Viếng Người, người viếng Tiểu Thanh,
Sáu trăm năm lại bội phần xót xa.
Văn chương đâu, mệnh trời mà,
Hận cổ kim cõi Ta-bà hỏi ai.
“Đồng thanh” oan lạ tâm tài,
Đời là bể khổ lạc loài chính nhân.
Khóc Người hay khóc cõi trần,
Thơ hoang lạnh giữa nhân quần cô liêu.
Mong manh hồn chữ phiêu diêu,
Tri âm tương ngộ đợi nhiều trăm năm.
Hận chi nhân thế đục trong,
Nghiệp duyên phong vận trách nhầm trời xanh.
Lương Bảo
Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa – Nghệ thuật Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.
———-
Độc Tiểu Thanh ký (Hán tự: 讀小青記) là một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật của đại thi hào Nguyễn Du.
Theo “thivien.net” thì Tiểu Thanh (1594-1612), họ Phùng, tên Văn Cơ, người Quảng Lăng, tỉnh Giang Tô, mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, được một bà sư nuôi và cho ăn học. Năm 16 tuổi, nàng lấy lẽ một người họ Phùng, và để tránh trùng tên nên được gọi là Tiểu Thanh. Vì vợ cả ghen, nàng phải ra ở nhà riêng của Phùng sinh trên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ rồi buồn bực mà chết lúc mới 18 tuổi, nay còn mộ ở Cô Sơn.
Truyện kể về nàng Tiểu Thanh gọi là Tiểu Thanh ký. Truyện rằng trước khi chết, Tiểu Thanh cho vẽ một bức chân dung truyền thần nàng. Về bức vẽ đầu tiên, nàng nói: “Hình tôi thì giống, nhưng chưa lột hết thần của tôi”. Với bức thứ hai: “Thần thì được rồi, nhưng bóng dáng chưa được linh động”. Đến bức vẽ thứ ba, đủ lộng lẫy, nàng nói: “Được rồi đấy”. Rồi nàng để bức tranh ở trước giường, đốt hương thơm khấn: “Tiểu Thanh! Tiểu Thanh! Chốn này có phải là duyên phận của mày đâu”. Nói xong, nước mắt chan hòa, nấc lên một tiếng rồi chết.
Tiểu Thanh đã tự mình đốt các bài thơ của mình, chỉ để lại 12 bài. Theo Nguyễn Quảng Tuân, sách Nữ liêu trai chí dị có chép rằng: “Người vợ cả biết chuyện giận lắm. Người vợ cả đòi lấy tập thơ. Thơ đưa ra cũng bị đốt hết. Người ta lục bản thảo, không còn chi nữa”. “May khi nàng sắp mất có mấy chiếc xuyến hoa, tặng cho con gái nhỏ của nàng, bọc vào hai tờ giấy. Chính ở những tờ giấy ấy, người ta thấy thi cảo của nàng gồm 12 bài”.
Cũng theo nguồn “thivien.net” thì “chi phấn hữu thần” được hiểu là “bức chân dung đủ dáng lộng lẫy (son phấn) có thần”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng có thể hiểu “son phấn” dùng chỉ người con gái đẹp, đài các; còn “thần” là có tài năng. Nguồn “thivien.net” giải thích “Phần dư” là phần đốt còn sót lại. Chúng tôi cho rằng có thể hiểu “phần” là phận. Như vậy “phần dư” còn ý nói đến nỗi đau khổ của người bị đối xử như phận thừa trong xã hội.
Nguyễn Du sáng tác bài thơ “ Độc Tiểu Thanh ký” nhân đọc truyện này với sự đồng cảm, thương sót cho số phận của người con gái tài tình mà bạc mệnh. Những người phụ nữ có tài có sắc nhưng đường đời truân chuyên bất hạnh cũng là cảm hứng lớn trong sáng tác của Nguyễn Du. Bài thơ được rút từ “Thanh Hiên thi tập” và viết vào những năm tháng trước khi Nguyễn Du ra làm quan cho triều Nguyễn.
Nguyên văn chữ Hán: Độc Tiểu Thanh ký
讀小青記
西湖花苑盡成墟
獨吊窗前一紙書
脂粉有神憐死後
文章無命累焚餘
古今恨事天難問
風韻奇冤我自居
不知三百餘年後
天下何人泣素如
Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kì oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Dịch nghĩa: Đọc Tiểu Thanh ký
Cảnh đẹp ở Tây Hồ đã thành gò hoang cả,
Đơn độc viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ.
Son phấn có tài năng nên sinh thương cảm sau khi chết,
Văn chương không có sinh mệnh mà đau sót với phận thừa.
Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được,
Tự coi là kẻ cùng một hội với con người phong nhã mắc nỗi oan lạ lùng.
Không biết hơn ba trăm năm sau nữa,
Thiên hạ có người nào khóc Tố Như chăng?
Đọc Tiểu Thanh ký ( Bản dịch của Lê Thước)
Hồ Tây cảnh đẹp hoá gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có hồn chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?