Đại Kỷ Nguyên

Chúng ta đã nghe nhiều về các bản ‘sonata’. Vậy sonata thực ra là gì?

Khi thưởng thức âm nhạc kinh điển, ta thường được nghe giới thiệu về những bản sonata. Vậy sonata cụ thể là gì?

Sonata Pathetique – Bản sonata “Cảm động” của Ludwig Van Beethoven

Sonata chính là một cơ cấu nhạc dành cho một nhạc cụ độc tấu (thường là đàn phím) hoặc có khi là hai nhạc cụ cùng chơi (violon và piano chẳng hạn), trong đó chứa đựng nhiều chủ đề, nhiều hình tượng âm nhạc tương phản. Có từ thời Baroque (tiền cổ điển 1600-1750) và càng về sau càng trở nên phong phú. Kế thừa các bậc tiền bối, Hayđơn, Mozart, Bethoven đã thể hiện một cách sáng tạo muôn hình muôn vẻ trong nhiều kiệt tác.

Thông thường hình thức Sonata gồm 3 phần:

Phần trình bày: gồm có Mở đầu – Chính – Nối – Phụ -Kết
Phần phát triển: Đây là trung tâm kịch tính của hình thức sonata, những hình tượng tương phản xung đột, sự xuất hiện các chủ đề của phần trình bày với một dạng khác.
Phần tái hiện: Nhắc lại những chủ đề nguyên dạng, trở về điệu tính chủ. Sau đó là Coda.

Song song với hình thức sonata, liên khúc sonata (cycle sonata) cũng được sử dụng. Hayđơn (Haydn) đã thành công trong việc áp dụng liên khúc sonata vào giao hưởng 4 chương, người ta gọi ông là”cha đẻ” của giao hưởng. Liên khúc sonata cũng làm cho một số thể loại khác phát triển như: song tấu, tam tấu, tứ tấu… và các bản concerto cho các loại đàn.

Chân dung Franz Joseph Haydn (1732 – 1809), người được gọi là “người cha của giao hưởng” và “cha đẻ của tứ tấu dây”

Liên khúc sonata là một hình thức âm nhạc gồm có nhiều chương (thường 3 hay 4 chương), mỗi chương thường có một sắc thái, một mầu sắc riêng biệt để mô tả một khía cạnh của chủ đề tư tưởng.

Cụ thể sơ đồ sau:

Chương I: Sonata – Diễn tả đấu tranh căng thẳng lý trí
Chương II: Tự do – Diễn tả nội tâm trữ tình hay bi thương
Chương III: Menute hay Skerzo – Nghỉ ngơi vui tươi hay châm biếm
Chương IV: Tổng hợp các chương – kết luận.

Với sự xuất hiện của liên khúc sonata, từ đây đã đánh dấu một bước vĩ đại trong khí nhạc, nhạc sĩ có thể đề cập tới những vấn đề mà trước đây tưởng như nhạc không lời chẳng thể biểu hiện được. Bethoven đã để lại cho thế hệ sau những tác phẩm bất hủ như bản Appassionata, các bản giao hưởng ưu tú cùng nhiều bản nhạc thính phòng khác.

Bản Appassionata bất hủ của Beethoven- “Niềm Say Mê”

Một điều quan trọng làm cho các tác phẩm của các nhạc sỹ cổ điển Viên trở thành bất tử là do ấn tượng mạnh mẽ của những chủ đề. Khác với âm nhạc thế kỷ trước, các chủ đề thường triền miên vô tận, đôi khi còn trừu tượng, chủ đề của họ (nhạc sĩ cổ điển Viên) trong sáng, giản dị, có sức truyền cảm sâu sắc, chính vì thế đã đọng lại trong trí nhớ thính giả một cách lâu dài.

Sau đây chúng ta cùng thưởng thức Chương II Sonata số 8 của Bethoven:

Kim Cương

Exit mobile version