Đại Kỷ Nguyên

Hương sắc Việt Nam: Tôi sao mãi là đứa trẻ dại khờ cứ mong nhớ mùa nước nổi?

Hương sắc Việt Nam là món quà của ban biên tập Văn hóa-Nghệ thuật Đại Kỷ Nguyên dành tặng những người con đất Việt gắn bó với văn hóa truyền thống nên thơ của nước nhà và mong muốn vẻ đẹp này được lưu giữ mãi không phai với thời gian…

Đã lâu rồi quê tôi không có nước nổi. Tôi vẫn thèm nhớ, khát khao mong được trở về ngày xưa có những mùa nước nổi như một đứa trẻ dại khờ. Vâng, chỉ có những đứa trẻ dại khờ mới mong nước nổi.

Mùa nước nổi, quê tôi thành biển cả mênh mông, biển quê tôi mang màu nâu đỏ, mỗi nhà nổi lên như một hòn đảo xanh bập bềnh trên mặt nước, đẹp như tranh thuỷ mạc. Các hòn đảo đều thơm lừng hương ổi, hương ngâu.

Đó là mùa tháng sáu, tháng bẩy khi những trận mưa mùa hạ trút không ngớt xuống đất lành. Nước đổ về suối, suối chảy về sông, nước cuồn cuộn dồn ra biển.

Nước chảy không kịp lừ lừ lên tràn ngập đôi bờ cuốn đi hoa màu và sự thanh bình êm ả. Quê tôi thuộc vũng bãi bồi ven sông, không mùa lũ nào thoát nước. Nghe đài báo lũ lên, cấp 1 rồi cấp 2, cấp 3 cả làng xôn xao náo động. Người người cuống lên lo đong gạo, mua muối, mua vừng.

Người già trầm tư theo dõi con nước dừng hay nhảy, trẻ con háo hức đo nước chậm hay mau. Nước lên nhanh, chúng reo hò vui sướng rủ nhau sắm cần câu, sắm vó.

Đối với tuổi nhỏ, chẳng có gì khoái bằng được ngồi trên giường mà cất vó, mà câu cá. Nước lên, khắp nơi cành cạch sửa thuyền, trát thúng, lợn gà eng éc, quang quác ầm ĩ.

Người người lo hái ngâu, vây cá, chạy đồ, mặt cứ méo đi. Bọn trẻ con thì mặt nở như hoa, tươi hớn hở đi xúc cua, vớt ốc nhồi, đâm chuột, đuổi rắn, đua thuyền các kiểu.

Tôi và thằng Hoan em tôi, mang thuyền ra khu ao bèo to nhất làng chổng mông hì hục xúc. Sao mà lắm cua ốc đến thế, một tiếng đồng hồ mà được hẳn những một xô.

Hai đứa hí hửng mang về bị bà mắng cho một trận. Ai lại ra bãi cồn mà xúc cua bao giờ chứ, có mà ma nó dìm, nghe mà phát khiếp. Tối hai đứa mở xô ra xem thì eo ôi, toàn đá là đá. Từ đó cạch.

Cạch xúc cua thôi chứ đi chơi ăn trộm ổi thì thật tuyệt. Không hiểu sao ổi nhà mình ăn chả ngon mà ổi nhà người ta lại ngon đến thế.

Một lũ năm sáu đứa chèo thuyền chui vào vườn ổi nhà bà Bao vin cành đu lên. Thằng Vang vừa leo lên cây thì thuyền dềnh ra hãi quá kêu ầm ĩ. Thế là bà Bao kịp thời xuất hiện, chống hai tay vào hông ”hát” cho nghe một trận vang động cả xóm làng.

Mùa nước nổi là mùa của bao thứ quả. Chào mào, chích choè suốt ngày chao chát cãi nhau ngoài vườn ổi, vườn roi.

Roi đỏ hồng, ổi vàng ươm, trắng ngà lúc la, lúc lỉu soi bóng trên mặt nước. Chanh, cam xanh bóng, căng tròn từng thuyền, từng thuyền lũ lượt lên đê để toả đi khắp ngả.

Nhà nào có vải, nhãn thì phải thức suốt đêm kéo ống bơ đuổi dơi, đuổi chuột. Hoa ngâu, hoa hoè rụng vàng mặt nước khiến cho lũ rô ron, lòng cờ mải mê bận rộn đớp mồi.

Nước lên, tôm cá cũng lên, vẫy vùng trên ngõ, trên sân, trên vườn ăn cỏ, ăn màu. Chúng tha hồ chu du trên lãnh thổ mới thưởng thức của ngon vật lạ.

Kiến kềnh, kiến càng, mối con, mối chúa kéo nhau lên làm tổ trên mái nhà và cành cây cao. Rắn, rết, chuột cũng bảo nhau leo lên nơi trú ngụ mới.

Tối, trèo lên giường đi ngủ tôi vớ ngay phải một con rắn vội nhảy tùm xuống nước hét ầm lên. Bố soi đèn pin, một chú cạp nong lặng lẽ định chuồn, bố phang cho một gậy, hú vía…

Nhà bà Ba bên cạnh thấp hơn nhà tôi, nước lên chạm tới mái, phải bắc cánh cửa lên xà nhà mà ngủ. Nửa đêm chợt có tiếng kêu làng từ nhà bên, bố mải mốt chèo thuyền sang thấy mấy mẹ con đang khóc mếu, lặn ngụp trong nhà tối om mò thằng Tí.

Bố soi đèn, thằng Tí vẫn khò khò trong chăn. Lúc ấy vỡ nhẽ ra, cả nhà ôm bụng cười vì nghe nhầm tiếng cái bình lăn tõm xuống nước. Đêm nước nổi, cả làng ngủ không yên, nhưng với tôi đêm nước nổi thật là tuyệt.

Đêm, nghe tiếng uồm uồm từ xa vọng lại, bà thở dài não ruột. Hãi quá, tôi rúc vào lòng bà, chòi đầu gối lên cánh tay khẳng khiu mà hỏi: ”Bà ơi, con gì kêu to thế?”. ”Ễnh ương đấy con ạ, nó còn kêu thì nước còn to.

Nó là thần gọi nước đấy”. ”Ôi bà, con thì lại mong nước thật lâu để còn được đi thuyền cho thoả thích. Tôi căng mắt nhìn thật sâu vào màn đêm đen sóng sánh, lung linh những vì sao cố tìm con thuyền tuổi nhỏ.

Tiếng ếch kêu râm ran khắp nơi, tiếng sóng vỗ rì rầm quanh nhà, thỉnh thoảng lại có tiếng ”lõm bõm” của những trái ổi quá tầm chín rụng.

Hương ổi ngọt ngào, hương ngâu ngan ngát, mùi phù sa ngai ngái lành lạnh thấm đẫm trong đêm. Gió xào xạc, những cánh chim giật mình chao chát, tiếng dơi ăn quả vỗ cánh phành phạch.

Rồi tiếng lách cách của thuyền đánh cá, tiếng vi vu của sáo diều… Đêm nước nổi, mênh mang sâu lắng mà thân thương kỳ lạ. Nằm trong lòng bà tôi cảm thấy mọi thứ xung quanh đối với tôi đều gần gũi, đáng yêu hơn bao giờ hết.

Vì bố mẹ bận công tác, bà đón tôi về khi tôi mới chập chững biết đi. Đã qua bao mùa nước nổi được rúc trong lòng bà mà nghe những câu chuyện cổ tích về trời đất, mây mưa, về con Cóc là cậu ông Trời mà bây giờ tôi mới thấu hiểu nỗi chìm nổi, lo toan, sự hy sinh vất vả của bà.

Có những đêm trăng sáng, chúng tôi chèo thuyền đi chơi. Gió mát, trăng thanh, sóng vỗ dập dềnh cả bọn lăn ra ngủ. Đêm, còn vẳng tiếng gọi của bà, rồi tiếng người nọ chuyền người kia trên mặt nước.

Bà ơi, con làm sao biết được nỗi lo thắt ruột của người, để đến bây giờ, đêm đêm nghe tiếng ếch kêu con lại ứa nước mắt.

Mùa nước nổi, nhà nọ thăm nhà kia bằng thuyền, đi chợ bằng thuyền, đám ma, đám cưới cũng bằng thuyền. Chiếc thuyền là phương tiện giao thông tuyệt vời nhất.

Nhà nào ít thuyền chặt thêm cây chuối đóng bè, đóng mảng để đi lại và kê đun nấu. Nước vọng, đứa nào cả gan mang thuyền đi chơi xa, mẹ gọi, cả làng nghe thấy, chui ở đâu cũng phải bò về.

Nước đập, chỉ khổ những nhà trát vách đất, suốt ngày phải canh chừng những đứa trẻ rửng mỡ đua thuyền quanh đó. Nước bẩn, cả làng toét mắt, thối chân tay.

Rửa bát, vo gạo, rửa rau, đi lại bì bõm trong nhà. Xoong nồi, dép guốc trôi lềnh bềnh lẫn trong rác rưởi. 

Ngoài vườn, đu đủ đã rũ lá, cây cối đã nhạt màu xanh, cây lung lay, cây đổ kềnh thì nước rút. Nước rút tới đâu, sa đọng tới đó. Sa đóng hàng gang tay trên nền nhà, bám đầy tường, cột.

Những cây yếu, ngắn ngày vàng vọt chết dần. Cây dài ngày có màu mỡ phù sa đền đáp sau một thời gian hồi sức lại, xanh non mơn mởn.

Cuộc sống mới bắt đầu, tuy khó khăn nhưng rất nhanh khắc phục. Nhũng đứa trẻ đã mệt nhoài ra vì nước, chuẩn bị tấp tểnh tới trường. Cây cối, ruộng vườn có phù sa màu mỡ tiếp tục vươn lên đơm hoa, kết trái ngọt ngào.

Sau trận bão lũ lịch sử năm 1996, quê hương tôi bị tàn phá nặng nề. Đầu năm 1997 xã tiến hành nâng cấp bồi trúc tuyến đê bối nằm sát sông Hồng với chiều dài bảy km.

Mỗi năm tuyến đê của xã lại được cơi cao thêm, to lừng lững xấp xỉ đê quốc gia. 

Cây cối không còn cảnh chết rũ từng đợt như trước, xanh tốt bởi bao thứ phân vi sinh, vi lượng. Chim chóc kéo nhau về làm tổ, ca hát quanh năm.

Dân làng yên tâm đào ao, thả cá, bòn bới bốn mùa không còn cảnh mất vườn, mất ao như trước nữa. Môi trường sạch sẽ hơn với giếng khoan, bể lọc, đường đất bê tông hoá, nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ.

Bọn trẻ con rồi đây có khi không biết chiếc thuyền như thế nào, trong giấc mơ của chúng chỉ có những cánh diều trôi trên sông lộng gió. Chúng sẽ tròn mắt ra mà xem những cảnh lũ lụt trên ti vi mà không biết rằng quê mình xưa kia cũng có.

Nhưng dù xa mấy, dù ngây ngô, sao tôi vẫn cứ yêu mùa nước nổi. Đó là những kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ nhất của tuổi thơ, của quê hương đối với tôi.

Thúy Hằng 

Exit mobile version