Những tấm ảnh đầy màu sắc luôn rất bắt mắt. Bài viết giới thiệu 7 mẹo tăng cường màu sắc cho hình ảnh bạn chụp, nhằm biến những phong cảnh thông thường thành những cảnh đẹp hấp dẫn đầy màu sắc.
Khi nói đến chụp ảnh phong cảnh, màu sắc là thứ thường bị bỏ qua. Đối với phong cảnh, rất dễ có cảm giác rằng màu sắc trong một cảnh quan nào đó phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng trong khi đúng là bạn không thể biến đổi một phong cảnh mờ nhạt thành một bố cục đầy màu sắc và vẻ đẹp, thì vẫn còn rất nhiều điều bạn có thể làm để kết hợp nhiều màu sắc hơn vào hình ảnh của mình.
Với cách nhìn này, ở đây chúng ta xem xét một vài điều mà bạn có thể làm, lưu ý rằng một số trong đó là các bước mà bạn có thể thực hiện trước khi bấm máy. Mặc dù có nhiều cách để tăng cường màu sắc bức ảnh của bạn trong quá trình xử lý hậu kỳ, nhưng cũng có rất nhiều cách bạn có thể làm từ trước. Khi nói đến việc tăng cường màu sắc, tùy chọn tốt nhất thường liên quan đến việc sử dụng kết hợp cả kỹ thuật xử lý có sẵn trong máy ảnh và xử lý hậu kỳ để có được kết quả mà bạn mong muốn.
Dưới đây chúng ta sẽ xem xét một số cách:
1. Sử dụng kính lọc phân cực
Kính lọc phân cực (polarizing filter) là một công cụ tuyệt vời để giúp màu sắc của bạn nổi bật. Các kính lọc phân cực giúp giảm độ chói lóa trên bề mặt, có nghĩa là chúng có thể làm giảm độ lấp lánh trên bề mặt của lá cây, hoặc thậm chí là đá ướt; giúp màu sắc trong hình ảnh của bạn xuất hiện sâu hơn và bão hòa hơn. Chúng cũng có thể giúp giảm khói mù trong khí quyển, đó là lý do tại sao các nhiếp ảnh gia thường sử dụng chúng để làm màu xanh của bầu trời sâu hơn.
2. Tìm cách kết hợp các yếu tố nhiều màu sắc
Bạn không phải tô thật nhiều màu cho bố cục của mình để tạo ra kết quả bắt mắt. Đôi khi, chỉ một vệt màu là tất cả những gì bạn cần. Ví dụ: hãy thử tìm cách kết hợp những bông hoa rực rỡ, đầy màu sắc ở tiền cảnh để thêm hứng thú thị giác và thu hút người xem vào bức ảnh. Ngoài tiền cảnh, tìm cách chụp các yếu tố đầy màu sắc ở khoảng cách xa – mái ngói đỏ tươi, khinh khí cầu đầy màu sắc, thậm chí cả một con tàu biển – cũng giúp thu hút ánh mắt của người xem vào bức ảnh, đặc biệt là khi nó tương phản với bối cảnh.
3. Chụp vào thời gian tối ưu trong ngày
Các màu sắc tốt nhất được tìm thấy trong những thời gian cụ thể trong ngày. Chẳng hạn, bình minh hay hoàng hôn là thời gian cụ thể để chụp các màu sáng, đậm trên bầu trời. Tương tự như vậy, giờ vàng của thời gian trong ngày – lần thứ nhất là ngay sau khi mặt trời mọc và một lần nữa là vào ngay trước khi mặt trời lặn – là lý tưởng để chụp những cảnh quan bừng tỉnh trong một ánh sáng vàng tuyệt đẹp. Còn nữa, dù bạn có tin hay không, những ngày hơi u ám thực sự có thể là thời điểm tuyệt vời để chụp những bức ảnh đầy màu sắc. Các đám mây sẽ hoạt động như một chiếc dù khuếch tán ánh sáng khổng lồ, khuếch tán ánh sáng một cách nhẹ nhàng, dẫn đến màu sắc sâu hơn, bão hòa hơn.
4. Tìm kiếm ánh sáng phụ trợ
Mặc dù bạn nên tận dụng ánh sáng tự nhiên có sẵn, trong một số trường hợp bạn có thể sử dụng các nguồn sáng bổ sung để nâng cao màu sắc cho hình ảnh của mình. Ví dụ: bạn có thể sử dụng đèn flash ngoài máy ảnh để giúp chiếu sáng tiền cảnh trong điều kiện ánh sáng yếu; hoặc sử dụng nó như một đèn flash bù sáng, để giúp lấp đầy bóng đổ khi chụp với ánh sáng gay gắt. Còn đối với hình ảnh được chụp sau khi trời tối, hãy cân nhắc tìm kiếm các nguồn sáng bổ sung mà bạn có thể sử dụng. Chẳng hạn, đèn đường, hoặc đèn cầu, hoặc sự phản chiếu của đèn thành phố trên mặt nước có thể giúp tạo ra những màu sắc rực rỡ, táo bạo vào ban đêm.
5. Điều chỉnh độ phơi sáng cho ảnh của bạn
Nếu màu sắc bức ảnh của bạn không được rực rỡ như mong đợi; bạn có thể thử giảm độ phơi sáng xuống một chút để xem liệu nó có giúp màu sắc của bạn xuất hiện phong phú hơn không. Ngay cả việc giảm xuống 1/3 điểm dừng cũng có thể đủ để giúp hình ảnh xuất hiện rực rỡ hơn. Cũng nên nhớ rằng, tốt hơn là để một hình ảnh hơi thiếu sáng chứ đừng để nó bị quá sáng. Việc khôi phục các chi tiết trong các vùng tối của ảnh tương đối dễ dàng trong quá trình xử lý hậu kỳ, nhưng việc khôi phục các điểm bị mất do quá sáng lại khó khăn hơn nhiều.
6. Cân bằng trắng
Giống như những bóng đèn khác nhau có thể mang lại cho bạn những màu sắc ánh sáng khác nhau, việc điều chỉnh cài đặt cân bằng trắng của máy ảnh có thể giúp điều chỉnh màu sắc tổng thể trong hình ảnh của bạn. Hầu hết các máy ảnh đều có một số chế độ cân bằng trắng được cài đặt sẵn, và nếu bạn phát hiện rằng, hình ảnh của mình chụp có màu sắc khó coi, thì đó chính là đã đến lúc cần điều chỉnh cài đặt cân bằng trắng cho máy của bạn, với những chọn lựa như sau:
• Vonfram (Tungsten) – Cài đặt vonfram là tốt nhất cho chụp ảnh trong nhà vì nó có xu hướng làm dịu bớt màu sắc trong ảnh của bạn.
• Huỳnh quang (Fluorescent) – Thuật ngữ huỳnh quang này có nghĩa là “phát sáng, rực rỡ hoặc rực lửa”. Đúng như tên gọi, cài đặt sẵn này làm ấm lên bức ảnh của bạn.
• Ánh sáng ban ngày (Daylight) – Ánh sáng ban ngày thường được sử dụng để chụp trong giờ ban ngày bình thường.
• Mây (Cloudy) – “Mây” có lẽ là cài đặt cân bằng trắng được sử dụng phổ biến nhất. Nó thêm một chút ấm áp hơn so với cài đặt “ánh sáng ban ngày” và thường được coi là tạo ra một “cú hích” cho hình ảnh.
• Flash – Cài đặt này cũng làm hình ảnh của bạn ấm lên, đặc biệt nếu bạn đang sử dụng đèn flash vì nó có xu hướng cung cấp nhiều ánh sáng hơn.
• Bóng râm (Shade) – Cài đặt này cũng sẽ giúp làm ấm lên màu của bạn.
Hoặc cuối cùng, bạn có thể điều chỉnh cân bằng trắng theo cách thủ công, cho bạn cơ hội tốt nhất để nắm bắt các màu bạn nhìn thấy. Điều này đặc biệt lý tưởng nếu bạn chụp trong khi điều kiện ánh sáng thay đổi nhanh chóng. Để bắt đầu, hãy đặt máy ảnh của bạn ở chế độ PRE (hướng dẫn cài đặt trước). Sau đó, tìm một vật màu trắng hoặc một chiếc thẻ có 50% màu xám đặt trước máy ảnh của bạn. Sau đó, hãy chụp ảnh như bình thường thì cân bằng trắng của bạn sẽ được thiết lập!
7. Các mẹo xử lý hậu kỳ
Trong một số trường hợp, xử lý hậu kỳ cũng có thể giúp nâng cao màu sắc ảnh phong cảnh của bạn. Màu sắc vốn chói hơn và bão hòa hơn sẽ cảm thấy sáng hơn và rực rỡ hơn, trong khi các màu tối hơn sẽ giảm bớt cường độ. Cũng rất quan trọng phải nhớ rằng, mỗi màu đều có vị trí của nó. Tuy nhiên, một số màu tối hơn có thể giúp hình ảnh trông tự nhiên hơn, trong khi các khu vực nhận được ánh sáng trực tiếp thường có thể bị tăng độ bão hòa. Cần tránh làm cho tất cả các màu xuất hiện đều sáng và đậm, vì điều này có thể tạo ra kết quả không thực tế. Thông thường, một sự tinh tế về màu sắc sẽ là tốt hơn, đặc biệt khi liên quan tới phong cảnh, và khi bạn mong muốn chụp được một hình ảnh trông thực tế. Hãy chắc chắn bạn chụp ở định dạng RAW để có sự linh hoạt tối đa khi đăng ảnh.
Với các mẹo đơn giản như trên, có thể tăng cường màu sắc trong hình ảnh của bạn. Mặc dù việc kết hợp các màu sắc và điều chỉnh để tăng cường màu sắc trong hình ảnh của bạn có thể là một thách thức, nó cũng có thể rất thú vị và bổ ích. Hãy tìm những nguồn ánh sáng phù hợp, cố gắng tận dụng tối đa nó, và sau đó mới tìm kiếm các đối tượng đầy màu sắc để đưa vào cảnh quan của bạn. Với sự cố gắng học hỏi, thì chụp được những hình ảnh rực rỡ và đầy màu sắc sẽ sớm trở thành bản năng thứ hai của bạn.
Theo Christina Harman / Loaded Landscapes
Clip HOT: ‘Lời chào buổi sáng đến từ Hồng Kông’ đẫm nước mắt