Đại Kỷ Nguyên

Chuyên gia cây cảnh người Mỹ nỗ lực bản địa hóa nghệ thuật Bonsai Nhật Bản cổ xưa

Chuyên gia bonsai học nghề từ Nhật bản, quay về sáng tạo tại nước Mỹ, đem đến cho môn nghệ thuật này một sức sống mới. Hãy nghe anh chia sẻ.

Khi lần đầu tiên học về một loại hình nghệ thuật cổ xưa từ việc xem say mê một bộ phim kinh điển năm 1984, “The Karate Kid”, anh vẫn còn là một cậu bé. “Có một thứ nghệ thuật trong bộ phim đó rất bí ẩn”, anh nói khi đã trưởng thành: “Có vẻ như đó là một loại nghệ thuật khó chinh phục, là điều mà chỉ một người thực sự thông thái, già dặn mới có thể làm được”.

Bộ môn nghệ thuật mà anh nói tới đó không phải là môn võ Karate, mà là bonsai. Cậu bé Ryan Neil ngày đó giờ đây đã là một nghệ nhân bonsai bậc thầy của nước Mỹ. Các chậu bonsai của anh hiện có giá lên tới 750.000 đô la, giúp mang không khí tự do của đất trời vào trong không gian nội thất của những khách hàng giàu có và những nơi danh giá như Bảo tàng Nghệ thuật Portland.

Khi còn đang ở giữa sự nghiệp làm vườn, Neil đã cố gắng thuyết phục vị trưởng lão của nghệ thuật bonsai Nhật hiện đại, ông Masahiko Kimura, nhận mình làm học trò để được theo học nghề này tại Nhật Bản. Sau 22 bức thư gửi cho Kimura mà không có hồi đáp; lá thư thứ 23 của Neil đã được thầy Kimura chấp nhận.

Neil là người phương Tây đầu tiên học nghề dưới thời bậc thầy Masahiko Kimura. Ông thầy người Nhật đã cho cậu học viên người Mỹ đầy háo hức này một nền tảng căn bản trong nghệ thuật bonsai. Theo giáo dục truyền thống của Nhật Bản, Neil gần như không nhận được một lời khen ngợi nào trong suốt vài năm học đầu tiên. Bù lại, anh đã nuôi dưỡng được cho mình một tình cảm gắn bó dịu dàng với các loài cây cảnh.

Quá trình trưởng thành từ người mới học nghề tới chuyên gia – chia sẻ của Neil

Với một thử thách thường nhật đầu tiên là học “cách hiện diện”, anh đã thông qua hành động đơn giản là đi tưới cây cảnh suốt cả ngày. Anh nói:

Đó đơn giản là để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho sự tồn tại của chúng, là một nghi thức thường ngày và lặp lại nhiều lần trong ngày. Nó khác hẳn với loại nhu cầu bề nổi như chạy đua tốc độ trong thế giới công nghệ”.

Neil cho rằng bonsai là một phương tiện nghệ thuật khác với hội họa, ví dụ, người họa sĩ có thể kiểm soát hoàn toàn nơi anh ta muốn đặt màu và cọ của mình. Trong khi đó bonsai lại gần như một môn nghệ thuật biểu diễn, anh nói:

Nghệ thuật múa có ảnh hưởng lớn đối với tôi, và tôi thấy rằng các đường nét, tư thế và trạng thái biểu hiện tinh thần, văn hóa và hành vi của con người cũng ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta ứng xử với một cái cây, bởi vì cây cũng là sự sống, cũng có tính cách tương tự“.

Hiện nay – 10 năm sau khi trở về Hoa Kỳ – Neil nổi tiếng vì đã đưa được môn nghệ thuật phương Đông cổ xưa này vào văn hóa địa phương. Anh tạo bonsai từ những cây tùng bách, cũng là một cách giữ gìn di sản cho nước Mỹ; hoặc từ những cây ô liu, tạo nên màu sắc của cảnh quan châu Âu, anh nói:

Đó là sức mạnh để kết nối con người với cảnh quan, với những mảnh ghép văn hóa đặc trưng của họ, khiến họ bất ngờ và xúc động”.

RyanNeil với Bonsai

Cách tiếp cận sáng tạo của Neil khiến anh tạo ra được những tác phẩm tuyệt đẹp mà khó lòng tưởng tượng trong cái khung quy ước chặt chẽ của bonsai Nhật Bản. Neil nói:

Tôi nghĩ rằng nếu để tôi cố làm bonsai Nhật Bản tức là thiếu tôn trọng môn nghệ thuật truyền thống này. Vậy nên tôi cho phép bản thân làm những gì đến với mình một cách tự nhiên bằng trực giác”.

Hành trình của Neil với bonsai bắt đầu từ năm anh 12 tuổi với việc học tập cật lực ở Nhật Bản trong 6 năm. Vào 10 năm trước, anh đã thành lập Bonsai Mirai – một trường học và vườn ươm cây cảnh. Mặc dù có nhiều kinh nghiệm và được quốc tế hoan nghênh, Neil cho biết anh vẫn chưa thực sự tạo ra được một kiệt tác nào:

Tôi còn quá non trẻ trong hành trình khám phá loại hình nghệ thuật này, để thực sự có thể tạo được các tác phẩm phi thường và những khoảnh đáng nhớ đối với bản thân. Tôi nghĩ rằng điều này có lẽ sẽ xảy ra một cách tự nhiên sau một quá trình trau dồi nghề nghiệp lâu dài hơn”.

Neil đã từng chăm sóc những cái cây có tuổi đời lên tới 2.000 năm. Nhờ tiếp xúc với những sinh mệnh sống cổ xưa như vậy, anh đã nhận ra rằng tạo một bonsai không chỉ là ở tác phẩm cuối cùng, mà còn là về sự tôn trọng những sinh mệnh khác và sống trong sự hòa hợp với thiên nhiên, anh chia sẻ:

Tôi đã tạo cho mình cách sống cùng với nhịp sống của cây cối và thậm chí còn để cây dẫn dắt cho mình. Đây có lẽ thực sự là một cách sống và ứng xử cổ xưa. Trong đó tôi luôn cảm thấy mình được trưởng thành trên mỗi bước đi, và do đó khiến hành trình của tôi trở nên vô cùng đặc biệt”.

Theo J.H. White / Magnifissance
Bản quyền ảnh: Bonsai Mirai

Clip hay:

Exit mobile version