Đại Kỷ Nguyên

Hương sắc Việt Nam: Ta của ngày xưa, đâu rồi nụ cười nắc nẻ lúc đánh đáo nhảy dây?

Hương sắc Việt Nam là món quà của ban biên tập Nghệ thuật Đại Kỷ Nguyên dành tặng những người con đất Việt gắn bó với văn hóa truyền thống nên thơ của nước nhà và mong muốn vẻ đẹp này được lưu giữ mãi không phai với thời gian…

Ở thời đại mà game máy tính và smartphone chi phối này, trò chơi dân gian là một ký ức xa xỉ, là một nét đẹp văn hóa tuy đã qua nhưng ta vẫn mong rằng có ngày sẽ trở lại, người ta chắc chắn sẽ tìm lại những giá trị trân quý ấy…

Người Việt Nam trong quá khứ là những con người đã từng quanh năm lam lũ với ruộng với đồng ‘bán mặt cho đất bán lưng cho trời’.

Rất chân chất, thật thà và tình cảm, chúng ta yêu quê hương mình, yêu những cánh đồng bạt ngàn lúa, yêu những tháng ngày bội thu, yêu những trưa hè nóng bức…

Chúng ta đã từng quý trọng tất cả những thứ nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày. Dẫu vất vả dẫu nghèo nhưng chúng ta đã sống thật vui vẻ. Các trò chơi dân gian cũng vì thế mà ra đời, sau những ngày làm việc vất vả, sau những tháng thu hoạch hay tới các dịp lễ hội lễ tết mọi người sẽ tụ họp lại và cùng nhau chơi các trò chơi dân gian.

Đến một ngày gần đây, những trò chơi từng được bao thế hệ say mê, yêu thích đã được tái hiện, mang nét văn hóa dân gian trở lại với cuộc sống hiện đại, gợi lại hoài niệm về một thành thị xưa của những thế hệ đi trước, đưa quá khứ lại gần hơn với thế hệ đi sau.

Giữa những bộn bề và ồn ã của cuộc sống, sự có mặt của những trò chơi dân gian giữa thành phố đã như một “luồng gió mát” vui mừng của việc chúng ta bắt đầu tìm lại những giá trị tốt đẹp xưa…

Kéo co

Kéo co là một trò chơi dân gian thông dụng và đơn giản, rèn luyện sức khỏe, thể hiện tinh thần đồng đội cao. Trong các hội hè hay dã ngoại, trò chơi này luôn hấp dẫn nhiều người tham gia.

Vào các dịp lễ tết, kéo co lại là một phần quan trọng trong các lễ hội cổ truyền. Từ vùng cao hay đồng bằng, thành phố hay nông thôn, chúng ta thấy những hình ảnh thật đẹp của kéo co đã thắp sáng nụ cười con trẻ…

Nhảy dây

Nhảy dây là một trò chơi dân gian vô cùng quen thuộc, đặc biệt là những vùng quê vùng nông thôn Việt Nam, trò chơi nhảy dây rất đơn giản chỉ cần một sợi dây là mọi người có thể tham gia.

Một trong những đặc trưng riêng biệt của trò chơi dân gian đó chính là tính cộng đồng cao.

Bởi vậy mà bất kể trò chơi dân gian nào cũng đòi hỏi sự tham gia của tập thể nó giúp gắn kết quan hệ giữ người với người trong cộng đồng, mang tính giải trí cao.

Đánh đu

Trò chơi dân gian ngày xuân, không chỉ mang tính chất vui chơi giải trí, mà đằng sau còn có ý nghĩa tâm linh, ý nghĩ nhân văn, là món ăn tinh thần của người dân Việt.

Là nét văn hóa độc đáo trong kho tàng dân gian Việt Nam. Trên một khoảnh đất rộng, sáu hay tám cây tre dài được chôn sâu đủ vững chắc để chịu được sức nặng của hai người cùng với lực đẩy quán tính. Hai cây tre làm cần đu nhỏ, vừa tay cầm được treo ở chính giữa.

Lên đu có thể là một hay hai người. Càng nhún mạnh thì đu càng lên cao từ bên nọ sang bên kia, nhiều khi đu bay ngang ngọn đu một vòng.

Ở nhiều nơi, người ta còn treo phần thưởng ở ngang ngọn đu để người đu giật giải. Như vậy, từ thế kỷ 12 đã ghi nhận sự thịnh hành của trò chơi dân gian này, qua đó cũng thấy được sự hoà nhập hết sức tự nhiên của đánh đu trong cuộc sống và lễ hội của người Việt.

Có nhiều loại hình thức và cách thức đánh đu, nhưng phổ biến và được ưa chuộng nhất là đánh đu đôi hay còn gọi là đu tiên. Theo đó, từng cặp hai người sẽ lên so tài đánh đu sao cho đẹp mắt và nhún bay lên một tầm nhất định để được tán thưởng.

Chơi quay

Từng vòng, từng vòng xoay tít, vui thú với những cú đánh lắc bổ nhào trúng quay của đối phương, cuộc sống của chúng dường như chỉ có vậy.

Con quay được tiện hay đẽo bằng gỗ, hình giống quả ổi; tuỳ theo từng địa phương, dân tộc mà con quay có thể có hoặc không có núm ở phía trên. Bên dưới thân quay có “chân” làm bằng gỗ hoặc bằng đinh hình chóp nón hoặc không có “chân”. Khi chơi, các em quấn dây một vòng quanh tu, sau đó quấn dần xuống thân.

Kẹp đầu dây còn lại có nút thắt vào giữa hai ngón tay để giữ dây, sau đó vung tay liệng hoặc bổ quay rơi xuống đất. Lúc này, theo quán tính con quay sẽ quay tít, gần như đứng yên, sau đó các em khác ra bổ quay hoặc cứu quay và xác định người thắng cuộc.

Chơi ô ăn quan

Băt nguồn từ những bài đồng dao của ông cha ta ngày xưa trò chơi ô ăn quan ra đời, bộc lộ sự khéo léo, khả năng tính toán nhanh nhẹn. Trò chơi khá nhẹ nhàng, nhiều lứa tuổi khác nhau đều có thể chơi. Bài đồng giao:

Hàng trầu hàng cau
Là hàng con gái
Hàng bánh hàng trái
Là hàng bà già
Hàng hương hàng hoa
Là hàng cúng Phật.

 

Chơi bắn bi

Là trò chơi phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Đây là trò chơi có công cụ đơn giản, cách chơi phong phú, thuận tiện nên có thể chơi cả trong nhà lẫn ngoài trời.

Ở Việt Nam, trò chơi này chủ yếu dành cho trẻ em, có từ hai người chơi trở lên. Trò chơi mà bất cứ bạn nhỏ nào cũng thích vừa là trò chơi giải trí vừa thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc

Chơi thả diều

Người xưa cho rằng, thả diều có thể xua đuổi tà khí và những điều rủi ro, xúi quẩy.

Họ ghi hết tên những loại bệnh dịch nguy hiểm lên trên thân diều, sau khi đã thả cho diều bay thật cao sẽ dùng kéo cắt đứt dây. Họ muốn nhờ gió đưa diều đến chân trời góc biển và đem theo những loại bệnh dịch này cách xa con người, tránh cho con cháu của họ thoát khỏi bệnh tật…

Không những vậy diều còn được các nhà sư dùng với ý nghĩa cầu sự yên bình tốt lành, do đó mỗi lần diều rơi các nhà sư đều làm lễ cúng bái để xua đuổi tà khí và cầu an.

Hay diều còn được coi là vật dâng hiến các đấng thần linh của vua và các quần thần trong những đêm trăng sáng. Cùng với sự phát triển của thời đại, ý nghĩa của việc thả diều cũng dần dần thay đổi

Chơi rồng rắn lên mây

Rồng rắn lên mây là trò chơi gắn với đồng dao nhằm rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp, có liên quan đến nghi thức cầu mưa của cư dân nông nghiệp: “Rồng rắn lên mây/ Có cây xúc xắc/ Có nhà khiển binh/ Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không…” .

Chơi đua thuyền

Từ xa xưa ở Việt Nam đã có đua thuyền. Đua thuyền ở nhiều nơi không phải là trò thi tài mà là hành vi thực hiện một nghi lễ với thủy thần, xuất phát từ tục cầu nước của cư dân nông nghiệp – tín ngưỡng phồn thực. Nó cũng là một nét đẹp văn hóa mà chúng ta cần phải gữi gìn.

Trò chơi nhảy bao bố

Nhảy bao bố là một trò chơi cần sự khéo léo và nhanh nhẹn, trò chơi cộng đồng đơn giản dành cho nhiều lứa tuổi khác nhau . Mỗi trò chơi dân gian đều mang một ý nghĩa khác nhau nhưng người Việt sáng tạo ra các trò chơi dân gian để giải trí sau những ngày làm việc mệt mỏi.

Chơi ném lon

Chỉ cần một chiếc lon thiếc, và một chiếc dép bất kì, là mọi trẻ em đều có thể tham gia trò chơi. Cách chơi vô cùng đơn giản, nhưng có thể khiến bọn trẻ chơi quên thời gian.

Một chiếc lon thiếc được đặt vào một cái khung kẻ ô sẵn, sau đó kẻ một vạch ngang cách lon 5 bước. Tất cả người chơi đứng ở phía chiếc lon, ném dép. Dép người nào sát vạch ngang sẽ được ném trước, dép ai xa vạch nhất sẽ phải giữ lon.

Những người còn lại, lần lượt đứng ở vạch ngang và ném lên sao cho dép trúng lon và văng ra khỏi khung kẻ. Khi đó, người ném lon phải nhặt dép và chạy về vạch, để người giữ lon không bắt được, thì xem như thắng cuộc.

Người giữ lon phải nhặt lon đặt vào khung, sau đó mới có quyền đuổi theo người ném lon. Nếu người giữ lon bắt được người ném lon, thì người ném lon thua, phải trở thành người giữ lon. Trò chơi cứ thế tiếp diễn…

Chơi chuyền

Chơi chuyền là trò chơi dân gian của người Việt, mọi lứa tuổi có thể chơi, tuy nhiên để chơi được trò chơi này phải có đôi bàn tay thật khéo léo nhanh mắt nhanh tay.

Cầm quả ở tay phải tung lên không trung và nhặt từng que. Lặp lại cho đến khi quả rơi xuống đất là mất lượt. Chơi từ bàn 1 (lấy một que một lần tung) bàn 2 (lấy hai que một lần) cho đến 10, vừa nhặt quả chuyền vừa hát những câu thơ phù hợp với từng bàn. Một mốt, một mai, con trai, con hến,… Đôi tôi, đôi chị… Ba lá đa, ba lá đề v.v.

Hết bàn mười thì chuyền bằng hai tay: chuyền một vòng, hai vòng hoặc ba vòng… và hát: “Đầu quạ, quá giang, sang sông, trồng cây, ăn quả, nhả hột…” khoảng 10 lần là hết một bàn chuyền, đi liền mấy ván sau và tính điểm được thua theo ván.

Mỗi người Việt Nam chúng ta đều có trách nhiệm giữ gìn văn hóa truyền thống và phát huy văn hóa truyền thống của quê hương. Ngày nay khi “thế giới phẳng” lên ngôi thì những vốn văn hóa vốn có của chúng ta đang dần dần bị quên lãng và mai một.

Nhưng, trong sâu thẳm mỗi người, văn hóa truyền thống lại chính là gốc rễ tâm hồn ta, nơi đó ta được vun bồi tình yêu quê hương, để tâm hồn được vỗ về mãi mãi giữa sóng gió khắc nghiệt của cuộc đời…

Di Hân- Hà Phương

Exit mobile version