“Thánh thần Hoàng đế Võ Tắc Thiên” là một trong những xưng hiệu của người phụ nữ quyền lực nhất, là vị nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa. Thời gian cai trị của bà nằm lọt trong triều đại nhà Đường (618-907 SCN) và bà được xem là một trong những vị quốc vương có công lao lớn nhất và gây tranh cãi nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Là một con người đầy sắc thái, mạnh mẽ và cực kỳ khác thường, điều đó khiến cho Võ Tắc Thiên được sùng bái hoặc bị căm ghét bởi số đông. Bà là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử Trung Quốc trở thành Hoàng đế, dũng cảm thách thức quan điểm của Khổng giáo vốn chống lại việc phụ nữ lên nắm quyền.
Đường tới quyền lực của Võ Tắc Thiên
Sinh năm 624 tại huyện Văn Thủy, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc trong một gia đình giàu có và danh giá, Võ Tắc Thiên, còn có tên là Võ Chiêu, hay Võ Hậu, và trong thời nhà Đường sau đó được gọi là Thiên Hậu, đã được hưởng một sự giáo dục chu đáo, được học đàn, học viết và đọc các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc. Ở tuổi 14, bà đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh và đã được tuyển vào làm Tài nhân của Hoàng đế Thái Tông.
Võ Chiêu nhanh chóng được Nhà Vua sủng ái. Sau khi ông qua đời, bà đã kết hôn với con trai ông, là Hoàng Đế Cao Tông (năm 628-683 SCN) và trở thành Hoàng Hậu. Trong thực tế, bà đã thực sự nắm được quyền lực, khi ở ngay đằng sau Hoàng đế.
Sau khi Hoàng đế Thái Tông qua đời, tất cả các phi tần không có con của ông đã bị cạo trọc đầu và được chuyển tới chùa Cảm Nghiệp để bắt đầu cuộc sống tu hành của các ni cô. Đây là một quy định thông thường vào lúc đó, sau khi một Hoàng đế băng hà. Các phi tần của Hoàng đế đã chết không thể để lại cho những người khác. Võ Chiêu cũng bị đưa đi, nhưng Hoàng đế Cao Tông đã thầm yêu bà từ trước nên đã đón bà trở lại hoàng cung, mặc dù ông đã có Hoàng Hậu và phi tần.
Dù đã trở thành tài nhân đầu tiên của Vua, bà vẫn cảm thấy chưa đủ. Võ Mỵ Nương (tên do vua Đường Thái Tông ban cho) còn có tham vọng lớn và muốn có nhiều quyền lực hơn. Trong bối cảnh xích mích, ghen tuông giữa Vương Hoàng Hậu và Tiêu thục phi của Hoàng đế Cao Tông; sự góp mặt của bà đã làm cho tình huống trong Hậu cung còn trở nên căng thẳng và phức tạp hơn.
Cái chết bí ẩn của con gái Võ Tắc Thiên
Võ thị đã sinh được nhiều con trai cho Hoàng đế Cao Tông và trở nên có uy quyền hơn. Nhưng chuyện gì đã thực sự xảy ra vẫn còn là dấu hỏi bởi vì có nhiều chuyện khác nhau được lưu truyền; và ngay cả các sử gia cũng không thể kết luận chắc chắn chuyện nào là đúng. Nếu theo ghi chép lại của bản thân Võ thị thì Vương Hoàng Hậu và Tiêu thục phi đã câu kết với nhau, âm mưu chống lại bà.
Năm 654 SCN, con gái Võ Tắc Thiên bị chết ngay sau khi sinh. Em bé đã bị bóp chết trong nôi; và Võ thị nói rằng chính Vương Hoàng Hậu đã giết con bà vì ghen tị. Nhưng nhiều người tin rằng chính Võ thị đã giết chết con gái mình, nhưng Vương Hoàng hậu lại là người cuối cùng rời khỏi căn phòng đó và không có chứng cứ ngoại phạm. Võ Mỵ Nương cũng tố cáo Vương Hoàng hậu và mẹ bà ta đã làm tà thuật để hại bà.
Hoàng đế Cao Tông đã tin lời Võ Chiêu nên đã phế truất Vương Hoàng hậu và đuổi mẹ con bà đi. Sau đó, ông đã lập Võ Tắc Thiên làm Hoàng hậu, khiến bà gần như đã đạt được mọi điều bà muốn.
Năm năm sau khi lập Hoàng hậu mới, Hoàng đế đã bị một cơn đau đầu nghiêm trọng. Võ Tắc Thiên bắt đầu tham dự vào việc triều chính, lấn át quyền lực của Hoàng đế. Sau khi Hoàng đế băng hà, bà đã đưa đứa con trai út yếu ớt của mình lên nối ngôi. Nhờ thế, bà có thể nắm quyền cai trị thông qua nhà vua nhỏ.
Thánh thần Hoàng đế Võ Tắc Thiên lên ngôi là thuận theo Thiên ý?
Để Phật Pháp được quảng truyền rộng rãi và lâu dài, từ lâu Đức Phật Thích Ca đã sớm nhìn thấy nhiều sự biến hoá của thời thế, mà hoá giải những ác nạn sẽ tới ngay trong lúc ngài còn sống.
Khi Đức Phật Thích Ca truyền pháp, cách thời điểm Võ Tắc Thiên lên ngôi 1000 năm, có một hôm người cùng đệ tử đi ra ngoài khất thực.
Trên đường có một nhóm trẻ đang nghịch cát. Trong đó có một bé gái đáng yêu, từ xa nhìn thấy Đức Phật cùng đệ tử tới, liền nửa đùa nửa thật dùng tay bốc nắm cát từ dưới đất lên, đi tới trước mặt Đức Phật và bỏ vào bát xin ăn của ngài. Đức Phật khách sáo tiếp nhận nắm cát mà cô bé đưa.
Đại đệ tử Xá Lợi Phật vừa nhìn cảm thấy khó chịu, trong lòng nghĩ rằng cô bé này thật không lễ phép, tại sao có thể dùng cát để đùa giỡn với Sư Tôn của mình như vậy.
Khi đi trên đường không nhịn nổi nữa, liền hỏi: “Thưa sư tôn bé gái vừa nãy đã bỏ cát vào bát của Người, tại sao Người lại để cô bé làm thế ạ?”, Phật Thích Ca cười và trả lời: “Các con không biết đó thôi, cô bé này nghìn năm sau, khi trưởng thành và thời cơ chín muồi, sẽ trở thành vị hoàng đế nữ duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Lúc nãy nếu ta không nhận lấy chỗ cát của cô bé, sau này cô bé sẽ dùng mọi cách để phá hoại Phật Pháp của ta. Ta nhận lấy phần cát cô ấy đưa, là để cô ấy kết thiện duyên này, khi cô ấy thành vua sẽ hoằng dương Phật Pháp.”
Cô bé này sau đó đã trở thành vị vua duy nhất trong lịch sử Trung Quốc đó chính là Võ Tắc Thiên. Khi vừa sinh ra cô bé đã có dung mạo phi phàm đúng dáng dấp của một vị vua.
Vì vậy trước khi Võ Tắc Thiên trở thành hoàng hậu, cô đã được an bài tu hành tại chùa Cảm Nghiệp như thế. Cô không những tín ngưỡng kính trọng Phật Pháp, mà còn tinh thông Phật lý.
Trong triều đại của mình, Hoàng hậu Võ Tắc Thiên đã coi trọng Phật giáo hơn hẳn Đạo giáo; Phật giáo vào thời bà cai trị đã được coi là quốc giáo. Bà đã mời các học giả nổi danh từ các nước khác đến Trung Quốc, xây dựng chùa chiền Phật giáo và tạc tượng Phật trong các hang động. Phật giáo Trung Quốc đạt đến đỉnh cao dưới triều đại của Võ Tắc Thiên. Bà cũng đã chuyển quyền lực ra khỏi ngai vàng truyền thống của các bậc nam vương và thiết lập nên riêng một triều đại nhà Chu.
Bà cho rằng núi non là một điềm tốt, lấy cảm hứng từ ngọn núi Sumeru của Phật trên thiên giới Bà đặt tên cho một ngọn núi là Núi Hạnh phúc và tuyên bố rằng ngọn núi đó mọc lên là để tôn vinh bà và triều đại của bà.
Chuyên quyền và độc đoán, nhưng bà là một vị vương rất giỏi giang và đối xử công bằng với mọi người. Bà đã cắt giảm quy mô của quân đội và ngăn chặn ảnh hưởng của tầng lớp quân đội quyền quý vào chính sự; bằng cách thay thế họ bởi các học giả: Ai muốn vào được triều đình thì đều phải trải qua các kỳ thi. Bà có công lao trong việc mở rộng Trung Quốc; vượt xa hơn hẳn biên giới lãnh thổ trước đó, tiến sâu vào vùng Trung Á.
Bà còn đối xử tốt với nông dân qua việc giảm thuế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và củng cố các công trình công cộng. Bà đã có những đề xuất cải cách với Thiên Hoàng Đường Cao Tông: Đẩy mạnh việc làm ruộng, chăn tằm, giảm bớt khó nhọc cho trăm họ, bỏ thuế cho các trấn miền bắc, phục hồi đạo đức chung sống hòa bình, không được xa xỉ lãng phí, bớt lấy lính, cho phép trình bày ý kiến nguyện vọng riêng, loại bỏ quan lại tham nhũng và những kẻ chỉ biết làm theo lệnh trên một cách nịnh bợ ngu dốt, mọi dân và trăm quan phải học tập “Đạo Đức kinh”(nhà Đường coi Lý Nhĩ (Lão Tử) là Tổ Xa), để tang bố mẹ thời gian như nhau (cùng ba năm), quan lại về hưu được giữ nguyên phẩm hàm, tăng lương cho quan lại từ bát phẩm trở lên, những quan lại lâu năm được xét thăng trật, bổng nếu có công trạng.
Cuối cùng, vào năm 705, bà đã thoái vị và nhường lại ngôi cho người con thứ ba của bà. Hoàng đế Võ Tắc Thiên đã băng hà ở tuổi 81 tuổi, với cuộc đời và sự nghiệp của bà trở thành một huyền thoại lịch sử, vẫn còn vang vọng tới ngày nay.
Có phải Hoàng đế Võ Tắc Thiên đã bị các sử gia đời sau cố ý bôi đen?
Hoàng đế Võ Tắc Thiên thường bị coi là một người phụ nữ tàn nhẫn, khôn khéo và ưa giết chóc, thậm chí bà còn giết chết con gái mình để giành quyền lực. Nhưng chúng ta cũng cần nhớ rằng các ghi chép lịch sử là có nguồn gốc từ các sử gia Trung Quốc cổ đại, là những người có quan điểm của chính họ. Một số người muốn bôi đen Võ Hậu, vì bà nắm trong tay quyền lực tối cao, đe dọa chế độ nối ngôi truyền thống. Việc Võ Hậu có thật sự ra tay giết chết con gái mình không vẫn còn là một câu hỏi.
Hình ảnh chân thực của Hoàng hậu Võ Tắc Thiên là vấn đề vẫn đang còn trong tranh luận. Tuy nhiên, thực tế không thể chối bỏ đó là: Hoàng hậu Võ Tắc Thiên vẫn là người phụ nữ duy nhất, qua 5.000 năm lịch sử của Trung Hoa, tự mình nắm quyền cai trị bờ cõi xứ Thần Châu.
Và nhờ có sự can dự của Bà, mà triều đại nhà Đường đã tránh khỏi bị suy vong từ sớm, Phật Pháp hưng thịnh, và triều Đường đã mãi lưu danh trong lịch sử Trung Hoa với danh xưng: Triều đại nhà Đường – thịnh thế thiên triều.
Hạo Nhiên