Đại Kỷ Nguyên

Hôm nay trời đổ mưa: Nhẫn nhịn, cả đời hòa cùng mưa nắng, an hòa trong gió bão, ấy là Đạo

Người sống nên như cây cỏ, biết coi mình là một phần của tự nhiên, biết chịu đựng, biết nhẫn nhịn, cả đời hòa cùng nắng gió tự nhiên, lớn lên cứng cáp, an nhiên trước gió bão như tùng như bách, khác hẳn với hoa trong chậu đặt ở hiên nhà…

Hôm nay trời đổ mưa phùn. Cái lạnh được cảm nhận rõ hơn, xuyên qua vài lớp áo, tê tái.

Khác với mọi ngày, sân khu dân cư hôm nay im ắng hẳn, mọi người đều bỏ buổi tập sáng. Duy nhất, nhóm các bác luyện công vẫn bất chấp mưa lạnh, kiên nhẫn, an nhiên xếp tọa luyện công như thường ngày.

Cái lạnh này lại làm tôi nhớ cảnh người làng Hoàng Tường làm đồng. Mấy chục năm trước, cũng sống ở quê ít năm, chứng kiến cảnh mọi người dậy tù tờ mờ sáng, áo tơi, chân đất ra ruộng, mình thì vẫn co ro, oằn oài trong chăn.

Đành là việc sinh nhai sinh kế, nhưng quả thật, sức chịu đựng, kiên trì của người nông dân thật không thể nghĩ bàn. Có lần hỏi thím, sao không đi muộn chút cho đỡ lạnh, thím bảo nhà nông mà ngại thời tiết thì hỏng, bão cũng chấp huống chi chút lạnh chút mưa.

Hôm nay trời đổ mưa phùn. Cái lạnh được cảm nhận rõ hơn, xuyên qua vài lớp áo, tê tái. (Ảnh: anhdep.com)

Nhớ hồi ở quê, sáng nào bà cũng dậy sớm rang cơm cho tôi ăn, bất kể thời tiết. Có đêm, bà đau khớp, mất ngủ cả đêm, nhưng vẫn dậy. Nếu cản, bà bảo bà quen rồi, dậy rang cơm cho cháu ăn mới yên tâm. Ông thì pha sẵn nước ấm cho tôi rửa mặt. Lạnh mà sao thật ấm áp.

Bây giờ hễ động mưa, động lạnh chút là ngại, nghĩ cái cảnh áo mưa đạp xe đi làm, đi học, chỉ tơ tưởng taxi trong khi bố tôi, mẹ tôi ngày xưa trăm ngày như một, bất kể mưa gió, chả phàn nàn câu nào. Nghĩ thấy thẹn.



Nhớ có lần, gặp một bác gái luyện công mỗi sáng, hỏi bác có ngại không.

Bác bảo nắng mưa là chuyện tự nhiên, nếu sống phụ thuộc vào nắng mưa của trời đất, vào tính khí, thái độ của người khác thế thì bị động lắm, đâu còn là mình, chuyên cần luyện sẽ thấy hết bệnh, thấy mưa nắng chẳng còn là trở ngại nữa. Ta lạnh, chẳng ai giúp ta bớt lạnh được trừ bản thân ta. Người nên như cây cỏ, biết coi mình là một phần của tự nhiên, biết chịu đựng, biết nhẫn nhịn, cả đời hòa cùng nắng gió tự nhiên, lớn lên cứng cáp, an nhiên trước gió bão như tùng, như bách, khác hẳn với hoa trong chậu đặt ở hiên nhà. Nghe thấy thẹn.

Người nên như cây cỏ, biết coi mình là một phần của tự nhiên, biết chịu đựng, biết nhẫn nhịn, cả đời hòa cùng nắng gió tự nhiên, lớn lên cứng cáp, an nhiên trước gió bão như tùng, như bách, khác hẳn với hoa trong chậu đặt ở hiên nhà. (Ảnh: WordPress.com)

Xuống taxi, tôi chui tọt vào lớp học. Nhìn ra, ngoài trời vẫn mưa, rét buốt. Đằng kia, cậu bé khoảng 10 tuổi vẫn khoác áo mưa, đeo cặp, cặm cụi đạp xe tới trường. Tầm này, chắc nhiều người cũng đang áo mưa đi làm. Lại thẹn.

Làm sao khắc phục được bệnh lười, bệnh dễ nộ khí xung thiên, khó lắm lắm, nhưng làm được thì đấy chính là điểm ta khác người khác, như tùng như bách, không phải hoa trong chậu…. Chợt nhớ đến mấy câu thơ của Hồng Oanh:

Hoa tự thắm, lá tự xanh
Gió tự mát, nắng tự thành vàng tơ
Ta vừa qua buổi ban trưa
Chưa xanh thắm được chắc chưa tự mình

Như lời Phật gia dạy: Nan nhẫn năng nhẫn, nan hành năng hành. Cái gì càng khó thì càng cần cố gắng. (Ảnh: anhdep.com)

Như lời Phật gia dạy: “Nan nhẫn năng nhẫn, nan hành năng hành”. Cái gì càng khó thì càng cần cố gắng. Ngẫm trong cuộc đời phức tạp, đa đoan này, sự nhẫn nhịn, kiên trì thực sự là cần nếu muốn có cuộc sống an bình.

Phật cũng giảng “Lùi một bước biển rộng trời cao” là có cái lý sâu xa của nó. Nhẫn một chút, vượt qua rồi, sẽ thấy khó khăn quá nhỏ bé. 

Suy cho cùng, mọi thứ đều là tự mình.

Đăng An

Exit mobile version