Đại Kỷ Nguyên

Hai nhành hoa xuân từ thi sĩ miền quê

Thời kỳ Thơ Mới ra đời, tiếp thu những cái lạ từ trời Tây vốn rất mới mẻ, người ta gọi Xuân Diệu là Ông Hoàng Thơ Mới. Thi sĩ đã giải phóng cái Tôi triệt để với tất cả những băn khoăn, rạo rực; những đau khổ buồn thương được bộc lộ không giấu giếm.

Cơn địa chấn ấy qua đi… Sông Hồng, sông Cửu Long và cả dòng Hương miền Trung sau mùa mưa lũ, nặng trĩu phù sa lại dịu dàng đằm thắm trong xanh như vốn có. Cho hay, sức sống ngầm của văn hóa dân tộc là một thứ gen đã được mã hóa trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Ngày xuân, đọc Thơ Mới, chúng ta lại rất muốn dừng lâu trò chuyện với những thi sĩ quê mùa mộc mạc.

Chắc chắn cần gặp Nguyễn Bính. Và lý thú hơn là gặp chàng trai này vào dịp Xuân sang. Nhà thơ viết rất nhiều về đề tài Xuân.

Ở đây xin giới thiệu hai tác phẩm ngắn của ông: “Mùa Xuân Xanh” và “Xuân về”:

MÙA XUÂN XANH

Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.

(1937 – Nguyễn Bính – Lỡ bước sang ngang)

LỜI BÌNH

Thử đọc lại câu thơ cuối cùng của “Mùa xuân xanh” – “Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”. Vậy là điều “bắt đầu” điểm khởi thủy cũng là điều mãi mãi “cái thắt lưng xanh” của cô gái, chỉ có đôi mắt yêu thương của chàng trai đang chờ, đang đợi mới phát hiện thật nhanh dẫu nó mới chỉ thấp thoáng ẩn hiện “khỏi lũy tre làng”.

Ngân nga suốt bài thơ tình hai khổ của Nguyễn Bính là giai điệu xanh của thiên nhiên và cái vẻ tình tứ nơi thôn hương của một thời đã thành hoài niệm đẹp. Nhà thơ của thương yêu dẫn dắt ta từ “Mùa xuân xanh” của đất trời cây lá đến nỗi niềm rạo rực trong tình yêu lứa đôi một thuở đẹp như ca dao, cổ tích- cũng là từ “Mùa xuân xanh” đến tình xuân xanh, bài thơ nhỏ thật dịu dàng mà cũng thật lãng mạn của Nguyễn Bính ru mãi lòng ta trong tình thương yêu con người và cuộc sống.

(Lời bình của Trần Trung)

XUÂN VỀ

Đã thấy xuân về với gió đông.
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe
Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe
Lá nõn nhành non ai tráng bạc
Gió về từng trận gió bay đi

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.

Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trảy hội chùa
Gậy trúc giắt bà già tóc bạc
Lần lần tràng hạt niệm nam vô.

(1937)

Bốn mảnh ghép với bốn mảng màu sắc khác nhau, đã được thi sĩ Nguyễn Bính ghép vô bức tranh Xuân Về hoàn hảo. Xuân về có đôi má ửng đỏ của cô gái chưa chồng, xuân về có đám trẻ xun xoe nô đùa trong xóm, có “lá nõn nhành non ai dát bạc”, xuân về có cánh đồng lúa đang thì con gái, có đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng, hứa hẹn một mùa trái ngọt phía trước, xuân về có các cô thôn nữ bên các bà già tóc bạc đi chùa cầu may.

Bài thơ Xuân Về đã ra đời cách nay gần 80 năm. Nhưng những hình ảnh về phong cảnh làng quê thì vẫn như vừa mới viết đây thôi!

(Lời bình Huỳnh Xuân Sơn)

Đọc khổ thơ mở đầu cứ như tiếp xúc với một bài Đường Thi tứ tuyệt thật trong sáng. Màu má hồng trong thơ Thôi Hộ ngày nào khi ông đề thơ ở thành Nam Trang đã được liên tưởng:

“Nhân diện đào hoa tương ánh hồng”
(Mặt giai nhân và hoa đào cùng chiếu màu đỏ tươi cho nhau)

Bản dịch cả bài của Tương Như là:

“Cửa đây năm ngoái cũng ngày này,
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá,
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây.”

Riêng bài thơ xuân này cũng có truyền thuyết thật đẹp.

Theo Tình sử của Phùng Mộng Long, Thôi Hộ nhân tiết thanh minh một mình đi chơi về phía nam đô thành, thấy một ấp trại chung quanh đầy hoa đào. Thôi Hộ gõ cửa xin nước uống, một người con gái mở cổng, hỏi tên họ rồi bưng nước đến, người con gái sắc đẹp đậm đà, duyên dáng, tình ý, dịu dàng kín đáo. Năm sau, cũng vào tiết thanh minh, Thôi Hộ lại đến tìm người cũ thì cửa đóng then cài, nhân đó mới đề lên cánh cửa bên trái bài thơ này. Người con gái xem thơ, nhớ thương rồi ốm chết. Chợt thôi Hộ đến, nghe tiếng khóc bèn chạy vào ôm thây mà khóc. Người con gái bỗng hồi tỉnh rồi sống lại. Ông bố bèn đem cô gái gả cho Thôi Hộ. Cũng từ điển này, người ta thường ví mặt người con gái đẹp với hoa đào.

Ở thơ Nguyễn Bính không có hoa Đào. Chỉ có một vị Thần mùa xuân đang hiện diện khắp nơi và hào phóng ban cho vạn sự vạn vật sức sống mãnh liệt, năng lượng khí hạo nhiên thật dồi dào. Cứ nhìn má thiếu nữ ửng đỏ mà chúa Xuân trang điểm cho là biết.

Thơ Nguyễn Bính nhuần nhụy nói tình quê, cảnh quê nhưng không quê mùa.

Bất giác tôi nghĩ đến bài thơ XUÂN NHẬT TỨC SỰ của một người tu hành thời Tống. Đó là Sư Huyền Quang:

*春日即事

二八佳人刺繡遲,
紫荊花下轉黃鸝。
可憐無限傷春意,
盡在停針不語時。

*Xuân nhật tức sự

Nhị bát giai nhân thích tú trì,
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
Khả liên vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình châm bất ngữ thì.

*Bản dịch của Huệ Chi:

Lỏng tay thêu gấm, gái yêu kiều,
Hoa rợp, oanh vàng lảnh lót kêu.
Bao nỗi thương xuân, thương biết mấy,
Là khi không nói, chợt dừng thêu.

*Bản dịch của Hà Thư Sinh

Người xinh thêu thật nhẹ nhàng
Líu lo oanh hót, hoa tràn trước sân
Thương xuân thương đến vô ngần
Khi nàng không nói chợt ngừng tay thêu.

Hồn nhiên, tự nhiên như nhiên là một trạng thái mà người tu luyện phải lắm công phu mới thực hiện được. Ở đây, con người cứ đồng hóa với vũ trụ, thiếu nữ cứ đồng hóa với Xuân. Nó cho ta một ngẫm suy triết học về Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa.

(Lời bình của Thái Quang Vinh)

La Vinh

Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm:

Exit mobile version