Đại Kỷ Nguyên

Hình dạng và công dụng của những chiếc bàn trong triều đại Minh – Thanh

Những chiếc bàn có lẽ đã được sinh ra vào triều đại nhà Đường, lúc đầu chúng có hình thức tương đối đơn giản, phong cách cũng khá đơn điệu. Trong các tác phẩm nghệ thuật thời kì đầu thường xuất hiện bóng dáng những chiếc bàn. Nó có các chủng loại từ thấp đến cao, quá trình phát triển với những thiết kế từ đơn giản cho đến phức tạp.

Các đồ nội thất trong triều đại nhà Minh đều làm từ vật liệu gỗ, vì thế mà sự phát triển và cải tiến của những chiếc bàn gỗ là không thể nghi ngờ, đặc biệt hơn nữa, những chiếc bàn gỗ trong thời cổ đại có vị trí rất cao trong giá trị văn hóa cổ. Nó là một sản vật lễ nghi văn hóa của người dân Hán địa, cũng là một công cụ trọng yếu không thể thiếu trong lễ nghi tiếp đãi khách.

Tại Hán địa cổ đại, những chiếc bàn được phân chia cấp bậc theo hình dáng của chúng. Ví dụ như bàn bát tiên hình vuông là cấp bậc cao nhất và thể hiện chế độ cấp bậc nghiêm ngặt nhất trong các loại bàn, trừ hoàng đế ra, tất cả những gia đình sử dụng bàn bát tiên hình vuông đều chỉ được có kích thước 2.95 và 2.99 thước. Nếu sử dụng khác với hai kích cỡ trên sẽ bị tố cáo tội phản nghịch. Dưới đây là một số chủng loại bàn cổ và công dụng của chúng.

(Ảnh: sohu.com)

Bàn thờ, bàn để cúng tế

Theo sự phát triển cùng những chức năng đa dạng của đồ nội thất, dần dần những chiếc bàn chuyên dụng để cúng tế cũng trở thành một đồ dùng chuyên dụng trong gia đình. Bàn thờ, bàn cúng tế không có sự khác biệt lớn về hình thức. Hiện nay những bàn thờ ở phòng khách thường có hình chữ nhật, chủ yếu dùng để cúng tổ tiên hoặc thờ phúc lộc thọ, cầu khấn phù hộ cho gia đình cát lợi thuận hòa, hạnh phúc an khang. Nhưng chiếc bàn chữ nhật này vừa có chức năng bày biện đồ đạc, vừa có chức năng cúng tế.

(Ảnh: sohu.com)

Trong khi cúng tế, bàn cúng thường được phân ra làm hai loại, một là bàn dài, dùng để bày bài vị hoặc ảnh hoặc hình tượng mà đối tượng muốn cúng bái, một chiếc bàn thấp hơn và ngắn hơn để đằng trước, có chức năng bày biện hoa quả, rượu và những lễ phẩm cúng. Chiếc bàn cúng dài thường được điêu khắc các hoa văn rồng phượng, tất cả đều được làm bằng gỗ.

Bàn vuông

Bàn vuông là đồ nội thất được sử dụng phổ biến nhất trong các gia đình phương Đông truyền thống. Tùy theo sự lớn nhỏ, nó được phân biệt theo những tên gọi khác nhau như: bàn bát tiên, bàn tứ tiên, bàn lục tiên… Bàn vuông bát tiên thường được đặt ở phía nam phòng khách, hay đằng sau bàn thờ. Cổ nhân lấy bàn vuông lớn để làm bàn ăn. Trong “Trường vật chí” đời Minh có ghi lại: “Cần phải có một chiếc bàn vuông lớn, với phong cách cổ xưa, có thể ngồi được mười mấy người, lại có thể vừa chơi, vừa đọc sách vẽ tranh, vì thế mới chế tạo ra bàn bát tiên, chỉ dùng để tụ tập mọi người, không có công dụng khác” Nhưng sau thời Minh nó đã không giữ được quan niệm này nữa, đến nay bàn bát tiên chỉ ngồi được 8 người, bàn tứ tiên nhỏ hơn có thể ngồi được 4 người.

(Ảnh: sohu.com)

Ngoài ra nó còn có công dụng như một bàn cờ đặc biệt, bàn vuông sẽ được thiết kế hai tầng, tầng dưới là một ngăn kéo, ngăn kéo 4 cạnh, bên trong cất giữ các loại cờ cổ, bài giấy v.v..Bàn vuông là một đồ dùng đa dụng trong nhà, vừa có thể làm bàn ăn, bàn đọc sách hay bàn chơi cờ.

(Ảnh: sohu.com)

Bàn tròn

Bàn tròn là một loại đồ nội thất thường được sử dụng trong những hội trường, thường kết hợp với 5 chiếc ghế đẩu tạo thành một bộ, thường được đặt ở chính giữa gian phòng, khá thanh lịch. Loại bàn tròn này khá linh động trong việc sử dụng, cổ nhân thường lấy để đãi khách, sử dụng trong yến tiệc, nó có thể tháo ra, ráp lại khi cần. Vì việc tiếp đãi khách không thường xuyên, nên khi chủ nhà không cần thì họ thường tháo ra cất trong kho.

(Ảnh: sohu.com)

Bàn bán nguyệt

Bàn bán nguyệt hay còn gọi là bàn nửa hình tròn, vì khi gộp hai chiếc bàn bán nguyệt lại với nhau thành một hình tròn. Bàn bán nguyệt rất linh hoạt, thanh tú, bình thường có thể tách ra để bày trí đối xứng trong phòng, thường sử dụng trong phòng ngủ, hay những căn phòng có diện tích nhỏ. Thường đặt cạnh cửa sổ, bên trên chủ yếu để bình hoa hay những đồ dùng nhỏ để trang trí. Bàn bán nguyệt được thiết kế hợp lý, không chiếm nhiều diện tích trong phòng, di chuyển cũng rất dễ dàng vì nó không quá lớn.

(Ảnh: sohu.com)

Bàn đọc sách, án thư, bàn vẽ, bàn án, bàn dài, bàn để đàn

Những chiếc bàn với công dụng như tên của nó, bàn đọc sách, bàn vẽ tranh, bàn để đàn…Những loại bàn này thường có liên quan đến những văn nhân nhã sĩ, so với bàn vuông nó nho nhã và lịch sự hơn rất nhiều. Các loại bàn này trong nhà đều có những tác dụng riêng cùng với thiết kế đặc thù để phù hợp với mục đích sử dụng của nó, vừa có công dụng khiến căn phòng trở nên sinh động hơn.

(Ảnh: sohu.com)

Hương kỷ, kháng trác, kháng kỷ, điều kỷ (những chiếc bàn nhỏ thấp gọi là kỷ)

Những chiếc kỷ thường được sử dụng để sắp xếp những đồ trang trí như bình hoa, cây cảnh. Nó cũng có rất nhiều kiểu dáng cùng hoa văn dưới chân khác nhau, vì mục đích chủ yếu dùng để trang trí nên chân bàn luôn được thiết kế dạng uốn, cong, hoặc điêu khắc các hình thù rồng phượng, cộng với việc kết hợp với bình hoa cây cảnh tạo nên một góc nhà độc đáo.

(Ảnh: sohu.com)

Một số loại bàn khác có các kiểu chân khác nhau

Tam loan thối – Chân bành: Tam loan thối hay còn gọi là chân vó ngựa lật, toàn bộ chân có hình cong như chữ S, phần dưới cùng bành hướng ra ngoài.

(Ảnh: sohu.com)

Cổ thối bành nha – Chân cong vào trong: Đây là một hình dáng chân bàn thường gặp, phần chân cong hướng vào trong. Thường được áp dụng cho những chiếc kỷ, những chiếc bàn thấp. Việc làm chân như vậy cũng tiết kiệm được diện tích, nhìn rất tao nhã. Những chiếc kỷ có chân cong vào trong thường được thêm những phần điêu khắc để tăng sức hấp dẫn cho chiếc bàn.

(Ảnh: sohu.com)

Chiếc bàn cổ điêu khắc hoa văn rồng từ thời nhà Thanh

(Ảnh: sohu.com)

Cung đình nhà Thanh thường sử dụng các đồ dùng nội thất chế tạo từ gỗ Tử Đàn (gỗ Trắc), bao gồm cả bình phong, ngai vàng hay bàn đọc sách lớn. Chiếc bàn này có dáng chân dạng “tam loan thối“.

Phần eo bàn được chạm khắc rất chi tiết, bốn chân được chạm khắc rồng, thuộc về loại điêu khắc cực kỳ phồn thịnh trong cung đình nhà Thanh. Hoàng đế Thanh triều rất trân quý gỗ Tử Đàn, đặc biệt không tiếc giá cả cũng như thời gian chờ đợi để có được một tác phẩm tốt nhất. Những đồ nội thất được làm từ gỗ Tử Đàn đều được xử lí với những công nghệ điêu khắc tinh mỹ nhất.

(Ảnh: sohu.com)

Chiếc bàn này là một trong những “bức tranh điêu khắc” nổi tiếng của gỗ Tử Đàn, tổng thể có tỷ lệ rất cân đối, ổn định và vững chắc, không có bất kỳ một khiếm khuyết nào trên bề mặt, nó cũng phản ánh được một thời kỳ nhà Thanh xa hoa với những đồ nội thất có phong cách hoa lệ đến không tưởng.

Theo sohu.com

Uyển Vân biên dịch

Exit mobile version