cũng có một bản nhạc mang theo giai điệu khắc khoải đợi mong, mang theo hi vọng và tình nghĩa vợ chồng. Bản nhạc ca ngợi ân sâu nghĩa nặng, tình cảm thủy chung son sắt đẹp đẽ.

Hoa Đỗ Quyên có nhiều tên gọi khác nhau như Báo xuân hoa, thanh minh hoa, ánh sơn hồng, sơn thạch lựu, mãn sơn hồng,…

Ở Việt Nam nó được gọi là Hoàng quyên (màu vàng), bạch quyên (màu trắng), hồng quyên (màu hồng), tử quyên (màu đỏ tía).

Hoa Đỗ Quyên mang vẻ đẹp nhẹ nhàng dịu dàng đằm thắm. Truyền thuyết về nó là một câu chuyện đầy cảm động.

Ngày 1 tháng 10 năm 1974 một bản nhạc có tựa đề Hoa Đỗ Quyên được phát hành làm nhạc nền cho bộ phim: Ngôi sao đỏ. Nhạc khúc được biểu diễn bởi Đặng Ngọc Hoa, do Lục Trụ Quốc soạn lời, Phó Canh Thần phổ nhạc.

Một phiên bản khác của bản nhạc này được hòa tấu giữa cổ cầm, sáo. Nhạc khúc là sự mô tả chân thật nhất sâu sắc nhất mà không một ca từ nào có thể lột tả được trọn vẹn.

(Ảnh: Pinterest)

Nỗi khắc khoải đợi chờ của người vợ và tiếng gọi thiết tha mà người chồng cất lên gọi vợ trong không gian xa thẳm

Truyền thuyết kể rằng ở một vùng sơn cước có cặp vợ chồng nghèo nhưng sống rất mực yêu thương tôn trọng nhau. Người chồng ngày ngày vào rừng săn bắn và đốn củi. Cuộc sống của họ đạm bạc nhưng vô cùng hạnh phúc.

Một ngày người chồng đi vào rừng như thường lệ. Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày, một tháng, hai tháng, rồi ba tháng vẫn không thấy về. Người vợ ở nhà khắc khoải đợi mong, ra ngóng vào trông mà chẳng thấy bóng dáng của chồng.

Tới một hôm, người vợ quyết định đi vào rừng sâu tìm chồng, nàng đi, đi mãi, đi mãi, nàng gọi tên chồng trong nỗi thống thiết, nhưng đâu đó chỉ là tiếng vang vọng của núi rừng đáp trả. Nàng vẫn cứ đi và gọi tên chồng cho tới khi không còn đủ sức và gục ngã mà chết đi bên tảng đá ven đường. Không lâu sau cạnh đó mọc lên một cây mà hoa của nó vô cùng đẹp đẽ, vẻ đẹp và hương sắc nhẹ nhàng dịu dàng.

Linh hồn nàng sau khi chết được hỏi vì sao lại chết, nàng bèn kể rằng nàng đi tìm chồng. Vị Thần đó cảm động và đặt tên cho loài hoa ấy tên Đỗ, và cũng cách đọc gần giống với chữ ‘đợi’.

Ngay sáng người vợ lên đường vào rừng sâu tìm chồng thì buổi chiều người chồng về nhà, được biết vợ đã đi tìm mình. Người chồng vội vã lên đường tìm vợ. Anh cứ đi, cứ đi, một ngày rồi hai ngày đi mãi tới khi không thể bước tiếp nữa, anh cũng gục ngã và chết đi đúng chỗ mà người vợ đã chết. Không lâu sau ở đó hóa ra một con chim, con chim ấy hót tiếng hót thống thiết thê lương nhưng lúc nào cũng một mình lẻ bóng. Khi linh hồn anh được hỏi vì sao mà chết, anh ấy trả lời rằng anh ấy đi tìm vợ của mình. Thần linh cảm động và đặt tên loài chim ấy là Quyên, cũng đọc gần giống với từ ‘quên’.

Người đời trân trọng và ghi nhớ câu chuyện về tình nghĩa vợ chồng của họ, mà gọi loài hoa ấy là Đỗ Quyên.

Người vợ đi tìm chồng sau bao ngày tháng khắc khoải đợi mong… (Ảnh: Pinterest.com)

Trầm lắng, tĩnh tâm nghe bản nhạc mà ngẫm nghĩ tới đạo vợ chồng sâu nặng

Nhạc khúc Hoa Đỗ Quyên là sự phối âm của cổ cầm và sáo như âm thanh tiếng gọi của hai vợ chồng trong thăm thẳm núi rừng. Người nghe có thể cảm nhận được sự khắc khoải và tiếng gọi văng vẳng vang xa trong vô vọng của phu thê lạc nhau cùng tìm tiếng gọi trở về.

Giai điệu buồn tha thiết, âm hưởng như sự đơn độc cô đơn xen lẫn sự tuyệt vọng khi cuộc tìm kiếm phu thê chẳng đặng.

Từng nốt nhạc là nỗi buồn sầu thẳm, người ta như nghe được bước chân của người chồng hay người vợ chậm chãi bước từng bước cuối cùng với hi vọng tìm lại được một nửa hạnh phúc của mình. Nhưng cuối cùng họ vẫn chẳng thấy nhau.

Nếu như Đỗ Quyên là loài hoa tôn vinh cho sự thủy chung và giữ tròn đạo vợ nghĩa chồng thì bản nhạc mang tên của nó cũng mang theo giai điệu sâu sắc thiết tha. Lắng nghe Hoa Đỗ Quyên, người ta lại thêm chút suy tư về ân nghĩa vợ chồng.

Ngày nay cuộc sống hôn nhân do con người tự do định đoạt, cuộc sống hôn nhân được định nghĩa rằng nó được vun đắp từ tình yêu, nhưng tại sao ngày càng nhiều cảnh li tán do đổ vỡ của hôn nhân? Phải chăng tình yêu đó đã nhạt phai theo năm tháng? Hay cái sợi dây tình ấy dễ dàng bị thay thế bởi một cái tình khác, đôi khi nó chẳng đủ mạnh để níu chân cơn ‘‘say nắng’’.

Thiết nghĩ thủa xưa hôn nhân chẳng được tự do lựa chọn, nhưng ông bà ta lại trọn vẹn sống tới bạc đầu. Tại sao lại như vậy? Phải chăng cái tình không phải là gốc rễ thâm sâu cho sự bền vững của một gia đình.

Hôm nay còn yêu thương thì ngọt ngào êm ấm, hết yêu thương thì phụ bạc đắng cay. Nếu hôn nhân được bồi đắp và cho rằng tình yêu có thể gắn bó cuộc hôn nhân bền vững thì có lẽ nó chưa đủ. Giữa vợ chồng còn tồn tại cái gọi là nghĩa, nhưng sâu sắc hơn nó còn là cái ân. Phật gia giảng: phu thê chi ân.

Vợ chồng vì ân vì nghĩa mà sống với nhau, người chồng mang ân với vợ vì cô ấy đã vất vả và hi sinh cho mình, cho con mình mà chịu đủ thứ lam lũ về thân xác để vun đắp cho gia đình, có khi sự lam lũ ấy đã lấy đi dung nhan một thời làm ta say đắm. Từ đó mà thêm yêu thương và hiểu hơn cho vợ, biết tôn trọng và nâng niu vợ, có lẽ người vợ có phần bội phục chồng.

Giữa vợ chồng còn tồn tại cái gọi là nghĩa, nhưng sâu sắc hơn nó còn là cái ân. (Ảnh: WordPress.com)

Và nếu người vợ cũng vì cái ân mà suy nghĩ cho chồng, biết thương hơn, cảm thông hơn để rồi mở rộng tấm lòng bao dung với chồng. Có lẽ rằng người chồng sẽ cảm thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh từ hậu phương mà xua tan đi nỗi vất vả đang gánh vác trên vai.

Từ đây khiến ta đặt câu hỏi, phải chăng ân nghĩa mới là cái gốc thâm sâu cho sự bền vững của một cuộc hôn nhân. Và phần nào đó lí giải cho chúng ta thấy nguyên do cho câu hỏi tại sao ngày nay, khi trai gái được tự do yêu đương và lựa chọn, thì hôn nhân ấy lại mong manh dễ vỡ như vậy. Phải chăng sợi dây ân nghĩa ấy chưa được bện thật chặt, và con người ta nhanh chóng để tình phai nhạt che mất cả ân nghĩa vợ chồng.

Trở lại với nhạc khúc Hoa Đỗ Quyên, ta chợt nhận ra giá trị thực sự của phu thê chi ân để rồi một ngày nhìn ngắm bông hoa Đỗ Quyên rung rinh trong gió mà thấy rằng, cánh hoa tuy mỏng manh nhưng lại đủ sức mạnh trước phong ba bão táp của cuộc đời, vẫn cứ giữ mãi vẻ dịu dàng tinh khôi của tinh hương ân nghĩa thắm đượm như truyền thuyết về nó. Nó xứng đáng được tôn vinh là một loài hoa biểu tượng cho sự cao quý và ân nghĩa của tình cảm ân sâu phu thê.

Tịnh Tâm

Exit mobile version