‘Dục Thủy Ngâm’ là một ca khúc được sử dụng trong phim Tam Quốc Diễn Nghĩa. Bản nhạc buồn như tiếng khóc tang thương cho một mãnh tướng Điển Vi với sự trung thành khiến Tào Tháo phải rơi lệ. Tiếng đàn cũng ẩn chứa tiếng lòng thầm kín của một giai nhân giữa thời binh đao loạn lạc tìm kiếm cho mình một bờ vai chở che. Một lời ca nhưng ẩn chứa hai cung bậc hoàn toàn khác nhau của hai nhân vật…
Dục Thủy Ngâm do Vương Kiện viết lời, được thể hiện với giọng ca của Mao A Mẫn, một giọng ca với âm hưởng buồn như tiếng khóc thương của Tào Tháo dành cho vị tướng tài giỏi mà trung thành.
Tào Tháo đã từng nói: “Ta mất một con trưởng và một cháu yêu cũng không thương là mấy chỉ thương khóc Ðiển Vi mà thôi”.
Lời ca có thể hiểu như lời điếu tang thương cho một vị mãnh tướng
Tam quốc diễn nghĩa mô tả về trận chiến tại Uyển Thành:
“Năm 197, Tào Tháo đem quân đánh Trương Tú. Trương Tú sợ quân lực của Tào Tháo nên đầu hàng. Nhưng sau đó Tào Tháo lại tư thông với thím dâu của Trương Tú nên Trương Tú tức giận, muốn đánh Tào Tháo nên bàn với mưu sĩ là Giả Hủ và tướng là Hồ Xích Nhi. Hồ Xích Nhi bảo Tào Tháo có Điển Vi bảo vệ nên rất khó đánh, nên dùng kế ăn cắp đôi thiết kích của Vi. Thế là Trương Tú mời Điển Vi đến uống rượu cho say mèm rồi ăn cắp đôi thiết kích của Vi rồi đêm đó đốt lửa tấn công Tháo. Tào Tháo vội vàng bỏ chạy. Ðiển Vi say rượu đang ngủ, trong mơ màng chợt nghe tiếng ngựa và tiếng người reo hò, giật mình vùng dậy, sờ đến đôi thiết kích thì không thấy đâu cả lại nghe tin Trương tú kéo quân đến nên Vi vội vàng giật lấy cây kiếm của lính canh chạy ra ngoài thì thấy vô số quân mã, cầm chặt giáo dài đánh bừa vào trại.
Điển Vi lăn sả vào đám quân ấy, chém giết một lúc chết hơn vài chục người, quân mã ấy mới lui, lại có quân bộ kéo đến. Hai bên giáo mác tua tủa như ngọn lau, mình Vi không một mảnh giáp, trên dưới bị vài mươi nhát đâm nhưng Vi vẫn cứ lăn sả vào đánh. Gươm mẻ không dùng được, Vi bỏ gươm, hai tay chụp ngay lấy hai xác chết làm khí giới, quật chết một lúc chết tám chín người. Giặc thấy thế không dám đến gần, chỉ đứng đằng xa bắn tên lại. Tên bắn như mưa, Ðiển Vi vẫn liều chết giữ cửa trại, nhưng quân giặc đã kéo được vào cửa sau, Ðiển Vi lại bị một mũi giáo đâm trúng giữa lưng. Vi kêu to một tiếng, máu chảy đầy đất rồi chết. Ông chết được nửa giờ rồi mà vẫn không ai dám đi qua cửa trước.
Tào Tháo nhờ có Điển Vi chặn cửa trước nên thoát nạn chạy được về Hứa Đô nhưng mất người con trai trưởng và người cháu. Tào Tháo thương tiếc Vi vô cùng, sai lập đền thờ và bày bàn cúng tế rồi nói với các tướng rằng:”Ta mất một con trưởng và một cháu yêu, cũng không thương là mấy, chỉ thương khóc Ðiển Vi mà thôi”.
Có thể thấy rằng Điển Vi đích thị là một mãnh tướng kiệt xuất. Mặc dù bị trộm mất binh khí, với cây kiếm mẻ đã quật ngã được quân địch, đến khi kiếm chẳng dùng được thì vơ lấy hai cái xác mà làm binh khí. Thân mình không áo giáp, tay không binh khí đánh địch mà cũng khiến cho quân địch phải khiếp đảm. Điển Vi xả thân mà đánh, trấn giữ cửa để Tào Tháo có thể trốn thoát. Người mang đầy thương tích, nhưng máu có rơi, thân có đau đớn cũng một mạch đánh tới hơi thở cuối cùng, cho tới khi tay không thể nắm, chân không thể đứng lúc đó mà đổ xuống như cây lớn đổ sầm tung khói bụi.
Tào Tháo cảm động tới rơi lệ tiếc thương cho mãnh tướng uy phong mà trung thành của mình. Giọt nước mắt của Tào Tháo như tiếng đàn nỉ non đầy bi thương của góa phụ có tên Châu thị, kể về câu chuyện của Điển Vi:
Ngã bản phiêu linh nhân,
Bạc mạng lịch khổ tân.
Ly loạn đắc ngộ quân,
Cảm quân bình thuỷ ân.
Quân ái nhất thì hoan,
Phong yên tác lương thìn.
Hàm lệ vi quân thọ,
Tửu ngân yểm chinh trần.
Đăng hôn hôn,
Trướng thâm thâm,
Thiển thiển châm,
Đê đê ngâm,
Nhất sát hoan hân,
Nhất sát ôn hinh.
Thuỳ giải cầm trung ý?
Thuỳ liên ca trung nhân?
Dịch thơ
Ta vốn kẻ phiêu bồng
Bước rũi rong trôi dạt
Ly loạn gặp chúa công
Cảm Quân ân bèo nước.
Được Quân nhất thời chuộng
Ánh lửa điểm canh lành
Nén lệ vì Quân thọ
Vết rượu che phong trần
Lửa mịt mờ
Trướng thậm thâm
Cạn bầu rượu
Vọng trầm ngâm
Một thoáng hân hoan
Một thoáng ôn hòa
Ai hiểu ý trong tiếng đàn?
Ai thương người trong lời ca?
(Bản dịch của Hoa Sơn)
Nhưng tiếng đàn lời ca cũng còn là tâm tư thầm kín của Châu thị
Lắng nghe Dục Thủy Ngâm, khi ta lắng nghe ở tâm tư của Châu thị, thì lại thấy vẫn những lời ấy, ý ấy nhưng lại là tâm tư thầm kín của riêng nàng, thấy được nàng có khát vọng được yêu thương, được che chở, đặc biệt là đối phương chính là chí ở tứ hải, một đại anh hùng đầy kiêu hãnh như Tào Tháo.
Thiếp vốn người bạc mệnh
Lênh đênh kiếp khổ đau
Gặp chàng trong thời loạn
Cảm bèo nước ân sâu
Mừng được chàng yêu mến
Giữa khói lửa gươm đao
Nuốt lệ mời chén rượu
Mong vợi khuây nỗi sầu
Ánh đèn mở tỏ chướng màn thẳm sâu
Nâng bầu nhẹ rót khẽ ca mấy câu
Một thoáng thơm tho, một thoáng quên sầu
Ngày mai trên dục thủy, trong dư âm hồn đâu.
Châu thị buồn vì đâu? Nàng mãi chỉ là thân phận nữ nhi ôm mộng tìm bờ vai mà dựa. Nhưng mộng anh hùng bốn biển gầm trời, nàng sao có thể nào đi tới tận? Bởi lẽ đó mà tâm mang nặng nỗi sầu?
Châu thị mang theo bi kịch của vận mệnh nên tiếng đàn lời ca như tiếng lòng thảm thiết ẩn bên trong giai điệu là bi kịch của chính mình. Có lẽ đây là sự sâu sắc của Dục Thủy Ngâm.
Nàng Châu thị vẫn mặc nhiên đàn hát khi Tào Tháo đang tức giận mà muốn nàng hãy đi theo. Nhưng cái trạng thái chẳng màng lửa trận, chẳng sợ binh đao của người không sợ chết khiến người ta nhớ tới Điển Vi. Vậy nên nói Dục Thủy Ngâm là bản nhạc viết cho dòng lệ của lời tri ân tri ngộ. Tào Tháo rơi lệ khóc thương Điển Vi, thì Châu thị khóc thương cho chính cuộc đời mình khi biết tới ân nhân quá muộn để rồi vùi thân trong biển lửa.
Điển Vi chẳng màng sống chết mà trấn giữ cửa trại để chủ nhân có thể chạy thoát, thì mĩ nhân Châu đánh đàn mặc cái chết đang đến gần. Đều là tâm thái ung dung chẳng sợ chết. Bình thản tới kinh ngạc.
Dục Thủy Ngâm đúng là bài hát chấn động lòng người, âm hưởng và giai điệu trầm buồn tha thiết khiến người ta rơi lệ than tiếc khóc thương cố sự của anh hùng, nỗi lòng của giai nhân bạc mệnh.
Tịnh Tâm