Kỹ nghệ chế tạo gốm sứ trong triều đại nhà Minh và triều đại nhà Thanh chủ yếu phát triển tại thị trấn Cảnh Đức, các chế phẩm của Ngự Diêu Hán trong hoàng cung cực kỳ tinh xảo, vì thế mà có thể nói rằng đồ sứ cổ đại là đại diện cho sứ phương Đông trong cả thiên niên kỷ.
Đôi nét về đồ sứ Tố Tam Thái
Chế phẩm Tố Tam Thái là một trong những loại sứ tráng men ở nhiệt độ thấp và được sơn màu ở Cảnh Đức. Những sản phẩm chủ yếu được trang trí bằng màu vàng, xanh lá, tím, không dùng hoặc dùng ít sắc đỏ, vì thế mà được gọi là Tố Tam Thái (ba sắc tố màu). Tố Tam Thái ba từ này được dùng đầu tiên trong một bài thơ cuối nhà Thanh có tên “Đào Nhã”: “Tây nhân dĩ Khang Hi hoàng, cà, lục tam sắc chi từ phẩm vi tố tam thái“, chữ “tam” trong đó biểu thị số từ, không có hàm ý gì đặc biệt.
Phương pháp chế tạo là để phôi đầu tiên nung với nhiệt độ cao, sau đó dùng màu men phủ lên hoa văn được khắc trước bên trong, sau đó lại đưa đến nung ở nhiệt độ thấp. Các sản phẩm Tố Tam Thái được hình thành từ thời nhà Minh, thời Minh Chính Đức, Gia Tĩnh, Vạn Lịch. Thời nhà Minh, Tổ Tam Thái đã đạt được thành tựu cao trong công nghệ, tới đời Khang Hy nhà Thanh được phát triển tiếp và trở thành một trong những đồ vật đặc sắc trong thời bấy giờ.
Chậu rửa Tố Tam Thái ba chân hoa văn con cóc – Thời Minh Chính Đức
Truyền rằng số lượng đồ sứ Tố Tam Thái thời Minh Chính Đức chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Chậu rửa này có miệng thu vào trong, khá bằng phẳng, ba chân như ý trụ dưới, dọc theo miệng chậu có khắc bốn chữ khải thư “Chính Đức niên chế“, bên trong là lớp men thanh trắng, bên ngoài được khắc hoa văn gồm có 16 con cóc thi nhau ngụp lội, kết cấu khá đơn giản.
Tác phẩm lấy màu vàng làm màu cho 16 con cóc, màu xanh lục miêu tả nước biển, màu trắng miểu tả những đợt sóng, màu tím được sử dụng trên miệng và ba chân dưới, sắc thái rất hài hòa, rõ ràng, nhẹ nhàng, tạo một sự khoan khoái đẹp mắt.
Chậu rửa được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống cổ đại, nó là dụng cụ để tắm rửa, vệ sinh cá nhân hay làm đồ trang trí. Chậu rửa thường chú trọng về miệng, chiều rộng, chiều sâu và sự bằng phẳng. Từ thời Hán đến tời Tấn sử dụng vật phẩm từ Thanh sứ khắc hình cá, cây đào. Đến thời Tống, Nhữ Diêu sứ được phổ biến. Thời Minh và Thanh thì lấy thanh hoa của Giang Tây, thị trấn Cảnh Đức làm chế phẩm đồ sứ.
Bát chân cao với hoa văn hoa sen quấn nhau – Thời Minh Chính Đức
Bát có miệng hớt, bụng sâu hình vòng cung, phần dưới chân cao và rỗng. Phần chân và phần đáy của bát được tráng hai loại men khác nhau, có những dấu vết rõ ràng trên phần bát và phần chân cao. Bên ngoài được tráng một lớp màu xanh lục, trang trí với những hoa văn dây leo hoa sen. Trên đó còn có 5 đóa hoa sen với các màu sắc khác nhau, một màu vàng, hai đóa màu trắng, hai đóa màu xanh lam, hai đóa xanh lam với nhị màu vàng, ba đóa còn lại có nhị màu xanh lam. Lớp men bên trong bát được sử dụng là men trắng, rất sáng. Tác phẩm này không có khắc chữ. Sự phối hợp màu sắc này khiến cho người nhìn ngắm cảm nhận được một vẻ đẹp bình yên và thanh lịch.
Chậu thủy tiên với hoa văn dây leo hoa sen – Thời Minh Chính Đức
Chậu có dạng hình hộp chữ nhật, bốn góc hơi nghiêng ra ngoài, phía dưới có 6 chân trụ. Lớp trong được tráng men trắng. Bên ngoài được trang trí với ba màu vàng, tím, lục. Phần thân giữa lấy màu tím làm nền, kết hợp với dây leo màu xanh lục. Dọc theo miệng có khắc bốn chữ khải thư “Chính Đức niên chế“, viền ngoài màu vàng với viền hoa song phương lan.
Hình dáng của chiếc chậu này khá đặc biệt, kết cấu rất gọn gàng mà sinh động, sắc màu được phối rất tươi mát, cho thấy được phong cách cổ xưa và sự mỹ cảm nhã trí của người xưa. Kể từ thời Minh Chính Đức, chất lượng đồ sứ có khuynh hướng đi xuống, phần mài dũa đẽo gọt hơi ẩu vẫn còn nhìn thấy vết tích, sau đến thời Vĩnh Nhạc, Tuyên Đức, Thành Hóa mới có độ nhẵn bóng dần lên. Tuy nhiên đồ sứ Tố Tam Thái thời Minh Đức Chính dù gì cũng đạt được thành tựu đáng kể, trở thành một cổ vật quý giá.
Bình Tố Tam Thái với hoa văn dây leo hoa sen – Thời Minh Gia Tĩnh
Miệng bình khá nhỏ, quanh miệng được dát bằng đồng, vai dốc, cổ thẳng với miệng và thuôn xuống phần bụng. Bên ngoài của bình được sơn lớp men trắng và trang trí với các màu sắc cùng hoa văn. Gần miệng bình là hoa văn vân đầu như ý, phần thân là dây cuốn liên văn, phần dưới chân là hình thảo cuốn. Màu sắc chính là sắc xanh khổng tước, ngoài ra có sắc vàng, tím, xanh lục các màu. Tác phẩm không có đề chữ. Thân bình xinh đẹp tuyệt trần, văn sức sang trọng hoa lệ cùng màu sắc tao nhã, toát ra một vẻ đẹp từ bên trong.
Bình Tố Tam Thái với hoa văn đoàn rồng – Thời Minh Vạn Lịch
Miệng bình được gắn lại, gáy ngắn, vòng chân bên ngoài bị cắt mất. Phần vai cổ và phần dưới chân đều có một vòng hoa văn mài vàng, phần bả vai là hình cánh hoa, toàn thân lấy màu xanh khổng tước làm chủ, ngoài ra trên thân còn được trang trí hoa văn đoàn rồng màu vàng. Các vật phẩm thời Vạn Lịch cũng mang công nghệ nung đốt chồng xếp, sử dụng màu vàng và màu xanh đặc trưng của đồ sứ Tố Tam Thái. Ngoài ra còn chủ yếu lấy màu xanh khổng tước làm chủ, màu vàng để trang trí hoa văn, màu sắc được tách thành từng mảng riêng biệt, không được đều đặn.
Đĩa cành hoa hoa cùng họa tiết vân long – Thời Minh Vạn Lịch
Cả mặt trong và ngoài của đĩa đều được lấy sắc tím của Tố Tam Thái làm chủ và đều được sơn hoa văn cành lá, lá xanh hoa vàng. Bên trong phần đáy có hoa văn rồng cùng mây. Đáy chiếc đĩa cũng có sắc tím và được khắc 6 mẫu chữ hành thư “Đại Minh Vạn Lịch niên chế“, bên trong 6 chữ có màu xanh lục và được bao quanh bởi viền tròn màu vàng.
Đĩa song long hí châu – Thời Minh Vạn Lịch
Miệng đĩa mở, hình vòng cung, đế tròn. Lòng đĩa mỏng. Toàn thân đĩa được trang trí bởi một màu vàng. Tâm đĩa bên trong được trang trí bằng hoa văn song long hí châu, viền ngoài được trang trí bằng những dây hoa sen. Phần chân và đáy cũng có màu vàng, dưới đáy có ngự đề hành thư 6 chữ “Đại Minh Vạn Lịch niên chế“, viền đáy là tuyến vòng đôi hoa xanh.
Hình dáng hoa văn trên sản phẩm không có độ đồng nhất trong thời kỳ này, hình ảnh long văn tùy ý hơn, móng vuốt như đóa hoa, phần miệng và thân có thể nhìn thấy được các vết nứt, phản ánh tình hình chất lượng suy giảm trong sản xuất sứ của ngự phòng hoàng gia thời Vạn Lịch, so với các thời kỳ trước đó.
Theo sohu.com
Ảnh trong bài: sohu.com
Uyển Vân biên dịch