Từ ngàn xưa, hoa sen đã được xem là loài hoa biểu tượng thiêng liêng, gắn với một loài hoa cao quý trên thiên giới của Phật là Liên Hoa. Khi những cánh hoa sen lay động trước ánh nắng mai, màu trắng hồng thanh thoát của hoa mang đến cho chúng ta một cảm giác nhẹ nhàng, cùng với bình yên tĩnh tại đến lạ, như đâu đây văng vẳng tiếng nhạc Thiền… Hoa sen cũng là chủ đề yêu thích của hội họa và thơ ca.
Biểu tượng tinh thần của hoa Sen
Hoa sen cao quý từ ngàn xưa do những đặc tính kỳ diệu mà các thế hệ đều nhắc tới:
Tính vô nhiễm: Sen mọc lên từ chốn tối tăm bùn lầy hôi tanh mà sen không bị vương bẩn.
Tính thanh lọc: Khi cây sen lớn lên, sinh sôi nẩy nở thì sẽ làm cho dòng nước nơi đó trở nên trong mát.
Tính thuỳ mị của mùi hương: Hương sen toả lên một mùi thơm thanh khiết, không quá nồng nàn, ngào ngạt.
Tính thuần khiết: Bông hoa sen từ khi nở tới lúc tàn không hề bị một loài ong bướm nào tới đậu lấy nhụy.
Tính kiên nhẫn: Cây sen từ lúc nẩy mầm trong bùn đất, ở đáy nước cho tới lúc vươn lên trên mặt nước rồi xoè lá, trổ hoa là cả một quá trình sinh trưởng kiên nhẫn lớn lao.
Ca dao Việt Nam khẳng định sự cao quý của hoa sen như sau:
Hoa sen mọc bãi cát lầm
Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen
Thài lài mọc cạnh bờ sông
Tuy rằng xanh tốt vẫn tông thài lài
Các họa sĩ khai thác chủ đề hoa sen cũng trở nên đa dạng hơn. Những bông sen được mô tả ngày càng hấp dẫn, đa sắc màu và những tác phẩm cảnh hoa sen cũng rất đẹp và có sắc thái sinh động riêng biệt. Nhiều nghệ nhân đã họa lại một khung cảnh tuy đơn giản nhưng cũng khá sinh động qua những bố cục khung cảnh đã chọn lựa rất kỹ. Những bông sen đặc biệt luôn mang tới cảm giác thật là tinh khiết, nhẹ nhàng như những vần thơ “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Trong hội họa thì mỗi tác giả là một phong cách thể hiện, mỗi họa sĩ là một thế giới màu sắc riêng một bút pháp riêng biệt sáng tạo để biểu hiện ý tưởng độc lập về thủ pháp của mình. Nhưng dù vẽ theo phong cách nào, dù bút pháp mạnh mẽ hay nhẹ nhàng đều để lại những ấn tượng tốt đẹp cho người thưởng thức. Bởi đề tài của họ đều bắt nguồn từ phong cảnh hiện thực của cuộc sống xã hội,
Hoa sen đối với người Việt rất gần gũi, thân thương tựa như một phần không thể thiếu của quê hương mình. Loài hoa ấy luôn gắn bó, gần gũi với đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Việt và toát lên cái dáng vẻ cao quý và thanh khiết. Ngoài đi vào thơ ca, hoa sen còn gắn liền với các biểu tượng mang theo âm hưởng Phật giáo, tiêu biểu nhất là hình Đức Phật từ bi tọa trên đài sen.
Những cánh hoa sen được vẽ ngày càng trở lên đa dạng hơn, màu sắc cũng trở lên đa dạng và cuốn hút hơn. Có nhiều câu ca dao, bài thơ về hoa sen đã ăn sâu vào bản sắc dân tộc. Ở những làng quê yên bình thường là luôn có những cánh sen xuất hiện. những ao sen, đầm sen, dòng sông sen luôn cuốn hút giới nghệ thuật tìm kiếm những khoảnh khắc sáng tạo nghệ thuật.
Vì sen quá cao sang nên cũng bị đời ghanh ghét:
Thân chị như cánh hoa sen,
Chúng em như bèo bọt chẳng chen được vào.
Lạy trời cho cả mưa rào,
Cho sấm, cho chớp, cho bão to gió lớn,
Cho sen chìm xuống, bèo trèo lên trên!
(Ca dao Việt Nam)
Đến những mùa trăng, ánh sáng lung linh của ánh trăng rằm lại càng tô điểm thêm cho hoa sen một vẻ đẹp đầy an lạc giữa muôn ngàn vì sao lấp lánh. Những cánh hoa mỏng manh phảng phất mùi hương dìu dịu, nhẹ nhàng, kéo hồn người vào chốn an nhiên.
Người Việt Nam chúng ta có lẽ không ai không biết những vần thơ:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng lại chen nhuỵ vàng
Nhuỵ vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
(Ca dao Việt Nam)
Trong lòng mỗi người dân Việt, sen là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết mang tính chất dân tộc. Chính vì thế, hoa sen luôn là nguồn cảm hứng bất tuyệt của thi ca và nghệ thuật. Câu ca dao “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” – sen sống trong bùn nhưng sen vươn lên trên đầm lầy, toả hương thơm ngát, còn để nói về những người vẫn có thể giữ gìn đạo đức cao thượng trong một xã hội có không ít những điều xấu xa.
Phật gia coi hoa sen là tầng cấp cao quý trong tu luyện:
Bách hội huy hoàng vạn cánh sen
Hồn nhiên tự tại tránh sang hèn
Tu hành hết cả mong tham dục
Đắc đạo đâu còn nhuốm đỏ đen
Vọng tưởng tâm tư thành lụy sách
Vô vi trí huệ mới khinh đèn
Bồ Đề tỉnh thức mà hoằng pháp
Phật tổ an vui há thích khen
(Tác giả: Thiện Chí)
Trong các công trình kiến trúc Phật giáo. hoa sen luôn là hình tượng nghệ thuật. Một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của Việt Nam lấy cảm hứng từ hoa sen là chùa Một Cột. Theo truyền thuyết, ngôi chùa này được hình thành từ một giấc mộng về đài sen của vị vua Lý Thái Tông. Chùa có hình dáng của hoa sen, mọc lên từ hồ nước, chỉ với “một cột” như một cọng sen. Ở đây, hoa sen là sự giác ngộ, đạt được sự trong sáng và giải thoát khỏi bùn dơ.
Hoa sen tuy mọc nơi bùn đất
Nhưng sao thanh khiết đến lạ lùng
Mỗi sớm từng cánh hoa vươn tới
Hướng mình về ánh nắng bình minh
Vẫn tỏa làn hương thơm dào dạt
Không chút hôi tanh vị đất bùn
Thi sĩ tới rồi, không muốn bỏ
Nằm trên bờ cỏ hít mùi hương.
Minh Đức