Đại Kỷ Nguyên

Ngày Xuân nghe tiếng đàn nhị hồ: Âm thanh nhẹ như tơ mang cả không gian mùa Xuân về

Được ví như vĩ cầm của người Tây phương, đàn nhị hồ giúp chúng ta cảm nhận vẻ đẹp da diết, thánh khiết của một niềm hạnh phúc sâu lắng…

Nghệ sỹ Thích Hiểu Xuân, nhạc sĩ độc tấu đàn nhị hồ trong Đoàn Nghệ Thuật Shen Yun  (Mỹ) nổi tiếng thế giới, trình diễn bản “Thệ ước”

Đàn nhị hồ đối với người phương Đông cũng giống như đàn vĩ cầm đối với người Tây phương—người ta chỉ cần nghe tiếng đàn để cảm nhận sự đẹp đẽ, da diết, khắc khoải và niềm hạnh phúc sâu lắng mà nó có thể khơi dậy từ trong lòng. 

Lần đầu tiên nhìn thấy một cây đàn nhị hồ, nhiều người cảm thấy ngạc nhiên vì hình dáng cái đàn đơn giản, thêm vào đó, từ 2 sợi dây đàn của nó mà có thể vang lên một chuỗi âm điệu thật phong phú.

Nghe tiếng đàn nhị hồ để cảm nhận sự đẹp đẽ, da diết, khắc khoải và niềm hạnh phúc sâu lắng…(Ảnh: NTD)

Tiếng đàn nghe nhẹ như tơ mang cả không gian mùa Xuân về…

Tiếng nhạc của đàn nhị hồ nghe nhẹ như tơ, và âm thanh vương vấn này còn giữ trong đầu người nghe một lúc lâu với những nốt ngân và luyến thánh thót, da diết. Dây tơ thực sự đã được dùng làm dây đàn cho nhị-hồ trong quá khứ. Hiện nay, dây kim loại thường được sử dụng thay vì dây tơ để đảm bảo sức bền của đàn.

Đàn nhị hồ có một hộp âm thanh ở dưới đáy, làm bằng gỗ và da beo. Âm thanh phát ra khi cây cung kéo trên dây đàn. Cây cung tốt nhất dùng lông đuôi ngựa.

Nhị hồ thích hợp khi cần các giai điệu tuôn chảy dạt dào. Tiếng đàn của nhị hồ có thể mô phỏng dễ dàng các âm thanh như khóc thương, than thở, hay thì thầm với nhau. Dưới bàn tay thiện nghệ, nhị hồ còn có thể tạo nên những âm điệu của thiên nhiên như — chim hót, ngựa hí, mưa xuân tí tách, cơn bão mùa hè, tiếng gió gầm thét, và những thứ khác.

Tiếng đàn nhị hồ đẹp như người thiếu nữ nhẹ nhàng, e ấp, mong manh…(Ảnh: NTD)

Những âm thanh nói được hết lòng người sâu lắng, ý nhị…

Đàn nhị hồ rất thích hợp dùng để diễn tả rất nhiều loại tình cảm, trầm buồn như khóc thương, nức nở hay cũng có đủ cung bậc hạnh phúc, vui vẻ, hoặc ríu rít, nô đùa…

Một khi dòng tình cảm tuôn ra, sự buồn bã và mong chờ trong cuộc đời của chính bản thân và cuộc đời của tiền nhân họ quyện lại với nhau, khiến cho các dây đàn có sức mạnh diễn tả tràn đầy với lịch sử.

Tiếng đàn nhị hồ kết nối quá khứ và hiện tại, có sức mạnh diễn tả tràn đầy đối với lịch sử (Ảnh: NTD)

Thích Hiểu Xuân – người nghệ sỹ có tiếng đàn chạm tới đáy lòng người nghe và khơi dậy cả một nguồn tình cảm…

Là nhạc sĩ chơi đàn nhị hồ trong Đoàn Nghệ thuật Shen Yun, nghệ sỹ Thích Hiểu Xuân có một tài năng thiên phú là tiếng đàn nhị hồ của cô có thể chạm đến đáy lòng người nghe. Sự trình diễn của cô thấm sâu vào tâm hồn khán giả, khơi dậy cả một nguồn tình cảm.

Nghệ sỹ Thích Hiểu Xuân với tiếng đàn kỳ diệu…(Ảnh: Shenyun.com)

Hiểu Xuân lớn lên tại Trung quốc trong một gia đình chuyên về âm nhạc. Dưới sự hướng dẫn của thân phụ, cô bắt đầu học đàn nhị hồ từ lúc 6 tuổi. Năm 1991, cô đoạt giải thưởng trong một cuộc tranh tài nổi tiếng quốc tế về bộ môn đàn nhị hồ.

Sự xúc động thật sự không nằm tại kỹ thuật chơi đàn, mà ở hàm nghĩa bên trong,” cô nói về nhạc của cô. Trong lúc hoàn thiện tài nghệ của mình, Hiểu Xuân đã chú trọng đến sự tu luyện nội tâm cho được thanh tịnh, tốt đẹp, và thiện lành. Cô trút cả tấm lòng và sự thanh tịnh của tâm hồn mình vào trong tiếng đàn. Bằng cách này, cô đã làm cho tiếng đàn nhị hồ của mình trở thành thánh thiện.

Hà Phương Linh 

Exit mobile version