Đại Kỷ Nguyên

Dấu ấn văn minh tiền sử: Kho tư liệu chữ tượng hình khổng lồ

Các nhà khảo cổ đã có một phát hiện gây chấn động mà có thể làm cho lịch sử cổ đại của chúng ta phải viết lại.

Một kho tư liệu chữ tượng hình khổng lồ bao gồm 93 tấm đất sét cổ đã được khai quật ở khu vực Kurdistan ở miền bắc Iraq.

Những gì được viết trên những tấm đất sét này vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng một khi chúng được giải mã, có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đời sống của cư dân ở các vùng Mesopotamia, Babylonia và Assyria, và thậm chí cả các vương quốc lân cận.

Được công nhận rộng rãi là một trong những hệ thống chữ viết đầu tiên của người Sumeri, các tấm bảng đất sét cung cấp thông tin vô cùng quý giá về quá khứ xa xưa của chúng ta.

Văn tự Mesopotamia – các bảng đất sét.

Theo tín ngưỡng Mesopotamia, chữ viết là một món quà của các vị thần, và như vậy, viết chữ mang cả hai ý nghĩa là sức mạnh và tri thức.

Mặt khác, bằng chứng khảo cổ học cho thấy rằng kỹ năng tuyệt vời này đã được người Sumeri phát triển trong một thời gian dài. Việc phát minh ra chữ viết, từ năm 5000 đến năm 2000 trước CN, được sử dụng để lưu trữ các chương mục, mô tả các sự kiện tôn giáo, thành tựu khoa học và ghi chép các biến cố bất thường, ngày nay được biết đến như là “lịch sử được chép lại”.

Bassetki (người Iraq Kurdistan) 2017: Các bảng đất sét chữ tượng hình kiểu Assyrian khi chúng được phát hiện trong một chiếc chậu bằng đất sét. Bản quyền ảnh: Peter Pfälzner, Đại học Tübingen

Tư liệu chữ tượng hình được phát hiện có niên đại từ năm 1250 trước CN, là thời kỳ giữa của Đế quốc Assyria.

Các bảng đất sét cổ do các nhà khảo cổ học từ Đại học Tübingen phát hiện.

Đứng đầu bởi giáo sư Peter Pfälzner, nhóm nghiên cứu đã phát hiện các hiện vật tại địa điểm thành phố Bassetki thuộc thời đồ đồng, nơi chỉ mới được phát hiện vào năm 2013.

Việc khai quật trong khu vực hiện nay rất khó khăn, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn có thể tiếp tục công việc của mình ngay cả trong tháng 9 và tháng 10 năm nay – bất chấp sự bất ổn của cuộc trưng cầu độc lập của người Kurd và phản ứng mạnh mẽ của các chính  phủ trong khu vực.

Nối kết đến Vương quốc Mitanni

Những phát hiện của chúng tôi cung cấp bằng chứng cho thấy khu đô thị đầu tiên ở miền Bắc Mesopotamia được định cư gần như liên tục trong khoảng thời gian từ năm 3000 đến 600 trước CN. Điều đó cho thấy Bassetki có ý nghĩa chủ chốt trên các tuyến thương mại quan trọng“, giáo sư Pfälzner nói.

Các nhà nghiên cứu đã đào lên một tầng của vương quốc ít được biết đến Mitanni (khoảng năm 1550 – 1300) lần đầu tiên tại vị trí này.

Hai tấm bảng chữ tượng hình Mitanni được tìm thấy ở tầng này đã ghi chép về hoạt động thương mại mạnh mẽ được thực hiện bởi cư dân thành phố vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ hai trước CN; kinh doanh có lẽ phát triển mạnh nhờ Bassetki nằm trên các tuyến thương mại từ Mesopotamia tới Anatolia và Syria.

Thành phố này đã phát triển rực rỡ trong Đế chế Assyrian tiếp theo.

Đền thờ nữ thần Gula được nhắc đến trên một tấm văn tự đất sét

Sáu mươi trên 93 ghi chép có giá trị đã được đặt trong một cái nồi gốm mà có thể được làm ra để chuyên lưu trữ những tấm đất sét đó.

Chiếc nồi đã được phát hiện trong một căn phòng của một tòa nhà đã bị phá hủy của thời kỳ Trung Assyrian; cùng với hai chiếc chậu khác, đã được gói bọc trong một lớp đất sét dày.

Gula là một nữ thần của sáng tạo và y thuật.

Những chiếc nồi đất có thể đã được giấu theo cách này ngay sau khi tòa nhà xung quanh bị phá hủy. Có lẽ thông tin bên trong nó đã được bảo vệ và bảo quản một cách có mục đich cho hậu thế,” giáo sư Pfälzner giải thích.

Chưa biết liệu các bảng này có ghi chép lại các thông tin kinh doanh, pháp lý hay tôn giáo hay không. “Nhà ngôn ngữ học, Tiến sĩ Betina Faist đã giải mã được một mảnh nhỏ của một bảng đất sét. Nó đề cập đến một ngôi đền thờ nữ thần Gula, cho thấy rằng chúng ta có thể đang nhìn vào một bối cảnh tôn giáo của người xưa”, ông nói thêm.

Các nhóm nhà khoa học giờ đây đã trở về Đức và sẽ giải mã chữ viết trên các tấm đất sét, nhưng đó sẽ là một quá trình tốn thời gian. Rất nhiều tấm đất sét không được nung đủ và bị nứt toác nghiêm trọng vì vậy việc đọc chúng sẽ là một thách thức lớn và sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể.

Giáo sư Pfälzner hy vọng các văn tự trên sẽ mang lại nhiều chi tiết hữu ích về lịch sử, xã hội và văn hoá của khu vực vốn ít được các chuyên gia cổ học nghiên cứu là miền bắc Mesopotamia này trong thiên niên kỷ thứ hai sau CN.

Hạo Nhiên

Exit mobile version