Chúng ta ai cũng biết đến nhóm những con vật trong tứ linh. Việt Nam trải qua 1.000 năm Bắc thuộc nên những hình ảnh đó ảnh hưởng nhiều tới văn hóa, nghệ thuật của người Việt cổ. Nhưng có một hình ảnh mang đậm chất Việt, đó là hình tượng con Nghê. Tại sao hình tượng Nghê lại ảnh hưởng tới nghệ thuật tạo hình cũng như kiến trúc của người Việt cổ? Nghê có gì khác biệt với tứ linh trong văn hóa Trung Hoa?

Trong đời sống của người dân Việt, hai con thú được coi như những người bạn thân thiết, gần gũi và quan trọng nhất là con trâu và con chó. Trâu để cầy ruộng, giúp tăng gia sản xuất lúa gạo, chó để giữ nhà, phòng kẻ gian, phòng thú dữ. Chó là con vật trung thành và dũng cảm. Để hình tượng hóa con chó trở thành con vật linh thiêng như là đánh giá về vai trò của chó và có ý nghĩa nhất định trong tâm linh, người ta đã xây dựng hình ảnh con Nghê, có nét giống với chó, nhưng lại không hoàn toàn giống chó. Người Việt cổ gọi đó là chó hóa linh.

Chó đá được dựng lên vì thế. Ở làng quê miền Bắc Việt Nam, trước cổng làng bao giờ cũng có một con chó đá để bảo vệ cả làng, trước cổng đình bao giờ cũng có chó đá, và trước cổng nhà hay ở ngoài đầu hồi, ngoài cửa nhà cũng thường có chó đá ngồi trước canh giữ cho gia chủ. Những con chó đá này hình dạng thay đổi, cao khoảng từ nửa thước tới một thước, thường là những tảng đá được khắc đẽo rõ ràng oai vệ, nhưng có khi chỉ là một khối đá đặt nghiêng theo dáng một con chó đang ở thế ngồi canh giữ.

Rồi để bầy chó đá hoá linh trước điện thờ, hay bàn thờ ở những nhà giàu có, ở các đình chùa đền miếu, chó đá được khắc đẽo với những chi tiết oai vệ, đầu chó, mặt chó đầy những nét uy nghiêm. Vì linh thiêng như thế, nên được gọi là con Nghê.

Nghê có ảnh hưởng rất sâu đậm tới nghệ thuật tạo hình và kiến trúc đình, chùa, lăng tẩm của người Việt.

Nghê – con vật biểu trưng mang yếu tố huyền thoại, dũng mãnh, thiên biến vạn hóa,  tượng trưng cho trí tuệ, là biến thể từ sư tử và chó dữ, có sức mạnh như chúa tể muôn loài.

Có rất nhiều câu chuyện về sự biến hóa của Nghê như khi nghê hóa rồng biểu tượng cao cho quyền lực chính trực; khi nghê có mình chó thể hiện lòng trung thành; khi nghê có đuôi vút cao liên tưởng đến ngọc như ý; khi nghê đội giá sớ hay bài vị, thường toát ra vẻ cam chịu; khi nghê ngậm ngọc biểu tượng độc đáo của sự khôn ngoan suy nghĩ kĩ lưỡng, cận trọng trong lời ăn tiếng nói.

Nghê – con vật biểu trưng mang yếu tố huyền thoại, dũng mãnh, thiên biến vạn hóa,  tượng trưng cho trí tuệ. Ảnh: Tạp chí Kiến Trúc.

Khi nghê đứng chầu hai bên khán thờ vẻ uy nghiêm; khi nghê đeo lục lạc hay rỡn hí cầu… thể hiện sự tinh nghịch,vui tươi; khi nghê có lông hình xoắn ốc  như trên đầu tượng phật mà người ta gọi là Phật ốc, Bụt ốc thể hiện sức mạnh toàn năng, phi phàm.

Sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú giúp cho những nghệ nhân mặc sức sáng tạo và bộc lộ những khiếu thẩm mỹ đặc sắc. Họ tạo ra một bước ngoặt trong nghệ thuật tạo dáng và kĩ thuật chạm khắc tinh tế mang đậm văn hóa thuần Việt.

Ngay đầu thế kỉ I đến thế kỉ III, hình tượng con nghê xuất hiện trên các chất liệu đồng, lư hương đồng, được đặt trên các bàn thờ lớn của đình chùa, hoặc các nhà thờ họ, thờ tổ của các dòng họ lớn.

Sang đời nhà Lý đã có tượng nghê ở hai nậm rượu. Từ TK XIII - XIV tới thời Chu Đậu (TK XVI - XVII) Nghê có trong bát hương và các bình trầm hương.
Sang đời nhà Lý đã có tượng nghê ở hai nậm rượu. Từ TK XIII – XIV tới thời Chu Đậu (TK XVI – XVII) Nghê có trong bát hương và các bình trầm hương. Ảnh: Pinterest.

Cùng với sự sáng tạo  của các nghệ nhân, cộng với ảnh hưởng của hình tượng Nghê lên văn hóa và nghệ thuật truyền thống, nên xuất hiện rất nhiều những hình ảnh Nghê trên nhiều chất liệu như: Đồng, gỗ chạm trổ khá tinh xảo cho đến các sản phẩm gốm tráng men các màu.

Ảnh: Pinterest.

Sau này người ta sử dụng Nghê đá đứng chầu hai bên cùng hai cây hương thì nghệ thuật chạm khắc Nghê trên đá lại phát triển như công trình tại đền lăng của đại quan Vũ Vĩnh Tiến thời hậu Lê, xây năm 1660, tại Phù Mỹ – Đô Lương – Ân Thi.

Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, sự thay đổi các thời vương triều Việt Nam, rất nhiều biến cố từ nhà Lý thế kỉ XI tới cuối đời Tây Sơn thế kỉ thứ XVIII mà sự phát triển của kiến trúc đình, chùa, sự giàu có của giới quý tộc, trưởng giả càng đòi hỏi ngày một nhiều những phẩm vật tế tự, sinh hoạt và trưng bày, gắn với  thời thịnh đạt nhất của con Nghê. Thời Pháp thuộc, nhiều học giả Pháp đã chú ý đến con Nghê qua những hình vẽ bằng bút sắt khá thú vị .

Qua đó có thể thấy rằng, con Nghê là một hình tượng được sử dụng rất phổ biến từ những chốn uy nghiêm như lăng tẩm, cung điện, đến đền thờ, khán thờ, tấm chạm, cột, đầu đao đình làng và gắn liền trên các đồ vật như: hoành phi câu đối, đỉnh hương, chân đèn, dấu, ấn, triện, nắp chóe, vật bày thờ, nóc bình vôi hay thậm chí cả trên cái chặn giấy… Đó như một nét đặc biệt mà các nghệ nhận thời xưa muốn gây dựng con Nghê là một biểu tượng thuần Việt.

Ảnh: Tạp chí Kiến Trúc

Nghê khác với hình ảnh Lân trong nhóm tứ linh của văn hóa Trung Quốc xưa.

Con Nghê là linh vật đặc biệt của văn hóa Việt Nam, con Lân thuộc văn hóa Trung Hoa. Về hình dạng, con Lân giống sư tử, đầu có 1 sừng, chân ngựa, mình tròn mập có vảy, đuôi ngắn, miệng ngậm quả cầu, hay ngồi chống chân lên quả cầu. Con Nghê có kỳ mà không có sừng, mình thon nhỏ, dáng thanh, đuôi dài, trông rõ ràng dáng chó. Nhưng dẫu có sự khác biệt về hình dạng nhưng chúng đều có chung tầng ý nghĩa trong sử dụng.

Xét trên hình dạng qua điêu khắc và biểu tượng mà đưa ra nhận định như vậy để phân biệt, tuy nhiên đó mang tính tương đối, vì xét về mặt sinh học, thì người ta không thấy có loài nào trong tự nhiên mà được miêu tả giống như Nghê, đó đó nhiều ý cho rằng đó là hình tượng được mang tính gây dựng biểu tượng trong dân gian.

Ảnh: Thời báo Việt

Vậy nếu Nghê là một linh vật hư cấu sản sinh trong nền văn hóa của người Việt, thì Nghê là sự kết hợp của những con vật nào? đây là câu hỏi có nhiều câu trả lời, nhưng theo sự phỏng đoán của các nhà nghiên cứu lịch sử, thì người Việt xưa kia vốn coi trọng loài chó, họ coi đó là con vật thiêng hóa từ lâu đời. Chó được tạc thành tượng đặt ở cửa, cổng của nhiều công trình kiến trúc gọi là chó đá. Phải chăng đây là hình ảnh nguyên gốc mà dân gian đã xây dựng Nghê  trong nghệ thuật tạo hình dân gian của người Việt?

Do đặc tính hư cấu cộng thêm những truyền miệng từ dân gian, các nghệ nhân đã phát huy tối đa khả năng sáng tạo, hư cấu của mình trong nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ, trên các loại chất liệu khác nhau đã đưa biểu tượng con Nghê trong văn hóa Việt nam lên tầm của một linh vật biểu tượng cho sự đặc sắc trong nghệ thuật, mang tâm hồn thuần Việt.

Ảnh: Thời báo Việt

Hình ảnh con Nghê được gây dựng làm biểu tượng văn hóa nghệ thuật Việt cổ chính là một sự sáng tạo tuyệt vời mà cha ông ta trong quá trình tiếp thu và cải biến để tạo thành những nét riêng trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Nó là kết quả của quá trình sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân Việt cổ. Đây là lí do mà con Nghê trở nên gần gũi mà sống động với vô vàn hình dáng khác nhau, vô vàn kiểu thức khác nhau, khiến cho ngôn ngữ tạo hình của linh vật này trở lên phong phú đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết: “Con Nghê, hình ảnh độc đáo thuần Việt trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam?” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||149278959__