Nhắc đến nghệ thuật Việt Nam, không thể không nhắc đến cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí – người được mệnh danh là “cha đẻ của lối vẽ sơn mài tân thời của Việt Nam”. Ông là người có công lớn trong việc đưa kĩ thuật sơn mài vào Mỹ thuật của Việt Nam, bởi trước đó sơn mài chỉ được dùng như một chất liệu để trang trí. Ông cùng với các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn tạo thành bộ tứ họa sĩ nổi tiếng thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam (nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn).
Một tài năng đặc biệt
Nguyễn Gia Trí sinh năm Kỷ Dậu 1908 tại làng An Trạch, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương khóa VII (1931-1936).
Năm 1965, theo lời kể của họa sĩ Trần Quang Trân, Nguyễn Gia Trí học cùng ông khóa V, đang học năm thứ hai thì bỏ dở, cho đến khóa VII lại tiếp tục vào học cùng khóa với Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn.
Từ xưa, quê ngoại ông ở huyện Chương Mỹ nổi tiếng với nhiều ngành nghề thủ công, hàng hóa do làng quê đó làm ra được người Kẻ Chợ (Thăng Long) rất ưa chuộng, trong đó có tranh sơn. Nguyễn Gia Trí tỏ rõ năng khiếu hội họa rất sớm, đồng thời cũng có tính độc lập thật mạnh từ nhỏ. Sau trung học, ông vào học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Phần lớn các sinh viên thuộc địa hồi đó đều có ý muốn được độc lập trong chọn lựa cách thể hiện nghệ thuật của bản thân, Nguyễn Gia Trí là trường hợp nổi hẳn lên.
Do vậy, khi học đến năm thứ ba, ông rời bỏ trường họa, về mở xưởng vẽ và tự học. Lý do rời trường, như ông nói với người thân, rất đơn giản là “nhà trường không dạy gì hay hơn!”. Trong suốt thời gian nghỉ học, tự luyện tập ở xưởng vẽ của mình với quyết tâm cao độ với chất liệu sơn mài.
Sau 1954, ông di cư vào Nam. Trong thời gian này, ông vẫn cần mẫn sáng tạo vẫn theo khuynh hướng truyền thống.
Nhà nghiên cứu Huỳnh Hữu Ủy đã viết về ông: “Ông là một nghệ sĩ có thực tài, lại giữ được phẩm chất đạo đức của một nghệ sĩ lớn, trước bao biến đổi thăng trầm của vận nước trong mấy chục năm qua. Là bạn thân nhất của Nhất Linh trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn với các báo Phong Hóa, Ngày Nay…”. Nguyễn Gia Trí, suốt một đời hoạt động nghệ thuật kiên trì, cần mẫn; ông tìm tòi sáng tạo đã đưa mỹ thuật sơn mài Việt Nam lên ngang hàng với nền nghệ thuật chung của thế giới.
Những tác phẩm sau này của ông được chỉ định là Bảo vật quốc gia, được công chúng nghệ thuật tán thưởng không chỉ trong và ngoài nước; số tranh ông sáng tác đều được đặt mua với giá rất cao, nhanh chóng “sống” trong đời sống một cách tự nhiên, như một sinh mệnh ra đời, có sức lực thì sống tự nhiên trong xã hội vậy. Hiện nay, tranh Nguyễn Gia Trí được sưu tầm, trưng bày và trân quý tại các bảo tàng lớn ở nước ta như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Sài Gòn…
Người đưa sơn mài lên đỉnh cao nghệ thuật
Nhắc đến ông, người nào cũng phải thốt lên:
Gia Trí đã để lại một vẻ đẹp sơn mài lộng lẫy thuần chính, cổ điển, bởi ông là người duy nhất đã khám phá ra cái tinh túy của sơn mài truyền thống, và biến nó, chuyển thành chất liệu trân quý, không còn tầm thường nữa mà đài các, cao sang và trang nhã.
Ông phối hợp lối in khắc với những phương thức sơn mài mới, đồng thời áp dụng các nguyên tắc cấu trúc tranh vẽ phương Tây, để sáng tạo những bức họa hiện đại mang đầy tính chất dân tộc.
Kỹ thuật mài là điểm khác biệt lớn giữa đồ thủ công sơn mỹ nghệ và tranh sơn mài Việt Nam. Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai … vẽ trên nền vóc màu đen.
Đầu thập niên 1930, những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre… và đặc biệt đưa kỹ thuật mài vào tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự.
Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó. Tranh có thể được vẽ rồi mài nhiều lần tới khi đạt hiệu quả mà họa sĩ mong muốn, không phải đơn giản là mài mà người họa sĩ cần nắm được các bản màu cùng với tầng tầng lớp lớp màu được vẽ để mài nhẹ nhàng, một cách cẩn thận mới làm rõ lên từng đường nét vẽ trên tranh, những màu sắc mới thực sự nổi bật và sống động.
Công đoạn cuối cùng là đánh bóng tranh cũng vô cùng công phu. Thời gian hoàn thành một bức tranh sơn mài tối thiểu là 2 – 3 tháng, thậm chí có nhiều bức tranh lên đến chục năm. Đó là cả quá trình sáng tạo nghệ thuật của người họa sĩ, họ gửi gắm tâm hồn mình vào từng nét vẽ, từng mảng màu hòa trộn một cách khéo léo có tình trên từng bức tranh.
Sơn mài khác hẳn sơn dầu ở chỗ mặt tranh bóng, phẳng gần như tuyệt đối. Không gian của nó lặn vào bên trong rất sâu, đó là tính âm của nó cùng với các màu cơ bản (vàng, đỏ son, đen) là các màu ngả về âm, màu của không gian cung đình chùa chiền ngày xưa.
Và nhịp của nó là nhịp chậm, từng bước từng bước thầm hình thành từ từ qua từng công đoạn. Công đoạn làm vóc: bó vải, hom, mài xả, lót… cho tới phẳng. Công đoạn vẽ: vẽ, ủ, mài xả, phủ, mài bóng, đánh bóng… cho đến hoàn thành. Chính những đặc điểm ấy đã tạo ra những thử thách đối với những họa sĩ vẽ tranh sơn mài.
Vào những năm 30, trong suốt 6,7 năm đóng cửa thử nghiệm dù là đã rất quen thuộc với chất liệu sơn dầu phương Tây, nhưng ông đã vẫn hướng niềm say mê tìm tòi phát triển chất liệu dân tộc là sơn ta. Từ những năm 40 của thế kỉ XX, Nguyễn Gia Trí bắt đầu định hình phong cách nghệ thuật riêng của mình, cũng như định hình phong cách truyền thống riêng của mỹ thuật Việt Nam.
Trong khoảng thời gian 1938 – 1944 là thời kì cực thịnh của ông, cũng thời điểm đó ông đã giác ngộ Phật pháp. Tư tưởng của ông càng trở nên an bình và thuần chính, từ bi để sau đó cho ra hàng loạt những tác phẩm tranh sơn mài giá trị và thuần tịnh về phong cảnh, về những thiếu nữ mà đặc sắc nổi bật lên nét truyền thống dân gian miền Bắc, nơi quê hương ngần ấy năm ông đã gắn bó.
Với ông, tranh sơn mài đã thực sự trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự chứ không còn vương vấn chất thủ công mỹ nghệ nữa. Tông màu tao nhã, bình ổn của họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã tạo cho sơn mài một phong cách, phóng khoáng và lộng lẫy. Nghệ sỹ đã thỏa sức tung hoành cho cảm xúc nghệ thuật.
Tranh của Nguyễn Gia Trí được nhiều người Pháp sưu tập thời đó, kể cả nhiều tranh gần như chưa vẽ xong, hoặc những phác thảo có ký tên tác giả. Sau 1954 tới 1975, nhiều tranh quý của ông được nhiều người sưu tập, thường nằm trong những biệt thự sang trọng, bộ tranh sưu tập của bác sĩ Bùi Kiến Tín (chú họ nhà thơ Bùi Giáng) treo trong hãng dầu cù là Macphsu trên đường Trương Minh Giảng là một trong những bộ tranh quý.
Đó là những tác phẩm Thiếu nữ bên Hồ Gươm, Thiếu nữ bên hồ Sen, Thiếu nữ với mùa xuân, Ai mua rươi ra mua.
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí thường làm tranh không hết hợp đồng, hầu hết khách đặt tranh là những tỷ phú Nam Phi, Nam Mỹ … Họ đến xin ông vẽ những tranh khổ lớn và không yêu cầu về hình thức nghệ thuật, tùy ông muốn. Tranh ông bán đo bằng tấc. Ở Việt Nam các họa sĩ trong lịch sử Hội họa hiện đại có duy nhất danh họa Nguyễn Gia Trí bán tranh tính bằng độ dài và luôn phải từ chối đơn đặt hàng của khách.
Vẻ đẹp của bức tranh sơn mài khổ lớn mang tên ‘Dọc mùng’
Sinh thời, tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được rất nhiều người sưu tầm tranh trên thế giới yêu thích. Rất nhiều những đơn đặt hàng của ông đến từ khắp nơi trên thế giới mà ông đã không phục vụ kịp. Những nhà sưu tầm tranh luôn yêu thích những tác phẩm chất liệu Sơn Mài khổ lớn của ông.
Bức tranh ‘Dọc mùng’ là một bộ bình phong gồm 8 tấm gỗ ghép lại. Với sơn son, sơn then, vàng, bạc, vỏ trứng và sơn cánh gián họa sĩ đã tạo cho Dọc mùng một vẻ đẹp lộng lẫy, có chiều sâu bí ẩn, đưa kĩ thuật sơn mài lên đỉnh cao, khẳng định tầm quan trọng của chất liệu hội hoạ này trong nền mỹ thuật Việt Nam, đồng thời, đánh dấu sự khởi đầu cho khuynh hướng sáng tác đưa sơn mài vào nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí những năm sau này.
Mặt trước là hình ảnh cây dọc mùng với nét vẽ khoẻ khoắn, những mảng vỏ trứng, hình cây điển hình được viền bằng những mảng màu to rộng, nét cứng cáp gợi về sự gần gũi chân quê của vùng nông thôn Bắc Bộ Việt Nam.
Tại triển lãm mỹ thuật khai mạc 11/1/1939 do trường Mỹ thuật Đông Dương tổ chức, họa sĩ đã làm kinh ngạc công chúng Hà thành với hàng loạt những tác phẩm như Cảnh làng quê, Chợ Bờ, Hồ Gươm Trung thu, Thiếu nữ bên hồ sen…với sắc vàng óng ánh, vỏ trứng sắc trắng, sơn then thăm thẳm cứ rung lên nhạc điệu huy hoàng của sơn ta huyền thoại. Những chất liệu của sơn mài truyền thống: đen (then), đỏ (son), vàng quỳ, bạc quỳ đã chung sống với vỏ trứng- một chất liệu được ông chú tâm ứng biến qua nhiều cấp độ: đập vụn, tung rắc, dồn nét, quy tụ, nhấn nhá tô điểm trên tà áo dài thiếu nữ.
Những cảnh sắc nông thôn Bắc Bộ thường được lựa chọn trong những bức sơn mài bình phong khổ lớn của ông
Bức tranh Thiếu nữ trong vườn được trình bày như vườn hoa muôn sắc màu, trong đó các cô gái đang vui đùa, chạy nhảy, giá trị hiện thực toát lên từ hình khối, động tác. Sắc vàng kim được dát trên nền trời, trên những tấm áo điểm xuyết vỏ trứng, những vệt vàng lộng lẫy trên từng đường lượn như tôn vẻ đẹp thanh tân thiếu nữ.
Ở những tranh sơn mài có kích thước lớn, Nguyễn Gia Trí luôn mở rộng tầm nhìn thẩm mỹ, đặt cái cổ kính bên cạnh cái tân kỳ, cái lộng lẫy sang trọng cạnh sự giản dị mộc mạc, ý tưởng hy vọng đặt bên cạnh sự hoài niệm… Đó cũng là cách xử lý khi thể hiện mặt bên kia của tấm bình phong mang tên Phong cảnh có cách vẽ khoẻ khoắn, những mảng vỏ trứng, hình cây điển hình được viền bằng những mảng màu to rộng, nét chắc khoẻ gợi về sự gần gũi chân quê của vùng nông thôn Bắc Bộ Việt Nam.
Họa sĩ lúc sinh thời đã có nguyện vọng giữ lại ba bức tranh: “để cho thế hệ mai sau nghiên cứu”. Đó là 3 bức tranh sơn mài khổ lớn lưu tại Thư viện TP Sài Gòn mà bà Trần Lệ Xuân mua định tặng cho Nhật Hoàng, nhưng ông yêu cầu phải để lại trong nước. Những năm 70 của thế kỷ 20, cuộc sống của gia đình họa sĩ Nguyễn Gia Trí có thể nói là sung túc vì những tác phẩm của ông rất được thế giới ưa thích. Nhưng đến khi nhắm mắt, xuôi tay, ngoài vài tấm tranh, tài sản của ông chẳng có gì đáng kể, tất cả đã được họa sĩ cống hiến cho nghệ thuật.
“Ngay cả trong thời gian khó khăn nhất, tôi cũng có thể thành triệu phú, nhưng tôi quý trọng tự do hơn tiền bạc. Để sống tự do và lương thiện, để được sáng tạo nghệ thuật, tôi có thể chỉ sống đạm bạc qua ngày mà vẫn vui lòng”. Đó là tâm sự của ông với bạn là nhà thơ Đoàn Phú Tứ (Họa sĩ Nguyễn Gia Trí và sơn mài – Bùi Quang Ngọc, Tạp Chí Mỹ Thuật tháng 12, 1991).
Lucas Lương