Đại Kỷ Nguyên

Đỉnh cao của nghệ thuật Baroque: Đài phun nước Four Rivers trên quảng trường Rome

Đài phun nước là một trong những dấu ấn đặc trưng của thành phố Rome. Rất nhiều bộ phim nổi tiếng đã lấy các đài phun nước làm bối cảnh, như “Ngày lễ La Mã” hay “Thiên thần và ác quỷ”. Trong số các đài phun nước, nổi tiếng nhất có lẽ là Đài phun nước Four Rivers được thiết kế bởi kiến trúc sư Bernini.

Cột bia đá hoa cương và các vòi phun nước

Những người đã xem bộ phim “Thiên thần và ác quỷ” đều biết rằng Đài phun nước Four Rivers là nơi thể hiện các yếu tố liên quan đến nước trong câu chuyện. Quảng trường Piazza Navona, nơi đặt đài phun nước này, ban đầu là nơi tọa lạc của một đấu trường lớn của hoàng đế La Mã cổ đại Tu Mishan. Đấu trường đã được chuyển đổi thành chợ vào năm 1477 và được xây dựng lại bởi gia đình Popum Innocent X Pamphili. Quảng trường này được coi là “đẹp nhất ở Rome” với nghệ thuật thiết kế Baroque tuyệt đẹp,

Ngay khi bước vào quảng trường hình bầu dục này, điều đầu tiên thu hút ánh nhìn của mọi người chính là một cột bia đá hoa cương đâm thẳng lên bầu trời, có tên Obelisk. Trên đỉnh của di tích La Mã cổ đại này được trang trí với biểu tượng của Giáo hoàng và chim bồ câu ngậm cành ô liu, trong câu chuyện về con thuyền Nô-ê. Đây cũng là một biểu tượng của hòa bình và Thiên Chúa. Cột bia đá nhọn Obelisk như kết nối thế giới thần thánh với thế gian.

Cột Obelisk ở giữa quảng trường Piazza Navona, bên dưới là Đài phun nước nổi tiếng Four Rivers. (Ảnh: Livioandronico2013/Wikimedia Commons)

Cột Obelisk được làm từ đá hoa cương, với các vòi phun nước ở bốn cạnh. Thiết kế bốn vòi phun nước ở trên tất cả các cạnh khiến khi nhìn sẽ sinh ra ảo giác, rằng cột bia đá lơ lửng giữa không trung. Ngay vào thời đó nhiều kiến trúc sư đã rất khâm phục ý tưởng này của Gian Lorenzo Bernini.

Bốn vị thần sông và ý nghĩa biểu tượng

Bốn đài phun được lấy dáng vẻ nửa nằm nửa ngồi của bốn hình tượng người, thể hiện các nhân vật chính của Đài phun nước Four Rivers – bốn vị thần sông. Họ tượng trưng cho bốn con sông lớn của thế giới trong mắt người châu Âu thế kỷ 17. Benigni thông qua các bức tượng bằng đá cẩm thạch, thể hiện phong cách từng khu vực với hệ động thực vật phong phú, giúp người xem dễ dàng xác định bức tượng đó là thần thánh của phương nào.

Trong số bốn bức tượng, mang tính biểu tượng nhất là vị thần sông Danube, tượng trưng cho châu Âu. Đó cũng là con sông gần với thành phố Rome nhất. Vị thần sông giơ tay và chạm vào biểu tượng của Giáo hoàng, tựa như đang chào đón vinh quang của Chúa. Dưới chân bên cạnh anh ta là một con tuấn mã làm bầu bạn.

Tượng thần sông Danube, con tuấn mã trong khe đá cũng được chạm khắc bởi chính Bernini. (Ảnh: Wolfgang Moroder/Wikimedia Commons)

Còn vị thần sông Hằng thì hướng cơ thể ra phía ngoài, với vẻ mặt bình tĩnh, cũng không nhìn vào ánh sáng của nhà thờ. Ông đại diện cho thế giới tâm linh Á Châu, không liên kết với Thiên Chúa giáo. Ông lão cầm trên tay một mái chèo, thể hiện sự rộng lớn của lưu vực sông Hằng.

Bức tượng của vị thần sông Hằng (Ảnh: epochtimes)

Từ tượng con sư tử bên gốc cây cọ, dễ dàng nhận thấy bên cạnh nó là vị thần sông Nile. Chiếc khăn vải trùm đầu được kéo căng bởi tay trái của anh ta có nghĩa là nguồn gốc của sông Nile chưa được biết đến vào thời điểm đó. Đó cũng tượng trưng cho địa vị thấp của “những kẻ ngoại đạo” (dị giáo)  trong mắt giáo hội chính giáo. Cũng có thể ngụ ý rằng, châu Phi là nơi chưa tiếp nhận ánh sáng của Thiên Chúa giáo vào thời kỳ đó.

Bức tượng sư tử (Ảnh: Jean-Pierre Dalbéra/Wikidia Commons)
Tượng Thần sông Nile (Ảnh: gregw66/Wikimedia Commons)

Bức tượng cuối cùng là Thần sông La Plata đại diện cho châu Mỹ. Dưới hình tượng một ông già trọc đầu, đang tỏ vẻ kinh ngạc đưa tay trái ra. Hành động của ông đại diện cho lục địa mới được phát hiện, bắt đầu nhìn thấy ánh sáng của Chúa. Những đồng xu bạc xung quanh ông tượng trưng cho sự giàu có của châu Mỹ. Những con vật được chạm khắc dưới những tảng đá là quái thú đặc trưng của châu Mỹ.

Người ta tin rằng chính tay Bernini đã chạm khắc các tảng đá, cây cọ, sư tử và ngựa, cùng bốn vị Thần sông. Phần còn lại xung quanh các hình tượng đó thì được hoàn thành bởi bốn người trợ lý của ông.

Tượng của vị thần sông La Plata. (Ảnh: epochtimes)

Nghệ thuật liên quan tới ứng dụng thực tế

Đối với người La Mã cổ đại, nước là một món quà từ các vị thần và tất cả các dòng sông đều được các vị thần bảo vệ. Có thời kỳ các kênh đào và đài phun nước công cộng được xây dựng bởi Giáo hội Công giáo đã cung cấp cho công dân La Mã nguồn nước bên ngoài sông Tiber.

Đài phun nước Four Rivers được hoàn thành vào năm 1651, không chỉ liên quan đến cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân, mà còn bổ sung một tượng đài huyền thoại của thành phố La Mã. Các nhà văn cùng thế hệ đã từng mô tả khoảnh khắc khi đài phun nước được khánh thành: tác phẩm điêu khắc chân dung thật sự tự nhiên và chân thực khiến cho chính những người dân nơi đây cũng phải kinh ngạc.

Đài phun nước Four Rivers cũng thể hiện bản chất ấn tượng của nghệ thuật Baroque: cơ bắp mạnh mẽ, biểu cảm cường điệu và các chi tiết không phô trương. Đồng thời, các động tác năng động và liên tục của bức tượng dẫn dắt người xem đi vòng quanh đài phun nước, làm cho toàn bộ đài phun nước hợp thành một thể thống nhất. Đài phun nước Four Rivers đại diện cho những thành tựu của đỉnh cao nghệ thuật của kiến trúc sư đại tài Bernini. Nó cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật cảnh quan đài phun nước Ý trong thế kỷ tiếp theo.

Đài phun nước Four Rivers ở quảng trường Navona, Rome. (Ảnh: Wolfgang Moroder/Wikimedia Commons)

Các đài phun nước kiểu Baroque khác do Bernini thiết kế

Một số đài phun nước khác ở thành phố Rome cũng được thiết kế bởi Bernini. Trước hết phải kể đến Đài phun nước Fontaine del Tritone (1642-1643). Đây là đài phun nước công cộng đầu tiên được Bernini hoàn thành, được tài trợ bởi Giáo hoàng Urban VIII. Tất cả các chi tiết của đài phun nước này đều do Bernini tự mình thiết kế và điêu khắc

Trung tâm của đài phun nước này là tượng vị thần biển Hy Lạp cổ đại mình người đuôi cá – thần Poseidon. Ở phía dưới có bốn chú cá heo. Vị thần ngả ra sau, tay giơ cao một con ốc xà cừ. Dòng nước chảy vọt ra từ con ốc xà cừ. Theo thiết kế ban đầu của Bernini, dòng nước sẽ chảy từ cả hai phía của con ốc vào bể nước, nhưng do áp lực nước không đủ, nên hiệu ứng này đã không xảy ra.

Đài phun nước Fontaine del Tritone (Ảnh: Andre.o.mob/Wikimedia Commons)

Tiếp theo là Đài phun nước Fontana delle Api, năm 1644. Đài phun nước bằng đá cẩm thạch hình vỏ sò này cũng do Bernini thiết kế.

Đài phun nước vỏ sò và ong được thiết kế bởi Bernini. (Ảnh: Yair Haklai/Wikimedia Commons)

Trong số ba đài phun nước ở quảng trường Navona, đài phun nước phía nam Moro (Fontana del Moro) cũng có sự tham gia của Bernini. Được thiết kế ban đầu bởi Giacomo della Porta vào khoảng năm 1574 – 1575, đài phun nước này bao gồm bốn bức tượng tiên cá và một con cá heo ở trung tâm.

Vào năm 1653, Bernini đã được Giáo hoàng ủy thác sửa đổi đài phun này. Đầu tiên ông đã thêm một con ốc xà cừ vào trung tâm đài phun. Điều đáng nói là vào năm 1874, tác phẩm điêu khắc nguyên bản của đài phun nước này đã được chuyển vào Phòng trưng bày Borghese. Tượng mà mọi người nhìn thấy hiện nay trong quảng trường chỉ là một bản sao.

Đài phun nước Moro ở cuối phía nam của Quảng trường Navona. (Ảnh: epochtimes)

Ngoài ra, trong giai đoạn đầu tiên, Bernini và cha mình là ông Pietro Bernini đã xây dựng một đài phun nước rất sống động. Đó là đài phun nước Barcaccia ở Tây Ban Nha (Fontana della Barcaccia, 1627). Người ta kể rằng lũ sông Tiber vào buổi sáng sớm đã dẫn đến một vụ đắm tàu gần quảng trường Plaza de España. Lấy cảm hứng từ câu chuyên trên, trong thiết kế của đài phun nước này, nước đầu tiên được bơm vào tượng con tàu và sau đó chảy ra bốn phía, giống như con tàu bị rò rỉ và đang chìm xuống.

Đài phun nước Barcaccia ở Tây Ban Nha được hoàn thành bởi hai cha con Bernini. (Ảnh: Daniele.Brundu/Wikimedia Commons)

Những đài phun nước được thiết kế bởi Benigni, phối hợp cùng với một số lượng lớn nhà thờ cổ, đã trở thành chuỗi kiệt tác nghệ thuật ngoạn mục được chiêm ngưỡng trong thành phố Rome ngày nay.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Clip hay:

Xem thêm:

Exit mobile version