Đại Kỷ Nguyên

Cuộc đời của nghệ thuật gia vĩ đại thế giới Michelangelo (P.1): Con đường học nghề

Một nhà nghệ thuật gia cự phách khác cùng thời với Da Vinci trong văn nghệ Phục hưng là Michelangelo. Họ cùng sinh ra và lớn lên ở Florence, và cũng là đối thủ cạnh tranh. Michelangelo sinh muộn hơn Da Vinci 23 năm, nhưng lại sống lâu hơn Da Vinci 45 năm. Đây là một trong những bậc thầy nghệ thuật sống lâu nhất và có ảnh hưởng nhất trong thời Phục hưng.

Cuộc đời của Michelangelo đã trải qua từ đầu đến cuối giai đoạn văn nghệ Phục hưng. Ông chứng kiến sự trỗi dậy và sụp đổ của Rome, dẫn dắt sự biến đổi của nghệ thuật, ảnh hưởng trực tiếp đến học thuyết và phong cách Baroque sau này.

Thời thơ ấu

Vào ngày 6 tháng 3 năm 1475, Michelangelo được sinh ra ở Caprese, gần Arezzo, miền trung nước Ý. Cha của ông, Lodovico di Leonardo Buonarroti Simoni, là thị trưởng thị trấn lân cận Chiusi. Theo nhà viết tiểu sử Vasari, khi Michelangelo được sinh ra, cha ông “tin rằng đã nhìn thấy những phẩm chất vượt trội ở đứa trẻ, cho nên mới đặt tên là Michelangelo“.

Vasari cũng nhấn mạnh vận mệnh phi thường của Michelangelo từ quan điểm chiêm tinh học: “Sao Thủy và sao Kim hạ xuống vị trí của sao Mộc, cho thấy trái tim và bàn tay của ông được định sẵn để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời“. Sau khi nhiệm kỳ của cha ông kết thúc, gia đình Michelangelo đã nhanh chóng chuyển về Florence.

Chân dung Michelangelo (Nguồn ảnh: epochtimes)

Cậu bé Michelangelo được gửi đến Settignano, một ngôi làng gần Florence. Ngôi làng này nổi tiếng với công nghề tạc đá. Michelangelo được ở cùng những người thợ đá. Đây là tiền đề cho sự ra đời của một nhà điêu khắc tài năng.

Sự nghiệp nghệ thuật của Michelangelo ban đầu là trái với ý muốn của cha mình. Khi ông lên sáu tuổi, mẹ ông đã qua đời. Cha ông đã gửi ông đến trường dạy ngữ pháp ở Franceso da Urbino để học tập chữ viết và một số văn bản tiếng Latin, Hy Lạp. Trong quá trình học tập tại đây, ông bắt đầu cảm thấy yêu thích hội họa, nên thường xuyên bị người cha nghiêm khắc trừng phạt. Cuối cùng, cha ông cũng hiểu được tài năng và ý chí sắt đá kiên trì của con trai trong hội họa, nên đã gửi Michelangelo, khi đó mười bốn tuổi, đến nhà người họa sĩ nổi tiếng Domenico Ghirlandaio bên ngoài thành phố Florence để học tập.

Con đường học nghề

Trong thời gian học việc, Michelangelo thường sao chép các tác phẩm của các họa sĩ đi trước, ví dụ như Giotto và Masaccio đã từng là đối tượng học tập của chàng Michelangelo non trẻ.

Bức tranh tường “Cuộc sống của Thánh Peter” – Masaccio, tại Nhà thờ Santa Maria del Carmine ở Florence (Nguồn ảnh: epochtimes)
Bản phác thảo bức tranh tường Masaccio – Michelangelo (Nguồn ảnh: epochtimes)

Một số bản thảo, bản phác thảo ban đầu của Michelangelo là đan xen sắc thái của các cây bút có độ dài và góc cầm bút khác nhau, đó là các kỹ thuật phác thảo tuyệt vời học từ Gilanda. Giai đoạn học tập của Michelangelo không chỉ là một sự bắt chước đơn giản, mà còn bổ sung những quan sát của riêng ông. Khi gặp những kiệt tác mà ông ngưỡng mộ, Michelangelo không chỉ miệt mài nghiên cứu tỉ mỉ, mà còn yêu cầu các tác phẩm của mình phải vượt qua chúng.

Có một bản sao của bức “The Temptation of St. Anthony” – của Martin Schongauer, được coi là tác phẩm sao chép sớm nhất của Michelangelo. Vasari ghi lại rằng Michelangelo đã cố gắng tìm ra hình ảnh của con quái vật bằng cách đi đến chợ để mua một số loại cá lạ về tham khảo. Tại thời điểm này, tác phẩm của ông đã bộc lộ những phẩm chất thanh lịch và tinh vi, giống như được vẽ từ đôi bàn tay của một họa sĩ già dặn.

Bản sao bức “The Temptation of St. Anthony” – Martin Schongauer mà Michelangelo sao chép. (Nguồn ảnh: epochtimes)

Màn trình diễn của Michelangelo trẻ tuổi trong xưởng vẽ nhanh chóng thu hút sự chú ý từ mọi người. Một năm sau, Ghirlandaio đã giới thiệu Michelangelo 14 tuổi cho Lorenzo de’ Medici – người đang tìm kiếm và đào tạo những tài năng nghệ thuật.

Tượng bán thân của Lorenzo – Michelangelo (Nguồn ảnh: epochtimes)

Gia đình Medici khi đó là gia tộc thống trị và quyền lực nhất của Florence, không chỉ mang đến sự ổn định và thịnh vượng cho Florence mà họ còn thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật của thành phố này lên hàng đầu. Bản thân Lorenzo có cả địa vị của một nhà văn và một nhà thơ. Ông thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển văn học và nghệ thuật. Các học giả Marsilio Ficino, Cristoforo Landino, Pico della Mirandola, v.v. cùng các nghệ sĩ nổi bật nhất thời bấy giờ cũng phục vụ ông. Một số nghệ sĩ hoạt động như đại sứ văn hóa của Lorenzo đến các cung điện khác của Ý.

Lorenzo đã thành lập một trường điêu khắc trong Vườn Tu viện St. Mark nổi tiếng, thuê nhà điêu khắc già Jacannidi Bertoldo tới để đào tạo một nhóm tài năng kế thừa nghệ thuật. Do đó, khi ông hỏi Ghirlandaio về tài năng trẻ, Michelangelo đã được giới thiệu, để gặp được người ở tầng lớp cao quý và thay đổi cuộc đời.

Trường dạy điêu khắc của Vườn St. Mark (1) trưng bày nhiều bản khắc cổ trong bộ sưu tập của Lorenzo, dùng làm điển phạm cho người đến học tập. Ngay khi cậu bé Michelangelo đến ngôi trường này, cậu như cá gặp nước. Lorenzo bị ấn tượng với những màn trình diễn phi thường của Michelangelo (2), nên quyết tâm dốc toàn lực đào tạo cậu bé. Vì vậy, Michelangelo được mời đến sống tại nhà của Lorenzo và được giáo dục như một thành viên trong gia đình (3). Trong thời kỳ này, Michelangelo được làm quen với giới tinh hoa trí tuệ thời Phục hưng, đặc biệt là học giả bình luận Platonist Fisino và Dandin, Randino, những người đã truyền cảm hứng cho Michelangelo. Cũng trong khoảng thời gian đó, việc nghe giảng đạo tại Tu viện San Marco, Savonarola, cũng ảnh hưởng sâu sắc đến Michelangelo, đến đức tin, lòng sùng đạo và quan niệm đạo đức của ông.

Bức phù điêu “The Virgin by the Stairs” – Michelangelo (Nguồn ảnh: epochtimes)

Hầu như không có ghi chép nào về quá trình học điêu khắc của Michelangelo. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, Michelangelo trẻ tuổi đã hoàn thành một số tác phẩm điêu khắc: ví dụ bức phù điêu “The Virgin by the Stairs“, bản khắc gỗ cho Nhà thờ Chúa Thánh Thần, “Chúa Giêsu trên thập giá” và bức phù điêu “Trận chiến Chaiuo“. Mặc dù các tác phẩm này còn chưa hoàn hảo, nhưng có thể nhìn thấy lấp ló sự vinh quang của một bậc thầy tương lai. Các chủ đề như Thánh Mẫu tử, chiến tranh, v.v. sẽ xuất hiện trở lại sáng chói trong sự nghiệp sáng tạo của ông trong tương lai.

(còn tiếp)

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Ghi chú:

(1). Vasari định vị Vườn St. Mark là tiền thân của Học viện Mỹ thuật được thành lập năm 1563. Trên thực tế, khu vườn này không phải là một trường đại học cũng không phải là một xưởng điêu khắc, mà là nơi đào tạo những tài năng nghệ thuật trẻ. Đồng thời, các đồng nghiệp quan sát và giao tiếp với nhau ở đây, khiến họ có một sự hiểu biết chung về các nhà văn và học giả đương đại, qua đó bổ sung kiến ​​thức cho họ.

(2). Michelangelo không thể chờ đợi và bắt tay vào công cuộc sáng tạo ngay khi đến trường dạy điêu khắc. Ông đã khắc một người chăn cừu già và đưa nó cho Lorenzo xem. Lorenzo nhìn vào răng của bức tượng và nói đùa với Michelangelo rằng “khi già răng của ngươi sẽ không được gọn gàng như vậy đâu“. Michelangelo ngay lập tức quay lại để sửa đổi. Ông phá vỡ một vài chiếc răng và một lần nữa đưa tới cho Lorenzo. Lorenzo đã rất ngạc nhiên trước tài năng và màn trình diễn tích cực của cậu bé này.

(3). Michelangelo có phòng riêng của mình, ăn uống cùng những đứa trẻ khác trong cung điện, thường là với các quý tộc. Lorenzo cho cậu một chiếc áo choàng màu tím và sắp xếp cho cha cậu làm việc trong cơ quan thuế. Ngoài ra, Michelangelo có thể nhận lương mỗi tuần để giúp đỡ cho kinh tế gia đình.

Xem thêm:

Exit mobile version