Hans Holbein (1497-1543), thường được gọi với tên Hans Holbein the Younger, có cha là một họa sĩ tôn giáo – Hans Holbein the Elder. Ông sinh ở Augsburg, Bavaria, Đức, là một họa sĩ, một nhà điêu khắc tranh thời Phục hưng Bắc Âu. Ông được công nhận là một trong những họa sĩ vẽ chân dung vĩ đại nhất thế kỷ XVI.
Cuộc sống và sự nghiệp hội họa
Ngoài tranh chân dung, các tác phẩm của ông còn bao gồm những bức tranh tôn giáo, các bản khắc có nội dung cảnh báo nhắc nhở nhân thế v.v. Đặc biệt, các bản in khắc gỗ của ông được cho là chứa đựng tư tưởng nhân văn sâu sắc.
Hans Holbein the Younger sinh ra trong một gia đình có truyền thống hội họa. Cha ông là một họa sĩ kiến trúc Gothic nổi tiếng thế giới. Chú của ông, Sigmund Holbein, cũng là một họa sĩ, nhưng ít nổi tiếng hơn; ngoài ra Ambrosius Holbein, một người anh em của Hans Holbein, cũng là một họa sĩ. Điều này có nghĩa là Hans Holbein the Younger và các anh trai của ông chủ yếu học vẽ tranh từ cha mình. Sau khi hoàn thành việc học nghề, ông chuyển đến thành phố Basel là nơi có ngành in ấn phát triển mạnh, cùng với anh trai Ambrosius vào năm 1515, với hy vọng vẽ được những bức tranh tuyệt vời minh họa cho những cuốn sách.
Từ việc vẽ hình minh họa cho sách của Hans Holbein the Younger, chúng ta có thể thấy được quan điểm của ông về cuộc sống, về con người, sinh mệnh và cái chết, cùng với những lời cảnh báo thế nhân. Ví dụ như các hình minh họa trong cuốn “In Praise of Folly” (1515) và “Dance of the Death” nhấn mạnh thông điệp rằng “con người phải đối diện cái chết”. Trong những bức chân dung cuối đời của mình, ông vẫn cố gắng kết hợp những yếu tố khám phá ý nghĩa của cuộc sống, sinh mệnh để dung nhập vào trong tác phẩm.
Thời kỳ Basel và “phong trào phá vỡ hình tượng thiêng liêng”
Trong thời kỳ Basel, Hans Holbein the Younger đã từng được sự ủy thác và làm việc cho những doanh nhân giàu có và phòng trưng bày, hay tham gia sáng tác những bức bích họa lớn trước khi ông được Hiệp hội họa sĩ của thành phố Basel công nhận. Ông đã chế tác các bản minh họa bằng đồng cho các ý tưởng nhân văn quan trọng vào thời điểm đó, gồm sự thúc đẩy tư tưởng của Nederland Desiderius Erasmus Roterodamus (1466-135), thúc đẩy đạo Tin lành, “In Praise of Folly” (1515) và cuốn sách Latin “Utopia” của nhà văn người Anh Thomas Morus.
Từ 1517 đến 1519, ông được thị trưởng Jacob von Hertenstein ủy nhiệm tới thành phố Lucerne để vẽ tranh tường cho ngoại thất của nhà thị trưởng. Do vị trí thuận lợi của Lucerne, ông có cơ hội đi đến miền Bắc nước Ý, Milan và những nơi khác để chiêm ngưỡng những bức tranh của các họa sĩ đương đại. Kể từ đó, phong cách của Hans Holbein the Younger đã chịu ảnh hưởng đáng kể bởi Andrea Mantegna (1341-1506) và phong cách thời Phục Hưng Ý, khác với phong cách nghệ thuật thời Trung cổ.
Năm 1519, anh trai Ambrosius Holbein của ông qua đời. Cùng năm, ông kết hôn với một góa phụ làm nghề buôn bán da hơn ông bốn tuổi – Elsbeth Binsenstock. Sau khi kết hôn, ông đã trở thành thành viên của Hiệp hội họa sĩ của thành phố Basel. Elsbeth sinh được bốn người con: Philipp, Katharina, Johannes và Küngold. Hans Holbein the Younger từng vẽ bức chân dung mẹ và con nổi tiếng cho vợ và hai đứa con Philipp và Katharina, đây là bức chân dung đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật được họa sĩ sáng tác cho chính gia đình của mình.
Vào thời điểm đó, Basel là trung tâm của chủ nghĩa nhân văn; nhà tư tưởng nhân văn Erasmus đến từ Hà Lan đã từng sống ở đây vài năm. Do đó, Hans Holbein the Younger đã gặp Erasmus và vẽ một số bức chân dung ông ta. Trong thời gian này, Holbein cũng được cựu Thị trưởng thành phố Basel – Jakob Meyer ủy nhiệm để hoàn thành bức “Darmstädter Madonna” (1525) và “Solothurner Madonna”(1526). Năm 1521, ông cũng được giao vẽ tranh tường trong các sảnh của Tòa thị chính Basel.
Từ 1532 đến 1552, Holbein tới Pháp, tại thành phố Bourges ở miền trung nước Pháp; ông vẽ lại bức tượng bán thân của hai vị lãnh chúa của Lâu đài Công tước Ste-Chapelle. Các nhà sử học suy đoán từ kỹ thuật phác họa ba màu được họa sĩ sử dụng trong hai tác phẩm đầu tiên, rằng Holbein có thể đã gặp Leonardo da Vinci làm việc trong chuyến thăm này, vì bút chì than và cách phối màu đỏ và trắng xen kẽ là theo kỹ thuật của Da Vinci, có khả năng tạo ra các sắc thái phong phú và hiệu ứng ba chiều. Tuy nhiên, Holbein tới Pháp mà không gặp được vua François I như mong đợi, bởi vì Vua Pháp chỉ quan tâm tới phong cách và các nghệ sĩ thời Phục Hưng Ý mà không quan tâm đến vị khách người Đức này. Nhưng bản thân Holbein sau chuyến đi này cũng tích lũy được rất nhiều phong cách vẽ mới; nhìn vào các bản phác thảo của ông có thể dễ thấy bầu không khí thanh lịch và tinh tế của Pháp.
Làn sóng cải cách tôn giáo tại thời điểm đó đã lan rộng từ miền bắc nước Đức. Những nhà cải cách này phản đối tất cả các nhà thờ do Giáo hoàng đứng đầu, cho rằng họ đi chệch khỏi chỉ ý của thần linh; họ phản đối việc mọi người trừ bỏ tội nghiệp thông qua việc xưng tội và tu sửa bản thân, ngược lại khuyến khích các tín đồ thờ phượng mù quáng các biểu tượng, theo đuổi thần tích, thậm chí lừa gạt các tín đồ để lấy tiền. Erasmus, người bạn tốt của Holbein đã chỉ trích sự tham lam của các giáo sĩ và sự tục tĩu của các tín đồ dốt nát trong cuốn “Những kẻ ngốc”. Sự chỉ trích của Erasmus vào năm 1524 cởi mở hơn, với hy vọng sẽ thay đổi thói quen của những người bị ám ảnh với việc tôn thờ biểu tượng. Cũng trong năm đó, phong trào cải cách Tin lành ngày càng trở nên mãnh liệt; từ Zürich bắt đầu một chiến dịch để giải tỏa các tu sĩ trong các nhà thờ cũ. Những phần tử quá khích đã phá hủy những bức tranh về Jesus, Maria và các vị thánh khác trong nhà thờ, thậm chí cả các tác phẩm điêu khắc tôn giáo, kính màu nhà thờ, đồ trang trí v.v.. đều bị phá hủy. Câu chuyện “phong trào phá vỡ hình tượng thiêng liêng” này đã lan truyền khắp châu Âu, đặc biệt là ở Thụy Sĩ, Đế chế La Mã thần thánh, Hà Lan và một phần của Burgundy.
Trong các địa khu có cải cách tôn giáo, các tín đồ không dám chi tiền để ủy thác cho các họa sĩ vẽ tranh về các chủ đề tôn giáo trong Kinh thánh. Các họa sĩ không được ủy quyền sẽ gặp rắc rối. Hans Holbein the Younger khi đó phải tới Anh để tìm lối thoát trong khoảng thời gian từ năm 1526 đến 1528. Để không lãng phí tài năng của bạn mình, Erasmus đã giới thiệu Hans Holbein the Younger cho tước sĩ Thomas More (tước sĩ là tên gọi của những bậc quyền quý, quý tộc) ở London. Thomas More đã giao cho Holbein vẽ một bức chân dung của ông cùng gia đình.
Khi Hans Holbein the Younger trở lại Basel vào năm 1528, ông đã trở thành một họa sĩ nổi tiếng. Trong thời gian ở đây, ông mua được hai ngôi nhà ở Basel. Tuy nhiên, vào năm 1529, “phong trào phá vỡ hình tượng thiêng liêng” đã lan sang tới Basel. Các bức tranh trong nhà thờ bị dỡ bỏ toàn bộ. Khung tranh nhà thờ bị lấy làm củi. Tất cả các bức tranh tôn giáo đều bị cấm. Năm 1532, ông quyết định rời bỏ hẳn thành phổ Basel và tới Anh. Mặc dù hội đồng thành phố Basel năm 1538 đã mới Hans Holbein trở về thành phố Basel với thù lao 50 đồng tiền vàng, nhưng ông đã kiên quyết từ chối.
Họa sĩ cung đình của vua Henry VIII ở Anh
Sau khi Holbein trở lại Anh, ông liên tục được nhận lời mời vẽ từ tước sĩ Thomas More. Bức chân dung “The Ambassadors” ra đời trong thời kỳ này và cũng là tác phẩm nổi tiếng của ông, mở đường cho sự phát triển trong tương lai bước vào giới quý tộc Anh. Cuối cùng, tước sĩ More đã tiến cử ông cho Vua Henry VIII. Vì vậy, ông có cơ hội được tham gia vào công trình trang trí lễ cưới và lễ kỷ niệm của vua Henry VIII cùng vợ Anne Boleyn tổ chức cùng năm đó, được nhà vua đánh giá cao. Năm 1536, Holbein chính thức trở thành họa sĩ trong cung điện của nhà vua.
Henry VIII tín nhiệm và trọng dụng Hans Holbein. Năm 1559, vua cho họa sĩ trở lại lục địa châu Âu, vẽ hai bức chân dung của hai ứng viên “cô dâu” tiếp theo của mình: Christina của Đan Mạch và Anne of Cleves ở Clevo. Khi Henry VIII nhìn thấy bức chân dung Anne được Hans Holbein mang về, ông đã yêu hình ảnh tuyệt đẹp trong bức tranh và quyết định chọn nàng làm cô dâu tiếp theo. Nhưng khi Anne đến Anh, nhà vua đã thất vọng, vì cô dâu không đẹp như bức chân dung mô tả. Vì lần mắc lỗi này khiến Henry VIII rất không hài lòng về Hans Holbein; kể từ đó, ông chỉ được biết đến như một họa sĩ hoàng gia, nhưng không còn được phép chính thức sáng tác bất kì một bức chân dung của một thành viên hoàng gia nào nữa.
Mặc dù vậy, Holbein vẫn có “hoa hồng” từ những nhà tư nhân. Ngoài vẽ tranh, đôi khi thiết kế trang trí các lễ kỷ niệm và thiết kế đồ bạc vẫn có thể kiếm được khá nhiều tiền. Trong thời kỳ này, Holbein đã vẽ chân dung cho ít nhất 5 doanh nhân, chẳng hạn như bức “Portrait Diênun jeune marowder” năm 1541, được cho là sống động hơn bao giờ hết. Hans Holbein qua đời tại London vào năm 1543 ở tuổi 46 vì mắc phải bệnh dịch.
Các thể loại bất đồng trong phong cách vẽ của Hans Holbein the Younger
Xuất phát từ bản năng của người nghệ sĩ, Hans Holbein dành cả cuộc đời để thể hiện sự hoàn hảo trong từng bức tranh. Để hoàn thiện kỹ thuật, ông đã tiếp thu những ưu điểm của các nghệ sĩ khác, du nhập những kiến thức mới nhất vào thời điểm đó càng nhiều càng tốt. Thay vì thiết lập một phong cách cá nhân độc đáo, ông thích thú hơn trong việc theo đuổi sự hoàn mỹ.
Trong bức tranh đầu tiên, ông nắm vững phương pháp hội họa Gothic và kỹ thuật xử lý màu tối của bức tranh Hà Lan. Sau đó, ông nhận ảnh hưởng của thời Phục Hưng Ý, thử nghiệm chút không khí tinh tế và mềm mại của Pháp. Do đó, các khái niệm thẩm mỹ khác nhau được hấp thụ trong tâm hồn của Holbein; phong cách của Matthias Grünewald, Andrea Mantegna và Leonardo da Vinci cũng có thể được nhìn ra trên bức họa của ông. Tương tác và tích hợp. Mặc dù bản phác thảo của các nhân vật chưa hoàn thành, nhưng chất lượng rất ấn tượng, vẻ ngoài sinh động tự nhiên, với bầu không khí sống động.
Hans Holbein the Younger cũng thường đưa phong cách kiến trúc của Ý vào trong các bức tranh. Phong cách kiến trúc Phục Hưng Ý được sử dụng trong các bức tranh của Holbein sáng sủa và nhẹ nhàng hơn so với không khí hào nhoáng của kiến trúc Gothic.
Sự nghiệp sáng tạo phản ánh diễn biến của chức năng của nghệ thuật
Các sáng tác ban đầu của Holbein hầu hết là các tác phẩm liên quan đến tôn giáo. Tuy nhiên, trong thời kỳ cải cách tôn giáo, các tác phẩm này đã bị phá hủy, chỉ còn các chân dung thế tục là tồn tại cho đến ngày nay. Sự nghiệp sáng tạo của ông dường như cũng phản ánh sự diễn biến của chức năng của nghệ thuật, nghĩa là hội họa phục vụ mục đích tôn giáo và thể hiện sứ mệnh của thần linh, sau đó đi xuống quá trình thể hiện con người và phục vụ giới quý tộc. Cuộc xung đột giữa Vua Henry VIII và Tòa thánh (cơ quan thống trị tối cao của Giáo Hội Thiên Chúa đóng tại Vatican) đã gây ra bất ổn chính trị, nó cũng gây ra khó khăn cho các họa sĩ như Holbein khi muốn vẽ các bức tranh tôn giáo truyền thống.
“Phong trào phá vỡ hình tượng thiêng liêng” cũng nhấn mạnh những thay đổi trong nhận thức của con người về nghệ thuật tôn giáo và làm suy giảm các chủ đề nghệ thuật khu vực. Ở những nơi mà đạo Tin lành chiếm ưu thế, vì tranh về tôn giáo đã “mất thị trường”, các nghệ sĩ thường dựa vào nhà thờ hoặc các tác phẩm tôn giáo phải tìm chủ đề mới hoặc di chuyển đến một môi trường sáng tạo an toàn phù hợp để duy trì kế sinh nhai. Do đó, một số người chọn rời đi, một số người đổi sang phục vụ tầng lớp trung lưu, điều này cũng thúc đẩy sự phổ biến của tranh tĩnh vật và tranh phong cảnh.
Từ một góc nhìn khác, khi đối tượng thể hiện của nghệ thuật không còn là những vị thần mà chuyển sang vẽ con người, các nghệ sĩ chỉ có thể tạo ra các tác phẩm theo như sự kỳ vọng của khách hàng, đồng thời làm mất đi trải nghiệm thăng hoa tương ứng với thần linh và sự thanh lọc tâm hồn như được câu thông với Chúa trời. Trong điều kiện đó, Holbein phải đáp ứng các yêu cầu của chủ nhân với sự siêng năng và cẩn thận hơn khi đưa các nhân vật vào trong bức tranh.
Tuy nhiên, là một họa sĩ chu đáo và trung thành, Holbein không bao giờ cảm thấy hài lòng với những bức chân dung đơn giản, ông muốn truyền đạt nhiều ý nghĩa hơn. Do tác động của cải cách tôn giáo đối với nghệ thuật, không thể trực tiếp vẽ các vị thần nên ông đã lựa chọn những lời dạy về đức tin và sự phản ánh của cuộc sống ẩn giấu trong các bức tranh, cùng các biểu tượng cảnh báo cho thế giới. Những bức chân dung của ông như “Đại sứ”, “Chân dung Erasmus”, “Thương gia Georg Gisze”, v.v … cho thấy sự độc đáo ẩn trong những sinh mệnh. Do đó, người đời sau luôn tôn sùng mà gọi Hans Holbein là “một trong những họa sĩ vẽ chân dung vĩ đại nhất thời Phục Hưng”.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch