Đại Kỷ Nguyên

Chàng sinh viên thử nghiệm cuộc sống du mục để tận hưởng những kiệt tác thiên nhiên

Eliott Schonfeld là một sinh viên 23 tuổi ở Sorbonne, anh rất thích thám hiểm, cảm giác anh từng nếm trải khi đi du lịch vài năm trước. Đó là năm 2011 khi anh bắt đầu tiến hành những khám phá đầu tiên. Giấc mơ của anh? Trở thành nhà thám hiểm để khám phá những nơi chưa có dấu chân người, đến những miền đất xa lạ, để được gần hơn với thiên nhiên. Hè năm ngoái, anh quyết định một mình đến Mông Cổ trong một hành trình hai ngàn cây số.

Ước muốn cuộc sống du mục

Trước chuyến đi đầu tiên, anh trải qua một mùa đông làm việc trong một khu nuôi chó kéo ở Vercors. Niềm đam mê những con vật đã đưa anh đến Úc, nơi anh trải qua sáu tháng trong các công viên quốc gia rộng lớn, mà phần lớn thời gian là ở Vườn Quốc gia Kakadu, không xa Darwin: “Đây là công viên quốc gia lớn nhất ở Úc, tôi đã quan sát hàng tuần cá sấu nước mặn, loài cá sấu lớn nhất thế giới”.

Khi quay về, niềm đam mê du lịch đã ngấm sâu trong người và anh không dấu diếm mong muốn lại được lên đường.

Hiện tại, song song với việc học hành, Eliott lên kế hoạch cho các chuyến phiêu lưu. Năm 2013, anh đến miền Bắc rộng lớn của Canada trong 8 tháng để huấn luyện chó kéo tại một khu rừng hẻo lánh hoang vu. Năm 2014, anh một mình đi xuyên Iceland, từ Nam lên Bắc. Mùa hè năm ngoái, anh bắt đầu phiêu lưu ở cuộc hành trình lớn nhất. Eliott quyết định đến Mông Cổ vì anh  biết ở đó có thể dễ dàng mua một con ngựa, nhưng cuộc sống du mục mới chính là điều hấp dẫn anh nhất ở đất nước mà chúng ta biết quá ít về nó.

Ở gần hơn với thiên nhiên

Khi hỏi Eliott tại sao lại chọn điểm đến này, anh trả lời: “Tôi luôn có đầy ý tưởng đi du lịch trong đầu. Một tài liệu, một bức ảnh, một phong cảnh, một con vật, một lời kể của du khách, đều khiến tôi nảy sinh được đến đất nước đó trong nhiều tuần. Tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu các bản đồ thế giới để cân nhắc các ý định của mình và đôi khi tôi thức cả đêm với Google Earth để tìm những nơi xa lạ và tưởng tượng những chuyến thám hiểm mà mình muốn thực hiện. Nhưng nói chung một ý tưởng trở nên rõ ràng và bắt đầu thành hình ngay trước một chuyến đi khác. Chẳng hạn, một tuần trước chuyến khám phá Iceland vào năm ngoái, tôi bắt đầu quan tâm đến Mông Cổ. Và ngay trước khi đi Mông Cổ, tôi đã quyết định đến Alaska trong năm nay để gặp những chú gấu xám”.

Nhưng đó là một câu chuyện khác, còn hiện giờ chúng ta quay trở lại dự án của Eliott, chàng trai trẻ này dự định đến Mông Cổ 3 tháng, cưỡi ngựa qua các thảo nguyên ở miền Bắc để gặp những người du mục trước khi một mình đi bộ 700 km qua sa mạc Gobi. Ngay sau sự tích đáng kinh ngạc này, anh cho chúng tôi một video về chuyến đi của mình, đảm bảo gây ấn tượng.

Hành trình trên lưng ngựa

Quyết định đi bằng ngựa không phải là  ngẫu nhiên. Theo Eliott, phương tiện này luôn là của những người thám hiểm vĩ đại, những người truyền cảm hứng cho anh, nhưng trên hết, là để tránh các phương tiện cơ giới chặn đường. Nhưng Eliott chưa bao giờ cưỡi ngựa, và đó là một cách tiếp cận trinh nguyên để trải nghiệm mọi thứ ràng buộc hai kẻ lữ hành, cho phép họ tập làm quen với nhau trong những tuần đầu tiên của cuộc phiêu lưu của họ.

Ở Mông Cổ, Eliott nói, ngựa không được đặt tên. Văn hoá nơi đây coi chúng như vật nuôi, họ đối xử với vật nuôi hoàn toàn khác biệt so với người châu Âu. Nhưng con ngựa của Eliott có một biệt danh: số 6, bởi vì đùi phải của nó được đánh dấu bằng con số này. “Tôi thường xuyên nói chuyện với nó, tôi đối xử với nó như một người bạn, ngoại trừ việc nó chẳng hiểu gì”. Ngày qua ngày, Eliott và số 6 cùng nhau rong ruổi trên thảo nguyên.

Cuộc gặp trên đường

Trong ba lô của anh sinh viên này, có một cái lều ngủ, một con dao, một la bàn, bản đồ, một máy ảnh, hai máy quay camera, một điện thoại vệ tinh, nhật ký du lịch và vài cuốn sách về các nhà thám hiểm.

Sau một tháng, nhân vật chính của chúng ta vượt qua các ngọn núi và thấy mình ở giữa hư không, nhiều ngày không nhìn thấy bất kỳ ai trên đường. Lúc đó Elliot cảm thấy cô đơn, nhất là khi  anh chỉ còn rất ít thức ăn, “Tôi hết thức ăn và hy vọng sẽ nhanh chóng gặp được những người du mục để lấy lại sức lực, và bớt cô đơn, chuyện trò với con ngựa cũng rất hạn chế vì nó chẳng biểu hiện gì cả. Cơn đói hành hạ tôi, trong khi con ngựa lại sung sướng nhất vì cỏ mơn mởn khắp nơi, do vắng dân du mục và những đàn gia súc của họ”.

Một buổi tối không biết  là thứ mấy khi anh chuẩn bị dựng lều với cái bụng rỗng, thì phát hiện một cái lều du mục ở đằng xa. Cuộc gặp gỡ sau đó là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong chuyến đi của Eliott.

Anh gặp một gia đình du mục gồm hai ông bà già và năm đứa cháu đều dưới 10 tuổi, những người dễ thương nhất. Mối thân tình nhanh chóng được tạo ra: “Tôi giúp vắt sữa Yak (một loài bò),  chơi bóng đá với bọn trẻ, cùng tắm suối. Tôi có cảm tưởng như đang ở với những đứa cháu hay những đứa em của mình. Chúng tôi cùng ăn tối trong lều,bọn trẻ rất quấn tôi. Sáng hôm sau, trước khi rời đi, hai cậu bé nhảy trên cổ tôi để nói lời tạm biệt, người bà ôm tôi trong  giây lát, điều rất hiếm đối với người lạ”.

Hành trình tuyệt vời qua sa mạc

Sau một tháng rưỡi cưỡi ngựa sát cánh cùng những người du mục, Eliott cảm thấy đã đến lúc phải qua Sa mạc Gobi huyền thoại và hấp dẫn. Anh  bán con ngựa cho một gia đình nuôi bò yak gần làng Ouliastai. “Người chủ gia đình rất hài lòng, con ngựa của tôi cũng vậy, tôi đoán chắc nó đã chán phải ở cùng với một lữ khách như tôi”.

Tạm biệt người bạn đồng hành để tự mình dấn bước vào sa mạc, nơi khắc nghiệt với mọi sinh vật. Đi qua sa mạc rộng lớn với những đụn cát bát ngát giúp Eliott biết thêm – có thể làm tất cả mọi thứ, ngay cả những giấc mơ ngông cuồng nhất của mình, với điều kiện tìm thấy nước thường xuyên…

Đây không phải là cuộc hành trình không có rủi ro vì sa mạc Gobi nổi tiếng là một trong những nơi không thân thiện nhất trên hành tinh. Nhưng anh đã thực hiện hành trình tuyệt vời này trong 34 ngày.

Cuộc sống của nhà thám hiểm

Từ khi trở về, anh có  dự án phiêu lưu nào mới trong đầu không, Eliott?

“Tôi có nhiều dự án mới đang trong giai đoạn chuẩn bị. Hè này tôi sẽ lên phía Bắc trong vòng 3 tháng. Từ cách đây 3 năm, tôi đã lên kế hoạch vượt qua 5000 km của dãy Himalaya vào năm 2017, đi bộ một mình từ  Pakistan  đến Tây Tạng. Sau đó tôi muốn sống một mình trong 6 tháng, với công cụ duy nhất là một  con dao trên một hòn đảo hoang vắng ở  Nam Thái Bình Dương. Nếu không thì trong vài năm, tôi sẽ chuẩn bị cho một cuộc thám hiểm bằng chó kéo xe, tôi nhớ các con chó Bắc Âu. Về những gì liên quan đến chuyến đi vừa rồi đến Mông Cổ, thì có những thước  phim và một cuốn sách sẽ ra mắt trong một hoặc hai tháng nữa!”.

Xuân Hà – Hà Phương

Exit mobile version