Các nhạc sĩ phương Đông được cho là những người có đôi bàn tay vàng, có thể sáng tác ra những âm điệu hư hư thực thực, như những nhạc khúc trên thiên thượng lay động lòng người. Có những cao nhân tinh thông âm luật, khi đang diễn tấu, mỗi một nhịp phách như dòng nước chảy xiết, như gió xuân hóa mưa, làm cho hoa cỏ sinh sôi, phượng hoàng tới đậu, cũng có lúc như thiên quân vạn mã, làm cho núi đá tan vỡ, cây cỏ héo khô. Có người tinh thông ngũ hành, nghe âm thanh đoán được lòng người, thậm chí có thể thấy âm nhạc cứu người hay mê hoặc lòng người.
Đường Huyền Tông đánh trống Hạt, làm liễu rung gió thổi
Hoàng đế Đường Huyền Tông là một người đa tài đa nghệ, một vị đế vương đa năng và say mê âm nhạc. Ông là một người rất tinh thông nhạc luật, bất luận là sáo hay đàn, ông đều hiểu biết rất tinh xảo và có kỹ thuật hơn người. Nếu như muốn viết một bài hát, chỉ cần “tín thủ niêm lai” (hạ bút thành văn), không lập quy tắc, nhưng phải dài ngắn vừa phải, trong nháy mắt là thành. Tiện tay gảy đàn, đều ra được một tiết tấu phù hợp. Đến mức những hòa âm trong nhạc luật, nhịp điệu chính, phụ đều được ông sử dụng một cách điêu luyện, kỹ năng đạt tới đỉnh cao.
Đường Huyền Tông yêu thích nhất là trống Hạt, là một loại nhạc khí cổ đại của phương Đông. Những dân tộc cổ đại như Quy Từ, Cao Xương, Sơ Lặc, Thiên Trúc sử dụng rất nhiều loại nhạc cụ này. Âm thanh của trống Hạt là một âm thanh mạnh mẽ, như tiếng la lớn, thích hợp để biểu diễn những nhạc khúc có tiết tấu nhanh. Huyền Tông thường nói: “Trống Hạt là đầu quãng tám, các nhạc khí khác không thể so sánh được.”
Có một lần, vào buổi sáng sớm đầu tháng hai, cơn mưa đêm qua vừa chấm dứt, ánh sáng mặt trời bắt đầu hé lộ. Phong cảnh trong cung uyển minh lệ rực rỡ, một tiểu điện bên trong nội đình, cành liễu mới hé chồi non. Huyền Tông thấy cảnh sắc tươi sáng, trong tâm vui mừng sung sướng, khen ngợi một buổi sáng đẹp trời. Đại thái giám Cao Lực Sĩ hiểu lòng Huyền Tông, liền bảo người đem trống Hạt tới. Huyền Tông bảo người đặt trống Hạt trên bình đài thềm nhà trước điện. Ông liền gõ một khúc, được đặt tên là “Xuân Quang Hảo”, gõ đến mức “tâm hoa nộ phóng” (tâm tư khai mở)! Nhìn gần hơn về chồi liễu, đều vì tiếng trống của Huyền Tông mà dao động. Mọi người xung quanh đều hô: “Vạn tuế!”, Đường Huyền Tông lại phổ một khúc trống “Thu phong cao”. Đến mỗi thanh thu, mây trôi phiêu đãng, khúc này liền được tấu lên bởi Huyền Tông. Lúc này gió từ đằng xa xa thổi tới, cây cối lá hoa trong cung đình rối rít rơi xuống. Đây đúng là một cảnh tượng tuyệt diệu xuất thần nhập hóa!
Danh sáo Lý Mô trong đêm biểu diễn gặp phải cao nhân thần sáo
Lý Mô là người nắm vị trí cao nhất về thổi sáo trong giáo phòng (cơ qua quản lí âm nhạc thời xưa) triều đại nhà Đường, khi ấy không ai có thể vượt qua ông, có thể nói là đệ nhất thiên hạ. Vào một đêm trăng sắng vằng vặc huyền ảo, ông cùng vài vị khách ngồi trên thuyền du ngoạn trên sông, vừa thổi sáo vừa ngắm trăng. Lúc ấy trên sông có rất nhiều thuyền, tiếng người huyên náo, khi ấy Lý Mô thổi một tiếng sáo, khiến tiếng người huyên náo như trong chớp mắt bị cảm động, lập tức yên tĩnh phăng phắc. Đợi đến khi khúc sáo kết thúc, cả mặt sống yên tĩnh ấy bỗng có một cơn gió nhẹ rào rào thổi qua. Những thương khách trên thuyền chìm đắm trong sự du dương của âm thanh, phát ra những tiếng thán phục, trong lòng không kiềm chế được mà phải thốt ra lời.
Từ đó, Lý Mô danh tiếng lan xa. Một lần, vì lý do nào đó mà Lý Mô đến Việt Châu. Sau khi đến Việt Châu, những danh sĩ đạt quan tranh nhau mở tiệc mời ông, mong có thể được một lần nghe tiếng sáo huyền diệu. Người ta hẹn nhau mỗi người đến tiệc cần mang theo một vị khách. Trong đó có một vị tiến sĩ cũng tham gia dự tiệc, đến lúc tới nơi mới nhớ ra cần mang theo bạn đồng hành, vì không có thời gian để tìm người nên ông tiến sĩ đã mời một ông lão hàng xóm gần đó. Ông lão này sống ở cánh đồng hoang trong một thời gian dài, là một người đàn ông đơn độc. Ngày thứ hai, vị tiến sĩ vẫn đưa theo ông lão cô độc này đến dự tiệc. Khi tiệc rượu bắt đầu, khung cảnh rất phi thường, tất cả mọi người đều chờ đợi màn trình diễn của Lý Mô.
Lý Mô mang cây sáo ra chuẩn bị trình diễn, lúc này những con thuyền dần dần hiện lên giữa hồ, mây nhạt trăng mờ, gió nhẹ nhàng phe phẩy, gợn nước rạo rực. Đến khi bắt đầu cất tiếng, gió thổi trăng khai, sơn thủy minh tú, phảng phất như có quỷ thần hạ xuống! Trên thuyền quan khách than ôi không dứt, rối rít nói: “Đến cả thần nhạc cũng không có thần lực lớn đến vậy!” Riêng có ông lão cô độc là tuyệt nhiên không nói nửa lời. Người dự hội thấy thế mà giận dữ bất bình.
Sau một lúc, Lý Mô dừng lại sau khi thổi xong một khúc và lại tiếp tục thổi khúc nhạc tiếp theo. Điệu khúc càng ngày càng tuyệt diệu hơn, khách khứa không dấu nổi sự cảm phục, riêng ông lão cô độc vẫn không hề nói gì, khiến cho vị tiến sĩ đưa ông đi cùng phải thấy xấu hổ, hối hận. Bốn vị khách ngồi gần đó liên tục châm chọc ông lão, nhưng ông vẫn chỉ mỉm cười đáp lại. Lý Mô lúc này mới đến hỏi: “Vị lão trượng này sao ông không nói một lời nào, hay là ông không thực sự hiểu âm nhạc? Hay ông là một vị cao nhân đây?” Ông lão chậm rãi đáp lại: “Ngươi làm sao mà biết ta hiểu hay không hiểu âm nhạc chứ?“
Bốn vị khách nhìn thấy sự thay đổi nét mặt của Lý Mô, đều đứng dậy đến bên an ủi khuyên giải. Lúc này, ông lão cô độc mới nói: “Mời người thổi khúc “Lương Châu” được không?” Hết khúc, ông lão bình luận rằng: “Sáo của Lý công quả thực thổi không tồi. Nhưng tiếng sáo của ngươi bị pha trộn với nhạc khúc của dân tộc Địch, ngươi không phải là có bằng hữu ở Quy Từ sao?” Lý Mô bị sốc sau khi nghe xong, đứng lên tham bái ông lão mà nói: “Lão trượng đúng là kỳ nhân ngoại thần, thứ cho ta có mắt như mù. Thầy của ta đúng là người Quy Từ.” Ông lão còn nói thêm: “Trong khúc “Lương Châu”, ngươi đã thổi trùng điệu thứ 13, ngươi có biết không?” Lý Mô trả lời: “Lý Mô ngoan cố ngu độn, thực sự không phát hiện ra!“
Ông lão đưa tay với lấy cây sáo muốn thổi cho Lý Mô nghe một chút. Lý Mô liền giấu cây sáo quý của mình vào trong tay áo , rồi lấy một cây sáo khác đưa cho ông lão. Ông lão nhận lấy và nói: “Cây sáo này không thể sử dụng, chủ nhân của nó không phải là người tinh thông thổi sáo.” Lý Mô bèn đổi cho ông một cây sáo khác tốt hơn. Ông lão lại nói: “Cây sáo này nếu thổi đến nốt cao có thể bị vỡ nứt, ngươi có tiếc không?” Lý Mô nói: “Không tiếc“. Ông lão bắt đầu thổi, âm thanh đầu tiên vang lên đã như xuyên thấu qua những đám mây, khiến bốn vị ban đầu châm chọc ông phải choáng váng. Lý Mô đứng một cách cung kính không dám cử động. Thổi đến điệp thức 13, ông lão bèn dừng lại, giảng giải cho Lý Mô chỗ thổi sai ban nãy. Lý Mô từ đáy lòng bội phục, liên tục bái tạ. Khi ông lão thổi đến nốt cao nhất, quả nhiên cây sáo bỗng nhiên nứt vỡ, không thể thổi tiếp được nữa. Lý Mô lại một lần nữa bái tạ ông lão, các vị quan khách hoàn toàn bị thuyết phục.
Sáng hôm sau, Lý Mô cùng các vị tân khách cùng đi tìm bái kiến ông lão cô độc. Nhưng khi đến nơi ông ở thì chỉ còn cái túp lều trống không, ông lão đã mất tích không dấu vết. Sau đó người dân Việt Châu nghe được sự việc này, cũng rối rít muốn đến gặp, tìm kiếm ông lão ở khắp nơi, nhưng không ai biết ông đã đi nơi nào.
Sư Diên nhờ tấu nhạc ma mị mà thoát khỏi Âm Cung
Sư Diên là một nhạc công thời nhà Ân, có thể giải thích chính xác về âm thanh âm dương, thông hiểu tinh tượng chiếu mệnh (vị trí của ngôi sao), thiên văn nhật nguyệt. Ông giấu kín thân thế từ khi được sinh ra, và sống trường thọ, nên không ai biết ông từ triều đại nào tới. Tới thời Hiên Viên hoàng đế, Sư Diên là một quan viên về âm nhạc. Khi đó ông đã vài trăm tuổi. Khi đến thời Ân Thượng, toàn bộ chương nhạc của Tam Hoàng Ngũ Đế đều được ông biên soạn toàn diện. Kỹ xảo trình diễn của ông là xuất thần nhập hóa, đã đạt đến mức một tiếng gảy đàn đã khiến cho các vị thần phải đến lắng nghe. Ông cũng có thể đánh giá âm độ tăng giảm trong nhạc khúc mà biết trước về hưng vong suy thịnh của một quốc gia.
Vào cuối triều đại nhà Hạ, Sư Diên ôm nhạc cụ đến cậy nhờ Ân Thượng. Tuy nhiên khi ông đến đó là đúng vào thời Ân Trụ Vương, vị vua chìm đắm trong sắc dục, nên đã đem nhốt ông tại Âm Cung (nơi giam giữ các tù nhân). Sư Diên ở trong Âm Cung đã tấu lên khúc nhạc mà như điều động cả tù và, kèn trống, làm cho tên cai ngục của Trụ Vương khi nghe phải chán nản mà nói: “Những thứ âm nhạc này đều đã từ rất lâu rồi, không phải thứ mà chúng tôi thích nghe!” Thấy thế, Sư Diên lại tấu những âm phách ma mị, tà âm, dùng loại âm nhạc này để tiêu khiển trong đêm, khiến những tên cai ngục nghe mà thần hồn điên đảo, ông nhân cơ hội đó mà trốn ra được, thoát khỏi chốn lao tù.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch