Đại Kỷ Nguyên

Cuộc hội ngộ tình cờ giữa sáng thu Hà Nội đã thay đổi cuộc đời tôi

Đã lâu lắm không tập thể dục buổi sáng quanh Hồ như thời còn trẻ, không hiểu sao đêm Trung thu khó ngủ, thức dậy lúc 4 giờ rằm; một mạch đi bộ ra hồ Thành Công.

Mới 4 giờ rưỡi, người đã đông như kiến. Đẹp quá! Nhiều bài thơ, bài hát, bài viết về “mùa thu Hà Nội” hay mê hồn, xúc động lòng người. Đúng thôi, phải thôi, bởi tâm hồn người thi sĩ đã “gặp” hồn thiêng của Trời đất, đã ban cho con người biết bao thứ, núi sông, ao hồ, cây cối… để nhiều người cùng được thưởng thức, hưởng thụ cả thiên nhiên, âm nhạc, hội họa.

Đi một vòng quanh hồ, ngồi tựa lưng trên ghế đá, mường tượng về quá khứ thời 1970 – 1980 thế kỷ trước, rồi so với bây giờ mà cứ như “trong mơ”. Xã hội thay đổi quá nhanh, cả “ngoài” lẫn “trong” từ trên xuống dưới, con người – xã hội, vật chất lẫn tinh thần.

Rồi tôi tiếp tục đi một vài vòng nữa xem sao. Xa xa có tiếng cười gào lên từng đợt, với giọng điệu, âm thanh khác nhau của một nhóm người, tôi ngỡ… bệnh nhân tâm thần trốn viện tập thể, giống trại viên trốn trại cai nghiện. Lại gần, không phải, tôi lại ngồi thử xem sao!

(Ảnh: Trangcongnghe.com)

Tiếng cười tự động, từng đợt, từng cơn của khoảng vài chục “bà”, già có, trung có, trẻ có. Tôi đoán có lẽ đó là Yoga cười của một bác sĩ người Ấn sáng lập để cải thiện, nâng cao sức khỏe tinh thần, thể chất cho những ai ít được cười, dễ cáu giận…Nhưng môn tập này ít có ở Việt Nam, lần đầu tôi mới gặp.

Cách đó 5 – 7 mét, một nhóm khoảng ba chục người đang tập 5 bài khí công trong tiếng nhạc nền của bộ Pháp Luân Công. Trái ngược với “đám tập cười”, họ tĩnh lặng, những động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển với vẻ mặt tươi rói, đậm nét từ bi, thân thiện, không gợn một chút giận hờn, cố chấp, ganh ghét.

Tôi ngồi cạnh chị ngoài cùng hàng sau, cùng tập theo. Phía trên sau, cách vài ba mét, một anh trạc ngoài 40 ngồi trên ghế đá với giọng oang oang: “Anh đã nói với em rồi, có gì ăn nấy, tự thỏa mãn với mình là được rồi. Đằng này cứ ham giàu, chơi chứng khoán, đề đóm, bây giờ nên nông nỗi này. Anh yêu em và con lắm, bây giờ con học ở trường nào, lớn lên làm gì?”. Và còn dài nữa, rành rọt từng lời trong giọng Kinh Bắc trăm phần.

Tôi cảm thấy khó chịu, cứ tưởng anh ta đang giảng giải cho vợ nghe, té ra anh nói một mình trong “dòng chảy” của một tâm thần phân liệt thể Paranoid hay Paranoia gì đó.

Tôi nói với chị ngồi cạnh: “Anh ta bị bệnh tâm thần”. Rồi hai người ngồi hỏi thăm nhau mấy câu: “Chị tên gì, nhà ở đâu, năm nay bao nhiêu tuổi, sao chị ra đây tập sớm thế?”.

“Em tên Tâm, quê Phủ Lý, năm nay ngoài 50. Em bị bệnh thận, cao huyết áp mấy năm nay, đi bệnh viện suốt. Bây giờ khỏi hẳn rồi, em lên giúp việc cho người nhà, tháng cũng được 3-4 triệu, ăn ở tại nhà họ. Gia chủ tốt lắm, em cũng mừng, vừa khỏi bệnh, vừa có đồng ra, đồng vào. Nghĩ mà cảm ơn bà hàng xóm “bày” cho em tập những bài khí công này”.

Chị đang “hưng phấn” nói không cho tôi một phút chen ngang, bác tập đi, đọc đi tốt lắm.

Những đợt cười mỗi lúc một to, gằn, đổi giọng, át cả câu chuyện dang dở giữa hai người …

Trái ngược với “đám tập cười”, họ tĩnh lặng, những động tác nhẹ nhàng, uyển chuyển với vẻ mặt tươi vui, đậm nét từ bi,thân thiện, không gợn một chút giận hờn, cố chấp, ganh ghét. (Ảnh: Rfa.org)

“Về sớm thôi bác, ồn quá”. Tôi và chị đi bộ cùng đường được chừng vài trăm mét. Chị kể: “Từ ngày em tập và đọc, tâm tính em khác hẳn, cảm thấy tự tin, an toàn bởi không tham, sân, hận, làm những điều bất hảo. Đi chợ về thừa dăm ba ngàn cũng báo với cô chủ, không dám nói dối lấy một nhời!”.

“Cô chủ cũng tốt lắm, hôm em sửa nhà, cô cho em vay không lãi 20 triệu đồng, bảo khi nào có thì trả, không cũng được. Em cũng góp trả gần hết rồi. Chị lại nhắc tôi, bác cố tập và đọc đều, tốt lắm bác ạ”.

Hai người chia tay. “Cám ơn chị Tâm nhiều”, tôi chào chị với cả tấm lòng trân trọng.

Trên đường về nhà, tôi cứ nghĩ mãi bởi mình còn phải coi chị Tâm như là tấm gương để mà học hỏi. Một người giúp việc, làm công, ít được học mà sẻ chia, bộc bạch với mình những lời gan ruột của mình. Chị làm được những việc tưởng như bình thường, tầm thường nhưng ít ai có thể. Thức dậy tập từ 4 giờ đến 7 giờ, về lau nhà, nấu ăn, rời tay là đọc sách, đọc sách, tập luyện. Thực sự quý hơn cả vàng.

Tôi tự mình chắp tay trước ngực, trong hẻm vắng, niệm thầm nhắc mình: “Cố gắng chân thật đến trọn đời” .

Trời sáng dần, mùa thu Hà Nội đẹp quá, dòng người trên đường mỗi lúc một đông. Về đến nhà, vẫn còn văng vẳng bên tai tôi những tiếng cười sảng khoái, đủ âm thanh xen lẫn tiếng nhạc đệm 5 bài tập khí công, cùng tiếng chen ngang tự nói với mình của người đàn ông tâm thần trên ghế đá.

Nhưng đọng lại trong tôi không thể nào quên, khuôn mặt, dáng đi, giọng nói, từng câu của chị Tâm: “Tập, đọc đều đi bác, tốt lắm, tốt lắm!”.

TS. BS. Nguyễn Sỹ Hoá
Nguyên Phó viện trưởng Viện da liễu Quốc gia

Exit mobile version