Khổng tước đông nam phi là tên một bài nhạc phủ đời Hán. Một tác phẩm cổ có giá trị nghệ thuật thưởng thức cũng như giá trị nhân văn rất cao. Bản nhạc có lời thơ được đánh giá là một bài tự sự đỉnh cao nhất cả về nghệ thuật lẫn tư tưởng trong nhạc phủ đời Hán.
Khổng tước đông nam phi là một tác phẩm đầu tiên được thấy trong “Ngọc đài tân vịnh” do Từ Lăng người nước Trần ở Nam triều biên soạn.
“Nhạc phủ thi tập” xếp bài này vào “Tạp khúc ca từ”, đề là “Tiêu Trọng Khanh thê”. Hậu nhân thường dùng câu đầu làm đề nên còn gọi là Khổng tước đông nam phi
Là một tác phẩm ca ngợi về tình nghĩa vợ chồng, lòng sắt son chung thủy của cặp vợ chồng bị chia rẽ bởi chính sự hà khắc và cay nghiệt từ mẹ chồng.
Khổng tước đông nam phi là một áng thi ca với ngôn từ bình dị nhưng sâu sắc. Khi được diễn tấu, thì người nghe có thể cảm nhận được nỗi bi thương của cặp vợ chồng khi phải chịu cảnh li tán. Nhưng cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc nâng nâng khi họ được tái ngộ và cũng tưởng tượng được cảnh tượng đẹp khi đôi chim khổng tước ríu rít lời yêu thương.
Nỗi đau ê chề của người vợ trẻ đảm đang trước sự cay nghiệt của mẹ chồng tới lúc bị đuổi ra khỏi nhà
Tiêu Trọng Khanh là một quan phủ nhỏ của Lư Giang có vợ là Lưu thị. Lưu thị mặc dù sinh ra trong một gia đình trung lưu nhưng được giáo dục rất kĩ lưỡng:
“Thập tam năng chức tố,
Thập tứ học tài y,
Thập ngũ đàn không hầu,
Thập lục tụng Thi, Thư.
Thập thất vi quân phụ’’
Dịch thơ:
“Mười ba biết dệt lụa,
Mười bốn học cắt may.
Mười lăm gảy không hầu,
Mười sáu đọc Thi, Thư.
Mười bảy về làm vợ’’.
Lưu thị là một cô vợ đảm đang, nhất mực ngoan ngoãn với nhiều tài năng trong thêu dệt vải. Vốn cần cù chịu khó nên nàng làm việc gần như cả đêm.
‘‘Kê minh nhập cơ chức,
Dạ dạ bất đắc tức’’.
Dịch thơ:
‘‘Gà gáy vẫn dệt vải
Đêm đêm vẫn miệt mài’’
Sự vất vả của Lưu thị dường như chỉ trong câm lặng. Không một lời than vãn, vẫn chu toàn việc nhà, phụng dưỡng hầu hạ mẹ chồng không việc nào mà nàng từ chối.
Ấy vậy mà nàng lại chẳng được mẹ chồng yêu thương, sự cay nghiệt và soi xét nàng từ những điều vô cùng nhỏ khiến Lưu thị càng trở nên khổ cực.
Nàng than rằng:
Kê minh nhập cơ chức,
Dạ dạ bất đắc tức.
Tam nhật đoạn ngũ thất,
Đại nhân cố hiềm trì.
Phi vi chức tác trì,
Quân gia phụ nan vi.
Vọng bất kham khu sứ,
Đồ lưu vô sở thi.
Tiện khả bạch công mụ,
Cập thì tương khiển quy.”
Dịch thơ:
Gà gáy ngồi dệt vải,
Đêm đêm vẫn miệt mài.
Ba ngày năm thước lụa,
Mẹ trách chẳng nhanh tay.
Nào phải thiếp dệt chậm,
Dâu nhà chàng khó thay.
Thiếp không cam sai khiến,
Ở lại làm gì đây.
Tiện cớ thưa với mẹ,
Đuổi về, đành đi ngay.”
Sự cay đắng của nàng Lan Chi trong những tháng ngày làm dâu ê chề, chua xót. Đã không ưa thì nhìn gì cũng không thuận mắt. Lan Chi dẫu có gắng thật nhiều thì sự hài lòng của mẹ chồng nàng là điều xa xỉ. Bởi có nguyên nhân phía sau mà nàng nào đâu biết.
Hiểu được nỗi khổ của vợ, Trọng Khanh cũng biết vợ mình là người như thế nào nên đã lên tiếng can gián với mẹ. Là người đứng giữa chàng cũng trở nên khó xử. Chàng vẫn một mực cung kính, cúi lạy mẹ mà thưa:
“Nhi dĩ bạc lộc tướng,
Hạnh phục đắc thử phụ.
Kết phát đồng chẩm tịch,
Hoàng tuyền cộng vi hữu.
Cộng sự nhị tam niên,
Thuỷ nhĩ vị vi cửu.
Nữ hạnh vô thiên tà,
Hà ý trí bất hậu?”
Dịch thơ:
“Tướng của con ít lộc,
Có vợ hiền thật may.
Kết tóc cùng chăn gối,
Suối vàng chẳng chia tay.
Hai, ba năm chung sống,
Chưa thể nói là dài.
Phẩm hạnh không thiên lệch,
Sao đối xử bạc thay?”
Nhận được câu trả lời của mẹ và biết được thâm ý của mẹ hắt hủi Lan Chi là bởi vì muốn mình rũ bỏ nàng mà lấy vợ khác. Chàng thấy thương vợ mình mà một mực chối từ yêu cầu của mẹ, Trọng Khanh đã lập lời thề với mẹ: nếu buộc phải bỏ đi người vợ này, thì cả đời còn lại không lấy bất kì ai khác.
Trọng Khanh trọng nghĩa tình phu thê, một mực cảm thương vợ ở lại chi bằng bị đọa đầy mà khổ cực. Liền cùng vợ rời khỏi nhà mình. Trong lòng Lan Chi âu sầu nhục nhã, cùng ngồi trên xe ngựa mà khóc tủi cho phận mình.
Cuộc sống vất vả, đắng cay trăm bề của Lan Chi khi còn ở nhà chồng được tấu khúc bằng tiếng đàn cổ tranh mà sau này hậu nhân đã thực hiện bản concerto để mà bộc bạch. Tiếng đàn như tiếng khóc nỉ non đầy da diết. Nàng khóc cho sự oan ức phẫn uất, nàng khóc bởi sự vất vả cơ cực, và nàng khóc cũng bởi thương chồng.
Âm thanh của tiếng violin là tiếng lòng thổn thức, thì tiếng cổ tranh lại là từng nỗi đau ẩn chứa lúc cào xé, khi nỉ non.
Đó là mạch cảm xúc âm thanh mà người nghe có thể cảm nhận được ngay những phút đầu của bản nhạc.
Âm thanh từ kĩ thuật vê dây là sự bộc bạch chân thực nhất tiếng khóc ấm ức như nghẹn lại trước sự nhẫn chịu của Lan Chi, nhưng khi lại muốn bứt phá để có thể khóc cho thỏa lòng.
Đoạn tiếp theo của bản nhạc bộc lộ cảm xúc quyến luyến của cuộc chia ly đầy nước mắt. Vợ nhớ chồng, chồng thương vợ. Tiếng cổ tranh lại càng khắc khoải hơn, tan thương hơn khi cuộc chia ly ấy là điều mà cả hai chẳng ai mong muốn, chẳng biết bao giờ mới được gặp lại để chồng vợ tình nghĩa trùng phùng. Trọng Khanh lập lời thề giữ trọn tình trọn nghĩa với Lan Chi, dặn nàng hãy đợi chờ chàng. Nhất định sẽ có ngày chàng đến đón nàng trở về.
Lan Chi lập lời thề xin giữ trọn tình chung, nhất định cả cuộc đời này không lấy bất kì ai khác.
Tình nghĩa vợ chồng lúc này khiến cảnh chia li kia đậm nước mắt. Ai lỡ tạo cách trở cho đôi uyên ương phải chia lìa đôi ngả. Bản nhạc vẫn tiếp tục là những cung bậc của sự buồn đau.
TÌnh nghĩa vợ chồng và lời thề nguyện được gìn giữ
Âm thanh của tiếng violin cất lên bi thương chất chứa. Chồng tiễn biệt vợ mong mỏi ngày tái ngộ, vợ biệt chồng kì vọng tin yêu. Vợ tựa vai chồng mà lắng nghe lời thủ thỉ, chồng lập lời thề giữ trọn tình nghĩa phu thê. Rằng hãy đợi và tin nơi chàng để có ngày đoàn tụ.
Tiếng nhạc êm ái dịu dàng như thể cuộc chia li này không phải là li biệt. Người nghe cảm thấy nỗi lòng của Trọng Khanh khi nhìn bóng dáng thê tử khuất xa. Quyến luyến vấn vương đó là âm thanh của tiếng Violin chầm chậm.
Nàng Lan Chi trở về nhà đẻ, mang tâm tư hổ thẹn với gia đình. Tâm chưa kịp buông đi nỗi sầu thì được tin anh trai nàng ép nàng cưới một vị công tử dung mạo và tài hoa. Ngỡ tưởng rằng đây sẽ là mối nhân duyên đẹp.
Nhưng âm thanh trở nên dồn dập đó như tiếng lòng của Lan Chi, sự đổ vỡ trong tâm như kéo nàng ngã khụy, tin đó như sét đánh ngang tai. Bởi ta đã lập lời thề xin giữ trọn nghĩa tình với phu tử. Đến cuối đời sẽ không kết bái phu thê với bất kì ai.
Trọng lời thề mà muốn giữ lại danh tiết, nàng đã trầm mình xuống sông tự tử. Tiếng đàn lúc này bỗng dưng trở nên nhẹ nhàng bay bổng, có người nói rằng đó là sự giải thoát của nàng Lan Chi. Phân đoạn nhạc này mang âm thanh của sự bế tắc, cùng quẫn. Đâu đó là tâm trạng đan xen giằng co trong tâm Lan Chi.
Nghe tin vợ đã trầm mình thủ tiết, Trọng Khanh vội vã lao tới với tiếng khóc thương rung động trời xanh. Rồi nỗi đau kia như chẳng thể vơi đi, chàng một mạch chạy về nhà, dập đầu bái lạy mẹ già, nói lời từ biệt. Chàng lẳng lặng quay về phòng dùng chính dải lụa mà vợ mình dệt treo mình tự vẫn.
Người ta cảm thương cho câu chuyện của nghĩa tình vợ chồng cao đẹp của đôi uyên ương, nên chôn họ cạnh nhau. Bỗng nhiên từ khu mộ đó là tiếng chim riu rít của đôi Khổng tước quấn quýt chẳng dời xa.
Phân đoạn cuối của nhạc khúc miêu tả cảnh đoàn tụ của họ, quấn quýt đằm thắm. Cảnh tượng lãng mạn được thể hiện qua từng nốt nhạc. Giai điệu lúc này trở lên tươi sáng thăng hoa.
Nếu như từ đầu của bản nhạc, thì âm vực sâu thẳm, buồn làm chủ đạo, thì tới lúc này, âm thanh trở lên trong vắt, mang theo sự đồng điệu hòa quện đầy hạnh phúc. Đó chính là cảnh tượng của sự xum vầy đoàn tụ của cặp vợ chồng giữ trọn tình nghĩa phu thê đẹp đẽ.
Khổng tước đông nam phi là một tác phẩm nghệ thuật được ví là tiểu thuyết bằng thơ vô cùng độc đáo trong kho tàng nghệ thuật cổ xưa của người Trung Hoa. Bài nhạc phủ cổ xưa này không chỉ có giá trị nghệ thuật thưởng thức mà nó còn là một tác phẩm mang tính nhân văn cao đẹp, ca ngợi tình nghĩa vợ chồng, lòng chung thủy sắt son và giá trị cốt lõi của hạnh phúc gia đình trước những hà khắc, cay nghiệt ở xã hội thời đó.
(Bài viết có sử dụng nguồn thơ từ thivien.net)
Tịnh Tâm