Ấm gốm “Tâm Ổ Đào Phong” được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia Đài Loan. Tại đây, Bảo tàng đã mời mọi người cùng quan sát thế giới đồ gốm qua những tác phẩm nghệ thuật của nghệ nhân Lưu Kim Hùng và cùng nhau chia sẻ cảm ngộ. Từ những cảm nhận khi quan sát mọi người sẽ hiểu hơn về những trải nghiệm cùng hành trình theo đuổi từ “biến hóa” đến “đột phá” trong sự nghiệp sáng tạo của ông.
Trong triển lãm này, Lưu Kim Hùng đã chọn ra 60 tác phẩm của mình, hé lộ nghệ thuật “siêu thực”, “siêu nhiên” và “tả thực” của mình. Để hoàn thành tác phẩm của mình, Lưu Kim Hùng thông qua sự tương tác giữa trái tim với sự vận động của con mắt và đôi bàn tay, để biến những tác phẩm của mình thành giống như bức tranh điêu khắc, đột phá về kỹ xảo điêu khắc, phá vỡ những giới hạn trước kia, với khả năng tự do sáng tạo không biên giới.
Vài nét về tác giả
Lưu Kim Hùng sinh năm 1945 tại thị trấn Tân Ốc, quận Đào Viên, Đài Loan. Từ nhỏ ông đã tràn đầy niềm say mê đối với nghệ thuật, sau đó ông được nhận vào trường Cao đăng Nghệ thuật Quốc gia Đài Loan và trở thành một sinh viên ưu tú. Đến năm 1966, ông thi đỗ vào trường Đại học Nghệ Thuật Đài Loan. Giai đoạn ông được học tập ở trường Đại học chính là nền tảng cho sự sáng tạo nghệ thuật không ngừng của ông sau này.
Những giải thưởng giành được
Từ năm 1968 đến năm 1969, Lưu Kim Hùng tham gia “Triển lãm Mỹ thuật Đài Dương”, giành được giải nhì trong khối điêu khắc. Vào những năm 80 tại quê hương Đào Viên, ông đã thành lập một xưởng gốm tên là “Tâm ổ đào hồ” (ấm gốm), thử nghiệm những chiếc ấm gốm theo hình dạng thân cây. Ông đã cố gắng tạo ra những ấm bình gốm từ phần thân của các loài cây, kết hợp với chuyên môn điêu khắc của mình trên đó, ông đã tạo ra một nghệ thuật với kỹ thuật điêu khắc thực tế. Với sáng tác ấm gốm tên “Cao độ tả thực” vào năm 2003, ông đã chiếm trọn giải kiệt tác nghệ thuật của năm và được mời tham gia trưng bày những ấm gốm này trong hành lang của phủ tổng thống.
Lưu Kim Hùng chuyên sử dụng đất sét tím làm nguyên liệu, ông có một quá trình quan sát đời sống của động vật và thực vật nên thường dùng quá trình sinh trưởng của chúng để làm đề tài. Trong những tác phẩm điêu khắc của ông thường xuất hiện hoa văn dạng tre trúc, ốc sên, chuột. Ngoài ra ông còn thường sử dụng những thân gỗ khô để làm ấm, hũ, bình; ông cho rằng những thân cây đã trải qua bao nhiều đợt gió thổi mưa rơi, phong sương tuyết bão trong năm tháng dài đằng đẵng là những vật liệu tự nhiên, cổ kính mà phong trần. “Gỗ khô” là vật liệu quan trọng nhất trong triển lãm của ông, một sáng tạo “lật đổ” vị trí độc tôn của đồ gốm nghệ thuật truyền thống, biểu hiện nổi bật nhờ những sinh vật đưa vào tác phẩm, ẩn dụ sự sống tiềm tàng qua những bề mặt gỗ tưởng chừng đã mục nát.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch