Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện về nhà vua Croesus, hiền giả Solon và định mệnh qua các tác phẩm thời Phục Hưng

Bức "Croesus showing his treasures to Solon" từ những năm 30 của thế kỷ 17 (Họa sĩ: Gaspar van den Hoecke)

Câu chuyện về nhà vua Croesus, hiền giả Solon và định mệnh là một chủ đề rất được quan tâm thời Hy Lạp cổ. “Ai là người hạnh phúc nhất?” là câu hỏi mà người xem suy ngẫm mỗi khi chứng kiến những tác phẩm vẽ về các nhân vật này.

Câu chuyện về vua Croesus

Vua Croesus là một nhà vua quyền lực và giàu có của vương quốc Lydia. Một ngày nọ, nhà vua được hiền giả Hy Lạp Solon diện kiến. Croesus đã phô trương cuộc sống xa hoa của mình với Solon, rồi hỏi ông rằng: ai là người hạnh phúc nhất trên thế giới. Hiểu ý của nhà vua, Solon trả lời lại rằng ông đã chứng kiến ít nhất ba người hạnh phúc hơn Croesus. Đó là Tellus, một người lính chết trận vì đất nước. Đó là anh em Kleobis và Biton ra đi an lành trong lòng mẹ, sau khi làm tròn bổn phận của những người con.

Solon tiếp tục nói với Croesus rằng, nhà vua không nên đánh giá hạnh phúc của một người còn đang sống, vì không ai có thể biết trước được định mệnh. Cảm thấy bị xúc phạm trước những lời từ đáy lòng của Solon, Croesus đã đuổi ông đi. Tuy nhiên, nhà vua bắt đầu thật sự thấy được định mệnh, khi con trai ông bị chết trong một tai nạn. Nhưng đó chưa phải là tất cả…

Bức “Croesus and Solon” từ thế kỷ 18 (Họa sĩ: Johann Georg Platzer)

Cảm thấy không hài lòng với đế quốc Ba Tư hùng mạnh được cai trị bởi vua Cyrus, Croesus quyết định tổ chức một cuộc chiến tranh. Trước khi gây chiến, Croesus cầu xin lời tiên tri từ các vị thần. Ông nhận được lời sấm truyền rằng: Nếu đánh Ba Tư, nhà vua sẽ hủy hoại một đế quốc hùng mạnh. Vững tâm với câu trả lời đó, Croesus gây chiến với Ba Tư. Tuy nhiên, nhà vua xứ Lydia lại trở thành kẻ bại trận. Và đế quốc hùng mạnh mà ông hủy hoại lại chính là vương quốc của bản thân mình. Vợ ông, nàng Critias, đã tự sát sau khi kinh thành Sardis bại trận.

Bức “Croesus showing his treasures to Solon” từ những năm 30 của thế kỷ 17 (Họa sĩ: Gaspar van den Hoecke)

Sau khi chiếm được Lydia, nhà vua Ba Tư Cyrus muốn biết liệu Croesus có đáng phải chết không. Vì vậy, ông đã ra lệnh cho quân lính đưa Croesus lên giàn lửa. Khi nhìn thấy lửa bốc lên, kẻ bại trận mới chợt vỡ lẽ, và ngẩng mặt lên trời kêu ba tiếng: “Solon! Solon! Solon!” Thấy sự việc kỳ lạ, vua Cyrus tò mò tìm hiểu, và được nghe kể về cuộc nói chuyện với hiền giả Solon của Croesus. Nhà vua chợt thấy hình ảnh của mình bên trong kẻ bại trận, và vội vàng sai người dập lửa. Tuy nhiên lúc này, lửa đã cháy quá lớn.

Bức “Crésus et Solon” từ thế kỷ 17 (Họa sĩ: Claude Vignon)

Bấy giờ, Croesus chợt nhớ tới chư Thần, và cầu xin Thần Apollo giúp đỡ. Bầu trời vốn trong veo không một gợn gió ngay lập tức nổi mây đen cuồn cuộn, và một cơn mưa lớn đổ xuống dập tắt giàn lửa. Biết rằng các vị Thần không muốn nhìn thấy Croesus chết, vua Cyrus vui vẻ tha tội cho Croesus, và phong cho ông làm cố vấn thân cận của mình. Croesus đã tận tụy phục vụ Cyrus, và cả con trai Cyrus là Cambyses.

Bức “Solon and Croesus” từ thế kỷ 17 (Họa sĩ: Gerard van Honthorst)

Ai là người hạnh phúc nhất?

Câu chuyện về nhà vua Croesus, hiền giả Solon và định mệnh là một chủ đề rất được quan tâm thời Hy Lạp cổ. “Hạnh phúc của Croesus” đã trở thành một ẩn dụ về sự thất thường của nàng Tyche, vị nữ Thần mù cai quản vận may và thịnh vượng. Khi miêu tả câu chuyện này trong tranh vẽ, các họa sĩ Phục Hưng thường thể hiện hạnh phúc trong mắt nhà vua Croesus một cách tỉ mỉ. Đó là quyền lực quyết định sống chết của người dân, là tiền bạc trang sức ngập tràn, là dục vọng với những cung tần mỹ nữ, v.v. Có lẽ, họ muốn nói với người xem rằng, những hạnh phúc vật chất đó thật bấp bênh nếu con người không có một nội tâm thanh thản.

Quang Minh

Exit mobile version