Lựa chọn giữa đức hạnh và lương tri (Virtue), hay sự cám dỗ và suy đồi (Vice) là chủ đề nổi bật trong rất nhiều tác phẩm hội họa thời kỳ Phục Hưng, trong đó có bức họa “Allegory of Virtue and Vice” (“Ngụ ngôn về đức hạnh và suy đồi”) của họa sĩ người Ý Lorenzo Lotto.
Câu chuyện về người anh hùng Hercules
Trong Thần thoại Hy Lạp có câu chuyện kể về người anh hùng Hercules:
Thời trẻ, có một lần trong cơn giận dữ nhất thời Hercules đã gây ra cái chết của người thầy dạy nhạc. Quá buồn bã và ân hận, cậu thất thểu bước vào rừng sâu, vừa đi vừa suy nghĩ…
Bỗng nhiên từ đâu xuất hiện hai thiếu nữ vô cùng duyên dáng, một người diện váy màu và trang sức lấp lánh, còn một người thì đơn thuần trong bộ váy trắng tinh.
Cô gái diện váy màu tên là Vice, nói với Hercules rằng: “Hãy đi cùng em, chàng sẽ được tận hưởng thú vui bất tận và không bao giờ biết buồn chán”. Nói rồi, nàng chỉ tay về phía sau lưng, nơi có con đường bằng phẳng quanh co và cỏ hoa rực rỡ, cuối đường là đám mây xám lơ lửng trên bầu trời.
Cô gái mặc váy trắng tên là Virtue cũng nói: “Hãy đi cùng em, chàng sẽ trở thành niềm tự hào của những người anh em. Nhưng em không thể hứa hẹn rằng con đường nào có hoa hồng lại chẳng có gai, bởi ai có thể gặt hái mà chưa từng gieo trồng?”. Con đường sau lưng nàng gồ ghề đầy sỏi đá, dẫn tới một ngọn núi xanh hùng vĩ.
Nếu là Hercules, bạn sẽ chọn ai? Nàng Vice hay Virtue? Con đường trơn tru bằng phẳng nhưng chẳng có gì vinh quang, hay con đường đầy chông gai thử thách nhưng phần thưởng sẽ là tương lai huy hoàng?
Tất nhiên ở đây chúng ta không luận bàn văn học, mà chỉ mượn câu chuyện chàng Hercules để nói về một thông điệp: Lựa chọn giữa đức hạnh và lương tri (Virtue), hay sự cám dỗ và suy đồi (Vice). Bạn biết không, thông điệp ấy cũng là chủ đề nổi bật trong rất nhiều tác phẩm hội họa thời kỳ Phục Hưng. Và bức danh họa mà chúng ta sẽ bàn đến hôm nay đến từ nước Ý với tên gọi: “Allegory of Virtue and Vice” (tạm dịch: “Ngụ ngôn về đức hạnh và suy đồi”).
Tác phẩm “Ngụ ngôn về đức hạnh và suy đồi” được họa sĩ người Ý Lorenzo Lotto hoàn thành vào tháng 7/1505. Đây là bức vẽ có nội dung rất minh hiển rõ ràng, ngay cả những ai không mấy am hiểu về hội họa cũng có thể hiểu được thông điệp của bức tranh.
Ở chính giữa bức vẽ là một cây olive đã gãy ngọn, để lộ ra những thớ gỗ trơ trụi khô cằn. Nhưng ngay bên cạnh đó là nhành cây vươn lên đầy sức sống, chia toàn bộ khung hình thành hai nửa đối lập: Bên trái là phía nhành cây, gợi lên cảm giác tươi sáng và tràn đầy hy vọng (bầu trời quang đãng, biển lặng sóng yên, con đường rực sáng ánh vàng) — bên phải là phía thân cây gãy ngọn, gợi lên cảm giác mờ mịt âm u (mây đen ngự trị bầu trời, sóng gió nổi lên nơi biển cả).
Tương ứng với hai khung cảnh là hai nhân vật cũng đối lập với nhau:
Phía bên phải, vị thần say xỉn Silenus đang lướt khướt ôm lấy thùng rượu bằng vàng, bên cạnh ông là chiếc bình sữa chảy lênh láng, còn chum rượu nho thì nằm lăn lóc, đổ ra thứ nước màu đỏ sậm. Nơi ông đang nằm là bãi cỏ non mơn mởn và cánh rừng xanh ngát. Nhưng phía xa xa nơi biển cả vô định lại thấy mây đen vần vũ, bão tố nổi lên, sóng biển tung trắng xóa, và xác con tàu bị lật nhào trên biển.
Còn phía bên trái, một cậu bé con đang chơi nghịch một mình. Trước mặt cậu là vài cuốn sách – tượng trưng cho trí tuệ, cạnh đó là chiếc la bàn, compa, thước vuông, ống sáo, cây đàn và một bản nhạc – tượng trưng cho tri thức. Trái ngược với hình ảnh xanh tươi của cánh rừng, nơi cậu bé ở lại gồ ghề và lởm chởm những đá và sỏi. Ngay cả lùm cây mọc phía sau tảng đá cũng héo khô trơ trụi. Nhưng nếu nhìn xa hơn một chút, sẽ thấy con đường vàng rực rộng thênh thang tiến thẳng lên trời, ngay cả hàng cây ven đường cũng nhuộm trong ánh nắng vàng.
Lấy cảm hứng từ câu chuyện ‘Hercules nơi ngã rẽ’ mà chúng ta vừa kể trên, bức tranh của Lozenro Lotto đã mở ra hai lựa chọn, hai con đường, từ đó gửi đến người xem một thông điệp: Theo đuổi thú vui trần tục và truy cầu hưởng lạc sẽ ru ngủ con người trong khoái cảnh nhất thời, nhưng lại tiềm ẩn đầy nguy cơ và thất bại. Còn theo đuổi tri thức hay chân lý lại đầy gian nan và khổ nạn, nhưng đón đợi là tương lai huy hoàng.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu bức họa chỉ dừng lại ở đó. Bởi vẫn còn một chi tiết nữa, một chi tiết khá tinh tế nhưng lại đủ sức nâng tầm bức tranh lên một giá trị mới. Đó chính là tấm khiên với hình sư tử trắng dựng tựa vào gốc cây. Hẳn bạn sẽ thắc mắc: Tấm khiên ấy có ý nghĩa gì trong một bức tranh vốn đã rất trọn vẹn với đầy đủ mọi chi tiết mà nó cần phải có?
Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một chút về khái niệm tạm gọi là ‘bức họa bìa’. Kỳ thực, “Ngụ ngôn về đức hạnh và suy đồi” không phải là tác phẩm chính, mà chỉ là bức họa bìa cho tranh vẽ chân dung của vị giám mục thành Treviso, nước Ý – ngài Bernardo de’ Rossi.
Bức họa bìa có tác dụng như một lớp bảo vệ bên ngoài (chỉ khi mở tấm họa bìa mới có thể nhìn thấy bức chân dung phía sau), đồng thời gửi gắm những thông điệp mà một bức chân dung khó có thể truyền tải được (ví dụ như nhân cách, đạo đức, quan điểm, và tư tưởng của nhân vật được vẽ chân dung).
Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy hình sư tử trắng trên tấm khiên màu xanh cũng giống với chiếc nhẫn trên tay vị giám mục. Đó chính là phù hiệu (coat of arms) ngoài đời thực của ngài de’ Rossi. Như vậy, khi đặt tấm phù hiệu quay hướng về phía em bé, người họa sĩ có hàm ý ngợi ca đức hạnh của ngài giám mục, và đó chính là sự lựa chọn lương tri.
Mặc dù chỉ là một bức họa bìa, nhưng những gì Lotto thể hiện trên tranh quá xuất sắc, đến mức khi bức vẽ tách khỏi tác phẩm chính thì tự bản thân nó cũng trở nên nổi tiếng. Vậy thì, chúng ta hãy xem xét giá trị nội tại của bức vẽ đặc biệt này.
Bởi tấm khiên sư tử trắng là phù hiệu của một vị giám mục, vậy nên nó tượng trưng cho tín ngưỡng và đức tin. Cũng từ đó mà ý nghĩa biểu tượng của các chi tiết trong tranh mang thêm nội hàm mới: Cậu bé quay đầu về phía tấm khiên thể hiện sự quy thuận, chính là thuận theo chân lý, hướng về đức tin. Trước mặt cậu, hai cuốn sách cùng với compa, thước kẻ, đàn, sáo, nhạc… đã trở thành biểu tượng của trí huệ, của sự ngộ đạo. Còn cậu bé? Hình ảnh đứa trẻ ngây thơ và thuần khiết ấy là tượng trưng tâm hồn tinh khiết, thuần thiện, thuần chân của các tín đồ. Vậy thì con đường của một người có tín ngưỡng, có đức tin, trong tâm có Đạo… là gì? Chính là đường lên Thiên giới! Đó là lý do vì sao khi phóng to bức tranh, chúng ta sẽ thấy cậu bé đang tiến bước trên con đường vàng dẫn thẳng lên trời.
Còn phía thân cây gãy ngọn, chúng ta thấy điều gì? Trên đó cũng treo một tấm khiên, nhưng là tấm khiên bằng kính, mờ ảo, mong manh và dễ vỡ. Và trên đó không phải là biểu tượng của tín ngưỡng hay đức tin, mà lại là một gương mặt ma quái – chính là gương mặt của quỷ nữ Medusa trong Thần thoại Hy Lạp.
Như vậy, “Ngụ ngôn về đức hạnh và suy đồi” cũng chính là ngụ ngôn về sự lựa chọn: Trên con đường nhân sinh, chúng ta sẽ chọn ích lợi vật chất hay giá trị tinh thần, chọn thác loạn phóng túng hay tu dưỡng nội tâm, chọn mê mờ lạc lối hay chân lý trí huệ, chọn trần tục hay thánh khiết, chọn làm quỷ hay làm Thần?
Tâm Minh