Đại Kỷ Nguyên

Chiếc tàu chiến biểu tượng của Hải quân Thụy Điển được trưng bày như một tác phẩm điêu khắc gỗ

Con tàu chiến làm bằng gỗ mang tên Vasa của Hải quân Thụy Điển thế kỷ 17 chỉ có thời gian nổi trên mặt biển tính bằng phút, sau đó nằm dưới đáy biển 333 năm, và hiện được trưng bày như một tác phẩm điêu khắc gỗ nghệ thuật tại thủ đô Stockholm.

Hải quân Thụy Điển vào những năm 1600 là một lực lượng quân sự đáng gờm, thống trị hầu hết vùng Biển Baltic dưới triều đại của nhà vua Gustavus Adolphus.

Trớ trêu thay, con tàu được đánh giá cao nhất của họ, tàu Vasa, vinh quang của hạm đội Thụy Điển, đã bị chìm chỉ vài phút sau khi ra khơi ngay trong chuyến đi đầu tiên của nó. Tuy nhiên, nó đã được trục vớt từ đáy đại dương vào giữa thế kỷ 20 – 333 năm sau khi bị đắm – và được phục hồi, và ngày nay nó vẫn là một trong những con tàu biển từ thế kỷ 17 được bảo tồn tốt nhất.

(Ảnh: Alexander Tolstykh / ©Shutterstock)

Từng được sơn màu rực rỡ và trang trí vàng kim vào những năm 1620, con tàu Vasa, hiện được trưng bày trong một bảo tàng dành riêng cho nó ở Stockholm, chỉ còn là một cái bóng của sự vinh quang trước đây của nó, mặc dù có phần gỗ được chế tác tuyệt vời, cho chúng ta cảm giác rõ ràng về sự vương giả của nó.

Con tàu thế kỷ 17 được vua Thụy Điển ủy nhiệm chế tạo trong cuộc chiến tranh 30 năm giữa các nhà thờ Tin lành và Công giáo, được dự định làm đại diện cho Thụy Điển trong một thời kỳ quyền lực vĩ ​​đại, khi là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu.

Nhà vua Thụy Điển. (Ảnh: Georgios Kollidas / ©Shutterstock)

Mang trên thân nhiều biểu tượng – sư tử ngụ ý nhà vua, và những người Ba Lan thu mình, ẩn nấp trong sợ hãi, mô tả kẻ thù của họ – con tàu này giống như một tác phẩm để tuyên truyền, được thiết kế như cô một con tàu chiến để bảo vệ đất nước và tham gia chiến tranh.

(Ảnh: olgagorovenko / ©Shutterstock)

Con tàu này có chiều dài gần 69m, chiều cao 50m, nặng hơn 1.200 tấn và được trang bị kho vũ khí gồm 64 khẩu pháo, khiến nhiều người coi nó là chiếc tàu chiến mạnh nhất trong hạm đội. Cùng với hàng trăm tác phẩm điêu khắc trên tàu cũng như 100 tấn đồ dằn giúp cho tàu thăng bằng khi không có tải, Vasa cuối cùng đã trở nên nặng hơn nhiều so với dự tính ban đầu, có lẽ là một lý do cho sự “chết yểu” của nó trên biển.

Vua Adophus đã ký một hợp đồng để chế tạo tàu Vasa với nhà đóng tàu tên là Henrik Hybertsson vào năm 1625. Nó dự định sẽ trở thành một trong hai chiếc tàu lớn để đi cùng đội hình với hai chiếc tàu nhỏ hơn. Không may là Hybertsson đã chết không lâu sau khi nhận hợp đồng này, nên người trợ lý của ông ta là Hein Jakobsson tiếp quản dự án này.

Nhiều người cho rằng do nhà vua yêu cầu gấp rút hoàn thành việc đóng tàu đã làm cho nó không được hoàn hảo khi hạ thủy và bị chìm, trong khi một số khác cho rằng các nhà đóng tàu phải chịu một số trách nhiệm. Có bằng chứng cho thấy họ đã tìm thấy lỗi trong quá trình thử nghiệm khả năng đi biển của con tàu. Điều đó nói lên rằng, nó đã buộc phải ra khơi khi chưa đủ điều kiện an toàn.

(Ảnh: Jorge Láscar / ©Wikimedia Commons)

Ngày 10 tháng 8 năm 1628 là ngày định mệnh của Vasa, với rất đông người Thụy Điển tham dự, bao gồm cả hoàng gia và đại sứ, con tàu Vasa bắt đầu hành trình đầu tiên xuất phát từ cảng Stockholm. Và chỉ trong vòng vài phút, sau khi con tàu bắn một loạt đạn chào tạm biệt khi đi ngang qua cung điện, một cơn gió xoáy mạnh đã thổi vào tàu, khiến nước tràn qua các ô cửa đặt súng đại bác vẫn đang mở ở tầng dưới. Không đầy 30 phút sau khi khởi hành, niềm vinh quang của hạm đội Thụy Điển đã chìm xuống đáy biển, mang theo nó từ 30 đến 40 hành khách, bao gồm cả các thành viên trong gia đình của thủy thủ đoàn.

Có thể nói đó là một vụ bê bối và một sự ô nhục mà người Thụy Điển đã cố gắng quên đi. Nó không chỉ làm tổn hại đến danh tiếng của họ, mà bản con tàu còn phải trả giá đắt. Mặc dù một cuộc điều tra đã được tiến hành, rất ít kết quả được xác định. Cùng với đó, những nỗ lực vớt con tàu lên đã thất bại do giới hạn của công nghệ đương thời, trong khi bản thân người đóng tàu đã chìm xuống cùng với con tàu đó. Như vậy, cuộc điều tra đã phải kết thúc mà không có kết luận.

Mô phỏng phương pháp trục vớt tàu thế kỷ 17. (Ảnh: Peter Isotalo / ©Wikimedia Commons)

Trong nhiều thế kỷ sau đó, tàu Vasa đã bị lãng quên. Cho đến năm 1961 khi một mảnh xác tàu đắm được phát hiện ở bến cảng và được xác định là của con tàu chiến nổi tiếng thì nó đã được quan tâm trở lại. Người ta tin rằng môi trường tối, lạnh, cũng như không có các chất ô nhiễm, đã giúp bảo tồn phần gỗ của con tàu, bằng cách ngăn chặn tia UV và vi khuẩn phân hủy.

(Ảnh: Victor Maschek / ©Shutterstock)

Sau khi con tàu được trục vớt lên, các nhà bảo tồn phải giữ cho gỗ ngập trong nước trong một thời gian, để ngăn không cho nó bị khô và hư hỏng. Sau đó, họ đã phải thường xuyên xử lý gỗ và cố gắng làm chậm quá trình hoai mục.

Con tàu Vasa hiện đang được trưng bày cho công chúng thưởng thức, với 98% ở tình trạng nguyên bản và hoàn chỉnh với toàn bộ súng đại bác, mặc dù các bu lông cũ đang được thay thế bằng thép không gỉ để bảo quản tốt hơn. Dù sao thì phần lớn sự vĩ đại của con tàu Vasa vẫn còn tồn tại ở đó và tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục. Niềm an ủi duy nhất của con tàu này có lẽ là, mặc dù kết thúc rất nhanh cuộc sống trên biển nhưng đã trở thành một trong những con tàu cổ được bảo tồn tốt nhất trên thế giới hiện nay.

Triển lãm dành riêng cho tàu Vasa tại Stockholm. (Ảnh: Vadim Tolbatov /©Wikimedia Commons)

Theo MICHAEL WING (theepochtimes.com)

Clip hay:

Exit mobile version