Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) là một trong những họa sĩ tiêu biểu cho nền hội họa Đông Dương. Ông được coi là người kết hợp phương pháp tạo hình phương Tây và họa pháp tranh lụa phương Đông và là người đầu tiên mang vinh quang về cho tranh lụa Việt Nam. Tên tuổi của ông luôn được những người say mê hội họa nhắc đến với một niềm cảm phục và sự trân trọng đặc biệt.
Người khai phá ra kỹ thuật vẽ tranh lụa hiện đại
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh là người đã có công tìm tòi, khai phá ra kỹ thuật vẽ tranh lụa hiện đại. Mặc dù tranh lụa đã xuất hiện tại Việt Nam từ thời nhà Lê qua hai tác phẩm chân dung Nguyễn Trãi và chân dung Phùng Khắc Khoan, nhưng phải đến thời của Nguyễn Phan Chánh, tranh lụa mới thực sự được những nhà sưu tầm tranh của nhiều nước biết đến.
Các tác phẩm của danh họa Nguyễn Phan Chánh đã thể hiện tài năng của ông. Cả một đời, ông luôn là người chăm chỉ, bình dị và yêu cuộc sống. Vốn có năng khiếu bẩm sinh về hội hoạ, là điều chẳng những luôn nâng đỡ tinh thần ông, mà nó còn trực tiếp cùng ông kiếm kế sinh nhai, nét vẽ tài hoa của ông đã để lại cho hậu thế một dòng tranh lụa dạt dào thấm đậm tính dân tộc.
Sinh ngày 21/7/1892 tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; năm 30 tuổi (1922) Nguyễn Phan Chánh tốt nghiệp trường Sư phạm Quốc học Huế và được giữ lại Huế để dạy học ở trường tiểu học Đông Ba. Sau đó, ông thi đậu khóa đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương (1925–1930). Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đi theo con đường nghệ thuật với bút hiệu Hồng Nam. Ông mất ngày 22/11/984 tại Hà Nội.
Ngắm nhìn tranh của ông, người ta cảm thấy sự nhẹ nhàng, bay bổng, trầm ấm nhưng vô cùng thanh thoát. Phong cách tranh đó của ông một phần cũng xuất phát từ tâm hồn dồi dào cảm hứng thi ca của nhà danh họa.
Người con đất Hà Tĩnh dồi dào cảm hứng thi ca
Nguyễn Phan Chánh từng có thơ được đưa vào tuyển tập “Thơ Hà Tĩnh thế kỷ 20”. Sinh thời, ông từng kết bạn với nhiều nhà thơ và không ít lần được họ quý mến viết thơ tặng. Đây là mấy câu thơ của Huy Cận viết mừng bậc đàn anh nhân sinh nhật lần thứ 80 của Phan Chánh:
Bác tám mươi tuổi rồi ư?
Mà sao Trăng tỏ, Trăng lu vẫn tình
Hồn xuân mình biết với mình
Mầu quê hương đậm dáng hình quê hương…
Tác giả bài thơ “Lửa thiêng” đã đúng: Với các nghệ sĩ, sức trẻ trong tâm hồn đâu có câu nệ vào tuổi tác, nhất là khi người ở vào tuổi ngoại bát tuần nhưng vẫn hứng thú sáng tác tranh khắc họa vẻ đẹp của người phụ nữ.
Chính ông đã được hiệu trưởng Victor Tardieu khuyến khích theo ngạch tranh lụa, và phong cách tranh lụa của ông rất đặc biệt, là một phong cách rất riêng của mỹ thuật Việt Nam, không bị lẫn với tranh lụa của các nước khác.
Danh họa giữ kỷ lục về số tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Với những thành tựu trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Phan Chánh được mời tham gia giảng dạy mỹ thuật tại một số trường học như Trường Bưởi và Trường Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội, góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam sau này. Trong suốt con đường nghệ thuật của mình, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với số lượng ước khoảng trên 170 tác phẩm. Ông là người đang giữ kỷ lục về số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Các tác phẩm có tên tuổi của ông gồm:
Ngắm nhìn tranh của ông, người ta quả thực cảm thấy sự nhẹ nhàng, bay bổng, trầm ấm nhưng vô cùng thanh thoát. Khi còn là sinh viên, Nguyễn Phan Chánh đặc biệt ở chỗ lớn tuổi hơn các bạn cùng khóa, lại đã có vợ, con. Ông yêu thích Hán học, có phong cách đi đâu cũng thích cắp theo cái ô. Phong cách đó có lẽ là của giới thượng lưu thời bấy giờ.
Người Việt đầu tiên có tranh vẽ được sử dụng làm tem in ở Pháp
Năm 1928. Nguyễn Phan Chánh đã trở thành người Việt Nam đầu tiên có tranh vẽ được sử dụng làm tem in ở Pháp, dùng cho Sở Bưu điện Đông dương – là kết quả của giải nhất cuộc thi vẽ tem; ông được thưởng 90 đồng Đông Dương (tương đương với giá trị của 3 tấn gạo vào thời đó).
Sáu năm sau ngày vợ mất, họa sỹ Nguyễn Phan Chánh đã vẽ bức tranh lụa ‘Cô hàng xén’ để tưởng nhớ bà:
Phong cách riêng độc đáo
Trong các họa sĩ tốt nghiệp khóa đầu tiên, theo nhà văn Phan Cẩm Thượng, “chỉ có Nguyễn Phan Chánh vẽ tranh lụa một cách chuyên nghiệp cho đến tận cuối đời và hình thành một phong cách riêng độc đáo. Các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương và các họa sĩ về sau này không dùng màu tự nhiên giống ông nữa, mà dùng thuốc nước (water colour) vẽ trên lụa, sau khi vẽ xong thì dùng hồ và giấy bồi nền sau lưng tấm lụa…”.
“Cách làm trên đã làm thay đổi căn bản kỹ thuật vẽ lụa cổ truyền. Khi vẽ bằng màu tự nhiên, người ta không rửa và chuốt mặt lụa quá nhiều, chủ yếu vẽ một lần được ngay, hoặc vờn ngay trên bề mặt. Còn vẽ bằng màu nước, thực chất là một kỹ thuật nhuộm lụa, màu thuốc nước ngấm vào trong thớ lụa, trở thành sợi nhuộm màu, chứ không ở trên bề mặt, và vẽ bằng kỹ thuật này người ta phải vẽ ẩm và rửa nước nhiều lần.
Tính lung linh huyền ảo và các sắc độ trở nên tinh tế hơn vẽ khô. Tuy nhiên khi vẽ ẩm, các màu khác nhau cùng hòa tan trên mặt lụa, tạo ra một màu xám đen, dễ làm tấm lụa tối lại; về thực chất các tranh lụa hiện đại vẽ theo kỹ thuật ẩm nên càng để lâu càng xám lại”.
Hiện nay, tranh của Nguyễn Phan Chánh được trung bày nhiều nhất ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; còn bộ ký họa của ông thì có trên trang ‘8 Gallery’.
“Thiếu nữ uống trà”. Chất liệu: Tranh lụa. (Ảnh: Pinterest.com)
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh vẽ tranh trên mặt lụa được làm ẩm và cọ rửa nhiều lần.
Ông vẽ nhiều lớp màu chồng lên nhau theo lối nhuộm dần cho đến khi đạt được sắc độ mong muốn. Những mảng màu của ông không tan chảy nhòe hình như tranh lụa Trung Hoa mà đằm thắm chắc nịch như hiện lên từ trong thớ lụa. Với bảng hòa sắc nâu trầm kết hợp với màu trắng tinh khôi, tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh diễn tả được hầu hết vẻ đẹp của cảnh vật và con người đương thời. Cùng lối phối cảnh ước lệ dân gian không theo luật xa gần phương Tây để diễn hình và tạo khối, ông đã vạch ra được một con đường khác biệt cho tranh lụa.
“Người lao động”. Chất liệu: Tranh lụa. (Ảnh: Christies.com)
Sau cuộc triển lãm ở Paris năm 1931, tranh lụa Nguyễn Phan Chánh đã gần như trở thành một thứ “hàng hiệu” với giới sưu tập tranh phương Tây. Với một họa sĩ, tranh vẽ xong đã có người hỏi mua ngay (mà lại trả giá cao) hiển nhiên là một niềm vui, nếu không muốn nói là rất tự hào. Song với Nguyễn Phan Chánh, với bản lĩnh cứng cỏi và cốt cách thanh cao của ông, điều này đã trở thành không phải là cốt yếu.
Đề thơ chữ Hán lên tranh
Danh họa Nguyễn Phan Chánh có một thói quen đặc biệt, rất độc đáo so với các họa sĩ khác, ấy là, mặc dù đã hoàn tất một bức tranh, ông vẫn chưa cảm thấy “yên tâm” nếu như không ký gửi kèm đó vài dòng… thơ (bằng chữ Hán) để thổ lộ tâm tư.
Các bài thơ có thể nói lên ý tưởng của bức họa, nhưng cũng có khi không liên quan gì đến nội dung tranh, chỉ là tâm sự độc lập của tác giả về một vấn đề mới nảy sinh. Có thể nói, thơ trên tranh là một nét riêng của tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Nhờ nó mà vô tình, việc sao chép tranh của Nguyễn Phan Chánh đã được hạn chế nhiều (bởi vì ai hiểu biết về tranh Nguyễn Phan Chánh sẽ dễ dàng nhận ra những dòng thơ chữ Hán giả trên tranh sao chép).
Theo như nhà văn Nguyệt Tú kể lại thì ngay từ khi mới mười hai, mười ba tuổi, từng đã có lần Nguyễn Phan Chánh kiên quyết không bán một bức tranh chỉ bởi lý do: Ông muốn có một bức tranh treo Tết cho mẹ và các em vui. Sau này, khi đang là giáo viên Trường Bưởi, Nguyễn Phan Chánh cũng đã rắn rỏi cự tuyệt ông Tổng giám thị của trường (là người Pháp) khi ông này nằng nặc đòi nhà họa sĩ phải bán lại bức tranh “Hai chị em” cho ông ta.
Vì tranh đã có người đăng ký mua nên để giữ chữ tín, Nguyễn Phan Chánh gợi ý ông Tổng giám thị mua bức tranh khác, song ông ta nhất mực không chịu, đòi nhà họa sĩ phải… vẽ lại bức tranh. Nguyễn Phan Chánh buộc phải thể hiện thái độ: “Tôi là một họa sĩ chứ không phải một nhà nhiếp ảnh”. Vì việc này mà Nguyễn Phan Chánh được cho… nghỉ dạy tại Trường Bưởi.
Sinh thời, mặc dù nhiều khách nước ngoài liên tục tìm đến mua tranh của Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh với giá cao, song ông chỉ dành những bức tranh này cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mặc dù tiền Bảo tàng trả cho mỗi bức tranh khi đó rất rẻ, chỉ gấp ba lần tiền mua khung kính…
Thiện Lương