Đại Kỷ Nguyên

Pojagi, nghệ thuật bọc vải bọc đồ truyền thống Hàn Quốc

Xem phim, bạn sẽ thấy người Hàn thường bọc quà hay đồ vật trong những mảnh vải nhiều màu sắc và gói chúng một cách rất khéo léo. Đó chính là nghệ thuật Pojagi – vải bọc đồ Hàn Quốc. Với những thiết kế tinh tế, đầy tính nghệ thuật và tính truyền thống, Pojagi đã trở thành một trong những đặc trưng quan trọng của văn hóa Hàn Quốc, vượt ra khỏi biên giới nước này để được cả thế giới ngưỡng mộ.

Pojagi chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân Hàn Quốc, được sử dụng rất nhiều từ tầng quý tộc cũng như như tầng lớp bình dân trong thời kỳ Chosun (1392-1910).

Pojagi là mảnh vải, lụa hình vuông có viền xung quanh với các kích cỡ, màu sắc, họa tiết trang trí khác nhau thường dùng để bọc, gói các đồ vật. Người Hàn Quốc thường dùng để bọc, gói các đồ vật, dùng trong đám cưới và các nghi lễ Phật giáo. Ngoài ra, Pojagi được dùng để làm khăn trải bàn, để gói quần áo sau khi giặt xong, để bọc thư từ, tài liệu, sách,…

Đặc biệt, “subo” (Pojagi được thêu họa tiết hoa, quả, chim muông và những biểu tượng may mắn) thường được dùng cho những dịp chung vui như lễ đính hôn và đám cưới. Trong đám cưới, Pojagi được dùng để gói cặp ngỗng bằng gỗ, gói quà từ gia đình chú rể dành cho cô dâu…

Bên cạnh những ý nghĩa, công dụng trên, Pojagi còn mang ý nghĩa biểu tượng và tôn giáo: nó chứa đựng ước mơ, hy vọng và nỗi niềm của những người phụ nữ. Người phụ nữ trong xã hội cũ, dưới thời Chosun, vai trò của họ bị hạn chế chỉ ở trong nhà, vì vậy việc thiết kế Pojagi trở thành một phương tiện giúp họ trút mọi nỗi niềm ưu tư, hy vọng và mộng ước bị dồn nén vào, đồng thời cũng thể hiện tình yêu thương sâu sắc của người phụ nữ đến với những người thân trong gia đình.

Cũng tương tự như nghề dệt truyền thống, Pojagi cũng có những bí quyết được tích lũy và truyền thừa hàng trăm năm.

Đáng tiếc, môn nghệ thuật văn hóa truyền thống tuyệt vời này đang dần dần mai một, hiện nay, người Hàn chỉ thường sử dụng trong những dịp như ngày đám cưới hay kỷ niệm ngày sinh của con trẻ v.v.

HohoDang, mang ý nghĩa khôi phục và phát huy vẻ đẹp nghệ thuật Pojagi

Thế kỷ 21, thời điểm của sự kết hợp văn hóa nghệ thuật và của sự hiện đại hóa, thì vẫn còn những người mong muốn khôi phục, phát triển những giá trị cốt lõi, những nét nghệ thuật truyền thống lâu đời, đó chính là lý do HohoDang ra đời.

Với mong muốn đem những giá trị truyền thống dung hợp vào cuộc sống người dân, năm 2011, Yang Jung Eun, từ một đầu bếp, cô đã tự xây dựng nên cho mình một thương hiệu.

Mục đích khi thành lập HohoDang, đem những món đồ truyền thống trở nên phù hợp với lối sống, sinh hoạt đương đại. Ngoài ra, Yang Jung Eun còn cung cấp những giờ dạy nấu ăn theo phong cách “hoàng gia”, trong đó, tất cả các món ăn thường được đem đi biếu tặng và đều được bọc trong những lớp pojagi.

Bên cạnh đó, cô còn hợp tác với nhiều công ty khác chịu trách nhiệm cung cấp các nguyên vật liệu dùng để gói, bọc đồ.

Yang Jung Eun xuất thân trong gia đình truyền thống, ba là nhà thiết kế Hanbok, người đã truyền cho cô tình yêu với với các đồ vải vóc, lụa là; còn bà ngoại cô là một đầu bếp, người rất am hiểu các món ăn truyền thống Hàn Quốc

Chúng ta hãy cùng trò chuyện với Yang Jung Eun để biết rõ hơn về HohoDang cũng như nghệ thuật Pojagi

Yang Jung Eun, người sáng lập nên HohoDang

Tại sao bạn lại chọn từ [Hohodang] làm tên cho thương hiệu riêng của mình? 

‘HohoDang’ có nghĩa là ‘nơi đem lại những nụ cười’, đó cũng là cái tên mẹ tôi dùng để đặt cho ngôi nhà mà tôi và chồng tôi đang sinh sống. (Ở Hàn Quốc có truyền thống đặt tên cho các địa điểm).

Vì vậy tôi đã chọn cái tên này cho cửa hàng của mình. Các món ăn do tôi làm ra sẽ được gói vào những lớp lụa pojagi, người khách sẽ nhận chúng, coi đó như một món quà, một lễ vật rồi đem đi biếu tặng. Cái tên ‘HohoDang” (nghe như một lời ước nguyện may mắn, vui vẻ) chẳng phải rất phù hợp hay sao.

Tôi đã từng nói với me, tôi rất buồn khi nhìn thấy những nét truyền thống đẹp đẽ, giá trị ấy đang dần biến mất ngay trước mắt chúng ta. Tôi nói với bà rằng tôi hi vọng có thể làm gì đó để giữ gìn lấy những tinh hoa này, và vì thế sau đó tôi đã quyết định xây dựng cho mình HohoDang.

Từ khi nào thì bạn bắt đầu sinh ra đam mê, cảm hứng với nghệ thuật Pojagi?

Tôi học nấu ăn từ sớm, và đặc biệt là các món ăn truyền thống của Hàn. Đem biếu, tặng món ăn là một nét văn hóa rất đẹp trong truyền thống Hàn Quốc.

‘Ibaji’ (이바지) chỉ những món ăn người ta đem tặng trong những dịp lễ quan trọng, ví dụ như ngày sinh nhật hoặc đám cưới. ‘Pyebaeg‘(폐백) chỉ những món ăn dùng để biếu cho bố mẹ chồng/vợ trong lần đầu tiên gặp mặt, và mỗi trường hợp sẽ dùng các pojagi khác nhau.

Bởi thế, khi bắt đầu công việc này, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn để tạo ra các phong cách cho Pojagi.

Pojagi đã thay đổi rất nhiều theo thời gian, phải chăng kể cả công dụng của nó cũng đã thay đổi?

Trước kia, Pojagi được sử dụng rất nhiều trong đời sống sinh hoạt thường nhật. Người ta có thể dùng nó để mang xách khi đi ra ngoài, du lịch v.v. dùng để đóng gói thực phẩm hoặc là dùng để sắp xếp đồ dùng trong nhà.

Nhưng hiện nay, người ta lại rất ít sử dụng Pojagi. Nó chỉ được dùng trong những ngày lễ quan trọng. Tùy theo trường hợp sử dụng mà có những cách gói cũng như vải lụa dùng để bọc khác nhau.

Ví dụ, dùng trong đám cưới, người ta sẽ dùng hai màu chủ đạo là đỏ và xanh lam; khi thắt nút cũng không thắt quá chặt, có thể cởi bỏ dễ dàng, điều này thể hiện một lời cầu mong cho một cuộc sống hôn nhân êm ấm, hạnh phúc.

Logo HohoDang

Bạn có cách bọc Pojagi nào mà đặc biệt thích không?

Trên logo của cửa hàng chúng tôi, tôi đã sử dụng hình ảnh về một kỹ thuật Pojagi truyền thống mà tôi rất thích, và điểm đặc biệt là kỹ thuật này không cần nút thắt. Kiểu này có hình dạng rất giống chữ 井, chỉ những điều tốt đẹp, may mắn. Vì vậy tôi đã lấy nó làm logo và đặt tên cho nó nữa, gọi là “Nút hoa của HohoDang”.

Hiện giờ tôi đã cố gắng tạo ra thêm nhiều kỹ thuật gói bọc mới cho các nhãn hàng hợp tác. Điều mà tôi tìm kiếm là sự hài hòa giữa lớp Pojagi và món đồ đựng trong đó. Lớp Pojagi nhất định phải thể hiện được những đặc tính riêng của thương hiệu đó, để khách hàng nhìn vào là họ có thể nhận ra được nhãn hàng.

Hợp tác với DBSK của SM Entertainment

Trong số các nhãn hàng chúng tôi từng hợp tác, tôi đặc biệt ấn tượng với Sulwhasoo (một thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc nổi tiếng thế giới). Chúng tôi bọc các sản phẩm vào trong các lớp Pojagi và họ bày chúng ở trong cửa hàng flagship.

Tôi cảm thấy hiện nay họ nổi tiếng như vậy, ngoài các sản phẩm chất lượng ra còn bởi họ rất tôn trọng các giá trị truyền thống của đất nước họ.

Rất nhiều thương hiệu từ nước ngoài tìm đến chúng tôi, muốn được kết hợp sản phẩm của họ với Pojagi. Kể cả khi sản phẩm không liên quan đến nét truyền thống Hàn Quốc, thì tôi cũng vẫn nghĩ rằng, nếu sản phẩm là hướng đến người Hàn Quốc thì cũng phải mang những nét tiêu biểu của riêng người Hàn cũng như nét văn hóa của họ.

Vì vậy chúng tôi đều đồng ý hợp tác, không chỉ giúp thương hiệu tiếp cận với khách hàng tốt hơn, mà điều đó còn giúp cho nét nghệ thuật truyền thống này được nhiều người biết hơn

Hợp tác với hãng Choco Pie
Hợp tác với Louis Vuitton (Ảnh trên) và Valextra (Ảnh dưới)

Theo cahierdeseoul.com; chosun.com

Mời các bạn cùng xem video về cách bọc Pojagi:

Exit mobile version