Vì để đáp ứng nhu cầu, triều đại nhà Minh ngoài việc có lò nung riêng trong cung đình, còn nhận rất nhiều những đồ vật gốm sứ được tiến cống từ bên ngoài. Các vị vua trong triều đại này đã cho xây dựng một xưởng gốm ở Cảnh Đức Trấn, đặt tên là Kiến Văn, đặc biệt chuyên chế tạo nung đốt gốm sứ cho cung đình. Đây cũng là thời kỳ có số lượng lớn gốm sứ được nung đốt, vẫn còn lưu lại dấu tích cho đến ngày nay.
Đồ sứ là đồ vật được sử dụng phổ biến nhất trong cuộc sống hàng ngày của người phương Đông cổ kim trăm họ, cũng là một đồ dùng chính của quý tộc hay vua chúa trong cung đình. Trong triều đại nhà Minh, bất luận là đồ trang trí nội thất, trong phương diện tôn giáo hay đồ đạc thường ngày đều không thể tách rời với sứ.
Gốm sứ hoàng thất là một trong những vật liệu hoàng gia làm nổi bật quyền lực tuyệt đối của hoàng thất, ngoại trừ hoàng đế và gia đình hoàng đế, không ai có thể sở hữu hoặc sử dụng nó trừ phi được hoàng đế trao tặng. Từ thiết kế sản phẩm, đến việc sản xuất, kiểm tra, vận chuyển và sử dụng, sứ hoàng thất có hệ thống quản lý chặt chẽ, rõ ràng, sản phẩm cuối cùng hướng đến là đế đô Tử Cấm Thành, đại diện cho hoàng gia đời Minh.
Ba triều vua cuối thời Minh là Gia Tĩnh (1522-1566), Long Khánh (1567-1572), và Vạn Lịch (1573-1620), kéo dài tổng cộng 99 năm, từ thế kỷ XVI sang XVII. Ba triều đại vua này trùng với thời kỳ hoàng kim của văn nghệ Phục hưng Châu Âu, thời kỳ khám phá địa lý vĩ đại và chủ nghĩa thực dân, theo đó là sự phát triển bước đầu và nhanh chóng của khoa học và công nghệ.
Thời gian trôi qua, ngày tháng thoi đưa. Mặc dù các đồ gốm sứ của triều đại các vua Gia Tĩnh, Long Khánh, và Vạn Lịch đã trải qua hơn 400 năm kể từ khi ra đời, nhưng lò nung của ba triều đại hoàng gia này đã cho thấy sự gia tăng chưa từng có trong sản xuất, hình dáng cũng linh hoạt hơn, thân sứ dày hơn, công nghệ có vẻ hơi xù xì, hoa văn tô điểm ngày càng thêm phồn thịnh, phong cách diện mạo là sắc thái hoa lệ bắt mắt.
Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế hàng hóa và sự mở rộng nhanh chóng của thương mại ở nước ngoài, sản lượng và chất lượng của ngành công nghiệp sứ tư nhân thời kỳ đó cũng được cải thiện rất nhiều.
Đồ sứ thời vua Gia Tĩnh: đỉnh cao là men sứ màu da dưa xanh
Gia Tĩnh hoàng đế đăng cơ khi còn rất trẻ, những năm đầu tại vị, dưới sự trợ giúp của các quần thần về việc chính sự triều đình, ông đã chỉnh đốn được quan chế, mở đường và các biện pháp kiểm tra đất đai, đưa phản loạn quay về với chính nghĩa, khai sáng một cục diện phát triển xã hội mới đời Minh. Đến năm cai trị thứ 21 của mình, Gia Tĩnh bắt đầu lùi về hậu cung, hết lòng theo tín Đạo, khiến cho triều đình và xã hội những năm cuối do thiếu sự cai quản của ông nên tứ phía gặp nguy nan.
Việc sản xuất sứ lò nung trong triều đại Gia Tĩnh tăng mạnh so với thời kỳ trước; các đồ dùng cúng tế rất đa dạng, đồ trang trí liên quan đến Đạo giáo rất phổ biến, xuất hiện những đồ dùng đặc biệt cho các nghi lễ Đạo giáo. Những khí vật này xuất hiện thường có quan hệ mật thiết với xu hướng chính trị và văn hóa của hoàng đế. Điều này được thể hiện là vua Gia Tĩnh đã yêu cầu Cảnh Đức Trấn chế tạo ra số loại sản phẩm không dưới con số 37, trong đó nổi tiếng nhất là men Thanh Hoa (màu xanh và trắng), men sứ ngũ thái hay men da dưa xanh.
Sứ Thanh Hoa điển hình trong thời kỳ này có thiên hướng “hồi thanh”, tức chủ yếu lấy men xanh làm màu chủ đạo cho hoa văn, phơi bày sắc men tươi đẹp màu xanh trên nền trắng, khai sáng một cảnh giới đặc biệt cho gốm sứ Minh triều.
Men da dưa xanh là một loại men lấy nhiệt độ thấp với oxit chì làm yếu tố chính. Lò nung nhà Minh bắt đầu nung đốt men này từ triều đại Vĩnh Nhạc, sau đó các triều đại khác nhau đều có sáng tạo phát triển với loại men này. Đến triều Gia Tĩnh thì màu sắc của sản phẩm là tinh khiết nhất.
Nhờ sự sùng tín Đạo giáo của hoàng đế mà sứ tráng men hoàng gia của triều đại mang màu sắc Đạo giáo mạnh mẽ, từ hình dạng tới trang trí. Về mặt kiểu dáng, các dụng cụ hình bầu dục có sự gia tăng rõ ràng nhất là về mặt trang trí, với các hình vẽ trang trí có yếu tố Đạo giáo thường gặp như “Bát tiên”, “Ám bát tiên”, “Tùng Hạ lão nhân”. Ngoài ra, còn có cả những hình ảnh loại khác, như quốc thái dân an, vạn thọ thanh bình, mưa thuận gió hòa, ngũ cốc phong đăng hay hoa văn cây leo uốn lượn quanh ba vị Phúc, Lộc, Thọ.
Đồ sứ Long Khánh: niên đại tuy ngắn nhưng sản lượng vẫn lớn
Bắt đầu sang thời kỳ hoàng đế Long Khánh cầm quyền, ông rất khoan dung hòa ái và nhân hậu, quyết lật lại những án oan tiền triều, trừng trị những tín đồ Đạo giáo sai trái mà Gia Tĩnh đã sủng ái quá mức, tích cực đẩy mạnh việc cải cách chế độ phú dịch, mở rộng chính sách ruộng đất. Đây chính là nền móng vững chắc cho sự phát triển của triều đại Vạn Lịch tiếp theo.
Triều đại vua Long Khách chỉ kéo dài trong 6 năm, vì vậy mà lò nung tại Cảnh Đức Trấn cũng chỉ hoạt động trong thời gian ngắn. Nhưng theo “Đào thư – Giang Tây tỉnh đại chí” ghi lại: “Long Khánh năm thứ 5 (1571) các lò nung cho ra đời các loại bát đỏ, chén, âu lớn, đĩa, vại các loại tổng cổng 105.770 cái.” Từ đó có thể thấy số lượng sản xuất sứ thời kỳ này vẫn tương đối lớn.
Sứ Thanh Hoa thời kỳ này chú ý đến sự đa dạng về kiểu dáng, từ hình vuông, chữ nhật hay hình quả dưa, đĩnh bạc, kết hợp chạm rỗng trang sức. Vẫn áp dụng phương thức “hồi thanh” (quay về màu xanh), kết hợp với tỷ lệ pha chế chính xác khiến sản phẩm sau khi nung đốt trở thành cực kỳ thuần khiết. Đồ sứ Long Khánh thường gặp hoa văn mây, rồng, phượng, long ly , phong hầu (ong, khỉ), cây tùng lộc, cá, tảo, hoa sen, cành nhánh dây leo v.v..
Đồ sứ Vạn Lịch: công nghệ điêu khắc xuất sắc
Hoàng đế Vạn Lịch là hoàng đế trị vì lâu nhất trong triều đại nhà Minh. Trong thập kỷ đầu tiên nhiếp chính, ông toàn lực ủng hộ đẩy mạnh cải cách thuế ruộng đất, từng bước tạo lập nền chính trị thanh minh, kinh tế lại phát triển đến cục diện phục hưng. Nhưng rất nhanh sau đó, hoàng đế Vạn Lịch lại phế bỏ hết các cải cách và các biện pháp chính trị đang phát huy hiệu quả, bắt đầu một giai đoạn chính trị mới kéo dài 30 năm, đưa hậu kỳ vương triều của mình tiến vào thời kỳ trì trệ, khiến xã hội phát triển theo một trạng thái đặc thù.
Đồ sứ từ lò nung Cảnh Đức Trấn cũng bị ảnh hưởng bởi thay đổi chính trị, khiến cho số lượng tăng mà chất lượng giảm, nhà xưởng vận hành dần dần rơi vào cảnh túng thiếu, cuối cùng dẫn đến việc chính thức chấm dứt lò nung hoàng cung sau 36 năm. Kể từ đó, lò nung Cảnh Đức Trấn bước bao thời kỳ suy sụp và các lò nung dân gian trở nên hưng thịnh. Chỉ cho tới niên đại của hoàng đế Khang Hy, lò nung hoàng gia mới bắt đầu được khôi phục trở lại.
Hình dáng và hoa văn cơ bản vẫn tiếp tục dựa theo đặc tính của gốm sứ thời kỳ Gia Tĩnh và Long Khánh. Từ những văn vật được khai quật, thấy có khoảng 20 loại tương đồng. Đồ sứ hậu kỳ Vạn Lịch được nhiều người khen ngợi gồm có sứ Thanh Hoa, sứ ngũ thái, và sứ men tím.
Điểm khác biệt chính trong thời kỳ này là việc áp dụng kỹ thuật điêu khắc hoàn mỹ. Những đồ vật hay được sử dụng điêu khắc thường là bình, lọ v.v. Kỹ thuật khắc của mỗi loại cũng khác nhau và có tính ngẫu nhiên, nhưng đều đóng vai trò phụ trợ để làm nổi bật hoa văn trên men sứ. Các hình được điêu khắc thường là nhân vật, động vật, núi đá hay các con số tượng hình v.v..
Cách bố trí hoa văn trong thời kỳ Vạn Lịch tương đối phức tạp so với hai thời kỳ trước, phong cách hội họa không bị kiềm chế, như một làn gió hoa lệ kiều diễm, phản ánh nền kinh tế lúc đó đang được đẩy mạnh phát triển.
Sứ cổ phương Đông thể hiện trí tuệ của dân tộc Trung Hoa, trải qua gần 5 ngàn năm luôn được tiếp tục kế thừa và phát triển cùng với tốc độ và nhịp điệu của thời kỳ văn minh kế tiếp. Gốm sứ hoàng triều nhà Minh, với giá trị lịch sử, giá trị nghiên cứu và giá trị nghệ thuật to lớn, đã đi vào các bộ sưu tập phổ biến trong số các bộ sưu tập ngày nay và được những người đam mê sứ sùng bái tôn vinh.
Theo sohu.com
Uyển Vân biên dịch