Đại Kỷ Nguyên

Những tuyệt tác ‘Mùa xuân’ khiến lòng người phơi phới

Concerto “La primavera” (Mùa xuân) của Antonino Vivaldi, sonata violin No. 5 (Mùa xuân) của Ludwig van Beethoven và bản valse “Frühlingsstimmen” (Giọng xuân) của Johann Strauss II là những tác phẩm cổ điển được xếp vào danh sách tuyệt tác âm nhạc. 

Vẻ đẹp rực rỡ, tươi tắn và hùng tráng của ba tác phẩm này có thể khiến lòng người từ u buồn chuyển sang phơi phới bao la để cùng hòa với sự vĩ đại của thiên nhiên, của đất trời, để thấy nỗi ưu tư của mình thật quá ư nhỏ bé…  

Concerto “La Primavera” (Mùa Xuân) của Antonio Vivaldi

Niềm vui và đất trời cùng bừng sáng với Mùa Xuân của Vivaldi

Là tác giả của hàng trăm tác phẩm khí nhạc vui tươi hùng tráng, nhà soạn nhạc người Ý Antonino Vivaldi (1678-1741) được ghi nhận là bậc thầy của thể loại concerto thời kỳ Baroque. Đây là thể loại âm nhạc mà ông có nhiều sáng tác với nhịp điệu sinh động, giai điệu du dương cùng với việc mở rộng kỹ thuật nhạc cụ được công chúng mến mộ hơn mọi nhà soạn nhạc cùng thời.

Mùa xuân về ở quanh ta. Chim hót mừng bài ca lễ hội (Sonet Mùa Xuân Vivaldi)

Năm 1725, nhà xuất bản âm nhạc Le Cène ở Amsterdam, Hà Lan in một tuyển tập gồm 12 bản concerto của Vivaldi có tên Il cimento dell’armonia e dell’inventione  (Thử nghiệm hòa âm và sáng tác) Op. 8. Các concerto trong tập tác phẩm này đều viết cho violon độc tấu, dàn dây và phần đệm basso continuo.

Mở đầu Op. 8 là bộ concerto Le quattro stagionni (tổ khúc Bốn mùa) gồm “La primavera” (Xuân); “L’estate” (Hạ); “L’autunno” (Thu); “L’inverno” (Đông). Là một trong những đại diện tiêu biểu của âm nhạc chương trình thời kỳ Baroque, Bốn mùa được Vivaldi đề tặng Veenceslao Monzinm, một bá tước người Bohemia. In cùng tổng phổ bốn concerto là bốn bài thơ thể sonnet miêu tả từng mùa (có thể chính Vivaldi là tác giả của các sonnet này).

Sonnet Mùa xuân

Allegro
Mùa xuân về ở quanh ta
Chim hót mừng bài ca lễ hội,
Gió nhẹ thổi, suối thầm thì gọi.
Sấm báo xuân gầm rú vang lừng
Trút áo choàng đen, trời đất sáng tươi.
Tiếng sấm lặng, chim lại ca vui.

Gió nhẹ thổi, suối thầm thì gọi. Sấm báo xuân gầm rú vang lừng

Largo
Trên cánh đồng hoa trải thảm tươi
Xào xạc reo cười cỏ cây cành lá
Mục đồng ngủ bên chú chó trung thành.

Allegro
Kèn túi rộn ràng ngày hội làng
Chàng mục đồng nhảy cùng người đẹp
Tất thảy rạng ngời dưới tấm màn xuân.

Chủ đề chính của chương mở đầu concerto “Mùa xuân” rất quen thuộc với nhiều thính giả Việt Nam. Nó đã vượt ra ngoài phạm vi âm nhạc cổ điển và được đông đảo khán giả truyền hình biết đến nhờ được sử dụng làm nhạc nền trong chuyên mục Dự báo thời tiết trước đây của Đài truyền hình Việt Nam.

Thoạt tiên, dàn dây thể hiện chủ đề đầy hân hoan ở tốc độ Allegro. Tiếp theo, bè violon độc tấu mô tả tiếng chim chóc líu lo cùng những âm thanh đồng nội. Đang tràn ngập niềm vui, dòng chảy âm nhạc bị cắt ngang bằng những âm láy dữ dội biểu trưng cho một cơn bão, nhưng bão tố qua mau và không khí vui vẻ trở lại.

Tiếp theo, bè violon độc tấu mô tả tiếng chim chóc líu lo cùng những âm thanh đồng nội.

Ở tốc độ chậm Largo, chương nhạc thứ hai bình yên và mơ mộng. Âm hưởng bâng khuâng, dịu dàng vẽ lên cảnh tượng người mục đồng chìm đắm trong giấc ngủ yên bình bên cạnh chú chó chăm chú canh giữ gia súc giữa đám cỏ cây hoa lá. Dàn dây ngân rung, rầm rì truyền tải bầu không khí về đêm đầy mê hoặc bằng những âm thanh trữ tình quyến rũ.

Chương nhạc cuối, vũ khúc đồng quê (Danza pastorale) ở tốc độ Allegro, được mở đầu theo một phong cách sinh động, tươi sáng. Vivaldi đã thổi sinh khí cho cảnh tượng hội hè, trong đó các mục đồng và người đẹp say sưa nhảy múa đón chào xuân. Âm nhạc gợi nhắc không khí chương mở đầu, thi thoảng len vào chút trầm tư ở đoạn giữa và đoạn cuối chương. Toàn bộ chương nhạc toát lên bầu không khí vui tươi và bình yên nơi thôn dã.

Ludwig van Beethoven: Sonata “Mùa xuân”

Các nghệ sĩ lớn Yehudi Menuhin – Violin, Wilhelm Kempff – Piano thể hiện mùa Xuân tươi đẹp của Beethoven

Beethoven sáng tác tổng cộng 10 bản violin sonata, trải dài từ năm 1797 đến năm 1812, nổi tiếng nhất trong số đó là Violin Sonata No. 5 giọng Fa trưởng Op. 24 (còn được gọi là Sonata “Mùa xuân”), được xuất bản vào năm 1801, đề tặng bá tước Moritz von Fries – nhà bảo trợ của Beethoven, và Violin Sonata No. 9 giọng La trưởng Op. 47 (còn được gọi là Sonata “Kreutzer”).

Tiêu đề “Mùa xuân” của sonata này không phải là do nhà soạn nhạc đặt. Trong số các sonata của Beethoven (gồm 32 piano sonata, 10 violon sonata và các sonata cho cello, kèn cor), có nhiều sonata mang tiêu đề do người khác đặt (“Ánh trăng”; “Bão táp”; “Đồng quê”…), chỉ có hai sonata được Beethoven chính thức đặt tên (Piano Sonata No. 8 “Pathétique” và Piano Sonata No. 26 “Les Adieux”). Tên gọi “Mùa xuân” của Violin Sonata No. 5 cũng ra đời tương tự thế.

Tuy tên gọi Mùa Xuân, nhưng thính giả có thể không đóng khung trí tưởng tượng và cảm xúc của mình vào biệt danh của nó, bởi vì điều Beethoven muốn bộc bạch có thể đi xa hơn rất nhiều…

Vì vậy khi thưởng thức Sonata “Mùa xuân” nói riêng và các sonata của Beethoven nói chung, thính giả không nhất thiết phải (và rất không nên) đóng khung trí tưởng tượng và cảm xúc của mình vào biệt danh của nó.

Sonata “Mùa xuân” gồm bốn chương nhạc:
I. Allegro
II. Adagio molto espressivo
III. Scherzo: Allegro molto
IV. Rondo: Allegro ma non troppo

Từ đầu đến cuối bản sonata này, cả piano và violon như cùng cất tiếng hát. Giọng của hai nhạc cụ đó trở nên quấn quýt chặt chẽ, dường như violon không thể thiếu piano và ngược lại. Có được điều đó là do sự sáng tạo của Beethoven.

Nét độc đáo của sonata “Mùa xuân” là dù người chơi piano cần phải đạt tới chuẩn mực kỹ thuật nhất định còn nghệ sỹ violon phải tạo ra “giọng hát” thật đẹp.  Khi viết tác phẩm, Beethoven đã sử dụng nhiều nốt luyến láy trong các chương nhạc, vì thế việc duy trì chất giọng đẹp của bè violon không hề đơn giản, ngay cả với các nhạc công violon chuyên nghiệp.

Âm nhạc của Sonata “Mùa xuân” cần phải được chơi một cách xúc cảm nhưng hết sức hòa nhã…

Âm nhạc của Sonata “Mùa xuân” cần phải được chơi một cách xúc cảm nhưng hết sức hòa nhã. Việc lạm dụng kỹ thuật rung (vibrato) sẽ khiến âm nhạc trở nên quá lãng mạn và làm mất đi phần nào giá trị cổ điển của tác phẩm như trường hợp nghệ sĩ violon Anne-Sophie Mutter trong thu âm trọn bộ 10 violin sonata của Beethoven.

Tuy thế cũng không ít người thích cách xử lý phiêu lưu và táo bạo của Anne-Sophie Mutter trong thu âm nói trên. Vì vậy bạn nên thử nghe một số bản thu của các nghệ sĩ khác nhau và tự chọn cho mình bản thu ưng ý nhất.

Johann Strauss II: “Frühlingsstimmen” (Giọng xuân)

Giọng opera nữ cao màu sắc tuyệt đẹp Kathleen Battle hát bản valse “Voices of Spring” (Giọng xuân) tuyệt vời của Johann Strauss II viết năm 1882. Buổi trình diễn năm 1987 tại Viên. Chỉ huy là nhạc trưởng tài danh Herbert von Karajan.

Vienna, điệu valse và gia đình Strauss là những cái tên không thể tách rời. Những điệu valse của Johann Strauss I (1804 – 1849) gợi lên không khí miền quê Vienna, những vườn hoa bia và những Heurigen (tụ điểm phục vụ rượu vang đặc trưng kiểu Áo). Còn những điệu valse của Johann Strauss II (1825 – 1899) sau năm 1860 đã mang luồng sinh khí mới đầy tinh tế, phản ánh vẻ tráng lệ và tinh thần hưởng lạc của hoàng gia Áo Thế kỉ 19. Vì vậy ông được mệnh danh là “Ông vua của điệu valse”.

Johann Strauss II được mệnh danh là “Ông vua của điệu valse”.

“Frühlingsstimmen” (Giọng xuân) Op. 410 soạn cho giọng hát solo cùng dàn nhạc, là một trong số những điệu valse nổi tiếng nhất của Johann Strauss II,. Ông soạn tác phẩm này vào năm 1882, cùng thời gian sáng tác operetta Eine Nacht in Venedig (Một đêm ở Venice). Richard Genée (1823-1895), tác giả libretto vở operetta Die Fledermaus (Con dơi) của Johann Strauss II, cũng đồng thời là tác giả phần lời của bản valse này.

Giọng xuân

Trong “Giọng xuân”,  điều đặc biệt là tác giả đã giao cho giọng hát việc thể hiện giai điệu thay cho violin, đó là giọng nữ cao màu sắc (coloratura soprano), “sơn ca” Bianca Bianchi huyền thoại của nhà hát Hoàng gia Vienna

Sơn ca vút lên trời,
Gió dịu dàng đang thổi;
Chim khiến đồng hồi tỉnh
Bằng nụ hôn êm đềm.
Mọi cánh bay xuân tràn,
Qua rồi bao gian khó
Nhẹ đi nỗi buồn khổ,
Những mong ngóng tốt lành
Tin hạnh phúc trở về;
Nắng sưởi cho ta ấm,
Tất thảy cười và thức giấc!

Ôi khúc hát sơn ca!
Sổi nổi bởi tình yêu,
Ngọt ngào và ấm áp,
Có cả nốt ai oán
Làm rung động cõi lòng
Về giấc mơ êm đềm!
Mong chờ và ước vọng
Trong tim ta trú ngụ.
Nếu bài ca gợi lại
Từ lấp lánh sao xa
Trong ánh trăng lung linh
Bồng bềnh trên thung lũng!
Đêm ngập ngừng tan biến,
Sơn ca bắt đầu ca
Bóng tối sắp lùi xa!

Những giọng hót mùa xuân
Nghe ngọt như tổ ấm,
Ngọt ngào, ngọt ngào sao!

Những giọng hót mùa xuân. Nghe ngọt như tổ ấm, ngọt ngào, ngọt ngào sao!

Có một điều độc đáo trong “Giọng Xuân” là tác giả đã giao cho giọng hát việc thể hiện giai điệu thay vì violin, đó là giọng nữ cao màu sắc (coloratura soprano) Bianca Bianchi, thành viên của Nhà hát opera hoàng gia Vienna. Trong video, là sự thể hiện tuyệt diệu của Kathleen Battle cũng tại Vienna năm 1987. Tuyệt đẹp sao những giọng nữ cao thay thế violin.

“Giọng Xuân”, qua giọng hát của Bianca Bianchi ra mắt lần đầu tại Nhà hát opera hoàng gia Vienna vào tháng ba năm 1883 trong một buổi biểu diễn từ thiện lớn. Khi Johann Strauss II đem phiên bản dàn nhạc đến Nga trong chuyến lưu diễn vào năm 1886, tác phẩm đã thu được thành công lớn. “Giọng Xuân” cũng được đón nhận nhiệt thành ở nước Ý trước khi trở về Vienna với nhiều phiên bản chuyển soạn khác. Sau này, ông cũng chuyển soạn “Giọng Xuân” cho đàn piano, ở hình thức này, tác phẩm cũng vượt ra ngoài phạm vi thành Vienna.

Quả thực đó là những giai điệu mùa Xuân đẹp như thiên nhiên vốn rực rỡ, và có sức lay động mạnh mẽ khiến tâm hồn người có thể bỗng chốc trở nên phơi phới vui tươi và hòa cùng đất trời tươi đẹp…Đó là sức mạnh kỳ diệu mà những tuyệt tác vĩ đại đem lại cho nhân loại, khi mà giọng ca tiếng đàn có thể đem lại một bầu sinh khí lấp lánh tươi mới cho cả lòng người và đất trời…

Đó là sức mạnh kỳ diệu mà những tuyệt tác vĩ đại đem lại cho nhân loại, khi mà giọng ca tiếng đàn có thể đem lại một bầu sinh khí lấp lánh tươi mới cho cả lòng người và đất trời

Ngọc Anh- Hà Phương Linh

Exit mobile version