Đại Kỷ Nguyên

Cùng chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của Nhà thờ chính tòa St. John

Tọa lạc ở thủ đô Valletta của Malta, Nhà thờ chính tòa St. John mang một hình ảnh rất đặc biệt bởi sự kết hợp của kiến trúc Phục Hưng bên ngoài và phong cách Baroque đầy xa hoa bên trong nhà thờ.

Cộng hòa Malta nằm ở phía nam của Italia, ngay trên Tunisia trong vùng biển Địa Trung Hải. Với diện tích chỉ hơn 300km2 và tổng dân số giao động trong khoảng nửa triệu người, Malta là một trong những quốc gia nhỏ bé nhất thế giới.

Valletta là thủ đô của quốc đảo Malta, là một trong những thủ đô nhỏ nhất EU với diện tích chỉ khoảng 0,8 km2 nhưng Valletta sở hữu nền văn hóa vô cùng đa dạng và được bình chọn làm “Thủ đô Văn hóa Châu Âu 2018” và là thành phố được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1980. Trong số tòa nhà có ý nghĩa lịch sử lớn lao, không thể không kể đến Nhà thờ chính tòa St. John, được mệnh danh là “bông hoa của Valletta”.

Nhà thờ St. John nhìn từ bên ngoài (Ảnh: Mondesetmerveilles)

Nhà thờ được xây dựng từ năm 1573 đến 1577, theo bản thiết kế của kiến trúc sư Girolamo Cassar, cũng là người thiết kế cung điện nổi tiếng Grand Master, một công trình nổi bật khác ở Valletta. 

Bên ngoài nhà thờ được “canh gác” bởi 2 khẩu pháo đại bác bằng đồng, mang ý nghĩa lớn lao cả về giá trị lịch sử cũng như giá trị nghệ thuật kiến trúc. Mặt tiền khá lớn với hai tháp chuông ở hai bên. Kiểu kiến trúc khô khan của này gợi nhớ đến phong cách kiến trúc quân sự ở Malta vào năm 1565.

Nhà thờ St. John là minh chứng cho sự giàu có và tầm quan trọng của các Hiệp sĩ Malta, người đã tạo ra một thành trì của Kitô giáo trong thế kỷ 16, bảo vệ châu Âu và đức tin Công giáo khỏi các cuộc tấn công của người Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên trong một căn phòng nhà thờ (Ảnh: pbase)

Đi vào bên trong, các du khách sẽ choáng ngợp bởi sự xa hoa, tráng lệ bên trong nhà thờ, với vòm trần uy nghi, sàn nhà lát đá hoa cẩm thạch v.v.

Mái vòm được thiết kế bởi Mattia Preti (Ảnh: pbase)

Trong những năm nửa sau thế kỷ 17, trọng trách thiết kế mái vòm được giao cho Mattia Preti. Khi hoàn thành, mái vòm tráng lệ đến mức có thể đem ra đặt cạnh với các nhà thờ La Mã cổ.

Trên trần, ông đã vẽ những bức tranh miêu tả cuộc đời của Thánh Jean-Baptiste, những bức họa này được gắn trực tiếp trên đá Malta xốp. Các họa tiết trang trí các bức tường được chạm khắc và mạ vàng theo thiết kế của Mattia Preti. Trên các họa tiết có thể nhận thấy các loại huy hiệu biểu tượng, trong số đó có cây Thánh giá của Malta.

Một số huy hiệu biểu tượng, Thánh giá Malta bên trái (Ảnh: madeleine-et-pascal)

Những huy hiệu biểu tượng này còn là minh chứng cho truyền thống của các Hiệp sĩ, thể hiện sự tôn vinh, kính trọng của họ.

Sàn nhà thờ được lát bởi hơn 400 miếng đá cẩm thạch đa sắc đồng thời là tấm bia của các vị Hiệp sĩ, trong số đó có cả của họa sĩ Mattia Preti. Ngoài ra, phong cách thiết kế này còn được thấy trong Nhà thờ đồng thánh Pierre và thánh Paul ở Mdina, thủ phủ cũ của Malta.

Các tấm bia các Hiệp sĩ (Ảnh: madeleine-et-pascal)

2 hệ thống đàn ống được đặt song song với nhau ở 2 bên, đây là một dạng phong cách thiết kế mang tính đặc trưng.

Bên trong nhà thờ bao gồm 8 nhà nguyện khác nhau, được chia theo nguồn gốc hoặc ngôn ngữ mẹ đẻ của các Hiệp sĩ, gồm có: tiếng Đức, Italy, Pháp, Provence (nay thuộc Pháp), Auvergne (nay thuộc Pháp), Castille (nay thuộc Tây Ban Nha), Aragon (nay thuộc Tây Ban Nha) và Bồ Đào Nha.

Các nhà nguyện phía Bắc

Các kỵ sĩ, hiệp sĩ có cùng nguồn gốc hoặc ngôn ngữ được chia thành một nhóm trong cùng một nơi. Sự phân chia này hay xuất hiện ở những nhà thờ có nhà nguyện dành riêng cho từng ngôn ngữ.

Từ dàn hợp xướng cho đến cuối nhà thờ gồm 4 nhà nguyện:

Nhà nguyện tiếng Pháp, dành riêng cho St. Paul, được trang trí, thiết kế lại vào thế kỷ 19. Nhà nguyện được trang trí lộng lẫy với những bức điêu khắc điêu khắc trang trí công phu.

Bức tranh thờ của Thánh Paul, tác phẩm của Mattia Preti (Ảnh: madeleine-et-pascal)

Nhà nguyện tiếng Ý, dành riêng cho Thánh Catherine, vị thánh bảo trợ của Ý. Nhà nguyện mang phong cách nghệ thuật Baroque lộng lẫy.

Bức tranh: Tử vì đạo của Thánh Catherine, hiện được đặt trong Phòng Oratory của nhà thờ (Ảnh: madeleine-et-pascal)

Nhà nguyện tiếng Đức.

Đại bàng hai đầu, biểu tượng của Đế chế La Mã Thần thánh (Ảnh: madeleine-et-pascal)
Trần nhà nguyện (Ảnh: madeleine-et-pascal)

Nhà nguyện của Provence, dâng lên cho Tổng Thiên thần Thánh Michel. Nhà nguyện này cũng bao gồm cả nhà nguyện Anglo-Bavarian, nay gọi là nhà nguyện của thánh tích, dành riêng cho Thánh Charles Borromeo.

Đàn thờ của Thánh Charles Borromeo (Ảnh: madeleine-et-pascal)
Bức tranh mô tả sự xuất hiện của Tổng lãnh thiên thần Michel (Ảnh: madeleine-et-pascal)

Các nhà nguyện phía Nam

Từ phía cuối nhà thờ đến dàn hợp xướng, gồm 4 nhà nguyện:

Nhà nguyện của tiếng Castille và Bồ Đào Nha, dành riêng cho Thánh Jacques.

Nhà nguyện Aragon, dành riêng cho Thánh Georges, cũng là một trong những nhà nguyện được trang trí lộng lẫy nhất trong nhà thờ.

Bức tranh: Thánh George tuyệt đẹp ngồi trên con ngựa trắng sau khi giết một con rồng, đây cũng là một trong số những bức đẹp nhất của Mattia Preti (Ảnh: madeleine-et-pascal)

Nhà nguyện Auvergne, dành riêng cho Thánh Sébastien.

Bên trong nhà nguyện Auvergne (Ảnh: madeleine-et-pascal)

Nhà nguyện Đức bà Philermos hay còn gọi là nhà nguyện Thánh Sacrement.

Mời quý độc giả cùng chiêm ngưỡng một số thiết kế chạm khổ, điêu khắc tuyệt đẹp bên trong nhà thờ:

Bức điêu khắc “Lễ rửa tội” đằng sau đàn thờ chính của Giuseppe Mazzuoli từ 1700-1703 (Ảnh: madeleine-et-pascal)
Hai bên dàn hợp xướng (Ảnh: madeleine-et-pascal)
Trên giảng đài (Ảnh: madeleine-et-pascal)

 

Clip hay:

Exit mobile version