Trong y học truyền thống, có những bài thuốc rất quý lưu truyền trong dân gian, thuốc vào là bệnh hết. Tản văn “Đi tìm cây lá dấu” của tác giả Nhị Nguyễn kể về của bà của mình biết một loại thuốc từ “cây lá dấu” rất hữu hiệu trong việc chữa lành vết thương, nhưng đáng tiếc nay đã thất truyền…

Thuở nhỏ, có đến mấy lần tháng ba mưa buị, u tôi dẫn tôi đi theo phường hội. Tôi biết câu “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” từ ngày ấy. Chỉ không hiểu sao người đời lại gọi Bà chúa Liễu là Thánh Mẫu…

Đúng vào hôm trời bất chợt hửng nắng, phường hội của u tôi tay nải nối nhau qua bến đò Chè, lần theo những con đường ngoằn ngoèo, tre hai bên đường uốn cong như cố vít bầu trời Vụ Bản thấp xuống, hướng về làng Kim Thái dưới chân hai dãy núi mà u tôi bảo là núi Ông Gôi, núi Bà Lê. Với u tôi, do niềm tin vạn vật hữu linh gần như đã ăn sâu vào máu thịt, người hay thêm các từ ông, bà vào trước tất cả mọi vật mà người cho là tôn kính, quý trọng. Vì thế, tôi biết hai dãy núi kia chỉ là núi Gôi, núi Lê. Khi nghe tôi gọi tên tục của núi, u tôi hay nguýt dài để tỏ rõ sự khó chịu, rồi mới hạ thấp giọng, khẽ khàng bảo: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành! Con gọi tên tục người ta ra như thế phải tội chết!”.

Tôi không dám nghĩ nhời u dạy là sai. Nhưng do tò mò, tôi đánh bạo hỏi: “U ơi, thế sao người ta lại gọi Thánh Mẫu là bà chúa Liễu? Gọi như thế có phải là xếch mé không?”. “Bố nhà anh, còn bé tí đã vặn vẹo chữ nghĩa! Mà u thì cũng chẳng biêt sao lại như thế. U đồ rằng người ta gọi Thánh bằng Bà cho gần gũi. Ví như bà vẫn thuốn lình cho u ấy. Lúc ấy thì bà là thánh. Vì chỉ có tay thánh thuốn lình qua má người ta mới không cảm thấy đau đớn. Xong việc, bà lại là bà thôi, hái rau, nấu cám cho lợn, làm hàng xáo, đi chợ bán gạo bán khoai…”.

Tản văn: Đi tìm cây lá dấu
Ảnh: Báo Mới

Đêm, năm thì ở phủ Tiên Hương, có năm lại trong phủ Vân Cát, năm nào u tôi cũng được phường hội cử ra làm một đồng cô. Tôi rất lấy làm lạ là vào những giờ phút thiêng liêng ấy, trong ánh đèn nến chập chờn, trong những âm thanh réo rắt như mê như hoặc cuả vài cây đàn nhị, vài nhịp phách nứa tre, xuất hiện trong bộ quần áo lụa vàng tứ thân có thắt lưng bằng một dải lụa đỏ, u tôi như trở thành một người đã thoát tục hẳn. Đôi mắt lúc cháy rực như hai ngọn lửa, lúc mơ màng như lạc từ một cõi xa xăm xuống trần thế… Duy có dáng đi thì không thay đổi được. Tay cứ vung về hai phía trước sau, nhịp nhàng để giữ thăng bằng cho chiếc mâm đồng xếp đầy phẩm vật đội ở trên đầu. Trông giông giống những lần u đội lễ đến từ đường họ, hay vắt vẻo cùng bà tôi đi chợ, thúng trên đầu, suốt cả năm sáu cây số cũng chẳng cần phải đưa tay lên đỡ một lần nào.

Chợt u tôi ngồi xuống. Lặng đi trong giây lát, đang từ tư thế bất động, bỗng u lắc nhẹ đầu. Nhị, phách vang lên cùng một bài ca. Rồi theo nhịp phách dồn dập dần, u tôi lắc đầu theo chiều quay từ trái qua phải, mỗi lúc một nhanh hơn. Cái mâm đồng đảo nhanh loang loáng, tạo thành một vầng hào quang trông thật hư ảo. Vào đúng lúc ấy, nhạc bỗng nhiên ngừng bặt. U tôi sững lại trong giây lát, rồi người ngồi lặng phắc, cái mâm đồng còn như cố xoay thêm một vòng nữa rồi mới chịu nằm im…Từ đấy, đồng cô không nói, chỉ gật hoặc lắc khi người ta xin quẻ. Nghe u chỉ gật trước những lời cầu xin tốt lành, khi đồng đã vãn, tôi tò mò gạn hỏi mãi u tôi mới cười, che miệng bảo: “Người tốt tính, chỉ nên làm những điều tốt. Cho nên, khi được nói thay lời thần thánh, u phải cân nhắc kỹ càng lắm. Lời u nói ra qua điệu bộ, u biết, cũng chỉ là một cách an ủi người, an ủi mình thôi con ạ!”.

Sáng hôm rước Mẫu, u tôi cũng được chọn vào phường lình. Phường này thường đi sau các vị sư tăng, phường các bô lão và phường kiệu. Sau phường lình là phường lân, một phường vừa múa cho vui mắt, vừa làm công việc dẹp đường cho đám rước. Những người trong phường lình thường thuốn lình trước khi tham dự vào đám rước. Nghe bà tôi kể lại thì xưa kia người ta thuốn ba loại lình. Loại lình đại to như cái liềm cắt lúa, thuốn vào bụng. Lình trung chỉ bằng cái đũa cả, lình tiểu ước chừng chỉ nhỉnh hơn cái kim khâu bao. Hai loại lình này dùng thuốn qua má hoặc thuốn qua lưỡi… Khi tôi biết việc này, người thạo thuốn không còn nhiều. Ngay như bà tôi cũng chỉ thuốn được lình tiểu. Và, bà cũng chỉ còn biết có một cách làm duy nhất là thuốn qua má…

U tôi được bà thuốn lình cho. Nhìn bà múa may quanh u đến mấy vòng, rồi bất ngờ ngồi thụp xuống, tay trái bà đỡ lấy má bên này, tay phải giơ cây lình bằng thép sáng loáng, đâm mạnh vào má bên kia cuả u tôi, tôi nhắm mắt lại vì kinh sợ. Thế mà u tôi cứ tỉnh như không. Đã thế, trong đám rước, tôi thấy ánh mắt u vẫn cứ ánh lên những tia mãn nguyện lắm… Lúc đám rước Mẫu tan, nhìn hai cái lá khô mà bà tôi dán lên má u, tôi hỏi có đau không thì u bảo là u chỉ cảm thấy hơi tê tê thôi. Nói xong, u khẽ bóc cái lá ở bên má phải, nhờ tôi nhìn kỹ xem có còn vết sẹo nào không. Tôi tròn mắt nhìn, không giấu nổi vẻ ngạc nhiên, kêu lên: “Lạ quá u ạ! Chỉ còn một vết xước nhỏ! Sao vết lình bà thuốn qua liền nhanh đến thế u nhỉ?”. U cười: ” Nhờ Mẫu cả đấy con ạ! À, mà u chưa nói thêm cho con biết, bà có thứ lá dấu thiêng lắm! Ai bị thương, cứ đem lá ấy rịt vào là máu ngừng chảy ngay. Vết thương lại chóng liền miệng nữa. Hôm nào con dò hỏi bà, xem nó là thứ lá quý nào. Biết đâu sau này, con chẳng giúp ích được cho đời?”.

Tản văn: Đi tìm cây lá dấu
Lá cây phải bỏng. Ảnh: Thuốc Dân Tộc

Tôi theo lời u, hỏi bà về thứ lá lạ. Bà dắt tôi ra vườn, chỉ vào bụi lá dấu. Lá dấu rất giống lá bỏng, hình trái tim, mặt lá dày, cạnh lá có khứa răng cưa. Bà tôi nói, lấy lá dấu phơi khô, tẩm thêm một ít thuốc nam nữa là được một cái dấu. Mỗi cái dấu chỉ dùng một lần. Cũng chỉ làm lành được những vết thương nhỏ. Vì thế, cây lình chỉ nhỉnh hơn cây kim một chút mà thôi… Về sau, tục lên đồng bị cấm, cây lá dấu trong vườn nhà không ai để ý, cứ lụi dần và mất hẳn từ ngày bà tôi theo ông tôi về cõi cực lạc.

Chiến tranh bùng nổ. Lớp lớp trai làng, trong đó có tôi, lần lượt lên đường ra mặt trận. Mỗi khi nhìn thấy đồng đội, người bị đạn bắn vào bụng, người thì bị mảnh bom hay mảnh pháo bầy găm vào ngực, vào mặt,… máu chảy loang cả những khuôn mặt còn măng tơ, tôi thường nhớ tới cây lá dấu. Ôi, ước gì có một cái dấu xưa! Cái dấu có thể làm lành những vết thương! Không phải bằng niềm tin tôn giáo như người ta thường nghĩ! Mà bằng giá trị đích thực cuả một thứ thuốc đã từng hữu dụng nhưng lại bị người đời vô tình quên đi. Thật tiếc khi nhận ra nó chính là một loài cây quý, một bài thuốc hay và độc đáo cuả cha ông truyền lại cho cháu con… Những lần như thế, tôi thường khóc thầm vì tiếc. Tôi bứt ngực, tự trách mình thiển học, đến một thứ cây lá quý hiếm như vậy mà cũng không biết vun trồng, chăm bón, giữ lại giúp đời. Không rõ bây giờ, ở Vụ Bản, Yý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, Xuân Trường, Giao Thuỷ có nơi nào còn cây lá dấu không? Có ai biết vị thuốc này nhưng vẫn còn giấu kín để mưu lợi cá nhân? Hoặc có còn ai đó, đang vùi đầu trong các phòng thí nghiệm, để tìm ra bí quyết của người xưa?

Day dứt với cây, năm ngoái, vào đúng dịp Hội Phủ Giầy, tôi đã cố cất công tìm về chốn cũ. Hội rất to, có xu hướng phục cổ. Tôi tỏ ý mừng rỡ khi thấy những nét xưa đẹp đẽ phần nào đã được cháu con làm sống lại. Có những trò chơi ai đã từng biết một lần, một đời không quên nổi. Ví như trò kéo chữ ở phủ Tiên Hương chẳng hạn. Các cô gái quê mặc áo tứ thân đa sắc chạy đi chạy lại theo nhịp trống, xếp thành những chữ ước mong muôn thuở như Thiên hạ mẫu nghi, Thiên bản nhất kỳ… Nhiều lần, khi đang ở Sài Gòn, nhất là những khi đứng trên sân thượng cuả những toà nhà cao chọc trời mới xây dựng trong thời gian gần đây, nhìn xuống phố, thấy những dòng người xe xuôi ngược, tôi hay nghĩ tới trò chơi kéo chữ ở một vùng quê chèo. Khác là cuộc kéo chữ mới hôm nay hoành tráng và có tốc độ cao hơn. Và, những con chữ cũng như được phả thêm hồn của đất nước…

Phủ giầy
Xếp chữ ở lễ hội Phủ Giầy. Ảnh: Truyền hình Văn hóa Du lịch

Tôi chỉ còn được gặp lên đồng qua một tiết mục sân khấu cuả đoàn chèo Nam Định. Lên đồng cải biên. Ba giá đồng trong Tứ phủ đủ làm say lòng người, đủ gợi lại một nét xưa. Dĩ nhiên, các nghi thức tôn giáo không còn nữa. Ngay cả lời ca của cả ba giá đồng này cũng đã mang những nội dung hoàn toàn mới. Vì thế, thuốn lình cũng chỉ còn sống trong hồi ức cuả những lớp người trước hoặc đồng thời với tôi mà thôi. Cũng như vậy, kiếm cây lá dấu là việc làm còn khó hơn cả tìm kim đáy nước? Tiếc thay! Nhưng dấu ấn văn hoá xưa cuả một vùng đất thì vẫn còn đó. Hồn thiêng của Mẹ – hay gọi là Thánh Mẫu – như đã ngấm sâu vào đất đai, hiện hình trong lúa ngô khoai sắn, mãi mãi nuôi dòng máu đỏ ân tình còn đang chảy rần rật trong huyết quản các thế hệ cháu con…

Tôi đã nghĩ như vậy trong khi vô tình đặt tay lên ngực. Và ngay lúc ấy, trái tim mách bảo tôi: Trong ngực mỗi chúng ta chẳng đã có một cái lá dấu đấy ư!

Nhị Nguyễn

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||4e9cbeafb__