Ngày Xuân nào có thể thiếu mai, đào. Những cánh hoa chúm chím báo Xuân sang. Nhưng mà nghề chơi cũng lắm công phu. Gặp khách tri kỷ đến nhà có thể ngồi cả ngày bên ấm trà để nói về cây, về đời và về Đạo. Đó là sự giao cảm tinh thần rất thi vị của văn nhân tài tử, phong lưu tiêu sái thời xưa mà ngày nay đã trở nên vắng bóng.

Bài viết về hoa mai này người viết tặng cho người sành chơi và các tâm hồn đồng điệu. Dù cuộc sống có quay cuồng đến mấy, thì tinh thần ung dung tĩnh tại này cũng không thể mất…

Tiếp theo Phần 1

Bách hoa khôi: Hoa mai ngay thẳng, rộng lượng, hiểu biết là hoa khôi trong trăm loại hoa

Mai được tôn lên địa vị bách hoa khôi, là hoa khôi trong trăm loại hoa. Mai được gộp chung với tùng và trúc thành bộ “tam hữu”. Sách Luận ngữ viết: “Ích giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn” tức là trong giao du thì nên chọn 3 hạng bạn có ích gồm: ngay thẳng, rộng lượng, và hiểu biết nhiều.

Ngoài việc nở sớm nhất báo xuân sang, Nhất Chi Mai còn có một đặc tính rất quý là tái nở hoa vào tháng hai (âm lịch), sau khi tàn đợt nở đón xuân. Đúng lúc xuân tàn, thiên hạ đã hết hoa rồi, thì Nhất Chi Mai lại nở lần nữa, mà đây mới là chính vụ, quả là một sự cống hiến không mệt mỏi cho đời. Vì thế, Mãn Giác Thiền Sư, một cao tăng đời Lý có bài Cáo Tật Thị Chúng:

Xuân khứ bách hoa lạc.
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Dịch nghĩa:
Xuân qua, trăm hoa rụng.
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi.
Trên đầu già đến rồi.
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết.
Đêm qua, sân trước một cành mai

(Ngô Tất Tố dịch)

Phong vị Đạo Pháp của bậc chân tu đọng lại ở hai câu cuối:
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”

(Đừng bảo Xuân tàn, hoa rụng hết
Đêm qua sân trước, một nhành mai”)

Nhất Chi Mai

Thật là một áng thơ trác tuyệt. Đúng tinh thần của cổ thi, mượn cảnh mà tả tình. Phép tắc của thơ cổ là: “Lời kỵ thẳng, ý kỵ nông, mạch kỵ lộ, vị kỵ ngắn”. Hai câu này vừa chỉnh, vừa đúng phép tắc, lại vừa có cái ngộ cao vời của bậc chân tu. Hai câu là hai hình ảnh đối lập nhau: câu trên là hình ảnh mùa Xuân sôi nổi bừng bừng sức sống đã đi qua và trăm hoa đã úa tàn không còn khoe sắc hương rực rỡ nữa.

Câu dưới là hình ảnh sân đình vắng lặng trong đêm thâu u tịch làm nền cho nhành mai (hay cây hoa Nhất chi Mai) trắng muốt thơm ngan ngát trong cái đẹp tĩnh lặng đến sững sờ.

Mùa Xuân đây là mùa Xuân của đất trời hay mùa Xuân của đời người?

Tuổi trẻ cũng như mùa Xuân đến với trăm hoa khoe sắc, lộc lá xanh mơn mởn và chim chóc rộn rã hát ca, hương bay ngào ngạt. Lòng người ta còn phơi phới hy vọng và mong ước. Nhưng khi tuổi trẻ qua đi thì người ta còn lại gì?

Có phải là đã hết tất cả những màu sắc, hương thơm và âm điệu đó hay không? Có phải là đời hết ý nghĩa hay không?

Không phải, đấy mới là lúc con người gạt bỏ hết phù hoa, đi vào tĩnh lặng để ngộ ra cái nhành mai, loài hoa trân quý nhất, trong trắng nhất, thuần khiết nhất đã nảy nở trong tâm hồn mình…trong một khoảng không gian tĩnh tại là sân đình.

Đó mới bắt đầu cho mùa Xuân thực sự của sinh mệnh

Mai ấy, chỉ là mai thôi sao? Nó mang tính biểu tượng.
Nghe nói sau khi ngâm bài này, Mãn Giác thiền sư viên tịch.
Hoa mai trắng, một loài cây sinh trưởng ở phương Bắc, nơi có nhiều tuyết. Màu trắng thuần khiết của mai hay được so sánh với tuyết. Tuyết trắng, là màu của mùa đông, giá lạnh, khó khăn và khổ ải. Mai trắng lại là màu của mùa Xuân, của hy vọng. Thế nên khi chúng hoán đổi vô thường, cũng để lại bao cảm khái trong lòng nhà thơ Trương Duyệt trong bài U Châu Tân Tuế Tác:

Khứ tuế Kinh Nam mai tự tuyết.
Kim niên Kế Bắc tuyết như mai.
Cộng ta nhân sự vô thường định.
Thả hỉ niên hoa khứ phục lai…(trích)

Dịch nghĩa:

Kinh Nam năm ngoái mai như tuyết.
Kế Bắc giờ đây tuyết tựa mai.
Buồn nỗi việc người thay đổi mãi.
Mừng thay xuân mới trở xoay hoài…

(Ảnh: Pinterest.com)

Hay như bài Mai Hoa của con người tài hoa nhất đời Tống: Tô Thức (Tô Đông Pha):

Xuân lai u cốc thuỷ sàn sàn,
Đích lạc mai hoa thảo cúc gian.
Nhất dạ đông phong xuy thạch liệt,
Bán tuỳ phi tuyết độ quan san.

Dịch nghĩa:

Xuân về góc núi suối reo.
Hoa mai rơi rụng bên đèo cỏ gai.
Gió xuân thổi dạt đá phai.
Hoa theo tuyết trắng bay dài ải quan.

(Bản dịch của Phan Lang)

Hoa mai đứng một mình nơi góc núi, ngang đèo như người hoa khôi ở nơi cô tịch, khi nở cũng âm thầm, khi rụng cũng lặng lẽ. Xác hoa vẫn theo gió núi cuốn bay tung cùng tuyết trắng mà báo xuân sang cho người lính gác nơi quan ải.

(Ảnh: pinterest.com)

Người yêu mai trong văn học, không ai không biết Lâm Bô, tức Lâm Hòa Tĩnh (967-1028), đời Tống. Ông cũng là một hạng người tài trí khác thường, nhưng ghét danh lợi, không bon chen để nhuốm mùi tục lụy nên lui về ở ẩn trên núi Cô Sơn, xem mai là vợ, hạc là con. (Cô Sơn Mai Trang, một địa danh nổi tiếng trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, ở thành Hàng Châu đất Giang Nam, là nơi phong cảnh hữu tình). Ông là tác giả của bài Sơn Viên Tiểu Mai nổi tiếng:

Chúng phương dao lạc độc huyên nghiên,
Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên.
Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển,
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn.
Sương cầm dục há tiên thâu nhãn,
Phấn điệp như tri hợp đoạn hồn.
Hạnh hữu vi ngâm khả tương hiệp,
Bất tu đàn bản cộng kim tôn.

Dịch nghĩa:

Trăm hoa đều rụng chỉ mai còn
Khoe sắc trước gió chiếm vườn con
Bóng thưa nghiêng xuống soi làn nước
Hương tỏa ngào ngạt trăng hoàng hôn
Chim sẻ trộm nhìn ưa sà xuống
Bướm biết mai xinh sẽ đoạn hồn
May có lời ngâm bao gần gũi
Đâu cần phách gõ chén rượu nồng.

Thật là đẹp như một bức tranh thủy mặc. Có mảnh vườn con của thi nhân, có trăng, có gió, có nước, có chim, có bướm, đều làm nền cho sắc mai, dáng mai và hương mai. Thật đúng là bách hoa khôi làm cho thiên nhiên ngơ ngẩn.

Thời gian qua đi, trăm hoa đều hết, chỉ còn lại mai mà thôi vì chân giá trị sẽ còn lại với thời gian. Và thi nhân không rõ ngồi đâu đang say mê chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mai rồi ngâm nga chút vần điệu, đâu cần đàn ca sáo nhị và chén rượu nồng để giúp vui.

(Ảnh: Baidu.com)

Đến nhành mai nở trong lòng

Đời Tống có nữ Tỳ Kheo họ Lưu, người Khúc Giang. Bà là người có tâm cầu Đạo. Vì muốn tìm kiếm ý nghĩa của sinh mệnh, tìm ra chân lý của đời người, bà đã xuôi ngược Nam Bắc, đi khắp nơi để cầu Đạo, mong kiến tính thành Phật. Nhưng đi khắp đường xa dặm thẳm, trải bao dãi dầu sương gió lẫn khổ nạn của kiếp người, bà vẫn không được như ý.

Cuối cùng, bà đành quay trở về quê nhà. Lúc ấy đang vào độ Xuân. Bà ngẩng đầu lên bất chợt nhìn thấy hoa mai đã nở rộ. Ngay lúc đó, bà đạt đại ngộ. Bà đã viết bài thơ Ngộ Đạo Thi:

Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân,
Mang hài đạp biến lũng đầu vân.
Quy lai tiếu niễm mai hoa khứu,
Xuân tại chi đầu dĩ thập phân.

Dịch nghĩa:
Chẳng gặp nàng xuân, kiếm cả ngày,
Giày gai dạo nát đỉnh ngàn mây.
Quay về mai nở, hương thơm ngát,
Xuân đã mười phần trên nhánh cây.

(Bản dịch của mailang)

(Ảnh: WordPress.com)

Mùa xuân vĩnh viễn ở trong lòng thi nhân

Cả cuộc đời ta cứ bôn ba đôn đáo kiếm tìm ý nghĩa của cuộc sống, đi khắp núi Nam bể Bắc, nát bao nhiêu đôi giày dưới chân mà ý nghĩa, hạnh phúc thực sự của cuộc đời ta vẫn mơ mơ hồ hồ không hiểu được.

Đến một ngày chân chồn gối mỏi, mái tóc pha sương, tâm truy cầu đã buông bỏ thì mới sực tỉnh nhận ra mùa Xuân vĩnh viễn đã thực sự ở trong lòng mình như trước nay vẫn vậy. Cần gì phải vất vả tìm kiếm ở đâu. Vậy mà bao lâu nay mình không nhận thấy.

Mùa Xuân ấy chỉ có thể hướng nội mà tìm, không thể vọng ngoại để cầu. Phật chính tại tâm chứ ở đâu mà tìm. Trước cảnh mai đầu xuân xóm núi ấy, thi nhân mới ngộ ra nhành mai của Khai ngộ trong lòng mình đang nở hương thơm ngát. Chỉ là mượn cảnh để tả tình mà thôi.

Cũng giống như mai, hiên ngang trước giá rét, sương sa, chịu bao thử thách của thời tiết đến khi lá cây rụng gần hết, trơ ra cành nhánh khẳng khiu thì lúc ấy những nụ hoa tuyệt đẹp mới khai nở.

Người tu Đạo cũng vậy, khổ nạn là bạn đường, nhọc cái thân xác khổ cái tâm trí, hết thử thách này đến thử thách khác. Họ phải va chạm ma sát nơi trần thế giữa người với người để rèn giũa tâm tính, phải buông bỏ hết chấp trước giống như những chiếc lá mai lìa cành thì mới có một ngày những nụ mai tuyệt đẹp trong tâm bừng nở nơi mùa Xuân vĩnh cửu.

Và đó là một cảnh tượng đẹp vĩ đại không thể nghĩ bàn mà bất cứ lạc thú trần ai nào cũng không thể so sánh được. Đó là lúc “Xuân ở đầu cành đã mười phần” vậy. Còn gì đẹp hơn mai, đẹp hơn Đạo tâm nữa.
Nói về mai thì còn nhiều lắm, nhưng ngày Xuân ngắn ngủi. Người viết chỉ lạm bàn vậy thôi để bạn đọc còn dạo phố ngắm mai, đào. Hy vọng người viết gây thêm cho bạn đọc chút cảm hứng với mai trắng, chúa của các loài hoa. Từ nhành mai của thiên nhiên đến nhành mai trong tâm hồn là một quá trình. Nhưng Lão Tử viết: “thiên lý hành trình, thủy vu túc hạ”, nghĩa là “hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Cứ phải bắt đầu đi rồi sẽ đến. Chúc bạn đọc tìm thấy nhành Nhất Chi Mai trong lòng mình.

Uông Tuấn Phong