Có những thứ luôn bên ta, nhưng ta lại thấy rất bình thường và hiển nhiên. Cho đến một ngày, khi nó rời xa ta rồi, ta mới thấy sao mà trống vắng, mới thấy ta cần nó, mới thấy trân quý những lúc có nó ở bên. Nhưng hầu như sự ân hận nào cũng là muộn màng, sự sáng tỏ nào cũng là lỗi nhịp; bởi vì thời gian qua đi rồi cũng sẽ đem theo tất cả mà đi. Tác giả câu chuyện có một người bạn rất bình thường khi ở bên cô, nhưng khi xa nhau rồi, cô mới nhận ra…
Tuyết là bạn cùng phòng với tôi. Thời sinh viên, tôi từng trọ học với nhiều người bạn, trong đó có cả người bạn thân hồi cấp ba của tôi. Nhưng có lẽ Tuyết là người bạn cùng phòng hợp với tôi hơn cả.
Tuyết kém tôi ba tuổi. Khi Tuyết lên đại học thì tôi đã là sinh viên năm cuối. Học xong đại học, tôi học tiếp cao học rồi ở lại Hà Nội tìm việc. Tôi đã ở cùng Tuyết bốn năm cho đến khi Tuyết tốt nghiệp đại học, vào làm trong thành phố Hồ Chí Minh.
Xét về họ hàng, Tuyết là cháu tôi. Nhưng bốn năm ở cùng nhau, Tuyết chưa một lần nào lấy danh nghĩa là cháu, là người ít tuổi hơn để đòi được ưu tiên một điều gì đó. Mọi việc trong phòng trọ, Tuyết đều rất trách nhiệm và thực hiện ngang bằng với tôi. Thậm chí khi tôi mải đi học, đi làm thêm, Tuyết còn làm giúp phần việc của tôi, không so đo, không tính toán thiệt hơn. Có lẽ chính điều này khiến chúng tôi gắn kết với nhau hơn, có thể sống thoải mái, hòa hợp bên nhau trong suốt một thời gian dài như vậy. Không một chút để bụng, không một chút bằng mặt nhưng không bằng lòng.
Ở quê, nhà Tuyết ngay gần nhà tôi. Nhưng hồi học cấp hai, cấp ba, tôi rất ít chơi với Tuyết. Trong mắt tôi, Tuyết là một đứa trẻ con, không hợp để chơi về độ tuổi. Chỉ khi Tuyết lên đại học, ở cùng nhau, tôi mới thấy mình và Tuyết có nhiều điểm chung: cùng là dân Văn, thích đọc sách, đọc truyện, thích món canh suông nấu thật nhừ và nhiều nước, kể chuyện cũng dài dòng như nhau… Chúng tôi hiểu tính cách của nhau, hiểu suy nghĩ của nhau, chơi chung bạn bè trên đại học với nhau… Hầu như chuyện gì, đi học, đi làm thêm về, chúng tôi đều có thể kể cho nhau nghe, chia sẻ mọi buồn vui, an ủi, động viên nhau trong cuộc sống.
Nhớ về Tuyết, trong tôi không hiện lên một câu chuyện gì thật đặc sắc, thật cảm động, đáng là truyện để kể. Nhưng ấn tượng đọng lại trong tâm trí tôi, Tuyết là chỗ dựa tinh thần rất lớn của tôi những tháng ngày ở Hà Nội, nhất là khoảng thời gian sau khi tôi tốt nghiệp đại học, suy sụp, mất phương hướng, không thấy niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống.
Hồi đó, tôi đã trăn trở rất nhiều về việc lập nghiệp của bản thân. Về quê hay ở lại Hà Nội? Bốn năm đại học, tôi chỉ miệt mài sách vở, cố gắng để đạt kết quả học tập tốt nhất, hoàn toàn chưa có một chuẩn bị gì, một định hướng gì cho những ngày tháng sau khi ra trường. Bởi vậy, khi cầm trên tay tấm bằng đại học, tôi đã rất chông chênh: Tôi sẽ làm gì, ở đâu, bằng cách nào để đạt được điều đó?
Tôi cũng chưa hề chuẩn bị cho sự chuyển giao từ một sinh viên hàng tháng nhận tiền ăn, học từ gia đình sang một người có thể sống tự lập, tự lo cho mình về kinh tế. Tháng lương đầu tiên bốn trăm nghìn đồng tôi kiếm được bằng việc gia sư chỉ đủ để đóng học phí cho mấy buổi ôn tập thi cao học. Cảm giác thừa thãi chân tay, muốn được làm việc, nhưng tôi lại lúng túng không biết tìm việc ở đâu, tìm công việc gì cho phù hợp.
Khoảng thời gian đó, Tuyết là người bạn đồng hành bên tôi, nâng đỡ tôi vượt lên nỗi buồn, sự cô đơn, chán nản, không phải bằng một hành động gì to tát, mà chỉ bằng những câu chuyện thường ngày, bằng chính cá tính vừa có vẻ vô tư trẻ con, vừa chín chắn già dặn như một bà cụ của Tuyết.
Nhớ có lần, trước khi đi chợ, Tuyết hỏi tôi thích ăn rau gì để Tuyết mua, “Cải cúc hay cải xoong?” Khi tôi trả lời “Cải cúc!” thì Tuyết kết luận “Thôi, cải xoong đi” và cười bảo: “Hỏi chỉ để hỏi cho có tính dân chủ!”
Trường học của Tuyết tính từ chỗ chúng tôi trọ xa hơn trường của tôi. Tuyết vẫn thường cuốc bộ đến trường. Buổi trưa đi học về lại ghé vào chợ mua rau quả bởi mua lúc này rẻ hơn và chúng tôi có thể tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Tôi nhớ hình ảnh Tuyết đi học về, tóc buộc gọn giản đơn đằng sau, mặc cái áo khoác xanh, cái cặp dây đeo chéo một bên, hai má hồng ửng vì mệt, hai tay xách những túi rau quả nặng trĩu.
Tôi cũng nhớ những buổi tối Tuyết vừa học vừa nghêu ngao hát, nhớ lần tôi nhờ Tuyết dạy cho tôi một bài tủ để tôi đi hát Karaoke. Trước Tuyết, tôi không ngại ngần giấu diếm “giọng ca vàng” của mình, tôi thường hát sai nhạc, không biết cách lấy hơi… Dù đã rất cố gắng, nhưng cuối cùng Tuyết cũng phải thừa nhận không thể đào tạo nổi cho tôi một bài, dù là bài dễ hát nhất.
Ở gần Tuyết, tôi cũng học được những thói quen tốt, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, gọn gàng, giữ gìn đồ vật cẩn thận, chi tiêu tiết kiệm nhưng cũng rất mến khách, sống lành mạnh, vui vẻ…
Tôi nhớ những buổi chiều chúng tôi cùng nhảy dây tập thể dục trong cái sân hẹp trước phòng trọ, nhớ cái lần chúng tôi cùng nhau sang trường sư phạm gần chỗ trọ để chạy thể dục thì vừa ra đến ngõ, trời đã sầm lại chực mưa. Lần ấy sau khi chạy mấy vòng trong khuôn viên sư phạm, chúng tôi đã mua kem ăn vui vẻ và đùa nhau: “Chạy mấy vòng không biết đã giảm được lạng nào hay chưa mà đã lại ăn đồ ngọt” rồi cùng cười. Trời thì mưa lác đác.
Lại có những ngày được nghỉ học, chúng tôi cùng nhau làm và ăn những món mình thích: cháo thịt băm, cháo trai, bún đậu mắm tôm, bún nem, chè đậu đen đậu đỏ…
Rồi còn những lần chúng tôi chở nhau trên chiếc xe đạp cũ kĩ, ra bến xe để về quê hay từ bến xe về phòng trọ, đùa nhau phải cố tìm xe ôm miễn phí để khỏi làm tội đứa cùng phòng.
Nhớ những chiếc áo khoác, áo thu đông, áo cộc tay, nhớ đôi tất có hình Shin – cậu bé bút chì… chúng tôi mua giống nhau.
Nhớ tới cả một mùa đông tôi phải mượn áo khoác của Tuyết để đi làm. Áo của Tuyết cũng chỉ là một chiếc áo giản đơn, bình thường nhưng ngày đó khi mặc, tôi lại có cảm giác tự tin hơn và nghĩ mình mặc chiếc áo đó rất đẹp.
Nhớ những lần Tuyết mua hoa quả, mua gà quay từ siêu thị về, những lần Tuyết nấu món mới cho chúng tôi – những điều tôi hầu như chưa từng nghĩ tới vì sợ tốn tiền. Tuyết giúp tôi hiểu rằng tôi có thể trải nghiệm cuộc sống một cách đa dạng hơn, màu sắc hơn mà vẫn phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Có biết bao những điều giản đơn mà đẹp đẽ khi chúng tôi sống cùng nhau như thế. Những điều giản đơn ấy đã giúp tôi vượt qua những ngày tháng không phương hướng, dần vững tâm hơn trên những chặng đường tương lai phía trước.
Khi tôi quyết định về quê làm việc, tôi đã kéo Tuyết đi khắp Hà Nội cùng tôi – những nơi tôi chưa từng đến, những nơi tôi muốn đến trước khi về hẳn quê. Tôi chỉ nghĩ đến việc chia tay Hà Nội mà không hề nghĩ đến việc phải chia tay Tuyết. Tôi cứ nghĩ mình là người rời Hà Nội trước Tuyết nhưng không ngờ Tuyết lại là người rời Hà Nội trước cả tôi. Đột ngột! Bất ngờ! Tốt nghiệp đại học, Tuyết vào làm ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Mấy đêm đầu tiên trong phòng trọ sau khi Tuyết vào Nam, tôi đã nhớ Tuyết đến phát khóc. Dù đã cố kìm nén, nhưng nước mắt cứ đầm đìa.
Bây giờ tôi và Tuyết, mỗi người đều có những bận rộn riêng, ít cơ hội để kể cho nhau nghe: “Hôm nay tôi thế này, hôm nay tôi thế khác” như những ngày tháng còn trọ ở Hà Nội, nhưng mỗi lần gặp nhau, chúng tôi vẫn thấy thật thân quen gần gũi và lại sẵn sàng, thoải mái sẻ chia cho nhau nghe những câu chuyện mới trong cuộc sống của mình.
Tôi vẫn thầm mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với Tuyết, mong Tuyết sống thật vui vẻ, hạnh phúc, ý nghĩa nơi phương trời xa. Cảm ơn Tuyết vì đã làm bạn cùng phòng của tôi, cho tâm hồn tôi những mảnh ghép ăm ắp kỉ niệm đẹp đẽ, để tôi có thể vượt qua những tháng ngày khó khăn nơi thủ đô đất khách quê người.
Sao Băng, 08/2018
Đại Kỷ Nguyên bàn: Thời gian chẳng chờ đợi người. Hãy trân quý những điều bình thường đang ở xung quanh bạn. Trong tương lai, có thể những điều đó với bạn chỉ còn là những kỷ niệm ngọt ngào.