Đại Kỷ Nguyên

Danh hiệu ‘Vua kèn gỗ’: Một nhạc cụ Tây phương bắt nguồn từ giai điệu luyến láy du dương của tiếng tiêu thôn dã

Ở bất cứ đâu, bên đồng, trên lưng trâu, ngoài bờ đê, bên dòng suối, chỉ cần nâng ống trúc lên, thổi làn hơi vào đó với cả niềm đam mê là có được âm thanh bồi hồi đủ hấp dẫn người nghe. Đó chính là tiếng sáo tiếng tiêu, là âm thanh thân thiết, gần gũi nhất với tâm hồn người Việt.

Cải tiến từ 1 loại tiêu, âm thanh trang nhã bước chân vào dàn nhạc giao hưởng

Âm thanh khi thì trong trẻo vang xa như chim hót suối reo, khi trầm ấm như tiếng thủ thỉ ân tình, như nỗi lòng ai dàn trải trong không gian, gửi về muôn hướng. Không mất nhiều tiền, cũng không cồng kềnh bất tiện. Ở bất cứ đâu, bên đồng, trên lưng trâu, ngoài bờ đê, bên dòng suối, chỉ cần nâng ống trúc lên, thổi làn hơi vào đó với cả niềm đam mê là có được âm thanh bồi hồi đủ hấp dẫn người nghe. Đó chính là tiếng sáo tiếng tiêu, là âm thanh thân thiết, gần gũi nhất với tâm hồn người Việt.

Bạn có biết rằng, ở nước Đức thuộc phương Tây xa xôi họ cũng có, đó là tiêu chalumeau. Năm 1690, người thợ sản xuất nhạc cụ tên là Denner đã cải tiến ống tiêu chalumeau thành 1 cây kèn có âm khu cao chói chang giống như tiếng kèn trompette. Thời đó người ta gọi loại kèn trompette có âm thanh cao vút là kèn clarino, cho nên loại kèn mà có âm thanh giống kèn clarino, nhưng nhỏ hơn thì gọi là clarinetto. Kèn clarinet có tên gọi từ đấy. Trải qua gần trăm năm sau, cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, clarinet có mặt thường xuyên trong dàn nhạc. Ông tổ của clarinet là loại ống tiêu chalumeau.

Clarinet: Cung bậc mùa xuân – Dân ca Ba Lan – NS Võ Minh Đông biểu diễn:

Làm từ gỗ mun đen cho thanh âm dày và vang

Hình dáng bên ngoài của clarinet có dạng hình ống rỗng, một đầu loe ra hình chuông, một đầu giống như mỏ chim, có gắn một dăm kèn làm bằng sậy. Dăm kèn clarinet thuộc loại dăm đơn (khác với kèn ở oboe lại là dăm kép). Clarinet thường làm bằng gỗ hoặc nhựa ABS – một loại nhựa tổng hợp. Làm bằng gỗ, nhất là gỗ mun đen thì âm thanh dầy và vang còn làm bằng nhựa thì không hay bằng. Trên thân kèn có các lỗ khí gọi là lỗ phím, khi đậy hoặc mở các phím này làm cho khí thoát ra ở các vị trí khác nhau được các cao độ khác nhau. Bộ cờ – lê kim loại hỗ trợ cho ngón tay bấm các phím này.

Hình dáng bên ngoài của clarinet có dạng hình ống rỗng, một đầu loe ra hình chuông, một đầu giống như mỏ chim, có gắn một dăm kèn làm bằng sậy

Âm vực rộng và và là nhạc cụ duy nhất của bộ gỗ có thể khống chế tốt cường độ

Người chơi kèn clarinet ngậm bộ phận gọi là mỏ có dăm kèn ấy vào miệng, thổi hơi vào, làm cho răm kèn rung lên, và qua đó làm rung cột không khí trong ống kèn để tạo ra âm thanh. Clarinet có âm vực khoảng 3 quãng 8 và 1 quãng 6, ghi trên khuông nhạc ở khóa Son. Ở khu âm trầm, âm sắc của clarinet dầy dặn, vang, những nốt tầm trung ngọt ngào đầy tình cảm, âm khu cao của clarinet lảnh lót và rất thơ mộng. Clarinette có nhiều kỹ xảo, biểu hiện các sắc thái và là nhạc cụ duy nhất trong bộ gỗ có thể khống chế tốt được cường độ.

Clarinet chơi bản Concerto thứ hai của C.Weber (Trần Khánh Quang biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Hà Nội):

Có khả năng làm chủ các kỹ thuật âm nhạc chính: Luyến láy, nốt ngắt, giữ hơi, lặp lại nhạc tố, khống chế cường độ và chạy hợp âm tốc độ cao

Luyến hoặc láy lại nốt tại chỗ tương đối nhanh và mềm mại;

Ngắt nốt: (còn gọi staccato) khá nhanh, ngắt tốt được với tiết tấu có nốt đen = 120;

Giữ hơi: có thể giữ hơi được lâu (giống sáo dọc), giai điệu có thể viết dài hơn (so với sáo ngang), theo tính toán của các nhạc sĩ Pháp (Ch. M Udeau và M. Turbal), người ta có thể gữi hơi từ 40 đến 45 giây ở âm vực tốt và sắc thái nhẹ (piano);

Lặp lại nhạc tố: khi sử dụng nhiều các âm hình nhắc lại có thể phân ra cho 2 hoặc 3 Clarinet chơi nối tiếp nhau, sẽ không gây trở ngại cho người biểu diễn;

Sự linh hoạt: kỹ xảo của nó rất nhanh, có thể chạy âm giai và rải hợp âm với tốc độ cao;

Khống chế cường độ tốt: Clarinet có thể thay đổi rất nhạy từ mạnh sang nhẹ (hoặc ngược lại).

NS Đào Nhật Quang biểu diễn bản: Người chăn cừu trên đá:

Hòa tấu Clarinet (Lean On by Major Lazer)

Với các khả năng ưu việt, giai điệu mê hoặc và sử dụng rộng rãi trên đây, Clarinet được mệnh danh là “Vua kèn gỗ”.

Chương trình: Art World – Thế giới nghệ thuật của VITV giải trí – cho bạn lời giải đáp cho câu hỏi: Vì sao Kèn Clarinet – được mệnh danh “Vua kèn gỗ”

Chính vì xuất xứ từ tiêu, nên Clarinet có nhiều điểm tương đồng và âm sắc cũng gần với tâm tư và cảm âm của người Việt, chả thế mà nhiều nghệ sỹ Việt Nam đã đam mê, thậm chí đứng vào hàng tên tuổi trên thế giới về loại nhạc cụ này. Những nghệ sỹ Clarinet ở Việt Nam mà tôi biết: Vương Toàn Lâm, Trần Khánh Quang, Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Minh Hồng, Nguyễn Quốc Bảo, Vũ Đình Thạch,… Ngoài ra có các nghệ sỹ sắp nổi và sẽ nổi, hiện đang chơi cho ban nhạc đường phố, công viên, phòng trà,… Bạn không tin? Hãy xem các Clip và ảnh sau đây:

Clarinet chơi bài Giấc mơ trưa – Công viên Thống Nhất – Hà Nội:

Clarinet cùng đoàn nhạc Thiên Quốc biểu diễn ở Tân Việt Bắc – Quảng Ninh năm 2016

Chị tôi – song tấu Clarinet và piano:

Bản Astor Piazzolla – Oblivion – cho clarinet và dàn nhạc:

Kỳ Văn

Exit mobile version