Đại Kỷ Nguyên

Khám phá bí ẩn về ngọc và nghệ thuật chạm khắc ngọc tinh túy của người xưa

Ngọc trong tiếng Hán là gồm chữ Vương và dấu phẩy trên đầu, ngụ ý rằng ‘ngọc’ biểu thị cho sự giàu sang, quyền quý, uy lực và sự trường tồn. Trong văn hóa của người Trung Hoa cổ xưa, thì chỉ những bậc quân vương, những người giàu có mới mang ngọc trong người. Vậy vì đâu mà ngọc trở nên quý như vậy?

Bí ẩn về ngọc và kĩ thuật chạm khắc ngọc đã có từ cách đây 6000 năm lịch sử. Ngọc ở trong đất sâu thẳm, từ vài nghìn năm đến vài triệu năm, trong ngọc chứa vô số khoáng chất vi lượng, hấp thu linh khí nhật nguyệt tinh thần nên gọi là tinh hoa.

Vẻ đẹp kỳ diệu của ngọc (Ảnh: pixabay.com)

Câu chuyện về ngọc mang theo cả máu và nước mắt.

Khoảng 300 năm trước công nguyên, ở nước Sở, vào thời Lệ Vương, có Biện Hòa là 1 thường dân may mắn tìm được 1 hòn đá tảng, ông ta biết chắc bên trong là loại ngọc cực quý nên đi hiến cho vua để tỏ dạ trung thành. Lệ Vương nhìn thấy hòn đá thô thiển, có ý xem thường, bèn bảo 1 viên thái giám đập ra mài thử xem thật giả. Tên thái giám này sợ Biện Hòa có công dâng ngọc sẽ được sủng ái hơn mình nên bảo là đồ giả, khiến Biện Hòa bị chặt mất 1 chân.

Ít lâu sau, Lệ Vương băng hà, Vũ Vương kế vị. Biện Hòa lại xin vào dâng ngọc, viên quan được vua sai thử ngọc có tư thù với ông nên lại tâu là đồ giả, khiến Biện Hòa bị chặt nốt chân kia. Quá uất hận, Biện Hòa ôm tảng đá, lao đầu vào tường toan tự tử, Vũ Vương ngăn lại, cho người đập vỡ tảng đá, đích thân xem xét phiến ngọc và nhận ra nó cực kỳ quý giá. Nhà vua hối hận nhưng đã muộn, vì Biện Hòa đã tàn phế, máu của ông đã loang đỏ khắp sân triều. Khi quan sát phiến Ngọc từ bên trong có những tia vân như những tia máu của Biện Hòa, nên viên ngọc quý này được gọi là “Biện Hòa bích ngọc” hay “Hoà thị bích” – viên ngọc đẫm máu trong lịch sử Trung Hoa.

Biện Hòa dâng ngọc quý (Ảnh: tinhhoa.net)

Người Trung Hoa cổ đại đã phát hiện ra ngọc có thể trị bệnh và gìn giữ sắc đẹp.

Không chỉ là vật quý hiếm, nhiều người còn cho rằng, ngọc cổ ẩn chứa những công năng huyền bí.

Câu chuyện về ngọc có tác dụng trong điều trị bệnh được danh y Lý Thời Trân nhắc đến trong cuốn “Bản thảo cương mục”… Ngọc gối ở đầu, giúp cho đầu óc được minh mẫn, thanh tỉnh, và đặc biệt giúp chủ nhân có một giấc ngủ ngon do đó xưa kia các bậc đế vương hoàng tộc, thường dùng các khối ngọc quý (phổ biến nhất là mã não) để chế tác thành gối gối đầu, hoặc làm mũ đội… hầu như các vị vua có tuổi thọ cao, đều dùng ngọc làm gối để ngủ để giữ cho họ có một giấc ngủ sâu và trí nhớ minh mẫn..

Lịch sử xưa kia ghi chép về vẻ đẹp giữ mãi tuổi thanh xuân của Từ Hy Thái hậu. Bà giữ được sự tươi trẻ cho đến khi sắp qua đời là nhờ có khả năng kỳ diệu của ngọc thạch.

Từ Hy Thái hậu đã dùng ngọc để giữ nét thanh xuân tới cuối đời (Ảnh: tinhhoa.net)

Bà được một nhà sư Lạt ma bí mật chỉ cho cách dùng ngọc để giữ gìn sắc đẹp. Cách đó rất ly kỳ như sau:

Muốn cho làn da mãi mãi tươi nhuận, dù già mà vẫn không có nếp nhăn thì dùng ngọc trai nấu nhừ, tán nhuyễn, pha với sữa của phụ nữ có con so rồi thoa lên mặt, lên da ở bất cứ đâu mỗi buổi sáng tối như ngày nay phụ nữ thoa kem dưỡng da.

Hoạt chất đặc biệt ở ngọc trai sẽ giúp duy trì sự tươi trẻ. Điều này đã được chứng minh, Từ Hy sau này khi đã trên 60 tuổi nhưng nhan sắc vẫn còn như người ở tuổi thanh niên.

Câu chuyện cũng lưu truyền rằng lúc qua đời ở tuổi 70, nhan sắc của bà vẫn còn tươi tắn. Người ta khẳng định rằng, có được nhan sắc đó là nhờ vào tính năng ưu việt của ngọc thạch. Nguyên là lúc nào trong người của bà Từ Hy cũng mang theo hai viên bạch ngọc thuộc loại quý hiếm nhất, chúng có kích cỡ to bằng quả trứng. Chính các Lạt ma đã bảo đảm với Thái hậu rằng, khi nào bà còn giữ được hai viên bảo ngọc đó trong người thì sinh lực sẽ luôn dồi dào, ngọc sẽ đẩy lùi được mọi bệnh tật…

(Ảnh: aliexpress.com)

Ngọc giữ cho thân thể được nguyên vẹn khi chôn cất.

Trong tập tục chôn cất các bậc vương, quân, những đại quan có chức sắc lớn, người ta thường chôn kèm theo những viên ngọc, sau này giới khai quật mộ cổ vô cùng ngạc nhiên khi trong những ngôi mộ đó, thân xác của người chết được giữ nguyên vẹn, mặc dù họ không thực hiện bất kỳ một chất ướp xác nào. Điều này làm cho giới khoa học không thể lý giải được.

Một trong những ngôi mộ cổ được khai quật gần đây ở miền trung Trung Quốc, người ta tìm thấy có nhiều báu vật trong đó có nhiều ngọc thạch. Có một điều kỳ lạ mà khoa học chưa chứng minh được là: Những huyệt mộ có nhiều ngọc thạch chôn theo xác chết thì điều lạ lùng là các xác chết đó vẫn còn nguyên vẹn dù đã được chôn cất hơn 2.000 năm.

Huyệt mộ chôn xác chết có ngọc sẽ giữ cho thân thể không bị phân hủy (Ảnh: dkn.tv)

Điển hình như trường hợp hoàng tử Xương Ấp Vương Lưu Hạ và vợ là Tôn Vãn thuộc triều Hán đã được chôn cách đây 2.000 năm. Khi khai quật, những người chứng kiến đã vô cùng kinh ngạc bởi hai xác chết vẫn còn nguyên vẹn chẳng khác gì các xác ướp trong hầm mộ của Ai Cập cổ đại. Những ngôi mộ đó rất nhiều ngọc đủ các loại. Sau khi nghiên cứu kỹ, các nhà khai quật cho rằng: Ngọc thạch đã giữ được sự nguyên vẹn của xác chết.

Người Trung Quốc cho rằng, những viên ngọc này là vô giá và cực kỳ linh thiêng bởi chúng không phải là những viên ngọc thông thường mà là những viên ngọc đã thấm máu và linh khí từ cơ thể người, hay nói đúng hơn là đã thấm hồn người chết.

Một điều lạ nữa là: Sau một thời gian dài những viên ngọc được chôn dưới mồ, khi đào lên chúng sẽ có những biến đổi khác thường: bạch ngọc màu trong suốt chuyển sang màu trắng đục hơn và từ bên trong ửng lên những vân màu hồng giống như những sợi chỉ máu. Cẩm thạch từ màu xanh lục biến đổi sẫm hơn ửng hồng như nhuộm với máu. Riêng hồng ngọc, hoàng ngọc, lam ngọc…thì màu sắc cũng có sẫm thêm, nhưng khi đặt dưới ánh mặt trời hay ánh sáng đèn, nó rực lên một thứ ánh sánh lung linh kỳ dị như từ một cõi u minh  mê hồn nào đó.

(Ảnh: china.com)

Ngọc được dùng để trấn yểm, tế thế đất trời

Trong sách Chu Lễ có viết: “Lấy khối ngọc chế tác thành 6 loại đồ ngọc rồi dùng tế trời đất và tứ phương, được gọi là “lục khí”. Dùng Bích tế trời, dùng Tông tế đất; lấy Thanh Khuê để tế phương Đông, lấy Xích Chương để tế lễ phương Nam; lấy Bạch Hổ để tế phương Tây, lấy Huyền Hoàng để tế phương Bắc”.

Hơn 2.000 năm trước, nhà Tây Chu đã bước đầu hoàn thiện và phát triển chế độ dùng ngọc trong các tầng lớp quan lại, quý tộc. Người thời đó đã cho rằng, ngọc là vật quý, hội đủ 5 đức tính cơ bản của con người gồm: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín và do đó, ngọc rất được tôn sùng.

(Ảnh: Vcone shop)

Độ bóng, mịn lâu dài của ngọc tượng trưng cho nhân nghĩa và sự kín đáo của người quân tử.

Độ cứng và trong suốt của ngọc tượng trưng cho phẩm cách trong sáng, cao thượng.

Tầng lớp quý tộc đều đeo ngọc trên người để thể hiện đạo đức và địa vị của mình. Việc sử dụng ngọc cũng dần thể hiện đẳng cấp khác nhau.

Sau đời Đông Chu, đất nước Trung Quốc chia làm hai giai đoạn lớn là Xuân Thu (từ năm 770 trước Công nguyên đến năm 476 trước Công nguyên) và Chiến Quốc (từ năm 403 trước Công nguyên đến năm 221 trước Công nguyên). Trong thời gian gần 600 năm của hai thời kỳ này, nhiều cuộc chiến đã nổ ra giữa các nước chư hầu để tranh giành quyền bá chủ, xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ có nhiều biến động, có nhiều luồng tư tưởng và phong cách nghệ thuật trong việc sử dụng và chế tác ngọc được hình thành, tạo nên sự phong phú đa dạng và một phong cách rất riêng trong kĩ nghệ chế tác đồ ngọc.

(Ảnh: phongthuybenthanh.com)

Ngọc có ý nghĩa quan trọng trong phong thủy

Ngọc và đá quý thạch anh là những khoáng vật kết tinh từ lòng đất, nó kết tụ tinh khí của Thổ. Ngọc và đá quý thạch anh luôn hàm chứa những năng lượng rất mạnh, có dương khí tốt tùy theo từng chủng loại.

Khoa học cũng chứng minh thạch anh có năng lượng dao động nội tại rất mạnh, thường được ứng dụng trong công nghệ vũ trụ và điện tử. Nhưng ngọc và đá quý thạch anh lại là những vật có thể sử dụng để đeo bên mình hoặc trang trí bên trong nhà để gia tăng cát khí.

Ngọc Thạch Anh (Ảnh: phongthuycongty.com)

Trong phong thủy, ngọc và đá quý thạch anh thường được chế tác thành các sản phẩm có ý nghĩa về văn hoá phương Đông như hình các linh vật, tượng thần tài… Ngoài ra, phần lớn các dạng khối hình cầu, hình lục lăng nhọn với các ý nghĩa khác nhau về âm dương và ngũ hành.

Sao Bát Bạch thuộc quẻ Cấn, hành Thổ làm chủ vận trong khoảng từ năm 2004 đến 2023, vì vậy những vật phẩm phong thủy sử dụng bằng ngọc và đá quý thạch anh thời kỳ này càng có vượng khí lớn hơn bao giờ hết. Những cách thức ứng dụng có thể tiến hành cho phù hợp với thuật phong thủy là điều mà được người ta hết sức chú ý.

(Ảnh: tinhhoa.net)

Chạm ngọc là đỉnh cao nghệ thuật, nghệ nhân là những người có trí tuệ đặc biệt.

Vào đời vua Càn Long, nghệ nhân chế tác đồ ngọc Dương Châu đã chạm khắc nhiều tác phẩm ngọc độc đáo với tên gọi ‘ngọc non bộ’, mang hình ảnh thu nhỏ của núi non, đình đài, lầu các vào khối ngọc bằng nhiều kỹ thuật chạm khắc như khắc nổi, khắc chìm, điêu khắc lập thể, chạm rỗng…

Chạm khắc ngọc non bộ là công việc khó nhất trong chế tác đồ ngọc. Nếu không được truyền dạy kinh nghiệm chạm khắc và có công cụ đặc biệt hỗ trợ thì các nghệ nhân khó chạm khắc được hình ảnh đẹp trên khối ngọc lớn. Lúc bấy giờ chỉ có nghệ nhân chế tác ngọc Dương Châu mới có khả năng tạo tác núi non bộ.

(Ảnh: tinhhoa.net)

Đối với chạm khắc ngọc non bộ, thì đòi hỏi người nghệ nhân phải có trí tưởng tượng phong phú, và quan trọng hơn nữa là biết phối hợp và sử dụng màu sắc của mỗi viên ngọc để tạo dáng, thực hiện chạm khắc trên đó. Làm sao bộc lộ được ý tứ non nước trong tầm tay, và tận dụng được vẻ đẹp hoàn toàn tự nhiên từ viên ngọc.

Để chạm khắc được những viên ngọc từ một khối ngọc thô ban đầu, người ta sẽ phải cắt nhỏ, mài, giũa, chạm khắc chi tiết cẩn thận, tỉ mỉ và công phu.

(Ảnh: dwnews.com)

Chính vì vậy mà nghề chạm ngọc là một bí quyết được lưu truyền trong mỗi gia đình qua các thế hệ, bí quyết đó không được truyền ra ngoài. Bởi vậy mà đỉnh cao của nghệ thuật thời xưa vẫn còn được lưu giữ và phát triển tới ngày nay, nó mang những nét riêng và kĩ nghệ riêng của mỗi người, tượng trưng cho một dòng tộc.

Tịnh Tâm

Exit mobile version