Franz Joseph Haydn (1732 – 1809) là một nhà soạn nhạc người Áo và là một trong những nhà soạn nhạc xuất chúng của nền âm nhạc cổ điển. Bản giao hưởng số 101 của Haydn thường được gọi là “Đồng hồ” bởi chương II của tác phẩm có âm điệu đều đều với nhịp chính xác rõ ràng ở bè đệm như tiếng tích tắc của đồng hồ.
Một trong những điều đáng chú ý trong tác phẩm này chính là con số 101. Đối với các nhà soạn nhạc vĩ đại thì 101 bản giao hưởng là con số rất lớn. Nếu chúng ta xem danh sách các tác phẩm của họ, ta hầu như không thấy ai đạt quá 10 bản giao hưởng (trừ một số trường hợp như chính Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart, Dmitri Shostakovich, Alan Hovhaness,…) chứ đừng nói là 101 bản. Mà Mozart cũng chỉ có 41 bản, Shostakovich có 14 bản, còn Hovhaness có hơn 60 bản, tức là đều chưa đến 100. Thực sự, không cần 104 bản giao hưởng Haydn đã viết mà chỉ cần 101 bản, ôngn cũng có thể lập một kỷ lục trong lịch sử âm nhạc thế giới rồi.
Haydn hoàn thành bản giao hưởng vào khoảng năm 1793 – 1794 . Ông đã viết nó trong chuyến thăm London lần thứ hai.
Tác phẩm gồm 4 chương:
Chương I: Adagio – Presto
Chương II: Andante.
Chương III: Minuetto – Allegretto
Chương IV: Finale – Presto
Mới quý độc giả thưởng thức Giao hưởng số 101 “Đồng hồ” ở giọng Rê trưởng:
Giao hưởng “Đồng hồ” mở đầu bằng những âm hưởng u sầu, chậm rãi mang ý nghĩa báo trước. Ngay sau những âm hưởng “ảm đạm”, Haydn đã bất ngờ thay đổi chương nhạc trở nên vui vẻ, sôi nổi hơn bằng cách biến đổi tiết tấu trở nên nhanh hơn, kịch tính hơn và giai điệu trở nên nhẹ nhàng hơn. Kết thúc chương nhạc là một đoạn coda ngắn.
Chương II là chương thể hiện rõ nhất về tiêu đề của bản giao hưởng. Với tiết tấu nhịp như của một chiếc “đồng hồ”, tiếng “tích tắc” của đồng hồ được Haydn mô phỏng bằng những tiếng pizzicato (khảy, bật dây đàn) của bộ dây và những đoạn staccato của kèn Pha gốt (bassoon). Sau một vài tiếng ‘tích tắc’, âm thanh của dàn nhạc dần trở nên yên tĩnh hơn để nhường cho chương ba.
Chương III được đánh dấu bởi khúc minuet (giai điệu của những nhảy bước nhịp nhỏ). Thay vì những giai điệu cho điệu nhảy kiểu cung đình Pháp, Haydn đã viết dấu nặng cho khúc nhạc này để trở thành điệu nhảy của những người nông dân Đức.
Chương cuối với sự kết nối các phần phát triển chủ đề bằng cách lặp lại chương I khiến thính giả thấy được sự lạc quan, yêu đời trong âm nhạc của Haydn.
Đôi nét về tác giả
Franz Joseph Haydn (31 tháng 3 năm 1732 – 31 tháng 5 năm 1809) là một nhà soạn nhạc người Áo và là một trong những nhà soạn nhạc xuất chúng của nền âm nhạc cổ điển, còn được gọi là “người cha của giao hưởng” và “cha đẻ của tứ tấu dây”. Ông cũng có nhiều đóng góp cho thể loại tam tấu piano và hình thức sonata.
Trong thời kỳ dài sinh sống ở Áo, Haydn là một nhà soạn nhạc cung đình cho gia tộc Eszterházy. Tách biệt với các nhà soạn nhạc và các xu hướng âm nhạc khác cho đến tận cuối đời.
Các kiệt tác cuối cùng của Haydn, bao gồm các tác phẩm hợp xướng hùng hậu: hai oratorio “Đấng sáng tạo” và “Các mùa” và một nhóm sáu bản mass. Haydn ngừng sáng tác vào năm 1803, sau đó thư từ và bưu thiếp ông gửi đi thường được mở đầu bằng một trích đoạn âm nhạc (từ một trong những ca khúc nhiều bè ông viết) với ca từ “Mọi sức lực hết rồi; tôi đã già và yếu”. Ông qua đời tại Vienna vào ngày 31/5/1809.
Hoàng Lâm (t/h)
Clip hay: