Đại Kỷ Nguyên

Cuộc sống tràn đầy nghệ thuật và tín ngưỡng của Hoàng hậu nước Pháp

Hoàng hậu nước Pháp

Marie Leszczynska, một Hoàng hậu nước Pháp đầy quyền lực, nhưng khiêm tốn và yêu thương người dân. Dù không phải nhân vật nổi tiếng trong lịch sử nhưng bà là người yêu nghệ thuật và có tín ngưỡng mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn tới triều đình Pháp lúc đó.

Hoàng hậu nước Pháp, Marie Leszczynska (1703 – 1768), là người Ba Lan và là Hoàng hậu có thời gian sống lâu nhất tại cung điện Versailles, ngoại ô Paris. Trải qua hơn 42 năm song hành với vua Louis XV trị vì nước Pháp, bà đã tạo ra một ảnh hưởng khá lớn lên đời sống của người dân Pháp, không phải về mặt chính trị, mà về cuộc sống và tín ngưỡng.

Marie Leszczynska, Hoàng hậu nước Pháp, 1748, bởi Jean-Marc Nattier. Tranh sơn dầu. Bảo tàng quốc gia Cung điện Versailles và Trianon. (Ảnh: Barshe Fouin / Cung điện Versailles)

Bộ sưu tập 50 bức tranh, một số do chính Hoàng hậu vẽ và các tác phẩm nghệ thuật khác được trưng bày như một phần của triển lãm tại Versailles, “Thẩm mỹ của Marie Leszczynska, Hoàng hậu vô danh”, khai mạc vào tháng 4 năm nay và kéo dài đến mùa xuân 2020. Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày trong triển lãm phản ánh và sắc đẹp của Hoàng hậu Marie, cũng như tình yêu của bà đối với gia đình và Thiên Chúa.

Chân dung các thành viên trong gia đình

Nhiều bức tranh treo tại nơi ở của Marie vẽ những đứa con trong số 10 đứa con của bà, toàn bộ được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1727 đến năm 1737. Khi đứa con đầu tiên, Dauphin Louis Ferdinand chào đời, Marie đã ủy thác cho họa sĩ Alexis-Simon Belle (1674 – 1734) vẽ một bức chân dung cậu bé. Bức tranh này sau đó được treo trong phòng tắm của bà. Bà thích nó đến nỗi đã tiếp tục ủy thác Belle vẽ một bức tranh nữa, nhưng lần này là vẽ cả hai mẹ con. Có khả năng bức tranh này được vẽ khi Dauphin lên 1 tuổi.

Marie Leszczynska, Hoàng hậu nước Pháp, và Dauphin Louis Ferdinand, khoảng năm 1730, bởi Alexis-Simon Belle. Dầu trên vải. Bảo tàng quốc gia Cung điện Versailles và Trianon. (Ảnh: Barshe Fouin / Cung điện Versailles)

Trong bức tranh, Hoàng hậu Marie ngồi thẳng và đĩnh đạc, thể hiện thần thái tao nhã. Những viên kim cương được gắn trên khắp mái tóc của Marie, hòa hợp với những viên ngọc đính trên chiếc váy vàng kim thêu kim tuyến tinh xảo của bà. Bà nhẹ nhàng nắm tay con trai mình. Bé Dauphin, phản chiếu biểu cảm khuôn mặt của mẹ với một không khí vương giả. Có lẽ cậu bé biết rõ số phận của mình. Vương miện vàng kim trên ghế tựa dài như một báo hiệu chắc chắn về tương lai của cậu. Cậu bé ngồi lên trên chiếc áo choàng lông thú in hình các phù hiệu Hoàng gia Pháp, y phục mà cậu sẽ mặc sau này khi làm vua.

Louis XV, vua nước Pháp, vào khoảng năm 1728, bởi một nghệ sĩ ẩn danh. Tranh sơn dầu. Bảo tàng quốc gia Cung điện Versailles và Trianon. (Ảnh: Gerard Blot / Cung điện Versailles)

Có thể thấy các biểu tượng và y phục sang trọng và lộng lẫy tương tự trong bức chân dung của cha Dauphin, Vua Louis XV (1710 – 1774), được vẽ vào khoảng năm 1728 bởi một họa sĩ ẩn danh. Trong bức tranh này, Vua Louis choàng chiếc cổ áo với chiếc huân chương Chúa Thánh thần, và khoác chiếc áo choàng có phù hiệu Hoàng gia mà Dauphin ngồi lên trong bức tranh chân dung cùng với mẹ. Trên chiếc bàn bên tay phải nhà vua là chiếc vương miện, quyền trượng, và ‘bàn tay công lý Charlemagne’, một loại quyền trượng kiểu Pháp, với hình chạm trổ đầu mút của nó là bàn tay của Chúa đang ban phước.

Vị Hoàng hậu yêu thích thực hành nghệ thuật

Công tước xứ Luynes, bạn của Hoàng hậu Marie, viết rằng bà không có năng khiếu tự nhiên về vẽ tranh, nhưng vẫn có thể vẽ khá tốt và tìm được nhiều niềm vui từ đó.

Marie Leszczynska, Hoàng hậu nước Pháp, 1725, bởi Alexis-Simon Belle. Tranh sơn dầu. Bảo tàng quốc gia Cung điện Versailles và Trianon. (Ảnh: Barshe Fouin / Cung điện Versailles)

Mỗi buổi chiều, sau khi thực hiện nghĩa vụ của hoàng gia tại triều đình, Marie sẽ về nghỉ ngơi tại khu nhà riêng của mình, ở gần với những người thân tín, bao gồm các nhà văn, nhà triết học và các bộ trưởng. Khu ở riêng tư này là nơi tôn nghiêm của bà, nơi bà thường đọc sách, nghỉ ngơi, cầu nguyện hoặc làm việc các công việc thêu thùa, may vá hoặc vẽ tranh. Từ nhỏ bà đã được học nhiều môn nghệ thuật như nhảy múa, ca hát, nhạc cụ, hội họa…Trong khu nhà riêng của bà còn có cả một nhà nguyện và phòng trưng bày Xanh, nơi bà vẽ tranh, chơi nhạc và in hình bằng máy in thủ công của riêng mình, thậm chí còn có một phòng lưu trữ thơ – là một không gian rất nhỏ bé mà Marie lưu trữ các tập thơ bà sưu tập được.

“Trang trại”, chép từ tranh của Sau Jean-Baptiste Oudry, 1753, bởi Marie Leszczynska. Bảo tàng quốc gia Cung điện Versailles và Trianon. (Ảnh: Gerard Blot / Cung điện Versailles)

Jean-Baptiste Oudry (1686 – 1755) là một trong những họa sĩ mà Marie yêu thích. Bà đã chép một trong những bức tranh của ông từ ủy thác của hoàng tử Dauphin. Bức tranh trên vải mà bà chép của Oudry có tên “Một nông trại” thể hiện một khung cảnh thanh bình của một vụ mùa bội thu và sự làm việc chăm chỉ của người nông dân. Bà đã vẽ bức tranh này với sự hỗ trợ của Étienne Jeaurat, một họa sĩ triều đình, người đã làm cố vấn hội họa cho bà trong khoảng 15 năm.

Một bức tranh trong loạt tranh “Căn phòng Trung Hoa”, 1761, bởi Marie Leszczynska, Henri-Philippe-Bon Coqueret, Jean-Martial Frédou, Jean-Philippe de La Roche, Jean-Louis Prévost, dưới sự chỉ đạo của Étienne Jeaurat.  Bảo tàng quốc gia Cung điện Versailles và Trianon. (Ảnh: Barshe Fouin / Cung điện Versailles)

Năm 1761, Hoàng hậu Marie cùng với năm họa sĩ triều đình đã vẽ một loạt tranh sơn dầu có tiêu đề là “Căn phòng Trung Hoa“, với các chi tiết tinh xảo về kiến trúc, trang phục, và cảnh quan. Nhiều quang cảnh khác nhau đã được vẽ, như một buổi trà đạo, hoạt động truyền giáo của giáo sĩ Dòng Tên, hay một buổi chợ tại Nam Kinh.

Một bức tranh trong loạt tranh “Căn phòng Trung Hoa”, 1761, bởi Marie Leszczynska, Henri-Philippe-Bon Coqueret, Jean-Martial Frédou, Jean-Philippe de La Roche, Jean-Louis Prévost, dưới sự chỉ đạo của Étienne Jeaurat. Bảo tàng quốc gia Cung điện Versailles và Trianon. (Ảnh: Barshe Fouin / Cung điện Versailles)

Cung điện Versailles đã mua lại loạt tranh “Căn phòng Trung Hoa” vào năm 2018. Các bức tranh trước đó được bảo quản bởi gia đình người thị nữ của Hoàng hậu, bà Bá tước xứ Noailles, từ khi Hoàng hậu trao lại bức tranh cho bà Bá tước vào năm 1768.

Tấm gương của Hoàng hậu

Hoàng hậu Marie sinh thời có mong muốn mạnh mẽ về giảm bớt đau khổ cho người khác. Bà thậm chí không có nhu cầu mặc váy đẹp, cho rằng người nghèo còn không có áo sơ mi để mặc. Bà đã thành lập một tu viện ở Versailles để tạo môi trường giáo dục cho những cô gái nghèo. Tu viện này được đi vào hoạt động sau khi bà qua đời.

Đức tin vào Thiên chúa của Marie đặc biệt mạnh mẽ tại những nơi bà đã ở, những cuốn sách bà đã đọc, và cả nghệ thuật mà bà đã thưởng thức. Bà luôn ủng hộ các chủ đề và câu chuyện về các vị tử vì đạo của Cơ đốc giáo và tu sĩ Dòng Tên. Vào thời điểm đó, các tu sĩ Dòng Tên còn đang bị ráo riết trục xuất khỏi nước Pháp.

Charles Jean-François Hénault (1685 – 1770), chủ tịch Quốc hội Paris, đồng thời là cố vấn và quản lý của Marie, đã viết trong hồi ký của mình, rằng “Hoàng hậu đã làm gương để khiến một triều đình bất đồng trở nên tận tụy trong việc tuân thủ tín ngưỡng, mà không làm mất đi vẻ vui tươi hay uy nghiêm của nó”.

“Cái chết của Thánh Francis Xavier”, 1717, bởi Charles-Antoine Coypel. Dầu trên vải. Bảo tàng quốc gia Cung điện Versailles và Trianon. (Ảnh: Barshe Fouin / Cung điện Versailles)

Hoàng hậu Marie dành một sự quan tâm đặc biệt cho Thánh Francis Xavier. Thầy tu dòng Tên này đã từng lưu lại ở Ấn Độ và đang trên đường đến Trung Quốc đại lục vào năm 1552 để truyền giáo thì đã qua đời trên đảo Sangchuan, ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, trước khi đạt mục đích. Bà đã ủy thác cho họa sĩ Charles-Antoine Coypel (1694 – 1752) vẽ bức tranh “Cái chết của Thánh Francis Xavier” vào năm 1749, như một sự cống hiến của riêng bà cho tôn giáo.

Trong bức tranh, các tông màu tối của thân thể đã vô hồn của Thánh Francis nằm trên mặt đất, gần như chia bức tranh thành hai phần. Bóng tối của cái chết đối diện với ánh sáng thần thánh của các thiên thần đang vẫy gọi và chào đón vị tu sĩ Dòng Tên lên thiên đàng.

Lược dịch theo bản tiếng Anh của LORRAINE FERRIER (EPOCH TIMES)

Clip hay:

Exit mobile version