Đại Kỷ Nguyên

Khám phá truyền thuyết Moses rẽ nước Biển Đỏ qua những bức họa nổi tiếng

Bị Pharaon dồn đến bước đường cùng, những người Do Thái đã nghĩ rằng họ sẽ phải lựa chọn chết trong tay quân Ai Cập hay làm mồi cho cá. Nhưng Moses đã lại một lần nữa cho những người đi theo ông được chứng kiến một Thần tích huy hoàng.

Trong một thời kỳ xa xưa, những người Do Thái đã sinh sống hòa bình với người Ai Cập tại xứ Goshen, phía đông sông Nile. Tuy nhiên, dân Ai Cập đã dần trở nên thù địch người Do Thái, biến họ thành những nô lệ và đối xử với họ vô cùng hà khắc. Rồi đến một ngày nọ, vị Pharaon Ai Cập nhận được lời tiên tri rằng có một đứa bé sơ sinh sẽ trở thành người dẫn đường vĩ đại và trả lại tự do cho dân tộc Do Thái.

Bức “Hl. Moses”, 1638, mô tả nhà tiên tri Moses, người đã dẫn dắt dân tộc Do Thái thoát khỏi cảnh nô lệ (Họa sĩ: José de Ribera, Museo Nazionale di San Martino)

Lo sợ người Do Thái sẽ vùng dậy lật đổ ngai vàng, Pharaon đã ra lệnh dìm tất cả những đứa bé mới sinh xuống dòng sông Nile. Tuy nhiên có một đứa trẻ trốn thoát số phận nghiệt ngã đó… Sinh hạ một đứa con trai, người phụ nữ Do Thái Jochebed đã tìm cách giấu đứa trẻ trong ba tháng. Khi biết không thể tiếp tục bảo vệ đứa bé lâu hơn nữa, bà đã đặt em vào một cái nôi và thả nó trôi theo dòng sông Nile.

Bức “Baby Moses rescued from the Nile”, 1638, mô tả cảnh Moses được cứu khỏi dòng sông Nile (Họa sĩ: Nicolas Poussin)

Miriam, chị của cậu bé, đã dõi theo canh chừng chiếc thuyền con này cho đến khi nó trôi giạt vào nơi công chúa Ai Cập Thermuthis đang tắm cùng các nữ tì. Thấy một đứa trẻ nằm trong nôi, công chúa đã ra lệnh cho thuộc hạ cứu sống nó. Nhân cơ hội này, Miriam đã tìm đến cầu xin được chăm sóc đứa trẻ. Thế rồi, bà Jochebed lại trở thành vú nuôi của chính con mình. Công chúa Thermuthis đặt tên đứa bé là Moses, với hàm nghĩa là được “cứu khỏi nước”. Moses trở thành một thành viên của hoàng gia Ai Cập, nhưng ông cũng không quên thân thế thực sự của mình.

Bức “Moses and the Daughters of Jethro”, 1660-1689, mô tả cảnh Moses bảo vệ cho những thiếu nữ chăn cừu (Họa sĩ: Ciro Ferri)

Khi đã trưởng thành, Moses dần dần nhận biết được số phận nô lệ cùng cực của người dân Do Thái. Một lần, khi chứng kiến quản nô Ai Cập đánh đập một nô lệ dã man, Moses đã không thể nhịn được mà giết hại người quản nô rồi vùi xác anh ta vào trong cát. Mặc dù vậy, Moses vẫn bị người nô lệ đe dọa tố cáo. Sợ rằng sẽ bị Pharaon xử tội, Moses vội vàng trốn khỏi hoàng cung và lưu lạc tới bán đảo Sinai. Tại đây, trong khi dừng chân bên một giếng nước, Moses đã bênh vực bảy cô gái chăn cừu khỏi một nhóm người hung bạo. Cha của các cô gái, một thầy tư tế xứ Midian tên Jethro, đã tiếp đãi Moses và gả con gái mình là Zipporah cho ông.

Bức “Burning bush”, thế kỷ 17, mô tả cảnh Moses nghe được lời của Chúa Trời phán bảo (Họa sĩ: Sébastien Bourdon, Wikimedia)

Moses sống ở Midian trong bốn mươi năm trời đằng đẵng và được nàng Zipporah sinh hạ cho một đứa con trai đặt tên là Gershom. Vào một ngày, khi dẫn bầy cừu lên núi Horeb, Moses đã nhìn thấy một bụi gai đang bốc cháy nhưng không lụi tàn. Tò mò, ông đến gần để quan sát kỹ hơn. Và tại đây, ông đã nghe được lời của Chúa Trời phán bảo. Moses có nhiệm vụ dẫn đường cho người Do Thái tới một miền Đất Hứa và ông cũng được ban cho rất nhiều quyền năng kỳ lạ.

Bức “Moses Striking the Rock”, 1525-1557, mô tả cảnh Moses sử dụng phép lạ tìm ra nguồn nước (Họa sĩ: Bacchiacca)

Trở lại Ai Cập, Moses ra mắt các trưởng lão Do Thái, và thuyết phục được họ đi theo sự chỉ dẫn của mình. Sau đó, Moses cầu kiến Pharaon, xin nhà vua cho phép người Do Thái được ra khỏi thành đi tìm miền đất mới theo thông điệp của Chúa Trời. Tuy nhiên, Pharaon không những không đáp ứng yêu cầu đó mà còn bắt các nô lệ phải lao dịch nặng nhọc hơn.

Bức “Moses Shown the Promised Land”, 1801, mô tả cảnh Moses được các Thiên Thần chỉ đường tới miền Đất Hứa (Họa sĩ: Benjamin West)

Moses đã cố gắng thuyết phục Pharaon bằng nhiều phép lạ khác nhau, như biến cây gậy ông cầm thành rắn, biến dòng sông Nile thành biển máu, và diệt trừ nạn ếch nhái đang hoành hành tại Ai Cập. Tuy nhiên, Pharaon vẫn kiên quyết không thay đổi ý định của mình. Cũng chính vì thế, nhiều thảm họa đã liên tiếp giáng xuống Ai Cập: dịch muỗi, ruồi mòng, châu chấu, dịch lệ tiêu diệt hết súc vật, dịch ghẻ, mưa đá, sấm sét, v.v. Cuối cùng, chỉ sau khi tai nạn thứ 10 ập đến với lời răn nặng nề: “Hết thảy con trưởng nam trong xứ Ai Cập đều chết, từ thái tử của Pharaon ngồi trên ngai, cho đến con cả của người tôi đòi ở sau cối xay,” Pharaon mới đồng ý nhượng bộ cho người Do Thái được tự do theo bước Moses.

Bức “Moses leading Israelites in the Red Sea” trong một nhà thờ tại Bergamo, Ý

Moses dẫn dắt dân chúng đi về hướng Đông, khởi đầu một cuộc hành trình dài tiến vào Canaan. Đoàn người di chuyển chậm chạp, và phải cắm trại hai lần trước khi vượt qua biên giới Ai Cập để đến bên bờ Biển Đỏ. Nhưng vào lúc này, Pharaon đột nhiên đổi ý. Ông ta tập hợp binh lính để đuổi theo những kẻ nô lệ vừa được phóng thích. Mọi người khiếp đảm khi ở trước mặt họ là biển lớn, và sau lưng họ là đoàn quân Ai Cập hùng hậu. Nhưng Moses đã lại một lần nữa cho những người đi theo ông được chứng kiến một Thần tích huy hoàng.

Bức “Crossing of the Red Sea”, 1634, mô tả cảnh người Do Thái bình yên vượt qua Biển Đỏ (Họa sĩ: Nicolas Poussin)

Giương cao cây gậy của mình và cầu xin Chúa Trời hiển linh, Moses đã làm cho Biển Đỏ rẽ sang hai bên, mở lối cho người Do Thái đi qua. Và khi người Ai Cập đuổi tới, nước Biển Đỏ lại đột nhiên phủ đầy trở lại, và chôn vùi đạo quân hùng hậu…

Bức “The Crossing of the Red Sea”, 1481, mô tả cảnh đội quân đuổi theo Moses chìm trong biển đỏ (Họa sĩ: Biagio d’Antonio)

Moses được xem như một nhà tiên tri quan trọng trong cả ba tín ngưỡng lớn là Kitô giáo, Do Thái giáo, và Hồi giáo. Theo đó, ông là người đã tiếp nhận và phổ biến “mười điều răn” của Chúa Trời như những tiêu chuẩn đạo đức quan trọng nhất. Trong đó, ngoài những yêu cầu về mặt tín ngưỡng, con người cũng phải hiếu thảo với cha mẹ, không được giết người, không được ngoại tình, không được trộm cướp, không được dối trá, và không được thèm muốn bất cứ thứ gì mà người khác có được.

(Bài viết dựa trên truyền thuyết về Moses của Kitô giáo)

Quang Minh

Xem thêm:

Exit mobile version