Đại Kỷ Nguyên

Hội họa Hy Lạp cổ đại: Các đế chế vĩ đại từ Sparta đến Athena (P.2)

Hy Lạp cổ đại kéo dài hơn một nghìn năm bắt đầu với sự sụp đổ của nền văn minh Mycenaean (Mixen) (khoảng 1600-1000). Các thế kỷ mờ nhạt ít được biết đến (1200-800), tạo thành giai đoạn chuyển tiếp giữa nền văn minh Myxen và nền văn minh Hy Lạp. Nền văn minh Hy Lạp thực sự xuất hiện vào thế kỷ 8, đánh dấu bằng sự hình thành các vùng lãnh thổ nhỏ độc lập về cơ cấu chính trị được gọi là các thành. Người ta biết đến kiến trúc và điêu khắc của Nghệ thuật Hy Lạp cổ đại với nhiều vật chứng được lưu lại…

Tiếp theo Phần 1

Phong cách với hình đỏ (thế kỷ thứ 6 và thứ 5)

Các họa tiết được thể hiện bằng màu đỏ hoặc màu vàng trên nền đen của gốm. Kỹ thuật nung được sử dụng cũng khác vì cần phải làm đen nền đồng thời vẫn giữ các hình họa tiết từ màu của đất sét. Không đi vào chi tiết kỹ thuật gốm nung, nhưng cần phải chỉ ra sự tự do sáng tạo của họa sĩ quan trọng hơn nhiều với những hình màu đỏ.

Người ta có thể sử dụng một bàn chải mịn để tinh chỉnh các chi tiết và tìm một số hiệu ứng thể hiện như thu ngắn hình. Hình màu đỏ với phong cách mềm mại của kỹ thuật, đã mang đến một sự tiến bộ lớn trong nghệ thuật vẽ tranh. Các nhân vật cách điệu của hình màu đen dần dần đươc thay thế bởi những cảnh thực sự phức tạp. Bằng cách so sánh, ví dụ, các các nhân vật hình màu đen của bức tranh Achilles và Ajax và bức tranh tinh tế Eumenides của Aeschylum, ta có thể thấy những tiến bộ đạt được.

Theo những hiểu biết hiện tại, người khởi xướng kỹ thuật này là một nghệ sĩ vô danh được các sử gia gọi là Họa sĩ ở Andokides, được đặt theo tên của một thợ gốm làm cùng. Nghệ sĩ này hoạt động khoảng từ năm 535 đến 515.

Heracles và Athena (khoảng 510).

Vò hai quai, cao 54 cm, đường kính 22.5 cm, họa sĩ Andokides, Staatliche Antikensammlungen, Munich. Heracles (Hercule theo người La Mã) là một trong những anh hùng vĩ đại của thần thoại Hy Lạp. Là con trai của Zeus và Alcmene, ông đã có nhiều cuộc phiêu lưu trong các chuyến đi, kỳ tích nổi tiếng nhất của ông là mười hai công trình. Athena (Minerva theo người La Mã), con gái của Zeus và Metis, là nữ thần của chiến tranh và trí tuệ, bà cũng được gọi là Pallas Athena.

Một trong những nhiệm vụ của bà là tư vấn cho các anh hùng (bà là nữ thần của chiến lược quân sự) và bảo vệ họ. Sự hiện diện của Heracles và Athena trên vò cổ này là hoàn toàn chính thống.

Người lính ra trận (khoảng 510-500 TCN).

Cao 60 cm, được đóng dấu Euthymides, Staatliche Antikensammlungen und Glyptithek, Munich. Một chiến binh mặc áo giáp chuẩn bị ra trận. Những người tiễn đưa được vẽ theo mặt nghiêng, còn người chiến binh là chính diện, với chân phải trông nghiêng, chân trái chính diện.Người ta đã sử dụng kỹ thuật thu ngắn để kéo gần lại những gì mắt người nhìn thấy.

Người lính ra trận, chi tiết (khoảng 510-500 TCN).

Phát minh ra việc thu ngắn lại. Chân trái của chiến binh được rút ngắn theo cái nhìn của con người. Các ngón chân được thể hiện bằng năm vòng tròn nhỏ. Nghệ sĩ không hài lòng với các hình thông thường, có thể hiểu được bởi người quan sát thời đó. Ông đã cố gắng thể hiện câu chuyện thông qua hình ảnh để ta thực sự thấy nó khi nhìn vào một chân trước mặt. Chi tiết này đánh dấu một bước tiến quan trọng, nhưng cần phải đợi tới thời Phục hưng trong thế kỷ 15 để phát triển các ý tưởng. Phối cảnh không bị thu ngắn lại.

Khám bệnh (480-470).

Aryballe với hình màu đỏ, Athens, cao 8,80 cm, đường kính 8,6 cm, Họa sĩ của Phòng khám, Bảo tàng Louvre, Paris. “Trang trí của chiếc bình này (bình nước hoa) đem đến cho chúng ta một minh họa độc đáo về việc khám bệnh. Một thầy thuốc đang ngồi, đang lấy máu từ cánh tay của một bệnh nhân đang đứng trước mặt; bệnh nhân có vẻ không được yên tâm, đang lo lắng nhìn dụng cụ của thầy thuốc; một bình lớn, chắc dùng để hứng máu, để ở dưới chân”. (Bản chỉ dẫn bảo tàng Louvre)

Cuộc chiến của Thần và người khổng lồ (410-400).

Vò hai quai với hình màu đỏ, Melos, cao 69,50 cm, đường kính 32,40 cm, họa sĩ của Suessula, bảo tàng Louvre, Paris. “Chiếc bình xinh đẹp này với tay cầm xoắn, với tỷ lệ hài hòa, điển hình vào cuối thế kỷ thứ năm TCN, minh họa cuộc đấu của người khổng lồ với Thần. Truyền thuyết kể rằng người khổng lồ, là con của Gaia (trái đất), một ngày kia đã nổi loạn chống lại các thần và cố gắng xâm chiếm Olympus bằng những tảng đá và đốt cháy cây cối. Một tiên tri tiên đoán các thần sẽ chiến thắng,với điều kiện một người chết sẽ cộng tác với thần. Zeus chọn con trai mình là Heracles, người có nhiệm vụ kết liễu những người khổng lồ bằng các mũi tên». (Bản chỉ dẫn bảo tàng Louvre)

Cuộc chiến của thần và người khổng lồ, chi tiết (410-400)
Les Euménides d’Eschyle (380-370).

Bình hình chuông với hình màu đỏ, Armento ( ?), cao 48,7 cm, đường kính 52 cm, Họa sĩ des Euménides, bảo tàng Louvre, Paris. “Chiếc bình này là một bằng chứng quan trọng về một bi kịch Aten của thế kỷ thứ 5 TCN qua loạt dáng vẻ trên gốm Hy Lạp được sản xuất ở miền Nam Italy và được gọi là “italiote”. Họa sĩ thể hiện cảnh mở đầu của Euménides d’Eschyle, phần thứ ba của Oresteia. Trong cảnh chính, chúng ta thấy Apollo đang rửa tội cho Oreste tại Delphe và bóng của Clytemnestra đang cố gắng đánh thức các nữ thần của sự trả thù-Erinyes”. (Bản chỉ dẫn bảo tàng Louvre)

Euménides d’Eschyle, chi tiết 1 (380-370).

“chiếc bình lớn hình chuông, với kích thước ấn tượng, thể hiện một cách chính xác khởi đầu bi kịch của Eschylus, les Eumenides. Cảnh mở ra trong đền thờ của Apollo ở Delphe, tượng trưng bằng một bàn thờ được đặt trên Omphalos (rốn của vũ trụ). Đó là nơi Oreste ẩn náu, khi chạy trốn Erinyes, nữ thần khủng khiếp của sự trả thù. Anh ta vẫn cầm con dao găm mà anh ta đã giết mẹ mình, Clytemnestra, để trả thù cho cha mình. Đằng sau anh ta là Apollo, một tay cầm một nhánh nguyệt quế và tay kia đang rung lắc một con lợn con trên đầu của chàng trai trẻ trong một cử chỉ rửa tội. Artemis, chị gái của thần, đứng bên cạnh»(Bản chỉ dẫn bảo tàng Louvre)

Les Euménides d’Eschyle, chi tiết 2 (380-370)

“Phía bên trái diễn ra một cảnh khác, bóng của Clytemnestra cố gắng trong vô vọng để đánh thức ba nữ thần của sự trả thù Erinyes, mà hai thần vẫn đang ngủ. » (Bản chỉ dẫn bảo tàng Louvre)

Tranh tường Hy Lạp

Cho đến gần đây, người ta tin tranh tường Hy Lạp gần như đã biến mất và chỉ còn nguồn văn học còn nhắc về nó. Nhưng vào cuối thế kỷ 20, một số công trình tang lễ với các bức vẽ được bảo tồn khá tốt được phát hiện ra, cho phép các nhà sử học chuyên ngành có được một đánh giá chính xác hơn về kỹ thuật và thẩm mỹ của hội họa Hy Lạp (1).

Không nghi ngờ gì về việc người Hy Lạp đã có được một trình độ cao trong lĩnh vực hội họa. Tranh trên gốm, với đặc tính trang trí của nó, chỉ có thể thể hiện một ý tưởng không đầy đủ. Các bức tường của các tòa nhà, các tác phẩm điêu khắc, những lăng mộ được tô vẽ đa màu. Đặc trưng của các tượng đài tang lễ (cấm tiếp cận, nhiệt độ ổn định do chúng được đặt dưới đất) cho phép bảo tồn tương đối tốt một số trang trí bên trong. Những tượng đài như vậy rõ ràng là dành cho những người giàu có và quyền lực, là lăng mộ của các gia đình hoàng gia hoặc quyền quý.

Lăng mộ trang trí hình cây cọ, trần nhà (đầu thế kỷ thứ 3).

Tranh tường. Trên đất thị trấn nhỏ Lefkadia ở Macedonia, nằm gần Edessa, là địa điểm khảo cổ Mieza nơi Aristote rao giảng. Lăng mộ cây cọ được những kẻ buôn đồ cổ phát hiện một cách tình cờ vào năm 1971 và nó trở thành chủ đề cuộc khai quật có hệ thống của Katerina Rhômiopoulou. Những bức tranh tường được thực hiện bằng cách sử dụng các kỹ thuật vẽ nề phủ trên trần nhà và các bức tường. Trần của tiền sảnh được trang trí với sáu lá cọ, xen kẽ là những bông hoa lớn gợi nhớ đến hoa huệ nước với những hình xoắn ốc khổng lồ. »(Katerina Rhômiopoulou)

Lăng mộ Persephone (khoảng 350).

Tranh nề (Fresco). Gần Vergina, ở miền Bắc Hy Lạp, là Aigai cổ, thủ đô đầu tiên của vương quốc Macedonia. Người ta đã phát hiện nhiều di tích ở đây, trong đó có nhiều lăng mộ hoàng gia từ thời của Philip II (382-336), cha của Alexander Đại đế. Trong một trong những lăng mộ, một bức bích họa nề (trên tường) mô tả vụ bắt cóc Persephone do Hades thực hiện. Trong thần thoại Hy Lạp, Hades là thần âm phủ (địa ngục), vua của người chết, trong khi Zeus cai trị bầu trời và Poseidon cai trị biển. Hades kết hôn với Persephone sau khi bắt cóc được cô khi đang đi hái hoa. Theo Hesiod, “Zeus khôn ngoan đã đồng ý cho Hades bắt Persephone”. Ta có thể thấy rõ ràng trên bức tranh, Hades đang giữ Persephone đang giãy giụa trong xe của mình. Bên phải, một người hầu của Persephone đang ngồi, khiếp sợ bởi vụ bắt cóc.

Lăng mộ của Amphipolis (cuối thế kỷ thứ 4)

Tranh tường nề (Fresco). Amphipolis là một thành Hy Lạp ở phía Đông Macedonia được người Athena thành lập năm 437 TCN. Nó bị bỏ rơi trong thế kỷ thứ 8 SCN. Những cuộc khai quật trong các năm 1999-2000 đã phát hiện ra gần 800 lăng mộ. Lăng mộ của những nhân vật ở tầng lớp cao mới có trang trí tranh tường. Trong một trong những lăng mộ này, “hình một phụ nữ ngồi trên một cái ghế, thân quay nhẹ sang phía bên trái. Nhân vật này có vẻ khép kín, buồn bã”.(Penelope Malama)

Một số họa sĩ người Hy Lạp thời cổ đại dưới cái nhìn của Pline l’Ancien

Pline l’Ancien (23-79), trong cuốn “Lịch sử tự nhiên” của mình (2), đã nói về “hội họa và màu sắc” thời cổ đại. Ông cũng trích dẫn nhiều họa sĩ và một số tác phẩm nổi bật nhất của họ. Tất cả những bức tranh này, được Pline ngưỡng mộ, đã biến mất.

Polygnote de Thasos là một họa sĩ Hy Lạp từ giữa thế kỷ thứ 5 TCN (470-440), theo Pline, là người đã đưa cảm xúc lên khuôn mặt. … Là người đầu tiên vẽ phụ nữ với trang phục rực rỡ, với những chiếc mũ lễ sặc sỡ trên đầu. Ông đóng góp nhiều cho sự tiến bộ của hội họa, là người đầu tiên vẽ răng và những biểu hiện của khuôn mặt, thay vì cho sự cứng đờ trước đó.

Apollodore d’Athèna (thế kỷ thứ 5 TCN), theo Pline, ông là họa sĩ vĩ đại đầu tiên thể hiện diện mạo, là người đầu tiên góp phần vào vinh quang của họa pháp. Trước đó, không bức tranh nào thu hút được ánh mắt như các tác phẩm của ông”.

Zeuxis d’Héraclée (464-398 TCN) là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất của Hy Lạp cổ đại. Có thể ông là người đã sử dụng nghệ thuật “đánh lừa ánh mắt” và tạo ra hiệu ứng phối cảnh khi thể hiện bức vẽ, khiến mọi người thích thú. Zeuxis rất giàu có, nhưng ông lại quyết định đem cho các tác phẩm của mình, bởi, như ông nói, không mức giá nào là đủ để mua chúng.

Parrhasios d’Éphèse (hay Parrhasius) là người cùng thời với Zeuxis. Pline đánh giá cao ông này, nhưng cho ông là người phóng túng. ” Parrhasius d’Éphèse đóng góp nhiều cho sự tiến bộ của hội họa. Ông là người đầu tiên để ý đến tỷ lệ, đặt sự tinh tế của dáng vẻ, sự thanh lịch của đầu tóc, vẻ duyên dáng của miệng, và, theo đánh giá của các họa sĩ, ông xứng đáng giành cành nguyệt quế về vẽ các đường viền, là người luôn hướng tới sự hoàn hảo.

Timanthe cũng là một người cùng thời với Zeuxis và Parrhasios, ông là người thông minh. Như bức tranh Iphigenia được nhiều ca tụng, thể hiện Iphigenia đứng gần bàn thờ nơi cô sẽ chết, còn người cha thì buồn bã. Hay như trong bức tranh nhỏ về người khổng lồ Cyclops đang ngủ: để làm nổi bật kích thước to lớn, ông vẽ thần dê Satyres đang đo ngón cái của người khổng lồ bằng một cái gậy. Ông là người duy nhất mà các tác phẩm có nhiều ẩn ý, ngoài những gì đã thể hiện thì người ta cảm thấy ông vẫn còn có nhiều ý tứ hơn. Ông đã vẽ một anh hùng, một bức vẽ rất hoàn hảo, đạt đỉnh cao nhất của nghệ thuật vẽ những nhân vật anh hùng: tác phẩm này hiện đang ở Rôma, trong đền Hòa Bình”.

Apelle de Cos (thế kỷ thứ 4 TCN), theo Pline, là họa sĩ tài năng nhất trong các hoạ sĩ Hy Lạp. “Ông vượt trội tất cả các họa sĩ thời đó, chỉ mình ông đóng góp cho sự tiến bộ của hội họa nhiều hơn tất cả các họa sĩ khác; ông đã có sách về kiến thức cơ sở của hội họa; ông là người góp ý có thiện chí. Ông ca ngợi sự lao động miệt mài hết mực của Protogene, nhưng cho rằng Protogène không biết làm thế nào để dừng tay: nên nhớ bài học, rằng chăm lo quá nhiều thường có hại. […] Apelle có một thói quen không thể thiếu: dù bận rộn đến đâu, ông không thể để trôi qua 1 ngày mà không thực hiện vài phác thảo; Ông là người nhã nhặn trong cư xử, điều này khiến ông đặc biệt được lòng của Alexander Đại đế nóng tình. Hơn nữa, Alexander đã có hành động đáng nhớ: để họa sĩ vẽ hình người cung phi yêu mến nhất, tên là Pancaste; họa sĩ phải lòng cô này; Alexander nhận ra điều đó, tặng luôn cô này cho họa sĩ. Có một số người cho rằng đây chính là hình mẫu để họa sĩ vẽ Venus Anadyomene.”

Theo Rivage de Bohemes

Xuân Hà biên dịch

Exit mobile version