Đại Kỷ Nguyên

Điều gì làm nên những kiệt tác hội họa của Isaac Levitan, không chỉ có ‘Mùa thu vàng’?

Dường như chỉ chờ đến mùa thu, lá cây mới khoe hết vẻ đẹp rực rỡ của nó: Màu vàng ươm của nắng, vàng sậm của lá sồi, bạch dương, vàng đỏ của lá phong, màu xanh của cây thông, cây tùng… Tất cả những sắc màu ấy được kết hợp cùng với sự tinh tế của tâm hồn, mang đến nét đẹp nhẹ nhàng, tĩnh tại của “Mùa thu vàng” Levitan.

Isaac Levitan 1860-1900

Những bức họa kiệt tác mùa thu được sinh ra trong bối cảnh nào? 

20 năm tình bạn giữa Anton Chekhov (1860-1904) với Isaak Levitan (1860-1900) bắt đầu trước khi họ trở nên nổi tiếng, và trước những kiệt tác đầu tiên của mình. Đó là tình bạn giữ hai người trẻ tuổi đến từ tỉnh lẻ. Thông minh, đẹp trai, tao nhã, cực kỳ hấp dẫn người khác giới, và có lẽ vẫn chưa biết về tài năng thiên phú của nhau, và những mối duyên tạo nên kiệt tác giữa họ…

Isaac Levitan (ảnh trên) và Anton Chekhov (ảnh dưới) những năm 1870, 1880, 1890.

Mối tình thiên mệnh
Nhà viết kịch, dược sĩ, nhà viết truyện ngắn nổi tiếng Anton Chekhov không chỉ là bạn thân thiết nhất của Levitan, mà cả gia đình Chekhov còn là nơi Levitan luôn cảm nhận được tình cảm ấm áp của người thân, nơi ông luôn trở về sau những khủng hoảng tinh thần.

Bức phác họa “Mùa thu vàng” được bắt đầu bởi cái ấn tượng mới mẻ của thiên nhiên Plyos vào năm 1890. Để có thể đạt tới đỉnh cao tuyệt vời tác giả đã trải qua những cung bậc cảm xúc mãnh liệt trong suốt 5 năm đó. Nhất là giai đoạn ngay trước khi hoàn thành vào mùa thu 1895.

Maria Chekhova 1863-1957

Người phụ nữ đầu tiên của cuộc đời Levitan chính là Maria Chekhova (1863-1957), em ruột của Anton Chekhov, người phụ nữ duy nhất mà Levitan đã đặt lời cầu hôn. Tuy bà không đồng ý, nhưng đã trọn tình với ông suốt đời. Còn Levitan, bản thân ông cũng nói với Maria: “Nếu tôi có cưới ai, thì người đó cũng chỉ là em”. Và quả thực Levitan và Maria đều không hề kết hôn với một người nào khác. Maria đã sống tới tuổi 90 và bà luôn giữ trọn mối tình trong tim với người họa sĩ tài năng.

Người phụ nữ thứ hai trong cuộc đời Levitan là Sophia Kuvshinnikova, một người phụ nữ có vị trí trong xã hội và hơn tuổi ông.

Mặc dù có sự khác biệt về tuổi tác và địa vị trong xã hội (Levitan lúc đó mới hai mươi tám tuổi và ít được biết đến), năng động và tràn đầy năng lượng, Sophia đã bao quanh nghệ sĩ bởi tình yêu và sự chăm sóc. Levitan yêu âm nhạc, đặc biệt thích hàng giờ đồng hồ thưởng thức Kuvshinnikova chơi đàn piano; Đôi khi ông vẽ những bức tranh trong tiếng nhạc này.

Anton Chekhov không ủng hộ quan hệ của em gái với Levitan, và cũng không ủng hộ mối quan hệ của Levitan với Sophia, khi ấy Chekhov đã viết một truyện ngắn nổi tiếng “Poprygunia” (1891), trong đó đã dựng nhân vật “nguyên mẫu” Levitan và Sophia. Tình bạn giữa hai người bị gián đoạn từ đó.

Mối tình ngang trái và sự ra đời của kiệt tác “Sự yên tĩnh vĩnh hằng”

Anna Turchaninova (1856-1930) vợ của nghi sĩ thành phố Sant-Peterburg Ivan Turchaninov, là người phụ nữ đã cùng với Levitan đến hơi thở cuối cùng. Trớ trêu thay, con gái bà, Varvara, cũng say mê người họa sĩ tài năng.

Levitan (ở giữa), Anna Turchaninova (trái) và con gái Varvara (phải)

Kiệt tác ‘Sự yên tĩnh vĩnh hằng’ ra đời từ sự ngang trái bộn bề đó trong lòng người họa sĩ.

Trước khi hoàn thành bức tranh “Mùa thu vàng” Levitan đã vượt qua những cuộc tấn công của nỗi thống khổ và sự cô đơn dai dẳng hành hạ. Tất cả con người ông lúc đó được bộc lộ trong kiệt tác “Sự yên tĩnh vĩnh hằng” 1894.

Kiệt tác ‘Sự yên tĩnh vĩnh hằng’ (Phóng to để xem ảnh)

Mũi đất với một nhà nguyện bằng gỗ cũ và một nghĩa trang trên nền của mặt nước mêng mang, bên trên là những đám mây đen và xám như quấn vào nhau, bầu trời ảm đạm, Levitan thể hiện rõ cảm giác bứt rứt khó chịu của không gian khắc nghiệt này, sự nhỏ bé của “hòn đảo thời gian” được miêu tả bởi ông trong khuôn mặt của sự vĩnh cửu và “lạnh lùng” của thiên nhiên trước con người.

Bức tranh như hút xuyên qua hồn người xem. Một nhà thờ nhỏ với nghĩa trang, đứng cao đơ phía trên không gian khắc nghiệt và hùng vĩ của nước sông Volga và bầu trời với những đám mây giông đang quặn mình chầm chậm.

Khung cảnh bất an và đồng thời phiêu dật…yếu đuối và vĩnh hằng. Vâng, tất cả chúng ta đều sẽ chết, nhưng chúng ta là một phần của sự vĩ đại này, chúng ta ở trong nó và nó ở trong chúng ta; và do đó chúng ta là vĩnh cửu! Một tiếng kêu gần như vô vọng…nhưng niềm khát khao sống vẫn được “gìn giữ” như một bảo vật trong tâm khảm ông.

Hoàn thành kiệt tác ‘Mùa thu vàng’ nhờ tình bạn cao thượng

Đầu năm 1895, Levitan đã “làm lành” trở lại với Chekhov Anton. Ba năm xa cách, cô đơn, thật quá lâu. Ông được trở lại với chính mình, hòa vào gia đình Chekhov như một thành viên đi xa mới về. Không chỉ Anton Chekhov đợi mà cả Maria Chekhova- em gái Anton.

Có lẽ đây là một nguyên nhân căn bản để Levitan vẽ những “tia sáng” cuối cùng cho kiệt tác “Mùa thu vàng”. Tình bạn chân chính với lòng vị tha của Anton Chekhov đã “hồi sức” cho tâm hồn Levitan. Niềm hy vong, khát khao sống của Levitan đã được “đáp nhận”…

Vị họa sĩ thiên tài với cá tính “bất ổn” đã vượt khỏi “Sự yên tĩnh vĩnh hằng” để thăng hoa tới một khung trời vàng.

Kiệt tác ‘Mùa thu vàng’ (1885) (Phóng to để xem ảnh)

“Mùa thu vàng” bao nhiêu nỗi buồn nhẹ nhàng trong những cây bạch dương, giống như vàng, khoác lên minh bởi lá màu vàng, thật buồn họ nói “Dù hoa hồng có đẹp thế nào, dù có tươi thế nào” nhưng sẽ phải khô héo và chết, rằng tất cả rồi vẫn tuân theo nguyên lý- sinh, lão, bệnh, tử.

Nhưng cùng lúc bạn cảm thấy những chiếc lá này rụng đi, lạnh giá và băng tuyết phủ kín, nhưng mùa xuân sẽ đến, lại xanh màu một lần nữa, chúng lai sẽ ngắm nhìn vào mặt gương phản chiếu của dòng nước … Buồn, nhưng không vô vọng, không ủ rũ … Không phải không có lý do Levitan gần như không vẽ những cảnh quan mùa đông. Mùa đông – biểu tượng của cái chết và bế tắc- không tìm thấy sự đồng cảm trong trái tim ông “. (I.I. Levitan và tác phẩm của ông, tác giả S. S. Vermel, 1902)

Ở phía trước, phía bên phải của bức tranh sẽ mở ra một con sông nhỏ với bờ sắc vàng. Dòng sông đi sâu vào bức tranh và quay gấp sang bên trái. Cũng giống như cuộc đời ông, có rất nhiều biến đổi đột ngột.

Trong phần bên trái của hình ảnh cận cảnh mô tả hai cây bạch dương với thân trần nhỏ. Tác giả nhắc đến ai đây? Hai người nào trong số những người ngưỡng mộ ông, hay là người ông không thể quên. Đây là điều day dứt hay chỉ là nhũng kỷ niệm đẹp ông muốn để lại cho tương lai. Thực ra dù là ai thì đều được hòa vào và thêm sắc cho mùa thu vàng tuyệt đẹp.

Ở giữa bức tranh, sự chú ý của khán giả bị thu hút bởi một cây bạch dương đơn độc với vòm cây vàng sáng, đứng bên phải bờ sông. Có lẽ đây chính là tác giả. Đẹp, gần gũi, vui tươi nhưng vẫn đơn lẻ. Đến lúc này tác giả đã bình thản nhìn vào sự đơn lẻ như một an bài của Thượng đế. Một mình nhìn sang bờ trái là một khu rừng bạch đàn.

Đằng sau khu rừng nằm xa xa là một cánh đồng màu xanh tươi mát và những ngôi nhà nông dân với những mái màu nâu tối. Xa hơn ta lại thấy một khu rừng tươi tốt với màu vàng và xanh của lá. Thiên nhiên vẫn tỏa sắc cho những tâm hồn hướng đến cái đẹp chân chính.

Thiên nhiên Nga, tài năng thiên phú của tác giả là những yếu tố không thể thiếu để có được một tuyệt tác. Nhưng “Mùa thu vàng” của Levitan có thể đạt được đỉnh cao nghệ thuật bởi tình bạn của Anton Chekhov. Người bạn tốt nhất của cuộc đời Levitan đã nhiều lần bằng những dòng chữ khôn ngoan, tử tế, và đôi khi nghịch ngợm luôn quan tâm, giúp đỡ và đôi lúc “giáo huấn” ông. Tình bạn chân chính vị tha như sự chăm sóc của người mẹ hiền là điều mà họa sĩ hằng mong ước. Chính điều này đã giúp tác giả tạo được sắc đẹp đầy đặn, trọn vẹn… chân chính.

Tác phẩm tháng 10 Mùa Thu thuộc tổ khúc Bốn Mùa của Tchaikovsky:

Thiên Sơn

 

Exit mobile version