Đại Kỷ Nguyên

Chiêm ngưỡng kỳ quan thế giới: Di Hòa Viên – Đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và phong thủy

Di Hòa Viên hay cung điện mùa hè, nằm ở vùng ngoại ô phía Tây Bắc thành Bắc Kinh. Đây là lâm viên hoàn chỉnh duy nhất còn tồn tại đến ngày nay trong “tam cung ngũ viên” của vương triều phong kiến Trung Quốc. Là một cung điện được xây dựng từ thời nhà Thanh, nằm cách Bắc Kinh 15 km về hướng tây bắc. Di Hòa Viên có ý nghĩa là ‘‘nơi nuôi dưỡng sự ôn hòa” với những dụng ý phong thủy thâm sâu…

Di Hòa Vên- cung điện mùa hè (Ảnh: dulichtrungquoc123.com)

Kiến trúc của Di Hòa Viên có rất nhiều nét độc đáo và dụng ý thâm sâu. Nó được đánh giá là một kỳ quan thế giới bởi tính cổ xưa và đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và phong thủy.

Sơn thủy hữu tình và dụng ý lựa chọn nơi xây dựng Di Hòa Viên

Di Hòa Viên được xây dựng trên diện tích 2.940 nghìn m2, bên núi Vạn Thọ và hồ Côn Minh xanh biếc. Theo quan điểm về phong thủy, thì một công trình phải vững chắc như núi, mạnh mẽ như nước.

Nếu nhìn từ trên cao xuống, chúng ta sẽ thấy Di Hòa Viên nổi lên như một hòn ngọc, bao quanh là núi Vạn Thọ, biểu tượng cho ý nghĩa trường tồn.

Di Hòa Viên sơn thủy hữu tình (Ảnh: KhoaHoc.tv)

Hồ Côn Minh

Hồ Côn Minh là một hồ lớn nhất, nước xanh biếc, là một phong cảnh hoang dã, tự nhiên nhất ở Di Hòa Viên. Hồ có 2 con đập, 6 đảo, 9 cầu, với cảnh trí non nước hệt như danh thắng Tây Hồ bát ngát.

Sở dĩ hồ Côn Minh được bài trí cảnh sắc tựa như Tây Hồ là có ý nghĩa sâu xa, như một lời ca ngợi rằng cả giang sơn cẩm tú đều thu gọn trong bàn tay hoàng tộc.

(Ảnh: dulichtrungquoc123.com)

Dù bất cứ phương hướng nào hồ Côn Minh vẫn toát lên một vẻ đẹp kiêu sa. Thời gian nào trong năm nước cũng xanh, khói sóng mịt mờ ở phía Nam. Phía Tây thì nước lặng.

Phía Bắc từng lớp lầu, gác soi bóng xuống mặt hồ. Dòng kênh dẫn nước ở phía Tây thông với hồ. Hồ Côn Minh nhìn trên cao xuống có hình dáng tựa như là một quả đào lớn, mà cuống của nó là con sông dẫn nước vào hồ qua cửa Tây.

Con đê hẹp mà dài ở phía chếch mặt hồ tạo ra vết rãnh trên quả đào rất hoàn chỉnh. Dãy hành lang dùng làm đường đi lại men theo hồ Côn Minh ngay sát chân Vạn Thọ sơn thì giống như đôi xương cánh của một con dơi đang dang ra.

Đường hành lang ở bờ bắc hồ Côn Minh thì rõ ràng là hình một cánh cung mà phần thâm nhập vào lòng hồ hình thành phần đầu của con dơi, phần nhô ra một cách đơn độc được dùng làm bến thuyền cho khách du ngoạn hồ Côn Minh chính là mõm của con dơi đó.

(Ảnh: dulichtrungquoc123.com)

Đường hành lang vươn dài sang hai phía tả hữu chính là đôi cánh dơi đang vươn ra. Đoạn hành lang ở phía đông và mái hiên nhà Ngư Tảo thâm nhập vào mặt nước và bởi đoạn hành lang ở phía tây tạo thành đôi móng chân trước của con dơi, còn núi Vạn Thọ sơn và cái hồ phía sau núi tạo thành thân của con dơi.

Thập Thất Khổng Kiều

Thập Thất Khổng kiều ở phía đối diện Vạn Thọ sơn thì đúng là chiếc cổ của một con rùa đang vươn dài, mà đầu của nó chính là hòn đảo nhỏ giữa hồ Côn Minh.

Theo thuật phong thủy truyền thống Trung Hoa thì quả đào tượng trưng cho Lộc, con dơi tượng trưng cho Phúc, còn rùa tượng trưng cho Thọ. Như vậy cấu trúc tổng thể của Di Hòa viên ẩn trong nó cả ba điều mà Từ Hy mong muốn là Phúc Lộc Thọ đã được thể hiện bằng những hình tượng tuyệt vời.

Phải chăng chính cấu trúc này là điểm khác biệt cực kỳ đặc sắc mà không có ở bất cứ một công viên nào khác tại Trung Quốc cũng như trên thế giới.

(Ảnh: VietBao Pda)

Như vậy Di Hòa Viên sở hữu một vị trí đắc địa, ngọn núi tốt ắt sinh ra tịnh thủy. Hồ Côn Minh chính là mạch tịnh thủy nâng đỡ cho khuôn viên của Di Hòa Viên.

Một cách hiểu khác được lý giải cho việc lựa chọn xây dựng cung này chính là biểu thị cho sự gắn kết sức mạnh của vua và dân.

Vua tượng trưng cho sự bền vững cho sơn, dân mạnh mẽ như thủy, sự kết hợp hài hòa giữa vua-tôi, quan-dân, làm lên một sức mạnh trường tồn.

Kiệt tác về kiến trúc vườn cảnh: nét độc đáo ẩn ý thâm sâu trong Di Hòa Viên

Nghệ thuật vườn cảnh là một mặt của di sản văn hóa truyền thống ở Trung Quốc để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho những ai yêu thiên nhiên, yêu nghệ thuật.

Khác với nghệ thuật vườn cảnh các nước Âu Tây được diễn đạt trên những không gian rộng, nghệ thuật vườn cảnh Trung Quốc khéo léo tận dụng mọi không gian to nhỏ, bài trí tinh tế, thâu tóm những cảnh trí đặc sắc của tạo vật để dựng nên những cảnh quan vừa thiên nhiên vừa nhân tạo hết sức đặc sắc.

Khu phong cảnh là khu vực có nhiều công trình kiến trúc nhất ở Di Hòa viên, những công trình này mang mục đích chủ yếu là tô đẹp cho khối quần thể kiến trúc chính, đồng thời nó còn là nơi thể hiện tương đối rõ ràng quan niệm, tư duy của người Trung Quốc thông qua cách xây dựng.

(Ảnh: dulichtrungquoc123.com)

Khu phong cảnh bao gồm rất nhiều công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ, có một không hai như Trường lang, Bài Vân điện, cụm kiến trúc Phật Hương các – Trí Tuệ Hải – Chuyển Luân Tàng, Bảo Vân các, Thính Ly quán…

Ý nghĩa Thập Thất Khổng Kiều

Trước hết là công trình Thập Thất Khổng Kiều, chiếc cầu bằng đá có 77 nhịp, thông qua công trình này có thể thấy được tư duy của người Trung Quốc về mối quan hệ giữa vua – tôi, cũng như là cách suy nghĩ của họ về con số 9.

Thập Thất Khổng Kiều (Ảnh: dulichtrungquoc123.com)

Trong nền văn hóa Trung Quốc, họ quan niệm rằng số 10 là con số cao nhất, tượng trưng cho Thiên – Trời, còn số 9 là con số gần với số 10 nhất nên tượng trưng cho vua, vì vua là Thiên tử tức con Trời. Ngoài ra, số 9 trong tiếng Trung Quốc là “Cửu” lại đồng âm với từ “Cửu” trong “Trường cửu”, do vậy số 9 còn mang ý nghĩa là đem đến sự trường cửu, lâu dài, bền vững.

Số 9 được thể hiện trong Di Hòa viên thông qua công trình “Thập Thất Khổng kiều”, đây là cây cầu dài nhất trong toàn bộ khuôn viên của Di Hòa viên, cầu bao gồm 17 vòm cầu và vòm cầu thứ 9 là vòm cầu lớn nhất.

Tượng trâu đồng ở bờ Tây đê: thuật trị thủy

Công trình thứ hai phần nào cũng phản ánh được tư duy của người Trung Quốc về nông nghiệp chính là sự xuất hiện của tượng trâu đồng trên bờ Tây đê.

Tượng trâu đồng trên bờ Tây đê (Ảnh: tourtrungquoc.com)

Trung Quốc là một quốc gia nông nghiệp, bao gồm cả nông nghiệp khô ở miền Bắc và nông nghiệp lúa nước ở miền Nam, do đó trải qua bao đời vua với các triều đại phong kiến khác nhau thì vấn đề trị thủy vẫn được đề cao và đưa lên hàng đầu.

Truyền thuyết kể rằng, vào thời nhà Hạ vua Đại Vũ đã đi chống lũ ở Cửu Hà để cho dân chúng có cuộc sống ấm no, ông trị thủy bằng cách thả một con trâu sắt xuống lòng sông. Càn Long là một vị vua anh minh, ông đã sử dụng cách trị thủy năm xưa của vua Đại Vũ mà làm. Sau khi đúc xong trâu đồng, Càn Long đã cho khắc một bài thơ bằng chữ triện lên mình trâu mà đến giờ vẫn còn, bài thơ mang tên “Kim ngưu minh”:

“Hạ Vũ trị hà, thiếc ngưu truyền tụng.
Nghĩa trọng an lan, hậu nhân cảnh tùng.
Chế ngụ cương mậu, tượng thủ hậu khôn.
Giao long viễn tị, cự số đà ngoan.
Tần thử Côn Minh, trư lưu vạn khoảnh.
Kim tả thần ngưu, dụng trấn du vĩnh.
Ba Khưu Hoài Thủy, cộng quán đồng điều.
Nhân xưng Hán Vũ, ngã mộ Đường Nghiêu.
Thụy ứng chi phù, đãi vu tây hải.
Kính tư gián tường, Càn Long Ất Hợi.”

Hạ Vũ trị hà, thiếc ngưu truyền tụng. Nghĩa trọng an lan, hậu nhân cảnh tùng. (Ảnh: wikipedia.org)

Người xưa chọn trâu làm vật trấn thủy vì trâu là loại động vật thông thuộc tính nước, ngoài ra ở các nước có nền nông nghiệp lúa nước như Trung Quốc, Việt Nam… thì chủ yếu sử dụng sức trâu để cày cấy, tăng gia sản xuất.

Do đó hình thành việc đúc tượng trâu bằng sắt hoặc đồng để trấn thủy, trị lũ. Ngày xưa, trong dân gian thường đúc trâu bằng sắt và thả xuống lòng sông, nhưng trở về sau thì không thả xuống lòng sông nữa mà dựng bên cạnh bờ sông, vừa tô đẹp vừa trấn được nước, Càn Long đúc trâu đồng cũng vì ý đó.

Thanh Yến Phảng: Thuyền đá, tư tưởng trị quốc yên dân giúp giang sơn bền vững, không lo sóng to gió lớn 

Một công trình kiến trúc rất độc đáo có mặt trong Di Hòa viên mà bất cứ một ai khi đến đây đều phải đến chiêm ngưỡng chính là Thanh Yến Phảng – Thuyền đá.

Thanh Yến Phảng – Thuyền đá. (Ảnh: wordpress.com)

Chiếc thuyền đá này được làm vào năm thứ 20 đời vua Càn Long (1755) được chế tác từ hán bạch ngọc thạch, tạo hình theo mô hình thuyền truyền thống của Trung Quốc với chiều dài 36 m, toàn thân thuyền được điêu khắc tinh xảo với những hoa văn hình rồng.

Vì sao vua Càn Long cho chế tạo một chiếc thuyền đá trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng của mình? Ngoài ý nghĩa dùng để du ngoạn cảnh đẹp trên hồ Côn Minh ra thì nó còn mang một ý nghĩ nhắc nhở nhà vua.

Tương truyền rằng, quan Tả Quang Lộc Đại phu Ngụy Chinh đời Đường đã từng khuyên vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân rằng: “Nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền”.

Vua Càn Long (Ảnh: wikipedia.org)

Càn Long đã lấy ý nghĩa của lời khuyên bảo trên để hình tượng hóa vào chiếc thuyền đá, nhằm nhắc nhở bản thân phải tích cực lo trị nước yên dân, mong giang sơn Đại Thanh vững bền như thuyền đá, không sợ sóng to gió lớn, mãi mãi không lo bị thuyền lật, đề cao tư tưởng trị quốc trong Nho giáo.

Cung điện mùa hè Di Hoà Viên tại Bắc Kinh không ấn tượng không chỉ về kiến trúc cảnh quan tuyệt đẹp mà còn mạng nội hàm văn hóa sâu sắc, xứng đáng một trong những biểu tượng của 5000 năm văn hóa Trung Hoa huy hoàng.

 Tịnh Tâm – Hà Phương

Exit mobile version