Đại Kỷ Nguyên

Đằng sau những bức tranh vẽ cá sống động như thật của người Nhật

Có thể bạn đã từng nghe nhiều về nghệ thuật gấp giấy orami, trà đạo, kịch Nô, thư đạo, kiếm đạo… của Nhật Bản. Đất nước Mặt Trời mọc luôn đem đến cho người ta hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một nét độc đáo khác của văn hoá Nhật Bản: Gyotaku.

Gyotaku là một bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của Nhật Bản. Gyotaku là từ ghép lại từ 2 chữ Gyo (魚/ngư/cá) và taku (拓/thác/ in chạm bằng mực).

Đúng như tên gọi, Gyotaku là môn nghệ thuật tạo ra hình ảnh của loài cá, bằng kĩ thuật in rập: phết mực lên vật thể cần sao chép rồi bọc vào giấy, hình ảnh của vật thể sẽ được in sao lên giấy.

Từ rất lâu trước khi máy ảnh ra đời, người ta đã sử dụng Gyotaku như một hình thức “chụp” lại hình ảnh chân thực nhất có thể. Họ dùng chính những con cá sống để in lên giấy, ban đầu chỉ đơn giản là sao lưu lại hình ảnh, sau dần dần phát triển thành một bộ môn nghệ thuật.

Cách thức để tạo nên một bức tranh Gyotaku là sử dụng một loại mực in đặc biêt bôi lên mình chú cá rồi ép chúng lên một loại giấy đặc biệt. Mực sau khi khô đi sẽ để lại một bản in bằng đúng kích thước thực của cá.

Tiếp theo, người hoạ sĩ sẽ thêm thắt các chi tiết, chỉnh sửa các nét, vẽ phông nền và cho ra đời một bức tranh hoàn thiện.

Kĩ thuật in rập, phương cách sao chép văn tự cổ

Bản sao (bằng kĩ thuật In Rập) của bài thơ về dấu chân Phật, khắc trên bia đá (thế kỉ thứ 8). Đền Yakushiji, Cố đô Nara, Nhật Bản.

Ở láng giềng Trung Quốc, phương pháp in rập xuất hiện vào khoảng thế kỉ thứ 7 hoặc sớm hơn. Với mực và giấy, người Trung Quốc có thể dễ dàng tạo ra nhiều bản sao chính xác của các văn bia thư tịch cổ.

Người ta cũng cho rằng có thể tìm thấy thông tin về các bản in hình thực vật trong văn tự chép tay của Người Syria, từ những năm 1100.

Bản in Gyotaku.

So sánh với 2 trường hợp trên, Gyotaku có tuổi đời thật non trẻ. Tuy nhiên môn nghệ thuật này lại sở hữu những nét độc đáo riêng biệt.

Ở Trung Quốc, người ta dùng kĩ thuật in rập để tạo ra các bản sao từ văn thư hay các hiện vật văn hóa, mỹ thuật nhân tạo, ví dụ các văn tự hay hình vẽ cổ, được chạm khắc trên đá, vách núi, trên các lọ bình hay tượng đồng.

Ngược lại, Gyotaku hướng về tự nhiên, lấy cá làm chủ đề và vật liệu tạo hình.

Theo nhiều dự đoán, Gyotaku không có khởi đầu như một hình thức nghệ thuật, mà chỉ là cách thức ghi chép thông tin. Kĩ thuật này có thể được sử dụng đầu tiên bởi các ngư dân Nhật, khi họ muốn ghi lại kích thước và chủng loại của những con cá bắt được.

Ở câu chuyện khác, một vị lãnh chúa Nhật Bản muốn lưu thông tin chi tiết về số cá ông đã bắt và các bản in hình ảnh của từng loại đã được làm ra. Dù có nguồn gốc thế nào, Gyotaku đã chuyển mình từ công cụ ghi chép thường ngày trở thành một môn nghệ thuật độc đáo.

Gyotaku được thực hiện thế nào?

Phương pháp in trực tiếp.

Gyotaku dùng những vật liệu đơn giản: cá, giấy, mực (hoặc sơn) và bút lông (bàn chải). Trong quá khứ, những con cá tươi vừa bắt sẽ được dùng. Ngày nay người ta có thể thay cá tươi bằng cá cao su.

Ngoài ra thời đó người ta dùng loại mực không độc hại, gọi là mực sumi (墨/すみ/mặc). Loại mực này thành phần chủ yếu là bồ hóng trộn keo động vật. Vì vậy sau khi làm xong bản in, con cá có thể được rửa sạch, rồi nấu ăn như bình thường.

Gyotaku có hai phương thức thực hiện: Gián tiếp (Kansetsu-ho/間接法) hoặc trực tiếp (Chokusetsu-ho/直接法). Ở cách gián tiếp, đầu tiên đầu tiên dùng giấy ướt quấn quanh con cá, chà để giấy dính sát vào mình cá, rồi quét mực lên giấy (bằng bút lông/bàn chải).

Khi đó hình ảnh con cá sẽ được in lên giấy rất chi tiết và chính xác. Giấy cần được chờ khô rồi tách ra cẩn thận.

So với cách gián tiếp, phương pháp trực tiếp cho kết quả nhanh hơn, và có thể làm ra nhiều bản in. Thay vì việc dán dấy ướt trước, mực được vẽ trưc tiếp lên thân cá. Sau đó đặt giấy lên, rồi chà nhẹ nhàng, các chi tiết trên thân cá sẽ được in hằn lên giấy.  

Gyotaku, kết hợp giữa mỹ thuật và giáo dục

Mọi người đang học về cá qua Gyotaku, hạng mục ‘Sự sống dưới nước”, hội chợ khoa học Philadelphia, 2013.

Mặc dù Gyotaku có khởi đầu như là một kĩ thuật in cơ bản dùng mực đen, nó đã được phát triển thành một loại hình nghệ thuật khi người ta có thể dùng nhiều loại mực màu và vẽ thêm hình nền.

Người ta cho rằng Gyotaku phát triển cực thịnh dưới thời kỳ Edo (1603-1868). Khi ấy ngư dân mang tranh của mình đến dâng lên những nhà quý tộc, nếu bức tranh được yêu thích thì họ sẽ được ban thưởng.

Sau thời Edo, môn nghệ thuật này bước vào thời kỳ suy tàn. Tuy nhiên, cho đến ngày nay Gyotaku lại một lần nữa trở nên hưng thịnh, được lưu truyền rộng rãi ở Nhật Bản. Đối tượng cũng được mở rộng sang các thực thể khác, không chỉ còn là cá.

Không là một loại hình nghệ thuật tinh tế, Gyotaku còn được dùng trong giáo dục. Khi tạo bản in từ cá, người ta có thể đồng thời giải thích về giải phẫu học cơ bản, cách thức chúng di chuyển trong nước, hay những thay đổi của cơ thể để thích nghi với môi trường sống.

Như vậy Gyotaku có thể được xem như một ví dụ cho việc khoa học và mỹ thuật bổ trợ cho nhau để phổ biến kiến thức cho công chúng.

Nếu có dịp sang Nhật Bản, khi ghé thăm nhà các ngư dân hay xưởng vẽ của các hoạ sĩ, rất có thể bạn sẽ tìm được một bức tranh Gyotaku tuyệt vời, sống động như thật.

Cùng chiêm ngưỡng thêm một số tác phẩm độc đáo của nghệ thuật in cá Gyotaku các bạn nhé!

Theo Ancient Origins
Phương Nguyên biên dịch 

Exit mobile version