‘Tam quốc diễn nghĩa’ là một bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng trong tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc. Tác phẩm được chuyển thể thành phim truyền hình thu hút rất nhiều khán giả qua các thế hệ. Ai đã yêu mến bộ phim Tam quốc diễn nghĩa hẳn không thể quên ca khúc Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông, nơi ghi dấu những tâm tư bi hùng của những hảo hán ghi danh sử sách.
Nếu như Hảo hán ca trong bộ phim Thủy Hử được ví như bản anh hùng ca viết cho những con người có tinh thần hào sảng, khí phách ngang tàng, chí lớn bốn phương của những anh hùng nơi bến nước, thì nhạc khúc Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông được sử dụng trong phim Tam quốc diễn nghĩa lại là nỗi lòng chứa đựng những tâm tư mang khí chất bi hùng của những hảo hán danh tiếng lẫy lừng ghi danh sử sách: Lưu Bị, Quan Vũ, Tào Tháo, Tôn Quyền, Gia Cát Lượng…
Với giọng hát trầm ấm, mang theo nội lực, Dương Hồng Cơ đã truyền tải được khí phách cũng như sức mạnh của những hảo hán trong vai diễn lịch sử của cuộc đời. Nhưng sâu thẳm tâm tư của họ lại là những trải lòng thầm kín mà có lẽ, nỗi lòng đó chỉ có ta với riêng ta mới thật sự thấu hiểu.
Vai diễn anh hùng hảo hán ai là người định đoạt?
Trong dòng chảy cuồn cuộn của cuộc đời, dòng chảy ấy được ví như dòng nước của con sông Trường Giang. Sóng lớn bạc đầu gập ghềnh như thác nước, phải chăng đây như thế cuộc của con tạo cuộc đời.
Nếu như ông trời tạo thế cuộc thì phải chăng anh hùng xuất sinh để thuận theo thiên ý? Chiến sự binh đao, thời cuộc rối ren, lịch sử như màn kịch đen tối… chính trong hoàn cảnh phức tạp đó lại xuất hiện anh hùng kì tài, người mang trong mình bản lĩnh trời ban.
Họ cũng có những sứ mệnh của cuộc đời. Như người anh hùng Nhạc Phi thời Tống, được xuất sinh để đặt định ra cho con người biết thế nào là Trung là Nghĩa. Hay những vị anh hùng hảo hán trong Tam quốc diễn nghĩa cũng là những con người sinh ra để thực hiện vai diễn to lớn trong lịch sử loài người. Họ khởi tạo cho hậu nhân về những gì là nghĩa khí tốt đẹp, đâu là bản lĩnh của quân tử. Những anh hùng ấy kiến tạo ra những giá trị phi thường di lưu lại trong lịch sử.
Người đời nhớ đến họ không chỉ bởi những chiến công vang dội, sự túc trí đa mưu, tài năng siêu phàm. Họ được nhớ tới bởi những phẩm chất đạo đức cốt lõi bên trong.
Họ sẽ đóng vai diễn như những người dẫn đầu của cơn cuồng phong mà quét sạch đi bụi trần gian. Bằng ý chí và sức mạnh, bằng cốt cách phi phàm họ làm những việc mà ở đời không phải ai cũng có thể làm, anh hùng trượng nghĩa, chí lớn bốn phương, sức mạnh vô địch thiên hạ.
Đâu là nguyên do những thành bại, được mất trong đời?
Trong giấc mộng anh hùng, thì ôm mộng lớn làm chủ một vùng trời, bá vương xưng hùng thì ai ai cũng ấp ủ. Nhưng thành bại, được mất dường như tài trí anh hùng, mưu trí tinh thông không thể thao túng được. Giỏi điều binh khiển tướng, sức mạnh địch nổi gió, ngang tàng đứng đầu ngọn sóng mà làm chủ nhưng lại không thể làm chủ được vận mệnh cuộc đời.
Bởi vậy mà họ đau đáu những trầm tư, để rồi đao buông xuống, ngoảnh đầu nhìn lại chỉ là không. Sau tất cả ta còn lại gì? Chẳng có gì khi ta từng nghĩ rằng làm anh hùng chí lớn nghiệp lớn, non sông đổi dời trong tầm tay. Đó mới là chí anh hùng. Ấy vậy mà: Sừng sững cơ đồ bỗng tay không?
Hào kiệt cũng như người làm dâu trăm họ, kẻ oán người thương, kẻ thù người trách. Thiên hạ là rộng lớn, danh kia cũng chẳng thể bao trùm, ngỡ tưởng rằng vì giang sơn mà hành nghiệp, thì giang san chưa kịp đổi dời quay lại tuổi đời đã xế chiều muộn.
Thành-bại, thi -phi, ân oán ở đời rồi cũng cuốn theo dòng nước, chẳng còn lại gì ta giữ lại cho riêng ta.
Nỗi lòng buồn bã của những anh hùng mà người đời khó có thể hiểu. Họ cần danh ư? hay họ cần lợi? hay là thể hiện bản sự tài năng lớn lao của bản thân? Hẳn không phải vì những điều đó, mà bởi sứ mệnh thiên định cho họ là vai kia phải đủ lớn, sức kia phải đủ mạnh, chí kia phải đủ bền để gánh vác trên vai trọng trách phó thác của lịch sử.
Hảo hán anh hùng cũng có những khát khao bình dị, được ung dung, tự tại tiêu diêu
Ngẫm lại những gì có được ở đời, bỗng chốc nhận ra đó chỉ là mây khói. Xưng hùng xưng bá cũng chỉ bởi cái uy danh. Ta thèm biết bao cảnh sống của ngư tiều, bạn với sông nước, vui với gió trăng. Sự đời ta chẳng bận tâm, ung dung tự tại cho đời thong dong.
Có nỗi lòng của người quân tử, khó dãi bày mà chia sẻ với ai. Lại tìm về ly rượu đạm bạc, cho thỏa vơi đi chút muộn sầu.
Ai bảo rằng anh hùng là uy danh hiển hách, là không biết những trắc ẩn trong tâm?
Họ có những suy tư của riêng mình, vai diễn kia là được định mệnh lựa chọn. Nhưng khát khao hơn bao giờ hết là anh hùng được thỏa chí liêu trai, được tiêu diêu tự tại giữa đất trời. Nhìn ngắm giang sơn thiên hạ bình yên, bốn bể phong ba chẳng nổi lên. Ấy chính là niềm vui của bậc hảo hán.
Giọng ca của Dương Hồng Cơ mang theo nỗi buồn suy tư man mác trong tâm can của những bậc hảo hán. Khi danh – lợi, được – mất chẳng màng, phía sau những oai nghi lừng lẫy ấy vẫn là những khát khao mong mỏi. Giọng hát mang theo khí phách và nỗi lòng ẩn dấu trong vai diễn hảo hảo trong màn kịch nhân sinh.
Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thịnh suy, thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không
Núi xanh nguyên vẹn cũ
Bao độ ánh chiều tà
Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi
Vốn đã quen gió mát trăng trong
Một vò rượu nếp vui bạn cũ
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng
Gạt bỏ những định kiến, chúng ta không thể chối bỏ về thành tựu trong văn học, nghệ thuật, âm nhạc của người Trung Hoa xưa…
Nếu như bộ phim Tam quốc diễn nghĩa thu hút hàng triệu con tim của khán giả, thì những ca khúc được sử dụng trong phim lại là một lời kể tóm tắt nhất những giá trị cốt lõi mà bộ phim chứa đựng.
Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông không chỉ đạt được sự thành công về ca từ mĩ diệu, âm thanh hùng tráng, mà hơn hết nó chứa đựng cả những đạo lí nhân sinh, hào khí và sự sâu lắng khiến người nghe rung động trong từng cung bậc cảm xúc.
Tịnh Tâm