Chúng ta thường thắc mắc rằng, tại sao luôn chỉ xuất hiện ông già Noel mà chẳng bao giờ thấy bà già Noel. Có một góc nhìn khác mà chúng tôi muốn gửi tới bạn đọc về một bà già Noel với những phép màu và lòng thiện lương ấm áp.
Trong chúng ta cái tên ông già Noel đã trở nên quen thuộc mỗi dịp Giáng sinh về, nhưng ở đất nước hình chiếc ủng, Italia, người ta lại có những câu chuyện kể về bà già Noel với một hình dáng và hành động rất kì lạ, nhưng tận sâu tâm hồn của bà, là sự yêu thương đối với trẻ nhỏ.
Trên vai bà lúc nào cũng đầy ắp những món quà mà bà sẽ phát cho những đứa trẻ ngoan, biết vâng lời. Bà có tên gọi là: Phù thủy đáng yêu: Epifania.
Bà già Noel đã từng là một người mẹ mất đi đứa con của mình.
Ở Ý nhân vật “bà già Noel” Befana được thay cho ông già Santa Claus. Theo truyền thuyết bà là một người phụ nữ đã bị hóa điên khi bà mất đi đứa con vô cùng yêu dấu của mình, bà đi kiếm tìm con trên suốt chặng đường bất kể trời mưa hay nắng, ngày hay đêm, nóng nực hay rét mướt.
Một lần bà gặp Chúa, bà ngỡ rằng đó là đứa con của mình, bà đã đem hết thảy những món quà mà bà tự tay làm và dành dụm tặng cho Chúa. Cảm động bởi tình yêu thương mà bà dành cho đứa trẻ, Chúa đã giao cho bà nhiệm vụ là phát quà cho trẻ em mỗi dịp giáng sinh về, bà trở thành mẹ của tất cả những đứa trẻ, và cũng là người phụ nữ có nhiều con nhất.
Vì điều ấy, mà bà rất hạnh phúc, cả một năm bà làm ra rất nhiều những món quà và vượt qua muôn vàn khó khăn, lạnh giá để phát đến tận tay những đứa trẻ đáng yêu những món quà của mình.
Cũng có một câu chuyện khác kể về bà La Befana từng được gặp ba nhà thông thái và họ mời bà cùng đến gặp Chúa hài đồng, tuy nhiên do mải quét dọn nên bà từ chối. Sau đó, Befana lại xúc động nghĩ đến sự ra đời của Chúa và quyết định đi tìm Ngài để tặng quà. Bà tìm mãi, tìm mãi nhưng không thấy nên để lại toàn bộ quà cho những đứa trẻ gặp trên đường đi vì nghĩ rằng đó có thể là Chúa.
Ở đất nước hình chiếc ủng, họ nhớ tới bà già Noel và có cả một ngày lễ dành cho bà sự yêu thương.
Vào đêm giữa ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Một, trong khi mọi người đang còn ngủ say sưa thì Befana bay lượn trên bầu trời cùng với cây chổi và đáp xuống từng nhà.
Truyền thuyết kể rằng, sau khi chui vào nhà qua đường ống khói Befana cũng để những món quà của mình trong những chiếc tất được lũ trẻ treo ở đầu giường hay ở lò sưởi. Nhưng khác với Ông già Noel, phù thủy Befana lại chỉ tặng quà là những viên kẹo và đồ ngọt cho những đứa trẻ ngoan, còn những đứa trẻ hư thì chỉ được nhận từ bà là những viên than đen sì.
Đối với những đứa trẻ với bình thường lúc hư lúc ngoan thì trước tiên chúng sẽ lôi được từ trong tất là than nhưng sau khi tìm kĩ sâu ở phía bên dưới tất thì sẽ thấy kẹo, sô cô la.
“Befana” là từ bắt nguồn từ ‘ Epifania ” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là sự xuất hiện.
Theo như truyền thống tôn giáo thì ngày mùng 6 tháng Một được gọi là ngày Epifania, ngày này thường được xem như là ngày để kết thúc chuỗi ngày nghỉ Giáng sinh.
Ở các thành phố lớn như Rome hay Napoli thì trong những ngày này người ta thường tổ chức những buổi diễu hành, triển lãm, hội chợ hoặc những buổi trình diễn của các nghệ sĩ đường phố.
Đối với trẻ em nơi đây thì tình cảm của chúng dành cho bà già Noel là một thứ tình cảm gần gũi và thân thương. Chúng đã sáng tác cả một bài thơ vần để tặng cho bà, phù thủy Befana như là :
“Phù thủy Befana đến trong đêm
với đôi giầy mà cái nào cũng hỏng
đem theo một túi đầy quà
để tặng cho những bé ngoan”.
Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy rằng, tình yêu thương đối với con người không nằm ở bề ngoài. Đó là thứ tình cảm xuất phát từ nội tâm sâu thẳm, nên để đánh giá và nhìn nhận về yêu thương thì người ta thường nhìn vào tấm chân thành ẩn giấu phía sau đó mà chẳng màng tới những gì họ mang trên người. Có thể trong số những phù thủy, vẫn có những phù thủy tốt, đồng nghĩa với phía sau những người có vẻ mặt hung tợn vẫn là những trái tim nồng hậu. Sự thay đổi của một con người nằm ở sự bao dung và vị tha của mọi người.
Tịnh Tâm – Hà Phương