Đại Kỷ Nguyên

Khách thơ qua vạn dặm, tìm Thi Pháp muôn đời

Anh là người thích làm thơ, chắc chắn rồi! Anh là người rất yêu thơ, cũng chắc chắn rồi! Anh làm được nhiều thơ, chắc chắn! Nhưng, thơ anh làm có hay không, có chuẩn không? Hãy nghe anh bộc bạch:  

Ai đó hỏi: Bạn biết làm thơ à?!

Tôi hay cười trả lời vui lại: Tôi biết ‘làm loạn’ thôi.

Nhiều khi đăm chiêu suy nghĩ: Liệu mình biết làm thơ chăng? Vì mình đâu có biết gì nhiều về niêm luật, bằng trắc, và cũng đâu có am hiểu gì nhiều về thơ. Chỉ là đôi khi phẫn chí, hợp cảnh sinh tình ngâm ngợi một câu thơ. Mà toàn là thơ kiểu cổ khó hiểu cả. Liệu rằng mình đã thực sự hiểu thơ chưa?

(Ảnh: pinterest.com)

Thì ra thơ với mình nó tự nhiên, như người ta sinh ra cần ăn uống hít thở. Có một thời gian, cảm thấy thơ văn thì vô nghĩa, mà cuộc sống kim tiền đảo điên ngoài kia mới thực tại, ngẫm phận uất mình,

Thực là:

Người người công thành danh toại. Ta ngồi cắn bút với câu từ.

Nghĩ mình vô dụng chẳng đâu ra đâu mà định bẻ bút, đoạn tuyệt, không bao giờ viết một câu nào nữa. Nên chăng?

Nhưng không phải. Sau mới biết thân người là có vận, sinh ra ngày tháng năm nào, giờ nào, gia đình ra sao, tướng tay tướng mặt, v.v… hết thảy đều đã có định số. Có cưỡng cầu cũng không nên không thành được. Mà vận mạng đến, có trốn tránh cũng chẳng xong nào. Nên khiêm cung, thuận mình với tự nhiên thì hơn vậy. Sống thành thiện là được rồi, phần còn lại phải do trời xanh xét đức mà an bài, mình cũng không thể tự quyết.

Thì thơ ở đó, như bầu bạn, tri kỷ, như thư đồng của kẻ lãng khách chốn giang hồ phong sương, như thanh lợi kiếm của người xông pha trận mạc. Ta đi đâu, thơ theo đó. Ghi lại cùng ta hết thảy chuyện trong đời.

Nhiều người làm thơ buồn. Nhiều người làm thơ vui. Nhiều người làm thơ tình yêu, thơ cuộc sống. Thảy đều đáng trân trọng cả. Nó là tài năng, lại là tâm huyết. Nhưng trong 4 thứ tài năng mà người xưa cần có, Cầm Kỳ Thi Họa, tuy là phân ra làm tư mà có đạo lý chung của nó.

Đàn, lắng nghe làm cho người ta cảm thấy đầu óc quân bình và nhẹ nhàng, “buồn nhưng không đau khổ”, “vừa ý nhưng không quá mức”.

Cờ: Trí mà bất tranh, mưu mà lại hòa, đánh không cầu thắng, mà cầu đạt đến Kỳ Đạo.

Thơ: Lấy thực mà phù Đạo, quán cổ thông kim, lựa từ chọn vần kết thành sử đoạn, phù Thiện trừ ác, nêu cao chính khí, chính nghĩa.

Thơ làm bạn tri kỷ tương thông. (Ảnh: pinterest.com)

Vẽ Tranh: Khải bút tạo hình, hài hòa Thiên Địa Nhân tam tài, 4 mùa, vạn sự vạn vật.

Thì ra đó chính là hình thức để tu dưỡng nhân tâm. Đàn không lấy vui mà là hàm dưỡng, Cờ không tranh mà Kỳ đạo tinh tấn, Thơ không phải múa bút khua môi làm cho thỏa thích mà chính là thể hiện chí khí phù trợ Đại Nghĩa, diệt trừ ác tâm. Tranh vẽ làm hài hòa vạn vật, lưu lại khung cảnh thần diệu từ ngàn xưa qua nét mực và tâm hồn.

Làm thơ rất kỵ cẩu thả, nhưng cũng kỵ cứng nhắc khô khan, tối kỵ khoe mẽ hướng ngoại, cũng kỵ sự trầm tư ưu uất, thiếu nét khoáng đạt. Kỵ lòng phiền loạn, kỵ ý miên man, kỵ tâm không định, câu dứt ý đoạn thì không thể thành thơ hay được. Thư pháp có bút đoạn mà ý bất đoạn, thơ cũng tương tự vậy. Kỳ thực gieo vần làm thơ thì dễ, mà nội hàm của thơ có sâu sắc, ý có như hành vân lưu thủy hay không, đương nhiên cần ở nội hàm của chính bản thân con người tác giả.

Thơ có niêm, luật như người có Lễ. Lễ là cách hành xử của người với người, hợp lễ thì dễ gần mà không sai sót, trái lễ thì dễ sai lầm mà thành ra chỗ thất lễ.

Nhưng Lão tử lại có câu: “Đạo mất rồi mới có Đức, Đức mất rồi mới có Nhân, Nhân mất rồi mới có Nghĩa, Nghĩa mất rồi mới có Lễ. Lễ là biểu hiện suy vi của trung hậu thành tín, là rường mối của hỗn loạn”.

Có lễ thì không sai. Nhưng quá câu nệ lễ nghi mà không hiểu được cái gốc của nó, dễ như ngồi trên ngọn cây đếm lá mà lúc nào cũng sợ gió lay vậy. Làm thơ niêm luật được chỉnh đó là giỏi, nhưng thoát được ý, bao hàm lấy thiên địa phong vân, làm con người ta thoát ra khỏi bon chen mà gần đến được Đạo lý mới là căn bản nhất.

Cũng như câu thơ của Lý Thái Bạch:
“Xử thế kỵ thái khiết” (Xử thế tối kỵ thanh bạch thái quá)

Tâm người tuy có một nắm mà mênh mông vô tận, Chí người tuy vô hình mà kiên định vô cùng. Nếu cứ muốn nhốt nó lại trong một căn phòng năm thước, sợ rằng không thể nào nhốt nổi.

Bảy tuổi tập làm thơ
Ba mươi vài tuyệt bút
Thơ hay chỉ tình cờ
Trong tâm hồn chăm chút

(Ảnh: pinterest.com)

Gió cuốn trong câu từ
Sóng gầm trên đầu bút
Lòng không ham làm thơ
Mới thành ra tuyệt bút
Xin đừng quá mong chờ!

Vạn Lý Khách

Exit mobile version