Vào khoảng thế kỷ 13-14, đế quốc Mông Cổ được mở rộng gần như toàn bộ châu Á, một nửa châu Âu. Việc xâm chiếm được những lãnh thổ rộng lớn đã xóa bỏ các ranh giới của những quốc gia cũ, tạo điều kiện thông thương và giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa châu Á và châu Âu.
Nằm ở phía Bắc nước Ý ngày nay, Padova là một trong các thành phố có nền văn hóa cổ xưa lâu đời nhất của Ý, với những công trình nghệ thuật nổi tiếng: nhà thờ Basilica di Sant’ Antonio, nhà thờ Secrovegni Chapel cùng với trường đại học lâu đời thứ hai của Ý, trường Padova.
Thời trung cổ, Padova nổi tiếng là một trong những thành phố giàu có, nơi đây đã thu hút rất nhiều những nhà nghệ thuật, cũng như các nhà văn nổi tiếng đến đây sinh sống và làm việc: Giotto di Bondone (1267 – 1337), Donatello (1386-1466) v.v. Shakespeare đã từng ví Padova là “cái nôi” của nền nghệ thuật.
Dấu ấn Mông Cổ trên tranh bích họa ở nhà thờ Scrovegni Chapel
Được coi là “Cha đẻ của nền hội họa châu Âu” và là họa sĩ vĩ đại bậc nhất thời kỳ Phục Hưng, Giotto di Bondone nổi tiếng với những bức bích họa trong nhà nguyện Scrovegni ở Padova. Nhà thờ này được xây dựng để tưởng nhớ ân đức của Đức mẹ Maria. Ở đây, Giotto đã cho ra đời tác phẩm lớn mô tả câu chuyện về kinh Tân Ước và Cựu Ước.
Trong bức bích họa này, ta có thể nhận thấy, không chỉ có áo choàng mà từ kiểu dáng cho đến vải vóc đều là đặc trưng của người Mông Cổ, mà cả những hoa văn ký tự màu vàng cũng là chữ viết của triều Nguyên – Mông, nói chính xác hơn là loại văn tự Phagpa.
Người Mông Cổ rất thích những tấm vải gấm, lụa được dệt một cách tinh xảo, và họ thường chọn chúng làm lễ vật dâng tặng lên đức vua hoặc giáo hoàng châu Âu.
Các tu sĩ dòng thánh Francis, những người có kết nối rộng với triều đình Mông Cổ và nền nghệ thuật Mông Cổ cũng có những tác động nhất định lên Giotto di Bondone, điều này được nhận thấy rõ qua các bức tranh của ông. Người Mông Cổ rất tôn sùng hai màu: trắng và xanh, hầu hết trong các bức bích họa của Giotto, màu nền ông luôn để là màu xanh, thay vì là màu vàng.
Có thể nói, văn hóa thời kỳ Phục Hưng và văn hóa Mông Cổ có những mối quan hệ mật thiết mà chúng ta không thể phản đối được.
Văn tự Bát Tư Ba (Phagpa)
Trong nhà thờ Scrovegni Chapel, Giotto đã để lại 66 bức bích họa về ba chủ đề chính: “Đức mẹ Mary”, “Những câu chuyện về chúa Giê-su” cùng với “Đại thẩm phán”.
Trong bức thứ 35 “Chúa bị đóng đinh” được tác giả thực hiện từ năm 1303 đến 1305, nếu để ý kỹ chúng ta có thể để ý thấy hoa văn của tấm vải quanh eo của Chúa, chính là một đoạn văn tự bằng chữ Phagpa (Bát Tư Ba) của nhà Nguyên – Mông.
Theo ghi chép lại, Bát Tư Ba (1235 -1280) là Giáo chủ đời thứ năm của Tát Tư Ca, một chi của Phật giáo Tạng truyền, từ khoảng giữa thế kỷ 13 đến giữa thế kỷ 14. Khi chỉ mới ba tuổi, ngài đã có thể thiện giảng Kim Cương tu pháp, điều này khiến cho mọi người ngưỡng mộ không thôi, từ đó gọi ngài là “Bát Tư Ba” (tiếng Tây Tạng, có nghĩa là “Bậc thánh giả”).
Sau khi Hốt Tất Liệt làm chủ Trung Nguyên, ông nhận thấy vùng đất Tây Vực vừa rộng mênh mông địa lý lại xa xôi hiểm trở, người dân lại lỗ mãng hiếu chiến, vậy nên đã phong Bát Tư Ba là quốc sư, kiêm nhiệm tổng chế viện viện sứ chịu trách nhiệm cho tất cả đệ tử Phật giáo khắp Trung Nguyên, cũng như mọi sự vụ của Tây Tạng.
Trên hành trình từ Tây Tạng vào đến Trung Nguyên, ông đã đem kỹ thuật điêu khắc cùng với kiến trúc Tây Tạng truyền cho người dân Trung Nguyên, cũng như đem kỹ thuật in ấn truyền lại cho người dân Tây Tạng.
Sau Bát Tư Ba theo yêu cầu của Hốt Tất Liệt, dựa vào mẫu văn tự Tạng sáng tạo một hệ thống văn tự mới.
Năm 1269, triều Nguyên lấy hệ thống văn tự này quy định thành văn tự chính thức, bất kể sách vở Hán văn, Mông Cổ văn đều phải sử dụng tự mẫu của Bát Tư Ba.
Tuy nhiên, do loại văn tự này không phù hợp với thói quen viết và đọc của người Hán, người Mông Cổ và người Tây Tạng; vì vậy cũng khá khó khăn để người dân cả nước chấp nhận loại chữ viết mới này.
Theo Epoch Times
Trâm Anh dịch